Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Hương ngải mùa xuân

TTO - Khoảng giữa tháng chạp, đầu tháng giêng, khi những cơn mưa phùn đã giăng mờ làng bản, báo hiệu mùa xuân đang đến, bữa cơm hàng ngày của người dân miền núi quê tôi có thêm một món ăn giàn dị, đơn sơ: rau ngải.
Rau ngải - Ảnh: Ba Hưng

Rau ngải mọc hoang ở ven bờ suối, bờ ruộng, chân đồi, bìa rẫy, góc nương… Suốt những ngày đông rét mướt, những thân ngải khô xác ngủ vùi trong đất, lẫn trong cỏ dại. Chỉ đến khi những giọt mưa xuân dịu dàng rơi xuống, chúng mới cựa mình thức giấc, nảy chồi đâm lá, mọc dày từng đám, xanh mướt.
Sau những buổi làm đồng, các mẹ, các chị lại rủ nhau tranh thủ hái nắm rau ngải về nấu canh. Rau ngải rửa sạch, chờ nước sôi, bỏ rau xuống, đảo qua, nêm chút mỡ, muối, bột ngọt. Thế là được bát canh rau ngải.
Canh rau ngải thoạt ăn có vị nhân nhẫn đắng, sau có vị ngòn ngọt cùng với mùi thơm hăng hăng cay cay thật dễ chịu, ăn vào cứ ấm sực cả người. Nếu nấu cùng thịt nạc băm nhỏ hay có thêm quả trứng gà đập vào nữa thì món canh càng thêm ngon ngọt. Có người trước khi nấu lại vò ngải nát ra, vắt bớt nước cho rau đỡ đắng. Làm thế có phần dễ ăn hơn nhưng sẽ làm mất chất của ngải. Bởi chính cái vị đắng của rau ngải có tác dụng như một vị thuốc.
Rau ngải ăn vào bổ máu, đỡ đau đầu, sáng mắt, nhuận tràng. Nồi nước xông giải cảm mà có thêm nắm rau ngải thì thì càng thêm dễ chịu. Người đau lưng lấy rau ngải về sao nóng cùng với vài hạt muối, đắp vào chỗ đau sẽ mau lành bệnh. Gà vịt bị bại liệt, cắt lá ngải lót cho nằm chỉ qua đêm là khỏi.

Món trứng rau ngải cũng thật hấp dẫn. Rau ngải non thái nhỏ trộn với trứng gà đem rán vừa chín tới. Miếng trứng nóng hôi hổi, thơm phức mùi ngải ăn thật ngon miệng.
Miền núi quê tôi còn có món bánh lá ngải, thường làm vào ngày tết đắp nọi (tết của người Tày, Nùng vào ngày 30 tháng giêng). Lá ngải được trần qua nước sôi, vớt ra rổ cho ráo nước, thái mịn. Nếp nương đồ chín dỡ ra vẫn còn đang nóng, hơi bốc nghi ngút, đem trộn với lá ngải rồi giã trong cối đá. Nếp được giã nhuyễn, quyện với lá ngải dẻo quánh. Xong, nặn thành từng chiếc tròn dẹt như bánh dày.
Chiếc bánh mịn màng có màu xanh đen của lá ngải. Hương nếp, hương ngải quyện vào nhau khiến bánh có hương vị thật đặc biệt. Bánh lá ngải để được lâu, mươi bữa nửa tháng vẫn không hỏng. Khi ăn, đem nướng trên than hồng, bánh nở phồng, ăn vừa dẻo vừa dai, càng nhai càng thấy ngọt.
Rau ngải vốn chỉ là thứ rau mọc hoang, là món ăn dân dã của người dân quê. Bây giờ, ở nhiều nơi, người ta trồng rau ngải để bán nên rau có quanh năm. Rau ngải có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng khách sạn, được coi như đặc sản. Nào là lẩu gà rau ngải, lẩu ngan rau ngải, óc dê, óc heo hấp rau ngải, chim cút nhồi rau ngải chưng cách thủy…
Công bằng mà nói, đó là những món ăn ngon và bổ. Nhưng với tôi, ngon nhất vẫn là món canh rau ngải từng ăn thời thơ ấu, món bánh lá ngải mộc mạc nơi quê kiểng. Bởi trong đó thấm đẫm hương đất, hương cỏ của xứ đồng rừng, thấm đẫm hơi xuân dìu dịu, đầm ấm.
Và hương vị rau ngải đã trở thành nỗi nhớ của những người con xa quê mỗi khi xuân về.
BA HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét