Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Có một "vương quốc bò tót" ở Việt Nam

Giữa lúc tại nhiều địa phương, phường săn giương súng, đặt bẫy rình rập, sẵn sàng khạc đạn cướp đi sinh mạng những con bò tót thì tại Khu bảo tồn thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), con người và mãnh thú “chung sống hòa bình” với nhau.



Xuyên suốt những cánh rừng xanh um, PV ghi nhận những hình ảnh, câu chuyện đường rừng thú vị có liên quan đến sự sống ngày một sinh sôi nảy nở của những đàn bò tót vốn được Sách đỏ Việt Nam liệt vào nhóm động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng từ nhiều năm trước. 

Đầu tháng 8, khi những cơn mưa đầu mùa tắm mát vùng chiến khu Đ thì chúng tôi tìm đường đến xã Mã Đà, nơi mà nhiều nguồn tin cho biết "có sự hiện diện đông đúc của những đàn bò có tên trong Sách đỏ". Sau hơn 80km đường trường, chúng tôi đến thị trấn Vĩnh An, trung tâm huyện Vĩnh Cửu. Từ đây đổ vào trung tâm xã Mã Đà khoảng 40km, không khí trong lành, tươi mát đến tuyệt đối.

Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày mưa bom lửa đạn ngủ yên trên vùng đất này, những hố bom, những vạt rừng trụi lá, cháy nham nhở vì chất độc hóa học và lửa đạn ngày nào nay nhường chỗ cho màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng ẩn chứa trong nó biết bao sự sống diệu kỳ của tự nhiên. Trong đó có sự sống của những đàn bò rừng với cặp sừng cong vút đầy uy mãnh mà những người giàu có sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng để đổi lấy quyền sở hữu, đặng mang về trưng bày trong đại sảnh, tư gia để thể hiện sự giàu có, đẳng cấp.
Khu vực bò tót thường xuất hiện. 

Cách trụ sở UBND xã Mã Đà khoảng 3km là cầu chiến khu Đ. Dưới chân cầu, dòng sông Mã Đà oai hùng từng chứng kiến những chiến công hào hùng, bất khuất hết kháng Pháp lại đuổi Mỹ cho đến ngày toàn thắng của tộc người Chơro bản địa (hiện sống tập trung tại ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, địa phận giáp ranh xã Mã Đà) cùng bộ đội Bok Hồ (Bác Hồ), vẫn lặng lẽ vươn trải mạch nguồn xuyên rừng già, qua những ghềnh gộp. Dòng sông chảy đến đâu, sự sống hiện diện đến đấy.

Già làng Xích Ngọc Bích, một người con ưu tú của núi rừng chiến khu Đ, người cung cấp cho chúng tôi về thông tin "vương quốc bò tót" giữa rừng Mã Đà, nhớ lại: "Ngày trước, những khi đi rừng, vào những đêm trăng sáng, già thường thấy nhiều con thú, như con nai, con mễnh, con cọp, gấu, tê giác, trâu rừng, bò rừng… mò ra bờ sông uống nước đông lắm. Những khi muốn cải thiện bữa ăn, dân làng chỉ việc tìm chỗ chờ đợi rồi bắn ná là có thịt ăn dài dài".

Già Bích khẳng định ngày trước, đồng bào không phí phạm, chỉ săn bắn, hái lượm đủ ăn, không sát hại muông thú bừa bãi". Nhưng rồi con thú vắng dần, con bò rừng vắng dần. Phần vì do bom đạn chiến tranh, phần vì do người dân tứ xứ đổ về Phú Lý, Mã Đà săn bắn bừa bãi. Mãi đến khi Khu bảo tồn thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu được thành lập, việc sát hại thú rừng mới thôi tiếp diễn.

Khi chúng tôi ghé trụ sở UBND xã Mã Đà, để đến được thủ phủ của "vương quốc" bò tót, chúng tôi phải vượt chặng đường hơn 40km, trong đó có khoảng 20km đường rừng. Trong quá trình chiếc xe gắn máy lăn bánh trên con đường đất đỏ với hai bên đường là những vạt rừng um tùm, không ít lần chúng tôi thấy xuất hiện những tấm bảng cảnh báo "Khu vực bò tót thường xuất hiện".

Khi đến Trạm kiểm lâm Di tích Trung ương Cục, anh Trần Ngọc Tuấn, Trạm phó, chia sẻ: "Các nhà sinh vật học trong và ngoài nước đánh giá Khu bảo tồn thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Thống kê cho thấy trên 100.000ha của khu bảo tồn chứa đựng sự hiện diện, tồn tại của hơn 1.350 loài thực vật, 235 loài chim, trên 80 loài động vật, gần 90 loài cá…".

Anh Nguyễn Văn Nhân, Trạm trưởng cho biết ở đây, các anh gặp khỉ, voọc và các loài rắn độc, con nào con nấy dài 3 - 4m, bự cành cành là chuyện ngày một. Chuyện các đàn voi rừng về sát chốt, cách chỗ anh em đứng chỉ vài chục mét cũng quá thường tình. "Bò tót thì nhiều lắm, đếm không xuể đâu, số lượng lên đến hàng trăm con đấy" - anh Nhân nói và minh chứng cái sự "bò nhiều" bằng ví dụ cụ thể: "Cách đây hơn 2 tháng, đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trên đường vào Di tích Trung ương Cục, khi cách Di tích khoảng 2km thì gặp một đàn bò tót ngáng đường. Không chút sợ sệt, đàn bò đủng đỉnh băng ngang".

Ở nơi khác, chuyện đi đường gặp bò tót có thể khó tin hoặc lâu lâu mới có một lần chứ tại Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, những chuyện như vậy kể mãi không hết. Điều ấy minh chứng cho nỗ lực giữ rừng của tập thể cán bộ, công nhân viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu - những người đã và đang thầm lặng cống hiến hoài bão, sức trẻ vì màu xanh của rừng!
 Theo Sách đỏ Việt Nam, bò tót là loài thú cỡ lớn, dài thân từ 2,5 - 3m, cao vai 1,3 - 1,8m, trọng lượng 900 - 1.000kg, sừng to khỏe uốn hình cong bán nguyệt, bộ lông ở lưng màu đen xám hơi phớt xanh, bụng màu nhạt. Bò tót là nguồn gen quý. Tại Việt Nam số lượng bò tót đã giảm nhiều. Trước đây vùng Tây Bắc có khoảng 350 - 500 con. Nhưng hiện nay còn 30 - 50 con ở Sơn La (Xuân Nha, Sốp Cộp), Lai Châu (Mường Tè, Mường Lay), vùng Tây Nguyên còn khoảng 3.000 con…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét