Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Bí ẩn núi Kon Chiêng (Gia Lai)

Mỗi năm một lần, trên đỉnh núi Kon Chiêng lại phát ra một vầng hào quang sáng rực. Dân làng bảo đó là lúc chiêng thần ra phơi... 


Truyền thuyết núi Kon Chiêng
Núi Kon Chiêng (thuộc xã Kon Chiêng) cách thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang hơn 70 km về phía Nam. Và từ lâu, câu chuyện về chiêng thần trên ngọn núi này đã gây biết bao tò mò cho khách thập phương. Trong đời sống tâm linh của đồng bào Bahnar, Kon Chiêng là nơi linh thiêng, bởi đó là nơi trú ngụ của các vị thần linh và bộ chiêng thần.

Trong tiếng Bahnar, “Kon” có nghĩa là núi, “Chiêng” nghĩa là chiêng. Vì thế, núi Kon Chiêng là tên gọi gắn liền với bộ chiêng thần và tên xã cũng bắt nguồn từ đó.
Truyền thuyết núi Kon Chiêng là câu chuyện tình rất cảm động của chàng Prây Tăm- con thần núi và nàng Nưỡyh xinh đẹp- con của vị thần núi Kon Chrã. Prây Tăm có một bộ chiêng thần mà không ai có được. Mỗi khi Prây Tăm đánh chiêng, âm thanh bay xa vang động cả núi rừng, khiến cả dân trong vùng và các thần linh đều say mê. Tuy nhiên, chuyện tình của họ kết thúc bởi lý do không đâu.
Trong một lần đùa giỡn, Nưỡyh hướng cây cung mà Prây Tăm đang cầm trên tay đưa vào ngực mình rồi bảo: “Anh giỏi săn bắn thú rừng, không có con vật nào có thể thoát khỏi mũi tên anh. Vậy, anh hãy thử bắn em có chết không?”. Ngay tức khắc, mũi tên “định mệnh” cắm phập vào tim nàng Nưỡyh. Prây Tăm đưa xác nàng về núi Kon Chrã còn mình trở về núi Kon Chiêng rồi bay lên trời. Nhưng bộ chiêng thần của chàng vẫn còn nằm trên hang núi.
Mỗi năm một lần, bộ chiêng thần tự bay ra khỏi miệng hang núi để phơi, khi đó khắp cả vùng An Khê, Kông Chro và Quy Nhơn đều thấy ánh hào quang tỏa sáng cả vùng trời.
...Và hiện thực về núi Kon Chiêng

"Người biết hát sử thi kể về truyền thuyết núi Kon Chiêng nay đã không còn, may lắm chỉ biết về nội dung câu chuyện do những người lớn tuổi ở trong làng kể lại", thầy Lê Hữu Phong- Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Mang Yang- người đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Bahnar và có một thời gian dài sống ở đây cho biết.

Thầy Phong cho biết, quần thể núi Kon Chiêng gồm 3 ngọn núi: Kon Chrã, Prây Tăm và núi Kon Chiêng. Để đi khắp 3 núi này phải mất một tuần ròng rã. Trước cửa hang, nơi Prây Tăm hàng ngày tập luyện cung tên vẫn còn in dấu chân đạp kéo cung trên tảng đá.
Riêng núi Kon Chiêng, lên tới đỉnh ngọn núi phải mất gần một ngày, rừng ẩm ướt quanh năm, nhiều vắt, còn trên đỉnh là cả túi gió khổng lồ. Núi Kon Chiêng cao đến độ có thể thấy các làng mạc ở huyện Kông Chro. Xung quanh miệng hang núi Kon Chiêng, nơi trú ngụ của chiêng thần là vách đá dựng đứng, cao vút.

Khi chúng tôi hỏi đường đến núi Kon Chiêng, đa phần người dân ở làng Toăk trả lời: “Hỏi để làm gì. Có việc gì không? Về đi, không có chiêng gì đâu!”.

Ông A Ngọc- Phó Chủ tịch HĐND xã Kon Chiêng kể: “Thời chiến tranh chống Pháp ở đây bom đạn ác liệt. Tụi Pháp nhiều lần cho nổ mìn, nổ bom làm sập hang để lấy chiêng nhưng không được. Sau này, thằng Mỹ tìm cách phá núi để lấy chiêng nhưng hơn ba tháng vẫn không lấy được. Giờ miệng hang đã bị sập rồi, không ai vào đó được”.
Ông A Ngọc cho biết thêm, trong 5 xã phía Nam của huyện Mang Yang thì Kon Chiêng là nơi chiến tranh xảy ra ác liệt nhất. Xã Kon Chiêng có tới 208 liệt sĩ và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đem câu chuyện về nhiều người ở làng Toăk đã từng thấy chiêng thật trên núi Kon Chiêng thì được thầy giáo Lê Hữu Phong giải thích: “Những chiếc chiêng đó là do người dân trong làng sợ người Pháp, Mỹ ngày xưa càn quét, lấy đi nên đem lên các hang trên núi giấu cho an toàn. Trong số đó, có người đem được chiêng về, có người bị chết nên chiêng vẫn còn trên núi thôi. Có lẽ những người Pháp, Mỹ nghi ngờ ánh hào quang tỏa sáng cả vùng trời đó là do trong hang có khối đá quý hay kim cương lớn lắm… nên họ muốn phá núi để lấy. Theo tôi, có thể đó là khối thạch anh hay đá quý gì đó”.
Thầy Phong phân giải thêm, một năm trên hang núi Kon Chiêng chỉ phát sáng một lần vào ban đêm, sáng rực cả vùng trời. Có thể, trong một năm chỉ có một ngày có ánh sáng chiếu thẳng vào “chiêng thần” một lần nên có truyền thuyết chiêng ra phơi một ngày duy nhất trong năm.

Bây giờ miệng hang đã bị sập, truyền thuyết về chiêng thần ra phơi hay khối đá quý phát sáng vẫn chưa ai rõ (?). Điều trùng hợp, phía ánh sáng phát ra lại mang tên huyện và núi Kông Chro- có nghĩa là “núi Cầu Vồng”. Đặc biệt, việc người lạ lên núi Kon Chiêng đối với người dân làng như một điều cấm, họ sợ người ngoài lấy mất chiêng thần!

Theo chudu24
Viết Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét