Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Bồng bềnh đảo Cò

352784Đảo Cò là những dải đất hoang sơ nằm giữa lòng hồ An Dương rộng trên 31ha, thuộc xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện, Hải Dương). Đây là nơi cư trú của hàng chục vạn cá thể cò, vạc và nhiều loài chim khác. 
Không biết cái tên đảo Cò xuất hiện tự bao giờ, nhưng ở Chi Lăng Nam vẫn lưu truyền rằng, đầu thế kỷ 15 khu vực này xảy ra đến ba trận đại hồng thủy. Nước sông Luộc (đoạn sông Hồng chảy qua) đã khoét vào đây tạo thành những vụng, vực nước sâu, rồi sinh ra đầm lầy, cồn bãi…

Từ xưa đến nay nước hồ An Dương chưa bao giờ vơi cạn, và người ta tin rằng đáy hồ này thông ra tận biển. Năm 1994, đảo Cò được chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng thành điểm du lịch sinh thái của tỉnh.


352785

Cách Hà Nội khoảng 70km, đảo Cò là địa điểm hấp dẫn trên trục du lịch từ Hà Nội, Hưng Yên đến đảo Cò, Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương), tiếp nữa là Quảng Ninh, Hải Phòng… Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hải Dương, hằng năm đảo Cò thu hút gần 40.000 lượt khách tham quan.

Cò sinh sản vào mùa hạ, diện tích đất trên đảo hiện nay đang quá tải so với mật độ đàn cò, vì thế phần lớn trong số chúng tìm nơi khác sinh sản. Nhưng bắt đầu từ mùa thu, cò lại kéo nhau về quần tụ ngày càng đông.


352786

Theo người dân địa phương, trên đảo có đến chín loại cò: cò trắng, cò lửa, cò hương, cò nghênh, cò ngang, cò ruồi, cò diệc, cò bợ, cò đen và ba loại vạc: vạc xám, vạc xanh, vạc đen.

Mặt hồ An Dương rộng, đáy hồ có nơi sâu đến 25m nên nơi đây còn nhiều loại cá "khủng" sinh sống. Dân nghiện câu thường về đây mướn một chòi lá và ngồi cả ngày. Đã có người câu được con cá trắm nặng trên 20kg.


352789

Đến đảo Cò, thú vị nhất là được chiêm ngưỡng cảnh tượng lúc chiều về và bắt đầu một ngày mới khi cò nhịp cánh bay đi. Nhưng  bạn hãy cứ thử đến đây một lần, bởi không chỉ chiêm ngưỡng bình minh hay hoàng hôn, mà đảo cò còn nhiều điều để khám phá... 


Hồng Bỉnh Hiếu

Về Hải Dương ngắm đảo cò Chi Lăng

.
Đảo Cò nằm giữa lòng hồ An Dương, thuộc địa bàn xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện. Từ lâu Đảo Cò đã trở thành điểm du lịch "độc nhất vô nhị" ở miền Bắc

Đến Đảo Cò vào những ngày đất trời lập đông, ấn tượng đầu tiên là cảm giác choáng ngợp trước một cảnh tượng thiên nhiên hy hữu. Hàng vạn chú cò, vạc đậu san sát trên các ngọn tre, cành cây, trông xa như những cành hoa điểm đầy bông trắng.

"Những bông hoa trắng" tô điểm cho cảnh làng quê

Người dân Chi Lăng Nam vẫn truyền cho nhau nghe về truyền thuyết vùng đất này. Truyện kể rằng vào đầu thế kỷ 15, những trận đại hồng thuỷ đã làm dải đê lớn ven sông Hồng trải qua 3 lần vỡ đê liên tiếp. Đến lần vỡ đê thứ hai thì tạo thành hòn đảo nổi giữa hồ. Rồi "đất lành chim đậu", từng đàn cò, vạc, chim nước đủ loại từ khắp nơi đổ về đây cư trú. Theo nhịp thời gian, cò, vạc sống trên đảo ngày càng đông về số lượng cá thể và đa dạng về thành phần loài. Hiện nay, với diện tích hơn 3.000m2, đảo Cò đã tập trung tới 15.000 con cò và hơn 5.000 con vạc.                                 

Cứ vào mùa gió heo may, khách du lịch lại đến với đảo Cò để được thoả mắt ngắm nhìn những chú cò. Cả một đảo với những chú cò trắng muốt mang đến cho người xem một sự vui thích thực sự. Cò bay về làm tổ từ tháng 9 cho đến tận tháng 4 rồi đi, và những ngày này, khách du lịch càng thích thú hơn khi được ngắm những chú cò con vừa mới sinh ra đời, đôi chân vẫn còn chưa vững khi đứng trên những cành tre mềm mại. Sáng sớm và chiều tối là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của đảo Cò. Đó là lúc cò bay đi kiếm ăn và kéo về tổ để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.

Nhiều loại sâm cầm cùng chung sống trên đảo


Những chú cò bay kín cả mặt hồ, bay kín cả đảo, những chiếc cánh trắng muốt trao lượn tạo nên một khung cảnh thật tuyệt vời nhưng cũng thật hoang dã. Tiếng kêu của chúng vang xa, lúc trầm lúc bổng tạo thành một bản hoà tấu tuyệt vời như để khởi động một ngày mới hoặc kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi 

Du khách đến đảo Cò vào mùa cò về chỉ cần đi một ngày là có thể thăm quan hết đảo. Một chiếc xuồng cỡ nhỏ để không làm náo động không gian sống của cò sẽ chầm chậm đưa du khách đi vòng quanh hồ và ngắm cuộc sống của những chú cò. Nhưng nếu du khách muốn quan sát cuộc sống của cò một cách tỉ mỉ thì hãy ở một đêm bên đảo Cò. Đêm lúc 9-10h tối là lúc cò về nhiều nhất, sự đoàn tụ gia đình cũng bắt đầu từ lúc này cho đến sáng hôm sau. Lúc ấy du khách sẽ có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu cuộc sống của những chú cò trên đảo và sẽ phải ngỡ ngàng vì phát hiện: cùng với cò, vạc, trên đảo còn có vô số loài chim nước khác như: chim chả, bói cá, cuốc, cú mèo. Riêng trong tập đoàn cò, vạc cũng có vô số loài khác nhau. Được biết, hiện hòn đảo tập trung 7 loại cò (cò trắng, cò ruồi, cò nghênh, cò ngang, cò bợ, cò diệc, cò lửa) và 3 loài vạc (vạc lưng xanh, vạc xám, vạc sao).

Bến đậu bình yên của những cánh cò

Dưới tiết trời heo may, được thả mình vào khung cảnh vẫn còn mang đậm vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên thì thật là tuyệt. Đảo Cò thực sự sẽ mang đến cho du khách những khoảng khắc sống cùng thiên nhiên.
Theo tintuchaiduong


Về thăm đảo cò An Dương

.
Du khách khi đến thăm Hải Dương ai cũng muốn một lần được đặt chân lên đảo cò An Dương, một khu du lịch thiên nhiên độc đáo nằm giữa lòng hồ An Dương thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện.
“Vương quốc cò” là một dải đất nổi nằm giữa lòng hồ mênh mông sóng nước. Đảo rộng hơn 3000m2, được phủ kín bởi những rặng tre xanh đứng nghiêng mình bên bờ nước gắn liền với truyền thuyết về một trận đại hồng thủy và ngôi chùa cổ đã chìm sâu dưới vụng xoáy nước hình thành nên hồ An Dương và đảo cò. Nhìn từ xa, cả quần thể đảo nổi lên như một hòn ngọc bích xanh mướt, điểm xuyết những cánh cò trắng chao nghiêng trong ráng chiều lấp lánh. Tất cả không gian toát lên vẻ đẹp hoang sơ hư ảo đến lạ kỳ.

 Một góc đảo cò An Dương (Ảnh: haiduong.gov.vn)
Đảo cò tại Hải Dương được đánh giá là nơi có hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng ở miền Bắc. Đây là chốn cư ngụ của hơn 1,6 vạn con cò, khoảng 5000 con vạc và nhiều loài chim khác như diệc xám, chim chả, bói cá… Du khách đến thăm đảo cò vào mỗi mùa trong năm, mỗi thời điểm trong ngày lại cảm nhận được những nét đẹp độc đáo riêng. Vào mùa thu và mùa đông là mùa cò tập trung về làm tổ, sinh sôi nảy nở. Đây là thời điểm cò về đông nhất trong năm. Du khách đến đây vào những mùa này khi đi thuyền trên mặt hồ có cảm giác trôi bồng bềnh giữa không gian với dày đặc những cánh cò bay liệng kín trên đầu. Vào thời điểm sáng sớm trong ngày, đàn cò đi kiếm ăn sải cánh bay trắng toát cả một khoảng trời hắt bóng xuống mặt hồ xanh ngắt.
Đến thăm đảo cò, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn đắm mình trong khung cảnh nên thơ giữa mênh mông sóng nước. Nếu không có nhiều thời gian, chỉ cần một giờ đồng hồ trên chiếc thuyền máy là có thể đến với những trải nghiệm lạ và thú vị khi chu du trên mặt hồ rộng hơn 31.000ha chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh đảo cò. Khi chiều chạng vạng, du khách ngồi trên thuyền giữa bốn bề sóng nước, buông câu và ngắm ráng chiều đổ dài trên mặt nước lấp loáng bóng cò về tổ trông thật thơ mộng. Đêm đến, khi cò đi kiếm ăn trở về, cũng là lúc những chú vạc bắt đầu ăn đêm. Không gian giao thời ồn ào, nhộn nhịp. Những cánh cò chao liệng rợp trời đáp xuống ngọn tre, những chú vạc vút lên sải cánh đều trên mặt hồ. Tiếng kêu, tiếng đập cánh huyên náo cả một vùng hồ nước. Mặc dù vậy, hoạt động này diễn ra như một trật tự trong cộng đồng đã được hai loài “quy ước ngầm” với nhau.
Nán lại đảo cò trong đêm, tự tay cầm mái chèo, lướt nhẹ con thuyền nhỏ trên mặt hồ sóng sánh ánh trăng, thưởng thức cảnh đêm trên đảo cò thật thi vị. Lúc này, những gia đình cò quần tụ bên nhau đậu kín trên tán cây trông như cây trên đảo được phủ đầy một lớp bông trắng muốt. Không gian vào đêm, bốn bề trở nên im ắng lạ thường. Một vài chú cá búng trên mặt nước loe lóe dưới trăng rồi im bặt. Khi con thuyền chầm chậm rẽ nước cập bờ, du khách vẫn chưa muốn rời xa.
Trần Duy Văn (QĐND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét