Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Chuyện một vị hoàng hậu cầm quân ra trận

Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế, trong lịch sử không chỉ an phận nơi hậu cung mà cũng cầm quân ra trận xông pha hiểm nguy nơi trận mạc làm nên tiếng thơm muôn đời.
Sử nước ta còn lưu tiếng thơm về Nguyên phi Ỷ Lan dưới triều Lý đã thay vua trị nước khi nhà vua ra trận bình định Chiêm Thành. Nhưng trước Ỷ Lan, đã có một vị hoàng hậu không chỉ an phận nơi hậu cung, mà cũng cầm quân ra trận xông pha hiểm nguy nơi trận mạc - đó là Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế, đồng thời là thành hoàng được dân làng Hòa Mục (Cầu Giấy, Hà Nội) thờ tự kính cẩn từ nhiều đời nay.

Theo thần tích được ghi trong tư liệu lịch sử của đình làng Hòa Mục, bà Phạm Thị Uyển là con gái đầu trong một gia đình ở quận Nam Xương. Cha là ông Phạm Huyên, hiệu là Minh Dực, mẹ là Phùng Thị Thảo hiệu Diệu Hoa. Gia đình Phạm Công ăn ở phúc đức mà muộn đường con cái nên ông bà ngày đêm đến chùa cầu cúng. Một ngày kia ông bà được báo mộng có người nối dõi. Từ đấy, bà mang thai và đồng sinh một gái, hai trai. Phạm Thị Uyển là chị cả, dưới còn Phạm Miện và Phạm Huy. Hai người em bà sau này đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng.
Năm 18 tuổi Phạm Thị Uyển lấy Mai Thúc Loan. Khi Mai Thúc Loan khởi nghĩa thắng lợi lên ngôi hoàng đế, bà trở thành hoàng hậu. Quân Đường thua trận nhưng không chịu bỏ mộng xâm lăng. Bởi vậy, nhà Đường sai Dương Tư Húc mang 10 vạn quân sang đánh. Thế giặc mạnh làm cho đội quân gồm những nông dân khởi nghĩa phải lui dần rồi bị tan vỡ.
Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch. Bấy giờ sông Tô còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn. Xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục) thì được nhân dân lén vớt lên chôn cất, rồi lập đền thờ. Đó chính là đền Dục Anh ngày nay nằm trên đường . Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa.



 Đền Dục Anh bên sông Tô Lịch là nơi thờ nữ tướng - hoàng hậu Phạm Thị Uyển

7 thế kỷ sau, vào thời nghĩa quân Lam Sơn tiến lên tổng công kích quân Minh, một lần Lê Lợi nghỉ đêm ở miếu Dục Anh được thần báo mộng sẽ âm phù cho quân khởi nghĩa diệt giặc. Vậy là mối thù hơn 7 thế kỷ trước của bà đã có dịp trả khi bà phù giúp Bình Định Vương Lê Lợi đánh tan giặc phương Bắc. Cũng nhờ đó, sau này khi lên ngôi vua, Lê Lợi đã sắc phong cho bà là Khiêm Sung đại vương.
Ngày nay, Khiêm Sung đại vương được thờ ở đền Dục Anh, nơi xác bà trôi về sau khi tuẫn tiết và đình làng Hòa Mục. Hơn ngàn năm qua, nhân dân vẫn kính cẩn thờ tự người nữ anh hùng. Trước khi triều Lê phong cho bà là Khiêm Sung đại vương thì từ thế kỷ 8, dân địa phương đã lén lập miếu thờ bà ngay tại nơi xác bà trôi về. Trong tâm chí người dân, vị hoàng hậu dũng cảm đã là một vị thành hoàng che chở cho dân làng từ lâu.
Tiếp bước Bà Trưng, Bà Triệu, hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã làm cho lịch sử phải nhìn nhận lại vai trò của người phụ nữ. Bà là một điển hình tiêu biểu cho bản sắc Việt Nam nói chung, bản sắc người phụ nữ nói riêng. Nếu như sinh thời nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nói: “dân tộc ta có tướng giỏi cầm quân và người phụ nữ là đáng để nói với thiên hạ” thì ở trong một hình tượng hoàng hậu Phạm Thị Uyển dường như có sự tích hợp cả hai cái đó. Là hoàng hậu “mẫu nghi thiên hạ” nhưng bà cũng là một dũng tướng dám anh dũng hi sinh ngay giữa trận tiền để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.
 (Theo ĐấtViệt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét