Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Đình - Đền Chèm

Đình - Đền Chèm
Vị trí: Thuộc thôn Đình, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Thờ đức Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng.
 

Đình Chèm (đền Chèm) cách trung tâm thành phố Hà Nội về phía tây theo tuyến đê Hữu Hồng khoảng 12km. Ngôi đình cổ kính linh thiêng trên hai nghìn năm tuổi, tọa lạc sát bên bờ nam sông Hồng, thờ đức Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng – nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc Việt Nam.  

Theo dân gian và sử sách lưu truyền, Lý Ông Trọng tên là Lý Thân, có thân hình to lớn, sức mạnh vô song. Ông là người làng Chèm (Từ Liêm, Hà Nội ngày nay) sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương. Cha là Lý Tuấn, mẹ là Kha Nương. Gặp lúc Hùng Duệ Vương xuống chiếu chiêu hiền người tài, Ông liền đổi tên là Lý Ông Trọng rồi ra giúp nước. Vua phong Ông làm Chỉ huy sứ đi đánh đuổi quân giặc hay quấy nhiễu ở biên giới phía Tây và phía Nam. Đến thời vua Thục Phán An Dương Vương, Ông phò tá nhà Vua cùng với nhân dân đánh tan 50 vạn quân xâm lược nhà Tần.
Vào thời kỳ giao hảo giữa Âu Lạc và Tần, nước Tần bị quân Hung Nô quấy nhiễu, vua Tần Thủy Hoàng không dẹp yên được. Biết được danh tiếng của Ông, vua Tần đã viết thư sang cho Vua Thục Phán xin cử Ông sang giúp. Vua Thục Phán muốn giữ hòa hiếu giữa hai nước nên đã cử Ông đi sứ sang Tần. Đến Tần, Ông được phong Tư Lệ Hiệu Úy cùng 10 vạn quân đi trấn giữ đất Lâm Thao (Cam Túc, Trung Quốc). Ông đã dùng tài mưu lược của mình để bảo vệ các quận châu, làm cho quân Hung Nô hoảng sợ không dám quấy nhiễu nữa.
Mến tài đức của Ông, vua Tần phong Ông làm Phụ Tín hầu và gả con gái là Bạch Tĩnh Cung cho với mong muốn giữ Ông ở lại nước Tần. Nhưng vì lòng nhớ quê hương và cha mẹ, một thời gian sau, Ông dâng biểu xin vua Tần cho về quê hương để phụng dưỡng mẹ già. Cảm động trước lòng hiếu nghĩa, vua Tần cho Ông đưa gia quyến về quê hương. Về nước, Ông được vua Thục Phán ban thưởng và phong tước Đại Vương. Ông về quê là xã Thụy Uyên (nay là xã Thụy Phương) sinh sống và khuyến khích nhân dân chăm lo làm ruộng, trồng dâu, làm điều lợi, bỏ điều hại khiến nhà nhà quí mến. Ông không bệnh mà mất vào ngày 10 tháng Giêng. Để tưởng nhớ Ông, nhà Vua đã truyền cho xã Thụy Uyên lập đền thờ để dân chúng quanh vùng hương khói thờ phụng. Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng Giêng kỵ nhật Đức Ông và ngày 02 tháng hai kỵ nhật Đức Bà diễn ra các nghi thức tế lễ tưởng niệm; còn lễ hội truyền thống hay còn gọi là pháp hội được diễn ra vào 3 ngày từ ngày 14 đến 16 tháng 5.
Đình Chèm được tu sửa vài lần, đến nay là một công trình kiến trúc có kết cấu kiểu nội công, ngoại quốc, tọa lạc trên một khuôn viên đất có diện tích 0,5 ha. Đứng từ ngoài nhìn vào đình sẽ thấy lần lượt các công trình: Nghi môn ngoại (Tứ Trụ), Nghi môn nội (Tàu Tượng), nhà bia, Tả - Hữu Mạc, Phương Đình, Tiền tế, Đại Bái và Hậu Cung.
Nghi môn ngoại (thường được gọi là tứ trụ), đây là kiểu nghi môn trụ với bốn cột xây cao to. Gần đỉnh trụ, đắp hình lồng đèn, đỉnh và thân trụ được trang trí tứ linh, tứ quý và đắp các câu đối chữ Hán ca ngợi đức thánh Lý Ông Trọng. Đi qua Nghi môn ngoại, sẽ thấy một sân nhỏ có đôi rồng đá dẫn đến Nghi môn nội (thường được gọi là Tàu Tượng). Tàu Tượng là một nếp nhà bốn mái ba gian, hai chái, mái lợp ngói mũi hài, các góc mái uốn cong tạo thành những đầu đao đắp nổi hình đầu rồng. Nghi môn nội có ba cửa lớn, cánh làm bằng phiến gỗ dày với chân là bánh xe. Đây là nơi đặt tượng ông quản tượng, voi chiến và ngựa chiến của Đức Thánh. Tiếp đó là hai nhà bia (còn gọi là Tiểu Phương đình) có kết cấu kiểu nhà vuông bốn mái có hàng cột đỡ, xung quanh để thoáng. Tại đây đặt tấm bia Thụy Phương đình bi ký và cũng là nơi hành lễ Mộc dục (tắm bài vị) của Đức Ông và Đức Bà.
Hai bên nhà bia là hai dãy nhà gọi là Tả - Hữu mạc xây kiểu 4 mái 5 gian, 2 chái đây là nơi tiếp đón khách thập phương về lễ thánh hàng năm. Đối diện với Nghi môn nội là tòa Phương Đình được dựng kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái với các đầu đao cao vút. Đây là công trình cao nhất tại đình Chèm. Ngay sau phương đình là khu vực chính của đình gồm tòa Tiền tế và tòa Đại bái, hai tòa nhà này có kết cấu giống nhau. Mỗi dãy nhà gồm năm gian, nội thất sáu hàng chân cột gỗ đỡ mái, các cột đều được đặt trên tảng đá xanh. Trên các bộ vì, cửa võng, các bức cốn được chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá hóa rồng, tứ linh với những đường nét mềm mại tinh xảo. Đây là nơi bài trí hương án và các đồ tế khí quan trọng của đình, đồng thời cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng hàng năm cũng như trong dịp lễ hội.

Hậu cung của đình được xây liền với nhà Đại bái bằng một nhà cầu nhỏ ngay tại gian giữa. Khu hậu cung gồm có 3 dẫy nhà nối liền nhau tạo thành kết cấu kiến trúc chữ Công. Đây là nơi tôn nghiêm nhất tại đình, nơi đặt long ngai và tượng thờ của Đức Ông, Đức Bà với chiều cao 3,2m, hai bên là tượng 6 người con của Đức Thánh còn gọi là Lục vị vương, phía ngoài có tượng ông Sứ (Nguyễn Văn Chất).
Hiện nay đình Chèm còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn, 4 tấm bia đá, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi, 15 câu đối, hai chuông đồng đúc thời Nguyễn, các đồ thờ cúng, đặc biệt có hệ thống máng đồng di vật độc đáo hiếm có của thời Lê và Nguyễn.
Đình Chèm là một di sản văn hoá quý của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Ngôi đình còn là địa chỉ có sức hấp dẫn du khách thập phương về tham quan và vãn cảnh. 
Đình đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét