Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Bánh rậm quê nhà

TTO - Trong những món ăn hồi ở quê mẹ vẫn làm cho cả gia đình, bánh rậm có lẽ là thứ quà gần gũi nhất với tôi. Hương vị của loại bánh dân dã ấy xuất hiện trong bữa cơm ngày thường, ngày rằm hay cả dịp giỗ tết. Cũng vì thế, bánh rậm đã trở thành nỗi nhớ quê hương của đứa con xa quê lâu ngày.
Chiếc bánh rậm có hình lăng trụ vuông vắn - Ảnh: Phan Thanh

Ngày nào cũng vậy, sau mỗi giờ làm, len giữa dòng người tất bật chốn thị đô, tôi hối hả bước chân trở về ngôi nhà quen thuộc của mình thật nhanh chóng.
Chiều thứ sáu, để khác ngày thường, tôi dừng xe bên góc quán nhỏ của cô chủ bán bánh “đặc sản Hưng Yên”. Quán cóc này ngay cạnh cổng phụ ký túc xá trường cũ, nơi hồi còn là sinh viên tôi và lũ bạn cùng phòng vẫn thường lui tới mỗi khi muốn tìm về hương - vị - quê - nhà. Với tụi sinh viên nghèo thuở ấy, góc quán nhỏ này lâu ngày dần trở thành địa chỉ quen thuộc mỗi buổi sớm, chiều tà.
Có lẽ vì trong cả thành phố rộng lớn này không đâu bán nhiều món bánh ngon mà lại rẻ đến như thế, mà lại toàn đặc sản của miền đất quê tôi. Từ món cơm nắm muối vừng, bánh đúc, bánh giầy, bánh tẻ… tất cả được cô chủ quán bày trên tấm sàng làm bằng tre lót đầy lá chuối xanh, nhìn thật hấp dẫn! Lũ sinh viên trong ký túc xá nhiều đứa cũng quen mặt cô chủ và “ghiền” những món bánh này bất kể mùa nóng mùa lạnh.
Trong số các “đặc sản đất phố Hiến” của quán nhỏ ấy, tôi thích bánh rậm nhất. Bánh rậm (có người gọi là bánh rợm) là món bánh truyền thống của nhiều địa phương quê tôi, thường làm vào mỗi dịp ngày rằm, ngày lễ tết. 
Được biết cô chủ cũng là người Hưng Yên lên thành phố làm ăn buôn bán. Vì thế thứ bánh rậm của cô rất giống với hương bánh ngày nhỏ tôi vẫn được thưởng thức từ chính tay mẹ làm. Từ ngày lên đại học rồi ở lại thành phố làm việc, thật hiếm khi tôi được về nhà mỗi dịp ngày rằm, ngày lễ để thưởng thức món bánh tuyệt vời này.
Món bánh rậm có hương vị thơm, nhẹ nhàng chứ không như các loại bánh nếp, bánh rán… Từ lá bánh, vỏ bánh, nhân bánh, đến cách luộc, cách thưởng thức bánh đều gần gũi với những người vùng thôn quê đồng bằng Bắc bộ.
Ở quê tôi, các nguyên liệu làm bánh rậm phần lớn mỗi nhà đều có sẵn. Đó là gạo nếp, lá chuối, đậu xanh và một vài thức làm nhân bánh.
Kinh nghiệm của mẹ tôi là chọn lá chuối tây (cây chuối cao, lá rộng) thì bánh khi luộc mới trắng trong và lá không bị dính vào bột. Muốn lá chuối dai, dễ gói, mẹ thường hơ lá qua lửa hoặc phơi dưới nắng chừng một buổi chiều.
Bánh rậm có hương vị man mát của dừa tươi, vị bùi của đậu xanh và béo ngậy của gạo nếp Ảnh: Phan Thanh

Thuở nhỏ, mỗi khi nhà làm bánh rậm, mấy chị em tôi lại theo mẹ đi xay bột gạo. Thường thường người quê tôi vẫn xay bột ướt (gạo ngâm nước qua một đêm rồi đem đi xay), nhưng cũng có thể xay khô rồi trộn nước sau đều được.
Hầu như mọi công đoạn của việc làm bánh rậm tụi nhỏ chúng tôi đều có thể tham gia. Tôi nhớ những buổi chiều cả nhà ngồi quanh mâm bột, lá và gói bánh trong những tiếng trêu đùa của bố mẹ, ông bà. Rồi khi luộc bánh bằng bếp củi, lũ trẻ con thường háo hức và nhiệt tình chăm nom bếp nhất…
Mẹ nói “tiêu chuẩn” của bà tôi chiếc bánh rậm đạt phải được gói với hình lăng trụ vuông vắn các cạnh, khi bóc bánh bột và lá không dính vào nhau. Bánh rậm có hương vị man mát của dừa tươi, vị bùi của đậu xanh và béo ngậy của gạo nếp cùng các gia vị khác từ nhân bánh…
Trước đây cứ mỗi dịp ngày rằm, ngày giỗ hay lễ tết, từng ngõ xóm quê tôi lại nhộn nhịp người người đi xay bột gói bánh rậm. Nhưng gần đây người ta có thể mua bánh này ngoài chợ bất cứ ngày nào trong năm. Cũng vì thế mà đến mỗi dịp đặc biệt, người làng không còn mặn mà với việc gói bánh rậm nữa.
Một chiều mùa đông, tự nhiên thấy thèm vị dẻo thơm của món bánh rậm… Và bỗng thèm được trở về quê nhà!
PHAN THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét