Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Múa 'trai giả gái' ở thủ đô

Thứ bảy, 12/2/2011, 13:19 GMT+7

Múa 'trai giả gái' ở thủ đô

Vào mùng 10/1 âm lịch hàng năm, tiết mục múa cổ trai giả gái trong điệu đánh bồng được truyền lại từ nhiều đời tại hội làng Triều Khúc (Hà Nội) lại thu hút đông đảo người dân tới tham dự.

Đầu xuân, hội làng Triều Khúc, quận Thanh Xuân tưng bừng và nhộn nhịp từ mùng 9 đến 12/1 âm lịch với nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống. Đây là nơi thờ Thành hoàng Phùng (tức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng).
Trong đó nổi bật là tiết mục “Con đĩ đánh bồng”. Đây là một trong 10 điệu múa dân gian vô giá của đất Thăng Long.
Điệu múa có cái tên gây tò mò này cách đây vài năm vừa được Hà Nội phục dựng lại sau nhiều năm vắng bóng. Với những động tác mô phỏng đời sống nông nghiệp của cư dân xưa, đây là điệu múa cổ có đời sống thực sự trong dân gian, vừa có chức năng nghi lễ, vừa là thú vui giải trí.
Nét độc đáo của điệu múa này là trai giả gái với mặt hoa da phấn, động tác uyển chuyển, mềm mại, xúng xính trong áo tứ thân, váy đụp, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ và mỗi người đeo một cái trống nhỏ sơn màu đỏ trước ngực.
Trong khi các chàng trai đang đánh bồng, bên trong các cụ bát, cụ cửu nam và nữ (trên 80 và 90 tuổi) ngồi chầu hai bên.
Các mâm lễ vật dâng lên cúng tế được trải cánh hoa hồng.
Xung quanh là các gươm trường (tức quân tiên phong) đứng uy nghiêm.
Cùng với múa đánh bồng, múa sinh tiền, nghi lễ dâng tế, dâng trầu cũng được diễn ra kính cẩn.
Các Bát bửu, Đồng trì phủ Việt với các thanh long đao, đại đao dàn quân oai phong, đi lại là viên Hỏa diệm (giám sát binh).
Tiết mục múa rồng trước cửa đình vui nhộn.
Đám thanh niên cũng chung vui với trang phục thường trong các điệu múa lân sư rồng.
Sau các điệu múa đánh bồng, đông đảo cánh mày râu đổ ra ngoài chen chân xem cảnh chọi gà đầu xuân.
Khánh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét