Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Lên cao nguyên Mộc Châu sống đời du mục

(TT&VH) - Uống sữa bò tươi, nằm trong lều cỏ giữa bát ngát thảo nguyên, ăn thịt nướng bên ánh lửa bập bùng và rảo bước trên những thảm cỏ mịn màng dưới hàng thông cao vút… Những cảnh lãng mạn tưởng chừng chỉ có trong phim về người du mục ở xứ sở xa xôi nào đó. Nhưng không, nhiều người trẻ, ưa xê dịch khám phá đã tìm thấy tất cả những điều đó ở cao nguyên Mộc Châu, Sơn La, nơi cách Hà Nội chưa đầy 200km.

Đặt chân lên Mộc Châu một chiều cuối Thu, ngắm nhìn những tia nắng xuyên qua hàng thông thẳng tắp, tạo những vệt lung linh mờ ảo khi ôm ấp những bụi sương mù, và nắng trải vàng trên những triền cỏ bao la. Mặc cho gió dịu nhẹ và không khí tinh khiết của thảo nguyên mơn man da thịt, bạn mới hiểu vì sao cao nguyên này lại hấp dẫn nhiều người trẻ từ nơi thị thành đến vậy.

Sự trong lành và yên bình là mà ấn tượng toát lên đầu tiên từ người và cảnh nơi đây. Những người chăn bò trên thảo nguyên nơi đây đón tiếp người lũ khách phương xa bắng tất cả sự hồn hậu và bộc trực của mình.

Du lịch vắt sữa

Trên những triền cỏ, từng nông trang với hàng rào gỗ cũ kĩ thô mộc bao lấy từng đàn bò sữa tha thẩn bên khoảnh cỏ tươi, như điểm nhấn giữa muôn trùng xanh. Từng cây hồng đứng đơn độc, trơ cành khẳng khiu với chi chít quả. Mộc Châu nguyên sơ nhưng không lạc hậu. Bởi lướt qua vùng thảo nguyên, chỉ bên kia một con đường là thị trấn Nông trường với nhịp sống không hề đơn điệu. Thị trấn nhỏ mà cũng có taxi, cây số đầu tính 6.000 đồng, chúng tôi đi hết đúng 1 cây. Đưa tờ 10 nghìn, nhưng anh tài xế nhất định trả lại tiền thừa, cười bảo “Để lần sau lại đi”.

Một nhóm bạn trẻ trên hành trình khám phá cao nguyên Mộc Châu.
Ảnh Minh Hào
Mộc Châu đón khách hồn hậu như thế.

Chiều thứ Bảy, chưa kịp thay bộ quần áo chăn bò, ông Lâm Thanh Trân bất ngờ đón một đoàn khách toàn các bạn trẻ từ Hà Nội. Ông là chủ một trang trại bò sữa lớn nhất nhì Nông trường Mộc Châu, hiện có 50 con bò và thu gần 130 tấn sữa bò tươi mỗi năm. Đoàn khách đặt vấn đề: “Bọn em xin được ở trang trại một đêm, được cùng chủ đi vắt sữa bò và mua sữa ngay sau khi vắt có được không?”. Khách đến đã thấy quý rồi, ông Trân gật đầu ngay, nhóm bạn trẻ hò reo thích thú thay liền quần áo kéo nhau vào... chuồng vắt sữa bò.

Đến buổi tối hôm ấy, ông Phạm Văn Tế, một chủ trại bò khác cũng đón tiếp hai gia đình từ thành phố Nam Định và Hải Phòng lên. Ông Trần Tiến Lâm, người khách dẫn đầu đoàn “gia đình du lịch” cho biết, đã đi thăm thú nhiều nơi nhưng lần này quyết định lên Mộc Châu để “các con tôi có một tâm hồn rộng mở, phóng khoáng và có cơ hội đi thực tế việc chăn nuôi bò ở nông trại”.

Bò sữa là “đặc sản” của du lịch Mộc Châu. Ảnh Mạnh Cường
Không thuê phòng khách sạn, khách yêu cầu những chủ trang trại bò cho căng lều ngay trên bãi cỏ, đốt lửa ăn bữa tối và ngủ trong lều như một “gia đình du mục” đích thực.

Riêng hai cậu con trai lớp 4 và lớp 8 của ông Lâm dậy thật sớm vào sáng hôm sau, xúng xính trong bộ quần áo nhà nông, quấn tạp dề, xách xô hớn hở theo gia chủ đi “vắt sữa bò” rồi chia nhau uống những cốc sữa mình vừa vắt được.

Ông Tế vui vẻ nói: “Chăn nuôi bò lấy sữa là chính thôi, nhưng gần đây nhiều khách du lịch có nhu cầu “uống sữa tươi, ăn trong lều, ngủ giữa thảo nguyên” nên dần dần bà con cũng chiều”.

Nhiều gia đình đã mua sẵn những tấm bạt dùng để căng lều và hàng chục chiếc tạp dề vắt sữa để “phòng khi đông khách đến”. Những ngày tháng Mười, cao nguyên Mộc Châu có sương mù giăng giăng vào sáng sớm và chiều tối, những cánh đồng hoa dại cũng bắt đầu nở ngút ngàn nên “xứ bò sữa” tấp nập khách du lịch.

Không chỉ có chủ trang trại Lâm Thanh Trân và Phạm Văn Tế, hơn 50 hộ chăn nuôi bò sữa tại thị trấn Nông trường Mộc Châu đầy hào hứng vừa “vắt sữa bò vừa tiếp khách đi tour”.’

Kết hợp chăn nuôi và làm du lịch

Tổ chức tour du lịch... uống sữa bò trực tiếp là hướng đi mới ở Mộc Châu. Ông Phạm Văn Nhán, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, xác nhận: “Đó có thể là hướng đi lâu dài và làm giàu cho bà con nông dân nuôi bò sữa”. Ông Nhán cho biết, hiện sữa bò tươi Mộc Châu đều được lấy mẫu xét nghiệm hàm lượng melamine, công ty cũng khuyến khích các hộ gia đình nên kết hợp chăn nuôi và làm du lịch để tăng thu nhập.

Mỗi tour du lịch như thế, những ông chủ trang trại như Lâm Thanh Trân chỉ lấy của nhóm du khách nhiều nhất là 200 nghìn đồng, còn “trang phục, phục vụ và uống sữa bò miễn phí”. Ông Trân cười tươi: “Cái chính là để khách được thưởng thức hương vị trực tiếp của sữa và các sản phẩm an toàn được chế biến từ sữa như bánh hay bơ”.

Riêng nhà ông Trân, chỉ trong nửa đầu tháng 10, đã có hơn chục đoàn khách ghé thăm trang trại và du lịch thảo nguyên. Ông Trân nhẩm tính: “Nếu chuyên nghiệp hơn như cho thuê thêm lều bạt, nấu ăn kiểu cao nguyên để phục vụ khách thì tiền thu của người chăn bò chắc nhiều hơn hẳn”.
Đến 2020, Mộc Châu trở thành khu du lịch quốc gia

Theo Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, Trần Thanh Hải, hiện Bộ VHTT&DL đã có quyết định xây dựng Mộc Châu là khu du lịch quốc gia. Dự kiến đến năm 2020, Mộc Châu sẽ có trên 1.000 ha đất dành cho du lịch, và mỗi năm thu hút trên 1 triệu khách.
Mạnh Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét