Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Kỳ vĩ Suối Mỡ



Bỏ lại màu xanh của núi đồi Lục Nam, chiếc xe buýt chuyển bánh về Hà Nội mang theo một chút tiếc nuối của chúng tôi với Suối Mỡ - một chốn hoang sơ, bình yên và thơ mộng.
Để vào khu du lịch Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), từ tỉnh lộ 293 phải vào một con đường dài 750m. Đó là một con đường nhỏ, bề mặt trải nhựa, đoạn đầu khá bằng phẳng nhưng càng về sau độ dốc tăng dần theo sườn núi Huyền Đinh - Yên Tử.

Dõi mắt về bốn phía chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn của những đồi sắn, dẻ… được trồng tầng tầng lớp lớp như một chiếc bánh gatô khổng lồ bắt mắt… Điểm trang cho “chiếc bánh” ấy là những mái nhà ngói thấp le te, những cung đường uốn cong như dải lụa, nằm vắt bên những sườn đồi.

Con đường vào khu du lịch thoang thoảng mùi hăng của hàng keo cao ngất, khiến không gian trở nên hoang sơ, quạnh quẽ. Không một tiếng chim hót, đâu đó tiếng suối chảy róc rách từng hồi.

Đi giữa thăm thẳm đại ngàn, chỉ thấy thèm khát một tiếng người thủ thỉ…

Chinh phục thác Thùm Thùm

Đi hết cung đường xanh, khu đền Thượng hiện ra trước mắt. Một thác nước cao đổ ập xuống những tảng đá vuông vức nằm chềnh ềnh giữa con suối, tạo nên một cảnh tượng choáng ngợp, kỳ vĩ. Màu nước vàng phếch do việc thi công khu du lịch còn dở dang. Nhiều nhóm khách du lịch đã đến đây từ sớm. Mọi người cùng ăn trưa và ríu rít chụp ảnh lưu niệm bên thác nước.

Theo sự chỉ dẫn của một du khách đến trước, chúng tôi tiếp tục chặng đường chinh phục thác Thùm Thùm - thác nước cao nhất trong hệ thống thác Suối Mỡ với những cánh rừng nguyên sinh đã tồn tại hàng trăm năm.

Bảng chỉ dẫn cho biết đường tới thác Thùm Thùm còn 3,5km. Chặng đường không quá dài nhưng theo người dân địa phương rất gập ghềnh, khó đi. Quả thật, đi hết 500m đường nhựa, trước mặt chúng tôi chỉ còn lại con đường đất gập ghềnh, hiểm trở. Một bên là núi cao với những tảng đá lớn trơ gan cùng tuế nguyệt, một bên là vực thẳm - vốn là công trường hồ Suối Mỡ đang thi công.

Càng về trưa càng nắng gắt. Những đám mây trắng hình thù kỳ dị bay lơ lửng trên đầu núi, đầu người như những con rồng đi săn mồi. Mồ hôi nhễ nhại, cả nhóm lê bước chầm chậm qua con đường đất lởm chởm những ổ gà, ổ voi. Hai bên đường không bóng người, chỉ toàn cây cối, bụi rậm nhưng lại là thử thách lẫn cơ hội đối với những lữ khách thích ngắm cảnh “độc” và “đẹp” dọc đường.

Đó là những dòng suối mát lạnh, êm đềm chắn ngang giữa đường đi. Thi thoảng lại gặp một ngôi nhà ngói nằm cô liêu giữa cánh rừng xanh thẳm, rồi ngôi đền thờ Đức Vua Cha nằm chon von giữa đỉnh đồi và mây trời…

Sau gần một tiếng vừa cuốc bộ vừa chụp ảnh, chúng tôi cũng đặt chân đến thác Thùm Thùm. Núi rừng hoang dã, tiếng suối chảy róc rách liên hồi, tiếng chim hót véo von trong lùm cây… Men theo dòng suối nước trong vắt là một thác nước kỳ vĩ.

Như khoác trên mình một tấm áo choàng bằng nước, dòng thác từ trên cao đổ xuống tạo ra những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Những âm thanh thùng thình, ùm ùm, nghe như tiếng trống trận của nghĩa quân Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn đóng quân ở đây năm nào.

Nghỉ chân dưới dòng thác, mọi người say sưa lắng nghe bản giao hưởng của rừng núi, chim chóc và của nước. Những âu lo, mệt nhọc sau chặng đường bách bộ dần tan biến.

Xung quanh toàn màu xanh của núi đồi, màu trắng trong của dòng thác và những con suối mát lạnh, êm đềm. Phía xa xa, những đôi trai gái thủ thỉ tâm tình trên thác nước, bên dòng suối… khiến cho cảnh Suối Mỡ thêm bình yên, thơ mộng.

Còn chúng tôi, cảm giác vui sướng ngập tràn vì vừa chinh phục và khám phá một kỳ quan của tạo hóa.

Anh Hoàng Văn Sơn, người dân tộc Tày, cho chúng tôi biết thêm về lịch sử của Suối Mỡ. Truyện kể lại rằng công chúa Quế Mị Nương, con gái thứ 16 của vua Hùng, là người thích du ngoạn sơn thủy hữu tình. Khi đến vùng đất Lục Nam, Mị Nương thấy dân tình nơi đây sống cơ cực, đói rách vì hạn hán, đất đai thì cằn cỗi nên rất buồn lòng. Vào ngày đầu xuân, Mị Nương lên núi Huyền Đinh dạo chơi, bất chợt một cơn gió mạnh đã cuốn nàng bay đi và đưa nàng tới khúc Suối Mỡ ngày nay.

Khi hạ giá xuống đây (thác Vực Mỡ), Mị Nương đã dùng 5 đầu ngón chân ấn xuống tảng đá và từ những vết chân này một dòng nước mát ào ào chảy tạo thành một con suối. Đó chính là Suối Mỡ ngày nay.

Theo - Tuổi trẻ
 
Bình yên thắng cảnh Suối Mỡ

Cách thành phố Bắc Giang khoảng 40km, nằm sâu trong các sườn núi non trùng điệp thuộc sườn tây Yên Tử, trên địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam khu danh thắng Suối Mỡ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho phong cảnh hùng vĩ và đẹp như một bức tranh.
Cảnh Suối Mỡ
Cảnh Suối Mỡ
Một chuyến du ngoạn trọn ngày trong cảm giác phấn khích đi lễ cầu an, hay leo núi xuyên rừng, ngâm mình trong dòng suối mát, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ miền sơn cước sẽ đem lại cho du khách nhiều ấn tượng thích thú và khó quên. Để chinh phục Suối Mỡ du khách phải mất 5 đến 6 giờ đồng hồ, sau khi viếng thăm, lễ bái cầu an các khu đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, du khách bắt đầu một cuộc hành trình thưởng ngoạn các phong cảnh đẹp của miền núi rừng, ghé thăm các địa danh như Đấu Đong Quân, bãi Quần Ngựa-tương truyền là nơi luyện kỹ mã của quân đội nhà Trần nên có địa danh trên, thăm cổng Xanh, đền Trò… tất cả tạo nên một bức tranh kỳ vĩ, mênh mang giữa chốn núi rừng bạt ngàn.
Đền Hạ
Đền Hạ
Chiếc cầu lên đền Trung
Chiếc cầu lên đền Trung
Đền Trung
Đền Trung
Huyền bí đền Trung giữa rừng già
Huyền bí đền Trung giữa rừng già
Đường lên Suối Mỡ
Đường lên Suối Mỡ
Một cảm giác thật thoải mái và dễ chịu khi về chốn đại ngàn của núi rừng bao la, men theo các lối mòn bên bờ suối cheo leo vách đá, trong tiếng nước chảy ầm ĩ xô vào những ghềnh đá, tạo nên âm thanh náo nhiệt ồn ào, cứ thế ta bám vào đá, vào cây bụi, dây leo mà vượt suối, một cảm giác nguy hiểm, nhột nhột nhưng lại tạo nên nhiều thú vị mỗi khi chinh phục được một tảng đá lớn.
Không gian yên ả
Không gian yên ả
Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã cùng các tướng lĩnh thân tín lập đại bản doanh để chặn đứng mũi tiến quân của bọn xâm lược Nguyên Mông từ Ải Chi Lăng, kéo về đánh chiếm Vạn Kiếp nhằm tiến về kinh thành Thăng Long.
 Di tích đấu đong quân như một minh chứng lịch sử còn sót lại thể hiện tài thao lược và cầm quân của tướng Trần Quốc Tuấn. Vì ngày xưa quân lính đông, khó kiểm xoát quân số nên ông đa cho đào một hố thật rộng để ước lượng  một số quân nhất định. Sau mỗi trận đánh ông đều dồn quân xuống để nắm được đã hy sinh mất bao nhiêu quân lính. Từ đó tìm ra cách để vừa đánh thắng kẻ thù nhưng cũng hạn chế hy sinh mất mát.
Một góc Suối Mỡ
Một góc Suối Mỡ
Để ghi nhớ chiến công hiển hách này, người dân đã lập đền thờ ông mang tên Đền Trần. Tại đây còn khu di tích Ba Dinh Bẩy Nền, Bãi Quần Ngựa, Suối Đá Mài Gươm, Thao Trường Luyện Kiếm...
Núi rừng Suối Mỡ
Núi rừng Suối Mỡ
Về với Suối Mỡ không chỉ là về với một vùng văn hóa tâm linh, được thỏa lòng trong các nghi lễ tín ngưỡng, mà về đây du khách còn thỏa thích vui chơi, leo núi, ngắm nhìn cảnh sắc, thiên nhiên, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu, Dao, Cao Lan…. Không gian, cảnh sắc nhuốm màu huyền thoại, trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện huyền thoại đầy xúc động về nàng công chúa Quế Mỵ Nương.
Phong cảnh Suối Mỡ
Phong cảnh Suối Mỡ
Lễ hội đền Suối Mỡ được tổ chức vào ngày mùng 1-2 âm lịch hàng năm, vào ngày này rất đông du khách trong và ngoài nước đổ về đây dự hội, các ngả đường chật kín người đi bộ.
Đến Suối Mỡ vào mùa hè bạn còn được giải nhiệt bằng cách ngâm mình, vùng vẫy trong dòng nước suối trong xanh, mát lạnh chảy từ các vách đá trên cao dội lên cơ thể  thật là sảng khoái, nước suối ở đây chảy liên tục không ngớt, có những nơi nước chảy thật xiết đổ vào các bồn tắm thiên tạo, có những nơi dòng chảy lại trở nên thật lặng lẽ, dịu êm và mềm mại.
Đứng trên triền núi ngắm nhìn những buổi hoàng hôn mênh mang nắng vàng, chan hoà với nắng, với gió và cỏ cây hoa lá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp lãng mạn của dòng suối trong, hay thử lòng can đảm của bạn khi trèo lên những thác đá chênh vênh... vậy mới thấy hết được sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên nơi dẻo cao này.
Nguyễn Văn Hưởng





Về Bắc Giang thăm KDL Suối Mỡ

Cách trung tâm thành phố Bắc Giang 30 km theo quốc lộ 31, Suối Mỡ khởi thuỷ từ dãy núi Yên tử rồi quang co uốn lượn trong thung lũng của dãy Huyền Đinh - Yên Tử.
Đến với khu du lịch suối Mỡ, du khách sẽ được đắm mình trong bồn tắm thiên nhiên với làn nước trong xanh tung bọt trắng xóa. ngắm nhìn thác nước từ trên cao đổ xuống đẹp như mái tóc dài của nàng tiên nữ. Ở nơi đây, thiên nhiên làm nên một trong bức tranh sơn thuỷ tuyệt mỹ với thác nước kỳ vĩ, đại ngàn xanh.
Khu di tích đón du khách với cái thoáng đãng của núi rừng, vẻ thanh bình của con đường uốn lượn men theo dòng suối, những mái nhà ẩn hiện trong tán cây, núi non hùng vĩ. Nếu không thích thong dong trên con đường này, bạn có thể khám phá lối đi khác được tạo ra bởi nhiều vách đá. Vào mùa mưa, những vách đá này thường rất trơn nên chống chỉ định cho du khách.
Ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh, đến suối Mỡ du khách còn như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh với những ngôi đền, chùa nằm tĩnh tại trên những mỏm núi. Nổi bật nhất là đền Suối Mỡ, bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ chung Thượng Ngàn Thánh Mẫu .
Truyền thuyết kể rằng, vua Hùng Vương thứ IX có nàng công chúa Quế Mị Nương, hiền thục, nết na, nhân hậu. Nàng được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng đều từ chối bởi nàng đam mê du ngoạn, đặc biệt là đến thung lũng Huyền Đinh – Yên Tử.
Một lần, trong chuyến du ngoạn đến đây, chứng kiến nơi này đất đai khô nẻ, dân tình đói rách công chúa đã rất đau lòng. Vào một ngày đầu xuân, khi đặt chân xuống thung lũng, nàng đã dùng năm đầu ngón tay ấn xuống từng phiến đá và lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối, đưa nước tưới cho đồng ruộng.
Trên đường đi, dòng chảy của suối Mỡ tạo thành những ngọn thác đổ dài theo vách đá. Dòng suối ấy là minh chứng cho lịch sử của vùng đất đầy những huyền thoại, kỳ bí ấy, nhưng mang đậm tâm linh người Việt Nam.
Tại mỗi nơi đến phong cảnh lại có sự thay đổi khác nhau mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, đặc biệt nhất là 5 ngọn thác luôn đổ nước trắng xóa. Theo truyền thuyết, đó chính là 5 ngón tay của công chúa Quế Mỵ Nương.

Bảo Anh (TTVN)
Tổng hợp

Khám phá quần thể thắng cảnh suối Mỡ

Bắt nguồn từ trên đỉnh Yên Tử, một dòng nước chảy qua những triền núi đá cao, xuống tới dốc Huyền Ðinh (Bắc Giang) thì trở thành năm tầng thác trắng xóa, xuống đến miền thung lũng thì trở nên xanh biếc hiền hòa và được gọi là suối Mỡ. Từ thung lũng bằng phẳng ngược lên vùng đỉnh thác có ba ngôi đền Hạ, Trung, Thượng đều thờ công chúa Quế Mỵ Nương con vua Hùng Ðịnh Vương. Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, công chúa được dân gian được tôn làm Thánh Mẫu vì đã có công khai khẩn khu vực này. Đầu tiên, đền Hạ có quy mô lớn nhất, tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi dưới bóng cổ thụ sum suê và vườn cây trái bên con suối Mỡ trong xanh. Ðền Hạ có kiến trúc, bài trí cổ kính, tiêu biểu cho một đền thờ Mẫu được xây từ những thế kỷ trước ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Ðền Trung có khoảng sân rộng có thể tiếp đón vài trăm du khách nghỉ chân, giải khát lấy sức lên đền Thượng. Mỗi ngôi đền một quy mô kiến trúc, nhưng đều thâm nghiêm, trang trọng. Ban thờ, tượng thờ sơn son thiếp vàng, hương khói thờ phụng kính cẩn. Ðền Thượng có dạng sơn miếu khá độc đáo với hậu cung là vòm hang, đền ngoài do con người xây cất. Hậu cung của đền Thượng có đường ngầm, bậc đá dẫn lên đỉnh núi Bà Bô để ngắm núi non làng mạc xinh đẹp cả vùng.
Khám phá quần thể thắng cảnh suối Mỡ
 Cổng đền Thượng
Theo con đường nhựa càng lên càng dốc, du khách men theo suối dẫn đến những phong cảnh đậm chất rừng núi hơn. Suối có đoạn êm như dải lụa trắng trải trên đá, có đoạn toàn đá tảng như đàn trâu nước đen bóng ngủ vùi… Rồi bất chợt trước mặt du khách là vách đá dựng đứng, thác đổ ầm ầm phả ra màn hơi nước mờ ảo bảy sắc cầu vồng bên cánh rừng xanh ngắt. Càng lên cao, suối càng chảy xiết, thác càng sôi réo. Cho đến ngọn thác Chúa hùng vĩ đến choáng ngợp, tiếng nước từ độ cao trăm mét đổ xuống như tiếng sấm rền, vang vọng cả thung lũng, nghe như hồi trống trận không dứt. Tương truyền xưa kia Hưng Ðạo Vương từng đến vùng đỉnh thác xem xét địa hình, sắp đặt việc binh nên từng có ngôi đền thờ ông bên thác này cùng với dấu tích về đấu đong quân và bãi quần ngựa. Ngoài ra, dưới chân thác Chúa có một hồ tắm tự nhiên khá lớn được bao quanh bởi bức tường bằng đá hấp dẫn du khách trong những ngày nắng nóng.
Khám phá quần thể thắng cảnh suối Mỡ
Đền Hạ
Khám phá quần thể thắng cảnh suối Mỡ
Một góc thác Chúa
Ngoài cảnh đẹp, lễ hội đền suối Mỡ cũng rất nổi tiếng. Hằng năm, hội được tổ chức khá lớn vào ngày 30 tháng Ba và mùng 1, mùng 2 tháng Tư Âm lịch để rước kiệu công chúa Quế Mỵ Nương. Vào ngày hội chính, dân làng Dùm rước kiệu Thánh về đền Hạ và tế lễ, bái vọng lên đền Thượng, dân làng Quỷnh rước kiệu Thánh về đền Trung. Trong ngày hội xưa, dân làng thi đấu vật, đánh đu, chọi gà, bắn cung, võ dân tộc, hát chầu văn, hầu bóng thâu đêm suốt sáng…
Khám phá quần thể thắng cảnh suối Mỡ
Đền Trung
Khám phá quần thể thắng cảnh suối Mỡ
 Cây cổ thụ van suối Mỡ
Với chiều dài chỉ hơn 300m, suối Mỡ có thể thu hút du khách tham quan, nghỉ ngơi cả ngày, bởi không gian tâm linh cổ xưa tọa lạc giữa một vùng non xanh nước biếc tạo nên một khung cảnh thật êm đềm, thoát tục.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét