Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Cuối năm đi chợ đồ cổ, đồ cũ

TTO - Tượng Phật Bà bằng đồng, quạt đồng, bát sứ cổ, đèn dầu Hoa Kỳ… Thứ gì là đồ cũ đều có, nhưng không phải chỉ đem bán mà còn để ngắm, để chơi. Đó là phiên chợ đồ cổ, đồ cũ độc đáo chỉ họp duy nhất một lần trong năm, từ 20 tháng chạp trở đi trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phiên chợ đồ cổ họp ngay ở vỉa hè hay dưới mép đường để khách tiện chiêm ngưỡng, mua sắm - Ảnh: Tiến Thành

Thứ gì cũng có…
Quãng đường chưa đầy 50m dọc phố Hàng Mã (đoạn ngã tư cắt phố Lương Văn Can) đã có hơn chục hàng đồ cổ. Đồ được rải bán trên vỉa hè, đủ chủng loại, chẳng hàng nào giống hàng nào. Tưởng như khách tới đây muốn tìm gì cũng có, “tất nhiên chỉ là những món đồ thường thường bậc trung thôi, còn đồ rất cổ, rất quý thì chúng tôi không mang ra đây được” - anh Trần Mẽ, chủ một cửa hàng đồ cổ, cho biết.
Nào bát, đĩa, ấm, chén, thìa, liễn... bằng sành, sứ, gốm từ thời Lý, thời Trần, thời Lê đến những món đồ đồng như chậu, lư, chuông, bàn là than... từ triều Nguyễn, thời Pháp thuộc; nào tiền giấy Đông Dương, tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành qua các thời kỳ; thậm chí có cả những bộ dụng cụ săn bắt của người cổ Đông Sơn đã có cách đây 2.000 - 2.500 năm... Khách tới đây rất dễ bị mê hoặc bởi những món đồ độc và lạ, nhưng nếu không hỏi chủ hàng, cứ đoán già đoán non mãi cũng không thể biết được đó là thứ đồ gì.
Nhiều chủ hàng dọc khu chợ này tâm sự những món đồ ở đây không hoàn toàn là đồ cổ thật sự, mà có thể là đồ giả cổ hoặc là đồ cũ nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nhiều người hiện nay có đam mê với những món đồ cũ kỹ in dấu thời gian, nhưng do tầm hiểu biết và khả năng tài chính không cho phép nên mặc dù rất thích đồ cổ, họ cũng tạm hài lòng với những món đồ giả cổ. Bởi giữa một rừng bát đĩa ấm chén, lư hương, chân nến với mẫu mã màu mè bắt mắt, thì một chiếc bát, cái thìa hay chiếc đèn dầu mang vẻ cũ kỹ, thậm chí hơi sứt mẻ lại có giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần rất cao.
Ngắm là chính, mua bán là phụ
Tượng Phật bằng đồng là món đồ phổ biến bày bán trong chợ - Ảnh: Tiến Thành

Hình thức chợ đồ cổ, đồ cũ đã có từ rất lâu đời, và nơi góc phố Hàng Mã chính là sự tiếp nối truyền thống mà cha ông ta để lại. Theo anh Trần Mẽ, một người chơi đồ cổ đã ngót 20 năm, chợ họp ra không phải để buôn bán nhằm mục đích kinh tế, mà chủ yếu để những người có chung niềm đam mê trao đổi, giao lưu đồ cổ với nhau.
“Chợ họp vào những ngày giáp tết, mỗi người chọn cho mình vài món đồ để rồi cứ hết một năm, người đi xa kẻ ở gần lại gặp nhau, tụ họp nhau tại đây. Có thể năm nay mua món đồ này, năm sau mang ra bán lại. Cùng trò chuyện về đồ cổ, đó mới là niềm vui thật sự của những người trong giới chúng tôi”.
Không giống như những chợ buôn bán khác, ở chợ đồ cổ ai ai cũng có thể ngồi ngắm nghía, mân mê, tần ngần hồi lâu rồi lại đặt đồ xuống mà không sợ chủ hàng buông một tiếng phàn nàn.
Sau nhiều năm hoạt động, chợ đồ cổ không chỉ còn là mảnh đất riêng cho những người chơi đồ cổ như anh Mẽ, mà dần dần đã trở thành điểm dừng chân của nhiều người dân cả trong và ngoài nước. Họ quan niệm mua một món đồ cổ vào dịp năm mới sẽ mang lại may mắn cho cả năm.
Như anh Nguyễn Ngọc Khánh (nhà 11 phố Nguyễn Thiệp), những ngày giáp tết năm nào anh cũng duy trì thói quen tới đây ngắm nghía cho mình một món đồ, bởi theo anh, một món đồ đựng nước hoặc món đồ có hình dáng tròn trịa, cân xứng sẽ là vật cầu may cho anh và gia đình có một năm hạnh phúc, thành công và viên mãn.
Một số hình ảnh của chợ đồ cũ, đổ cổ:
Các loại tiền Đông Dương in từ những năm 1940-1950 này có giá dao động 100.000 - 200.000 đồng/ tờ - Ảnh: Tiến Thành

Tượng người cưỡi trâu đồng có đủ loại kích thước to, nhỏ để khách có thể lựa chọn - Ảnh: Tiến Thành

Những người có tuổi thường chọn các món đồ bằng sành sứ hình tròn để đem may mắn về nhà - Ảnh: Tiến Thành

Nam thanh niên thì chọn những đồ có hình dáng con vật như trâu đồng, mèo đồng  - Ảnh: Tiến Thành

Những chiếc đèn cổ từ thời Pháp thuộc - Ảnh: Tiến Thành


Người mua tha hồ ngắm hoặc mua các loại bát sứ được bày tại chợ đồ cổ - Ảnh : Tiến Thành

Tượng con công bằng đồng nặng gần 7kg - Ảnh: Tiến Thành

Bức tượng Khổng Minh Gia Cát Lượng bằng đồng có giá vài trăm ngàn - Ảnh: Tiến Thành

HƯƠNG THỦY - TIẾN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét