Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Đền Hoả Thần

(VOV) - Với mục đích cầu mong thần thánh phù trợ, ngăn ngừa hoả hoạn trong kinh thành, người dân Hà Nội xưa đã lập đền thờ thần Hoả (Đền Hoả Thần). Đây được xem là ngôi đền thờ ông Tổ phòng cháy chữa cháy của người Hà Nội.
Đền Hoả Thần được xây dựng vào thời kỳ đầu nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ đền thuộc thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, sau đó đổi thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Đầu thế kỷ thứ 19, thành Thăng long bị nhà Nguyễn phá huỷ, một phần khu thành cũ ở phía Đông trở nên hoang tàn, người dân đến đây buôn bán, họp chợ, từ đó định cư thành phố, phường. Nơi đền Hoả Thần toạ lạc lúc bấy giờ, nay là  phố Hàng Điếu.
Đền Hỏa thần, 30 Hàng Điếu, Hà Nội
các cụ sợ: thứ nhất là Thuỷ, thứ hai là Hoả, thứ ba là Chiến tranh, thứ tư là Đạo tặc (trộm cướp). Đây là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ thần Hoả, ông Tổ nghề phòng cháy chữa cháy.”
Trong khu phố cổ Hà Nội có rất nhiều ngôi đền, nhưng đền Hoả Thần là di tích có quy mô kiến trúc lớn hơn cả, thiết kế theo kiểu chữ Công, bao gồm nhà tiền tế, phương đình và hậu cung.
Tiền tế là một nếp nhà ngang 3 gian, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung đỡ mái có 4 bộ vì kèo, nền nhà lát gạch Bát tràng cổ, hai tường hồi gắn hai tấm bia đá có niên hiệu Thiệu Trị, ghi nội dung việc xây dựng, trùng tu và ghi công đức. Trên cửa ra vào treo bức hoành phi “ Hoả thần từ” làm vào giữa mùa xuân năm Giáp Tý, đời vua Tự Đức thứ 17, 1864.
Toà phương đình được xây dựng tiếp giáp sau tiền tế, mặt bằng hình vuông, kiểu 4 mái với các góc đao cong. Dọc theo hai bên diềm của mái sau và trước chạm thủng hoa văn rồng chầu. Kiến trúc toà phương đình trang trí đậm đặc trên các con rường, đấu kê với các hình chạm nổi vân mây, lá lật và cánh hoa sen. Đặc sắc nhất là giữa câu đầu và xà đai nối các cột có tượng nghê lớn chạm bằng gỗ.
Hậu cung là nếp nhà ngang ba gian, cao vượt lên so với các kiến trúc ở phía trước. Nhà được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bốn bộ vì kèo đều làm theo kiểu kẻ chuyền. Gian giữa xây bệ cao làm bàn thờ thần Hoả. Tượng thần Hoả được thể hiện trong tư thế ngồi, mặt đỏ, phương phi, mặc long bào, được đặt trang trọng trong khám thờ lớn chạm rồng, hai bên ngoài khám có 2 vị Thị giả đứng chầu.
Theo dòng lịch sử được ghi lại trên các văn bia, đền Hoả Thần đã  trùng tu sửa chữa nhiều lần qua các đời: Minh Mệnh thứ 19 năm 1838, Thiệu Trị thứ nhất năm 1841, Tự Đức năm thứ nhất, năm 1848. Ngày nay khi đến viếng thăm đền, chúng ta sẽ thấy một ngôi đền cổ kính, vẫn còn nguyên vẹn giá trị kiến trúc. Kể từ lần trùng tu năm 1848 đến nay, đền chưa sửa chữa lớn thêm lần nào nữa.
Hàng năm, Lễ hội đền Hoả Thần được tổ chức vào 28 tháng 3 và 28 tháng 9 Âm lịch (xuân thu nhị kỳ) tương ứng với ngày sinh và ngày hoá của Hoả Thần.
Anh Vũ Văn Điệp - sống gần ngôi đền cho biết: “Ngày 28/3 hàng năm là ngày hội của Đền. Sư ông làm lễ tụng kinh cầu an cho bách gia trăm họ. Vào những dịp lễ hội này, tôi cũng như rất nhiều người khác đến lễ để cầu an cho gia đình, cầu sức khoẻ cho mọi người, đặc biệt cầu cho vấn đề hoả hoạn trong khu phố nơi mình sinh sống không xảy ra.”
Năm 1996, đền Hoả Thần đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá. Nhân kỷ niệm Đaị lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đang tiến hành một đợt trùng tu lớn cho 26 di tích cổ trong khu vực quận, trong đó có Đền Hoả Thần./.
Mỹ Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét