Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Lăng Tự Đức: cung điện của "ông vua thi sĩ"

TTO - Một trong những công trình không thể không nhắc đến khi viếng thăm Huế là lăng vua Tự Đức với kiến trúc độc đáo, đa dạng, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa triều Nguyễn.
Ba dãy tam cấp bằng đá dẫn vào Khiêm Cung Môn
Trong số 13 vị vua nhà Nguyễn, vị vua thứ 4 Tự Đức là người tại vị lâu nhất và có kiến thức uyên thâm về nền học vấn phương Đông, triết lý Nho gia, sử học, triết học, văn hóa nghệ thuật và đặc biệt là thơ văn. Hơn nửa thế kỷ sống và làm thơ, ngài đã để lại cho hậu thế hơn 4.000 bài thơ. Cũng vì thế, tư chất ấy đã được thể hiện rõ ràng trên nghệ thuật, kiến trúc lăng tẩm của mình.
Bài thơ của “ông vua thi sĩ”
Đường vào lăng Tự Đức, bên cạnh là hồ Lưu Khiêm
Cũng như bao lăng tẩm khác, lăng Tự Đức nằm ở hướng tây vùng núi rừng Huế, nơi mặt trời khuất bóng, nơi của cõi vĩnh hằng. Lăng tọa lạc trong một khu thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho nơi an nghỉ của mình, với mong muốn được trường tồn. Do quá trình xây dựng quá nặng nhọc, dân phu đứng dậy khởi nghĩa nên vua Tự Đức đã đổi lại thành Khiêm Cung. Công trình được hoàn thành trước khi vua mất 10 năm (1883), được gọi là Khiêm Lăng khi vua băng hà.
Sinh thời, Tự Đức là một thi sĩ, làm vua trong bối cảnh loạn lạc, thù trong giặc ngoại nên muốn sớm xây lăng làm chốn tiêu sầu, quên cuộc đời khắc nghiệt, éo le của mình. Toàn cảnh lăng tựa một công viên rộng lớn hòa mình với thiên nhiên sơn thủy hữu tình, được ví như một bài thơ lớn của nhà vua thi sĩ.
Đặt chân vào khuôn viên, dạo bước trên những còn đường lát gạch Bát Tràng, du khách như bước vào không gian thơ mộng bên nét cổ kính nhuốm màu thời gian xen lẫn vẻ quý phái bởi những cung điện, lăng tẩm.
Hai nhà Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ
Vẻ đẹp ánh vào mắt đầu tiên là hồ sen lớn, có tên Lưu Khiêm. Bên bờ hồ xây hai nhà Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, ở giữa có một hòn đảo nhỏ gọi là Tịnh Khiêm. Trong những lần về vãn cãnh, vua thường ra đây ngắm cảnh, đọc sách và làm thơ.
Đi dọc những con đường dài lộng gió, du khách sẽ bắt gặp tấm bia đá lớn nhất Việt Nam (Bi Đình) với chiều cao 5m, nặng 20 tấn. Trên bia khắc bài Khiêm Cung ký do vua biên soạn dài gần 5.000 chữ, như một bản tự thuật về cuộc đời, vương nghiệp, công tội của ngài để cho hậu thế nhận xét.
Sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng quyền uy và tài đức của nhà vua cùng hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa như một cách để linh hồn vua rửa tội.
“Cung điện thứ hai” của vua
Là lăng tẩm lớn nhất, với nhiều công trình kiến trúc độc đáo trên quy mô gần 12ha, được xem như một cung điện thứ hai của vua sau Tử Cấm Thành. Tự Đức cho xây hành cung rộng lớn vậy để làm chốn quên sầu và phòng khi ra đi bất trắc, như ông từng nói: “Người khỏe còn lo chuyện bất thường huống chi kẻ yếu!” (Khiêm Cung ký).
Lăng Tự Đức gồm hai phần chính với khoảng 50 công trình được bố trí trên hai trục dọc song song, lấy núi Giáng Khiêm làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm Minh Đường, các công trình kiến trúc là những nét uyển chuyển hài hòa với núi rừng. Điều đặc biệt, tất cả tẩm điện và lăng mộ đều có chữ “Khiêm” trong tên gọi.
Trong khuôn viên lăng gần như có đầy đủ các công trình được xây dựng ở kinh thành. Khiêm Cung Môn là nơi dành cho vua làm việc, nghỉ ngơi. Chính giữa là điện Hòa Khiêm nơi vua làm việc, nay là nơi thờ vua và hoàng hậu. Hai bên Tả Vu và Hữu Vu dành cho quan văn võ. Phía sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là nơi nghỉ ngơi của vua, nay là gian thờ bà Từ Dũ, mẹ vua.
Ba dãy tam cấp bằng đá dẫn vào Khiêm Cung Môn
Tấm bia lớn có khắc bài Khiêm Cung ký
Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Còn phía trái có nhà hát Minh Khiêm, một trong những nhà hát cổ nhất Việt Nam để vua xem hát, tiêu khiển sau giờ làm việc. Ngoài ra còn có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của vua và các cung phi khi ngài còn sống cũng như lúc băng hà. Nhưng nay chỉ còn là một phế tích.
Ngai vàng nơi vua ngồi xem hát trong Minh Khiêm Đường
Ra khỏi khu tẩm điện là khu lăng mộ với Bái Đình có hai hàng tượng quan viên văn võ và tấm bia Bi Đình, sau tấm bia là mộ vua, nhỏ nhắn, giản dị được ốp bằng đá. Bên cạnh mộ vua còn có mộ, miếu thờ các hoàng hậu của vua như lăng hoàng hậu Lệ Thiên Anh.
Vua Tự Đức đã nằm xuống giữa không gian chan chứa thơ và nhạc, thật yên bình. Người hậu thế khi đến thăm “ngôi nhà vĩnh cửu” của ngài đều vấn vương nỗi niềm hoài cổ vị vua tài hoa, lãng tử.
TRẦN NHƯ QUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét