Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Ngược xuôi Hồng Hà

TTO - Nói đến Hà Nội, không ai lại không biết sông Hồng. Và những tưởng trên những vùng đất mà con sông huyền thoại ấy chảy qua như làng gốm Bát Tràng, đền Dầm, đền Chử Đồng Tử… đã thuộc như lòng bàn tay thì chuyến du ngoạn trên sông đã đem đến cho tôi cảm giác vừa quen vừa lạ.
Toàn cảnh đền Dầm, điểm đến đầu tiên của hành trình du ngoạn sông Hồng - Ảnh: Tiến Thành

Lạ từ việc chọn đúng ngày Hà Nội đang rét đậm và phương tiện đi lại là tàu thủy. 7g30 sáng, cả nhóm tập trung tại bến tàu du lịch trên sông Hồng (nằm cuối phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm), nơi gắn liền với những chiến công của quân dân nhà Trần năm xưa.
Trời lạnh. Dù ai cũng áo ấm, nhưng gió sông Hồng vẫn thổi phần phật trên những khuôn mặt nhợt nhạt vì rét.
8g. Con tàu Thăng Long số 18 (chuyên chở 150 khách) bắt đầu rời bến. Tiếng còi, tiếng động cơ nổ phành phạch. Theo lịch trình, tàu sẽ dừng ở đền Dầm, đền Đại Lộ (Thường Tín, Hà Tây cũ), đền Chử Đồng Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) và cuối cùng sẽ ghé làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm) để khách có thể mua đồ lưu niệm...
Một sự sắp xếp khá hợp lý, kết hợp đủ loại hình du lịch tâm linh, làng nghề và du lịch sông nước.
Miếu Cô ở đền Dầm nằm giữa ao nước và cây cối xanh mát - Ảnh: Tiến Thành

Lần đầu tiên được du ngoạn bằng tàu thủy trên sông Hồng, cảm giác thật thú vị! Tàu hai tầng, tầng một rộng rãi đầy đủ tiện nghi; tầng hai có mái che và một buồng khách sang trọng. Nếu muốn hóng gió hay ngắm nhìn phố xá, tàu bè ngược xuôi trên sông có thể ra ngoài hành lang, boong tàu hay đứng trên tầng hai.
Tàu xuôi theo dòng, lần lượt đi qua cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Trong khoang tàu thơm nức mùi trà, mùi cà phê nóng... Bên ngoài, muôn ngàn lớp sóng và gió vỗ vào mạn tàu...
Tòa thiêu hương ở đền Đa Hòa thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Sa công chúa - Ảnh: Tiến Thành

Đứng trên boong tàu ngắm nhìn sông Hồng, phố xá, còn thấy vị trí đắc địa của phong thủy Hà thành. Sông Hồng chảy theo một đoạn dài từ bắc sang đông, bao bọc lấy Hà Nội. Có lẽ yếu tố địa lý “cận giang” ấy đã trở thành thỏi nam châm hút toàn bộ tinh hoa của làng nghề thủ công ở khắp mọi miền về Hà Nội và tạo ra 36 phố nghề, hay 36 cái duyên của phố Hà Nội.
Sau gần 2 giờ du thuyền, tàu cập bến tại khúc đê của huyện Thanh Trì, cách nơi xuất phát chừng 15km. Đi bộ qua một vườn cam chín, chúng tôi tới đền Dầm, nằm uy nghi dưới cây đa cổ thụ. Ngôi đền 700 năm tuổi khá rộng với những mái kèo, mái cột còn in bụi thời gian.
Bờ đê làng Bát Tràng cao vút, lồng lộng như đỉnh núi - Ảnh: Tiến Thành

Theo anh Trần Quốc Hùng, hướng dẫn viên du lịch, đền Dầm thờ Mẫu Thủy là một trong ba thánh mẫu của văn hóa tâm linh Việt Nam. Ngôi đền gắn liền với truyền thuyết “Hoàng Long công chúa bị đày vì làm vỡ chén ngọc, được chàng Liễu Nghị giải oan. Để trả ơn, nàng đã hiện lên báo mộng giúp Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc ngoại xâm”.
Cách đền Dầm không xa là đền thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, gắn liền với chiến công đánh tan 10 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan và Ô Mã Nhi cầm đầu. Lối vào đền là một lá cờ khổng lồ với hàng chục cây xà cừ cao lênh khênh, gợi nên hào khí Đông A thuở nào.
Một con thuyền xuôi trên sông Hồng - Ảnh: Tiến Thành

Ấn tượng hơn cả là đền Chử Đồng Tử (còn gọi là đền Đa Hòa) thuộc vùng Khoái Châu, Hưng Yên. Ngôi đền nằm trên một bờ đê thẳng tắp và cao ráo. Dân gian vẫn gọi là đền thờ tình yêu vì là nơi chắp cánh xe duyên giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
Ngôi đền do tiến sĩ Chu Mạnh Trinh xây dựng năm 1848 và đang được tu sửa. Tòa thiêu hương trong đền nay vẫn giữ được kiến trúc cổ: các đầu đao, nóc mái chạm trổ tinh vi, màu sắc rực rỡ cùng nhiều hình dáng như rồng, phượng, sư tử. Ðặc biệt là pho tượng đức thánh Chử Ðồng Tử và nhị vị phu nhân (Tiên Dung và Tây Sa công chúa) được đúc bằng đồng tuyệt đẹp.
Một xưởng gốm ở làng Bát Tràng - Ảnh: Tiến Thành

12g30, chia tay đền Chử Đồng Tử, chúng tôi ăn trưa và ngược sông Hồng ghé thăm làng gốm Bát Tràng. Trời về chiều xanh trong và hửng nắng. Con tàu lướt nhẹ trên mặt sóng, chẳng mấy chốc đã thấy bờ kè bằng đá cao vút của làng gốm Bát Tràng.
Chào đón mọi người là những chiếc bát, chiếc bình gốm chính hiệu được phơi hai bên đường vào làng. Ghé vào từng xưởng gốm, tận mắt chiêm ngưỡng sự khéo léo, tinh tế của người thợ gốm và có thể tham gia những công đoạn phức tạp làm ra một sản phẩm gốm ai cũng hứng thú.
Du khách tập nặn gốm - Ảnh: Tiến Thành

Với riêng mình, tôi còn hiểu thêm rằng lâu nay người ta vẫn vô tình quên hoặc nhầm lẫn một làng gốm nổi tiếng không kém là làng Kim Lan, nằm ở phía bắc làng cổ Bát Tràng. Làng gốm Bát Tràng chính hiệu phải là sự hợp thành của hai dòng họ làm gốm nổi tiếng là Bồ Bát và Minh Tràng.
15g30, chúng tôi rời làng Bát Tràng. Con tàu trở về bến Chương Dương Độ khi trời đã hoàng hôn. Trong tiếng gió thổi vào bờ, nghe có tiếng thở phào nhẹ nhõm pha chút tiếc nuối…
TIẾN THÀNH
Các gói du lịch trên sông Hồng để khách có thể chọn:

1.  Theo lộ trình từ Hà Nội - đền Dầm - đền Đại Lộ (Hà Tây cũ) - đền Chử Đồng Tử - Bát Tràng
2. Hà Nội - đình Chèm - chùa Bồ Đề - Bát Tràng - Hà Nội
3. Hà Nội - đền Gióng - chùa Kiến Sơ - đền Đô - Hà Nội
4. Hà Nội - Bút Tháp - chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) - Hà Nội
5.  Hà Nội - Văn Miếu - chùa Chuông  (Hưng Yên) - đền Mẫu - đền Thiên Hậu (Hưng Yên)
6.  Hà Nội - đền Chử Đồng Tử - đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam) - Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét