Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Ngày xưa dân Nam Bộ ăn như thế nào?

Vài người bạn cho rằng ở Nam bộ có một dạng “văn minh ẩm thực”! Thời xưa khác với thời nay. Ngày nay, vì sinh kế thúc bách, giới lao động có xu hướng ăn những món vừa gọn, vừa no, ít tốn kém, gọi là “thực phẩm chế biến” khá đa dạng, đỡ tốn than củi, dầu hôi. Lắm gia đình ăn ở chật hẹp, khó bố trí được cái bếp, thỉnh thoảng mới dùng đến, khi thèm món ăn nào đó mà ở hiệu ăn bình dân pha chế không vừa miệng. Văn hoá vẫn dựa trên cơ sở vật chất: tìm những vật tư với giá bình dân nào cũng có, cần nhất là món tươi cho ra tươi, khô cho ra khô. Nhiều người than phiền rằng món ăn ngày nay nhàm chán, dùng nhiều bột ngọt,món mặn cũng lẫn vị ngọt, lại hôi mùi dầu ăn (dầu thảo mộc thay cho mỡ heo). Gà công nghiệp, vịt siêu thịt, toàn những giống ngoại nhập, cũng như thịt heo: heo công nghiệp không ngon bằng heo ta. Nhưng gà ta, vịt ta khó kiếm, bán giá cao, nuôi chậm lớn. Lại còn chê bai hương vị rau cải ngày nay chẳng ra làm sao cả. Toàn là urê, trái bầu, trái dưa leo, trái dưa hấu lạt lẽo, ăn nhiều dễ sinh bệnh vì hoá chất (?).
Thời xưa, dân trung lưu ở Sài Gòn và các tỉnh ăn như thế nào?
Xin dẫn một đoạn đăng trên báo Ðồng Nai, năm 1932. Bấy giờ bài báo thử đề nghị một toa ăn kiểu toa thuốc, chưa định chữ mơ-nuy (menu) là thực đơn. Cách đây hơn 60 năm, thực đơn ấy như sau:
Lót lòng: Cháo trắng ăn với một món, trong vài món sau đây: ăn với cá kho chiên lại, hoặc thêm chút nước rồi kho cho sắt lại. Hoặc ăn với tôm khô chiên củ hành, hoặc cá lóc chà bông, củ cải ngâm nước mắm.
Cơm trưa: Canh chua bạc hà. Cá nướng (cá sông hay cá biển). Ðồ lòng heo xào củ hành, với bún tàu (miến). Rau luộc (đọt dền hay đọt lang). Thịt kho nước dừa.
Cơm chiều: Canh thịt nấu cải bẹ, thịt kho nước dừa (hồi trưa chừa lại), dưa cải hoặc dưa giá, cá sặc hoặc cá rô muối sương rồi chiên, cua xào dấm.
Ăn mãi như thế thì nhàm, có thể trở bữa. Thí dụ như sáng ăn cháo đậu với cá lóc kho tiêu, cháo đậu nước cốt dừa. Hoặc cơm tấm với sườn heo nướng. Bữa trưa, ăn canh bầu nấu với cá trê vàng, thịt xào rau cần, cá lóc kho với dứa xắt mỏng, đầu trái dứa thì luộc, xắt mỏng ăn với cá kho, hoặc canh khoai mỡ, khoai từ. Hoặc canh chua nấu với trái dứa, mắm kho ăn với rau muống, ghém, rau sống và nhiều ớt, hoặc canh cá phèn, cá vược kho ngót. Buổi chiều cách thuỷ, mắm phải bầm trộn vào trứng vịt. Bắp chuối hột hoặc cà dĩa (cà trái ngắn và tròn) để sống ăn với mắm chưng, canh khổ qua hầm thịt.
Ngẫm lại, các món ăn được đề nghị trên đây, xưa hơn 60 năm vẫn còn định hình. Buổi ấy, món ăn khá tươm tất, pha chế công phu.
Ở thành thị hoặc thôn quê, người mẹ và con gái rảnh rang, không bận rộn làm thêm như bây giờ. Ngày xưa, mướn người phụ việc gia đình dễ dàng hơn ngày nay.
Ta thấy món mắm kho, nay được đề cao, trở thành lẩu mắm. “Lẫu” tức là “lô” nói theo giọng Quảng Ðông; mắm kho được đun sôi. Dễ hẫp dẫn và bảo đảm vệ sinh. Món canh chua cá kho xuất hiện. Ðã thấy món cơm tấm, bấy giờ, người dân bình thường vẫn có thể ăn gạo ngon (chưa có giống lúa công nghiệp năng suất cao thời dân số đông đúc ngày nay). Tấm của gạo ngon nấu khô, không nhão, quan trọng nhất vẫn là nước mắm ngon. Người Việt Nam ăn cơm bằng đũa, không dùng nĩa và dao, cơm đựng trong bát. Ðây là mô phỏng kiểu ăn của người Âu, dùng dĩa, muỗng, nĩa nhưng tuyệt đối ta không dùng dao. Phải chăng, heo, gà đã bị giết, cắt ra từng miếng, khi được ăn lại cắt lần thứ nhì, thứ ba là “bất nhân”. Ăn mà cầm dao thì gần như là vô phép đối với người bên cạnh.
Ngoài món ăn hàng ngày, người Nam bộ rất trân trọng món để dâng cúng ông bà, thần thánh. Món để cúng trên nguyên tắc, chỉ là bốn, giống như ở đồng bằng sông Hồng. Ngoài Bắc có giò, nem, ninh, mọc, trong Nam có món hầm (ninh), thường là giò heo hầm với măng tre mạnh tông, loại măng to, ít đắng, mạnh tông gợi ý nghĩa hiếu thảo qua truyện Mạnh Tông mắm giá khóc măng trong Nhị Thập Tứ Hiếu. Thêm món thịt ba chỉ luộc, xắt mỏng (thịt phay), món thịt kho với cá, với nước dừa. Và món xào, đại khái thịt heo xào cải, xào hẹ.
Thời xưa với thần thánh và tổ tiên không có lệ cúng món ăn tráng miệng như người Tây phương, vả lại, trái cây và bánh đã dâng lên bàn thờ trước khi dọn mâm cỗ. Không được cúng rượu Tây, phải là rượu đế cổ truyền, ông cha ta không biết rượu Tây. Gần như tuyệt đối không cúng những món thịt rừng, hoang dã. Mâm cỗ có dọn hàng chục món, nhưng chủ lực phải đủ 4 món.
Ngày nay, nhiều cửa hàng đặc sản mọc lên, gọi nôm na là quán nhậu. “Nhậu”, theo Tự vị của Huỳnh Tịnh Của in năm 1895 nghĩa là “uống”. Tự vị nói trên còn nêu ví dụ: nhậu nước, là uống nước. Trên nguyên tắc, mời bạn đi nhậu thì chỉ nhằm vào một món đặc sản là tri âm tri kỷ đều ưa thích. Nhậu thì uống rượu nhiều, nói năng lắm khi lung tung, vì vậy tổ chức nơi riêng biệt, thí dụ như ngoài vườn, không cho trẻ con lân la, e chúng nó nhiễm tật xấu. Mời bạn ra sau nhà, ngoài vườn để thưởng thức, ví dụ như thịt chuột rô-ti kiểu Tây, hoặc rùa, rắn, ếch.
Ăn lẫn lộn đôi ba món thì mất hương vị. Hoặc toàn là cua, tôm, chim trời, cá lóc nướng. Về phương diện này, nét hoang dã hiện rõ rệt ở phía Nam. Ðó là dấu ấn của thời nhà cửa chưa an cư, chưa rảnh rang để chăn nuôi gia súc, trồng rau cải. Bơi xuồng vào rừng, phá rừng, trọng tâm là dọn mảnh đất để làm ruộng nước. Bởi vậy, gặp đâu ăn đó, ăn cá nướng thay cơm; ăn rùa, ăn lươn, những thức ăn mà thiên nhiên ban bố cho, không phải nuôi. Thay cho rau cải, cứ bứt đọt cây, đọt cỏ, món gì chua chua, chát chát là cứ ăn, nào đọt cây bần, trái bần chín, đọt ổi, đọt xoài, rau dừa, bông súng, ngó sen, đọt vừng, đọt chiếc… Những món ăn hoang dã ấy gẫm lại khá ngon, nhiều hương vị không gì sánh kịp. Ðó là ký ức tập thể, lưu truyền đến thế hệ sau. Ở Sài Gòn, cái lẩu mắm với hơn 10 thứ rau rừng, vẫn hấp dẫn được người có ôtô, nhà lầu. Lại bày bò tùng xẻo, lẩu cá bóng kèo, trông thô sơ nhưng thịt gà, thịt vịt không sánh bằng. “Thú quê thuần hức bén mùi (Nguyễn Du). Thời xưa, bên Trung Hoa, vị quan to nọ chán chê danh lợi, bỗng dưng nhớ đến rau và cá của chốn quê nhà, bèn treo ấn từ quan.
(Theo Ðài Tiếng nói Việt Nam).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét