Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Chợ hoa Tết Hàng Lược

Hoa nơi Hàng Lược như Hoa Hậu, đào như Đào Nguyên làm hai chàng Lưu Nguyễn ngập ngừng chẳng muốn trần hoàn. Chợ hoa Hàng Lược vào những ngày Giáp Tết càng nở phình ra các mặt phố lân cận: Vườn hoa Vạn Xuân, Hàng Rươi, Hàng Khoai, có khi ra tận cửa chợ Đồng Xuân...
Bên trong cõi không gian linh thiêng của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, người ta đã thống kê được tới hơn năm trăm con phố to có, nhỏ có, cũ có, mới có, mà đặc biệt hơn nữa lại có hơn năm chục con phố quần tụ vào nhau gần như toàn bộ vào một quận Hoàn Kiếm. Chúng giống nhau ở cái mặt cổ kính, ở cái tên bắt đầu bằng chữ “Hàng” và liền sau đó là nghề nghiệp phân định đâu ra đấy: Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Bông, Hàng Trống…



Chợ hoa đào ( tranh lụa Lương Xuân Nhị)

Cái quần thể này giờ đây cũng bị mai một dần. Có khi mất hút vào lãng quên như Hàng Đẫy, Hàng Bột, Hàng Lọng; có khi còn tên nhưng mất nghề như Hàng Khay, Hàng Điếu.

Hàng Lược nằm trong cái tốp này. Ngó lại từ những năm đầu thế kỷ trước, Hàng Lược được các quý ông, quý bà, quý cô lưu tâm, từ cung đình hoàng tộc mũ cao áo dài đài các phong lưu, đến dân áo vải quần vá ống cao ống thấp. Bởi lẽ, con phố này đã sản sinh ra hai mặt hàng hấp dẫn: gương soi và lược chải đầu. Thời đó, du khách có vãng lai qua đây đều nghe thấy tiếng rầm rì của máy mài, tiếng nước róc rách chảy từ thùng to sang thùng nhỏ rửa sạch các mặt hàng vừa mới ra lò, các máy cưa, xẻ từng tấm ngà voi trắng ngần ra thành phôi lược, các máy mài bóng mặt hàng gỗ quý, tre trúc và tiếng đục chạm của các nghệ nhân thuần thục tay nghề mà qua tay họ, dần dần hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp lòng người hâm mộ.

Những tấm gương trong, những chiếc lược ngà, lược gỗ, lược tre trúc cũng lần lượt từ đây lan toả ra khắp cả nước. Nào lược sừng, lược gỗ, lược thưa, lược mau, lược bí. Đặc biệt là lược bí. Đây chính là sản phẩm tượng trưng cho thương hiệu Hàng Lược. Nó chỉ nhỉnh hơn bao thuốc lá vỏ cứng nhưng thật trau truốt và bắt mắt cho đủ mọi tầng lớp cư dân - bản địa và vãng lai. Nó làm từ cật trúc vót nhọn hai đầu cho nhẵn bóng và được kẹp ở giữa bằng miếng ngà voi hoặc đồi mồi rồi ép lại bằng sơn ta, kín khít và đanh chắc, cầm lên tay ta thấy nhẹ tênh nhưng vuốt ngón lên hai hàng răng lược, nghe rõ tiếng tanh tách cứng cỏi của cật trúc. Không những nó là vật phẩm làm mái tóc thêm óng chuốt, lại còn là một công cụ chải chấy rất hữu hiệu. Phải nhớ rằng vào đầu thế kỷ trước, những sinh linh bé nhỏ ấy lại là một vấn nạn, có khi là tác nhân cho cả một dịch bệnh triền miên.

Sau thế chiến II, nguyên liệu quí như ngà voi, sừng hươu, tê giác khan hiếm dần; ngược lại công nghệ polymer, inox phát triển, nghề mộc thủ công trong đó có nghề làm lược teo tóp lại, mai một dần. Hàng Lược cũng theo quy luật tồn tại mà chuyển mình sang một cơ cấu mới: làm dịch vụ cho du lịch, bán trang phục cho phụ nữ và trẻ em, làm ẩm thực. Cái quán cầy tơ nổi tiếng cả nước, cái chùa Vĩnh Trù, thánh đường Hồi giáo Al-Nour cũng là đối tượng cho văn hóa du lịch.

Một cơ duyên mới cho Hàng Lược nhờ vào vị thế của con phố; song song với chợ Đồng Xuân, hai đầu phố tiếp giáp với Hàng Mã, Hàng Cót và nhiều ngõ phố hội tụ: ngõ Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Chai, ngõ Gầm Cầu là những điểm nút, những kênh truyền dẫn cho du khách tiếp cận chợ hoa.


Thực tế, chợ hoa Tết Hàng Lược chỉ diễn ra có khoảng hai tuần, từ 15 tháng Chạp âm lịch đến tối Giao Thừa. Khác với các điểm mua bán hoa trong thành phố chỉ có mối quan hệ song phương giữa người bán người mua, nào yên Phụ, chợ Bưởi Hoàng Hoa Thám, Ngã Tư Sở, Chợ Mơ, Đồng Xuân Hà Nội cả năm diễn ra cảnh mua bán hoa, từ các kiot cố định đến di động: trên gánh gồng, trên xe đạp, xe máy, chỗ nào chẳng có người mua người bán, bán xong là đi, mua xong là đi.

Suốt dọc phố Hàng Lược, nếu tính từ Hàng Mã trở vào, ta sẽ thấy bắt đầu là hàng hoa giấy, con giống, cá vàng rồi dần dần mới đến hoa, mà là hoa chậu cây nhỏ như thủy tiên, hải đường, nhài cúc. Rồi tới ngã ba Hàng Lược, Hàng Khoai, nơi đây mới là tụ điểm của đào, của quất, của mai.

Chúng ta đều biết đào là loại cây xứ lạnh ở Việt Nam. Cao nguyên xứ lạnh Mộc Châu, Sơn La là xứ sở của cây đào. Vào dịp Tết, người ta thường hay đánh cả gốc từ các nơi ấy đem về Hà Nội bán cho các đại gia lắm tiền nhiều của, nhà cao cửa rộng trưng bày chơi mấy ngày Tết. Những loại cây đại thụ ấy thường phải qua mông má ở các xã ngoại thành trước đó vài tháng, để chiết cành, để lắp ghép với giống đào địa phương rồi chờ đến 23 Tết mới chở về nhà. Những người không đủ điều kiện thì cứ lên những vùng đào ngoại thành là cũng đủ thoả mãn thú chơi hoa. Nhật Tân, Tứ Liên là nơi đi lại của giới chức văn nhân tài tử. Họ thường đặt sớm hàng tháng trước Tết, có khi mua thẳng, có khi thuê, hết Tết lại đem trả. Cách này hợp túi tiền giới trung lưu, lại giải quyết vấn đề nhà cửa chật chội.

Đào ở chợ hoa Hàng Lược đáp ứng thị hiếu giới quan chức trung lưu, cũng vì những lý lẽ ở trên.

Thông thường có hai loại đào: đơn và kép nếu xét về hoa. Đào đơn là đào có 5 cánh, đào kép là đào 8 – 12 cánh. Nếu xét về màu sắc thì cũng có hai loại: đào bích là đào có màu hoa đỏ đậm, đào phai là loại hoa có màu hồng phấn. Ngày xưa, người ta thường hay ưa chuộng loại đào mông tự có màu sắc như đào phai vì nét vẻ rất quý phái, từ cánh hoa dày dặn ánh sắc ngọc trai rất bắt mắt, cắm vào chậu cũng được, bằng bình cũng được.

Từ bao đời nay, hoa mai cũng đã hiện diện nơi xứ lạnh miền Bắc. Thoáng nhìn hoa mai tương tự như hoa đào kể từ kết cấu cành, lộc, nụ và hoa. Cũng có hoa mai đơn hoa mai kép. Cũng có hoàng mai và bạch mai. Nhưng về sự kín đáo, tế nhị, thung dung tự tại thì hoa đào thể hiện rõ ràng hơn. Hoa mai miền Nam cố gắng thích nghi với cái xứ lạnh nó hình như cố gồng lên mà nở nụ cười, rực rỡ đấy, khoáng hoạt đấy nhưng xem ra cứ chơi vơi làm sao… Có lúc ngập ngừng và chịu đựng, có lúc tỏ ra phóng thoáng xô bồ. Nhưng cái xô bồ và cái tế nhị lại là hai phạm trù trái dấu.

Quất ở chợ hoa Hàng Lược cũng thấy có vẻ nguồn gốc ở Quảng Bá, Tứ Liên. Dáng quất có hai loại: loại nhiều tán quả lớn, loại quây tròn hình tháp, lá dầy xanh thẫm trên tháp có túm lộc non. Còn quả thì che kín xung quanh màu vàng cam nhạt xen lẫn sắc vàng chanh. Đào và quất từng đi đôi với nhau. Đào tượng trưng cho sự cao quý thanh nhã kiểu cách quân tử, quất tượng trưng cho cái no đầy viên mãn, ung dung tự tại, chân phương.

Chợ hoa Hàng Lược diễn ra rất chóng vánh, chỉ trong vòng 2 tuần trở lại song cũng mang đầy đủ dáng vẻ thị dân. Đã gọi là chợ thì quan hệ bán mua lẽ tất nhiên là phải bao quát phần lớn hoạt động, song ở đây do thành phần nhiều khi lại là từ lớp thượng lưu văn nhân tài tử: nhạc sĩ, thi sĩ tìm hình cho ý, hoạ sĩ tìm ý cho hình, triết gia suy tưởng về tầng thứ quan hoài chân thiện, mỹ. Họ đến Hàng Lược đâu chỉ là khuân về dăm ba cành đào quất, đôi ba chiếc lọ gốm Bát Tràng, Phù Lãng, vài mặt hàng mỹ nghệ đồng thau đời Đường, đời Tống, đời Lê, đời Trần mà chủ yếu là nuôi dưỡng cái khát vọng mỹ cảm ẩn chứa bên trong các góc khuất tế nhị từ bao đời cha ông truyền lại.

Tiếng chuông, tiếng mõ trầm lắng nơi mái chùa Vĩnh Trụ thờ Phật thích ca, tiếng chuông lanh lảnh ánh kim nơi thánh đường Hồi giáo Al-Nour Mosque hòa quyện trong mối giao cảm thánh thiện hẳn đã làm cho các cây bút thư pháp ngồi kia trên manh chiếu hoa cạp điều, hứng chí lên mà phóng các nét xổ, nét tròn, nét vuông.

Hoa nơi Hàng Lược như Hoa Hậu, đào như Đào Nguyên làm hai chàng Lưu Nguyễn ngập ngừng chẳng muốn trần hoàn. Chợ hoa Hàng Lược vào những ngày Giáp Tết càng nở phình ra các mặt phố lân cận: Vườn hoa Vạn Xuân, Hàng Rươi, Hàng Khoai, có khi ra tận cửa chợ Đồng Xuân. Các thôn nữ ngoại thành và các vùng phụ cận theo hoa về Thủ đô cũng mang theo vẻ dân dã nâu xòng khăn mỏ quạ, ai lấy đều đằm thắm hơi chút rụt rè trước các bậc tài tử Hà thành hào hoa phong nhã.

Tiếng bổng tiếng trầm trong cung nhịp ca ngân chắc hẳn đã cho Văn Cao đắm mình vào Cõi Thiên Thai, cho Phạm Duy bồng bềnh hồn siêu phách lạc. Thôi thì thế nào mặc thế, ta cứ về lại trần gian mà thở hít cái hạnh phúc và khổ đau quanh mình là phải đạo nhất.

Cầm cành đào thắm vác trên vai, tay kia dắt cậu con mặt tươi hớn hở như hoa đang khúc khích cười đón mẹ nơi ngưỡng cửa.

Trần gian cũng vậy, Đào Nguyên cũng vậy, nơi ta sum họp là nơi hạnh phúc nhất chẳng đâu sánh bằng nơi đẹp đẽ nguy nga nhất trong tầm tay với của ta. Từ chợ hoa Tết Hàng Lược, vừa về vừa ngẫm ngợi cái lý, cái tình đời thường chỉ thế mà thôi.

Vũ Ngọc Anh
Họa sỹ - Nhà phê bình Mỹ Thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét