Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Ngoạn cảnh nhà thờ đá tại Nha Trang

Một trong những điểm du lịch mà bạn không nên bỏ qua khi đến với thành phố biển Nha Trang chính là nhà thờ đá, địa chỉ nằm trên độ cao 12m giữa trung tâm thành phố.



Hàng năm, thành phố Nha Trang thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Ngoài những thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển dài với bãi cát trắng tuyệt đẹp, các hòn đảo nổi tiếng như Hòn Tre, Hòn Tằm với đủ các trò chơi trên biển, khu nghỉ dưỡng Vinpearland, vịnh Vũng Rô, bãi dài Cam Ranh...Nha Trang còn có rất nhiều điểm đến văn hóa và lịch sử nằm ngày trong thành phố.
Nằm trên độ cao 12 mét giữa trung tâm thành phố, Nhà thờ đá Nha Trang là địa điểm thu hút rất nhiều du khách, các nhà quay phim và nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Tên chính thức của nhà thờ là Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua, nhưng thường được người dân trong vùng nhắc đến với tên gọi giản dị là nhà thờ đá, nhà thờ Nha Trang, nhà thờ Ngã Sáu. Phổ biến hơn cả vẫn là tên gọi Nhà thờ Núi. Nhà thờ là một trong những nét kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Pháp.


Với tư tưởng truyền bá lối sống cao đẹp của Công giáo tại Nha Trang, giáo sĩ Louis Vallet (1869 – 1945) đã dành tâm huyết của ông để xây dựng nhà thờ. Sau khi mất, mộ của ông được đặt ở dưới chân núi của nhà thờ.
Ngày 3 tháng 9 năm 1928, nhà thờ được khởi công xây dựng trên một mõm núi nhỏ có tên là núi Bông. Cái tên nhà thờ Núi cũng do đó mà có. Điểm thú vị là để tạo mặt bằng trên đỉnh núi, người ta đã sử dụng khoảng 500 vỏ trái mìn.
Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn theo lối kiến trúc nhờ thờ Công giáo phương Tây. Lối kiến trúc này giống với nhà thờ ở Sapa và một số địa điểm khác tại Việt Nam. Một gác chuông cao ở chính giữa có treo 3 quả chuông là điểm dễ nhận biết của các nhà thờ Công giáo phương Tây.



Nhà thờ là một không gian đẹp được những nhà nhiếp ảnh và quay phim rất ưa thích. Những cặp tình nhân cũng lựa chọn nhà thờ để làm nơi chụp những tấm ảnh cưới của mình. Nhà thờ mở cửa đón khách tất cả các ngày trong tuần từ 8h sáng và vẫn duy trì các buổi giảng đạo vào buổi sáng và buổi chiều.
Một ngày citytour trong thành phố Nha Trang:
- Thuê xe máy với giá 120.000 VND/ngày tại chính khách sạn nơi bạn đang ở.
- Các điểm du lịch nổi tiếng trong thành phố với Cầu Đá, tháp Bà Ponaga, viện Hải Dương học, nhà thờ Đá, tắm bùn...
- Thưởng thức hải sản ngon tuyệt trong buổi hoàng hôn tuyệt đẹp tại các quán hải sản trong thành phố.
- Giá phòng khách sạn từ 200.000 VND/2 giường trở lên.










Lam Linh

Nhà thờ Chánh Tòa TP. Nha Trang - công trình kiến trúc

độc đáo


Đến với Nha Trang - Khánh Hòa, ngoài nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng những thắng cảnh tuyệt vời, du khách còn có cơ hội tìm hiểu các di tích lịch sử, công trình văn hóa với kiến trúc độc đáo. Một trong những công trình kiến trúc du khách không thể bỏ qua là Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, hay còn gọi là nhà thờ Núi.

Đến với Nha Trang - Khánh Hòa, ngoài nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng những thắng cảnh tuyệt vời, du khách còn có cơ hội tìm hiểu các di tích lịch sử, công trình văn hóa với kiến trúc độc đáo. Một trong những công trình kiến trúc du khách không thể bỏ qua là Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, hay còn gọi là nhà thờ Núi.
                  Vẻ đẹp cổ kính của Nhà thờ Chánh Tòa TP. Nha Trang.

Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cạnh Ngã Sáu, trung tâm TP. Nha Trang, Nhà thờ Chánh Tòa là địa điểm thu hút rất nhiều du khách. Tên chính thức của nhà thờ là Nhà thờ Chánh tòa Kito Vua, nhưng thường được người dân trong vùng nhắc đến với các tên gọi giản dị và quen thuộc như: Nhà thờ đá, nhà thờ Núi. Nhà thờ được khởi công xây dựng vào ngày 3-9-1928. Xưa kia, đây là vùng đất hoang sơ, khi người Pháp đến Nha Trang đã cho xẻ đôi núi Hòn Một. Nửa phía Tây của ngọn núi này được san phẳng bởi 500 quả mìn để có diện tích 4.500m2 xây nhà thờ. Tháng 12-1941, công trình được hoàn tất và cái tên nhà thờ Núi cũng do đó mà có.
Đứng từ xa nhìn, nhiều người vẫn lầm tưởng công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng bằng đá chẻ, nhưng thực tế đá chẻ chỉ được dùng lát đường và sân. Còn toàn bộ các bức tường của nhà thờ được xây bằng táp lô xi măng. Chính linh mục Louis Vallet cùng các cộng sự đã trực tiếp đúc nên các khối táp lô này. Đặc biệt, chỉ phần mái bằng của hành lang chạy dọc hai bên được đổ bê tông cốt thép, còn toàn bộ mái vòm của nhà nguyện đều được dùng cốt tre cật và lưới thép mắt cáo.
Nhà thờ Núi mang đậm kiểu kiến trúc nhà thờ Gotic  với 3 phần rõ rệt, phần dưới cùng là cửa, phần giữa là ô  cửa sổ tròn to bằng kính màu được tô điểm những bông hoa hồng; phần trên cùng là hành lang và hai tháp chuông. Nét độc đáo của nhà thờ chính là bộ chuông đồng được treo trên tháp chuông. Đây là những quả chuông do hãng chuông nổi tiếng Bourdon Carillond của Pháp chế tạo và cung cấp. Trong một chuyến kinh lý vào tháng 2-1933, vua Bảo Đại đã đến thăm khi công trình đang được hoàn thiện. Lúc ấy, bộ chuông đồng đúc ở Pháp chở sang được treo tạm trên tháp gỗ. Quả chuông đầu tiên có âm mi giáng được nhà thờ hành pháp làm phép vào ngày 29-7-1934, hai quả còn lại có âm đô và âm la được hành lễ làm phép năm 1939. Trên tháp chuông còn có gắn 1 chiếc đồng hồ lớn, có 4 mặt quay ra 4 hướng.
Nổi bật nhất của nhà thờ Núi chính là khu Thánh  đường. Bước qua cửa Tiền Đàn, ta sẽ bắt gặp một không gian mênh mông, khoáng đạt và tràn ngập ánh sáng. Đặc điểm nổi bật nhất của kiến trúc Gotic tại nơi đây chính là các vòm cuốn hình múi uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Hoa văn trang trí sử dụng những đoạn thẳng, được bố trí hài hòa, tạo nên vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm. 14 tràng đàn (cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su) được mô phỏng bằng các bức họa treo trên tường. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời của hai hướng Đông và Tây, các nhà thiết kế đã cho lắp nhiều loại kính màu xanh, đỏ vào các cửa vòm, cửa hoa hồng. Tất cả đã tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp và nhẹ nhàng, làm dịu đi bầu không khí trang nghiêm vốn có thường thấy ở những nơi thờ phụng. Khu cung thánh là một không gian mở, những bức tranh Thánh bằng kính màu ở đây tạo nên vẻ đẹp rực rỡ và sang trọng. “Tôi cảm thấy vô cùng khâm phục bàn tay tài hoa của những người thợ đã xây dựng nên công trình này”, anh Nguyễn Thế Trọng - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.
Nhà thờ Núi đã có mặt ở Nha Trang hơn 80 năm. Từ xa nhìn lại, nơi đây giống như một lâu đài cổ đại La Mã. Đứng chắc trên một đầu non, với bộ áo xám tro, công trình xây dựng này vẫn vững chãi, hiên ngang trước mưa nắng, gió sương. Đối với bà con giáo dân ở TP. Nha Trang, Nhà thờ Núi có một vị trí vô cùng quan trọng, họ đến đây để cầu nguyện chúa ban hồng ân. Bên cạnh đó, nhiều cặp uyên ương cũng chọn nơi đây để tổ chức đám cưới, chứng nhận cho sự thăng hoa, kết trái của tình yêu. Đây còn là địa chỉ yêu thích của khách du lịch khi đến Nha Trang - Khánh Hòa. Ngoài tham quan, chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo, du khách sẽ có những phút giây thật thoải mái, yên bình khi ngắm nhìn sự thơ mộng của phố biển…
VĂN GIAN
Nguồn: Nha Trang Travel
Độc đáo nhà thờ Núi
TTO - Đã ngót 80 năm xây dựng, nhà thờ Núi vẫn sừng sững, trầm mặc giữa những đổi thay hằng ngày của thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa.
Ngày nay, đây không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo mà còn là điểm tham quan, chụp hình và ngắm cảnh lý tưởng của cặp đôi uyên ương, các nhiếp ảnh gia, du khách trong và ngoài nước.
Toàn cảnh nhà thờ Núi sừng sững giữa những nhà cửa, núi đồi ở thành phố biển - Ảnh: Tiến Thành

Dùng 500 trái mìn để san lấp mặt bằng trên đỉnh núi khi khởi công; những vách, mái, nền, cột đều bằng ximăng nhưng nhìn xa như đá núi chẻ; 22.226 viên đá được lát trên con đường chính dẫn đến nhà thờ… Đó là vài chi tiết thú vị của nhà thờ Núi, một công trình kiến trúc - văn hóa - tôn giáo không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến thành phố biển Nha Trang. 
Có lẽ không phải ngẫu nhiên, trong cuốn Xứ trầm hương, nhà thơ Quách Tấn phải tỉ mẩn đưa ra những nhận xét: "Kiến trúc nhà thờ Nha Trang không giống phần đông nhà thờ khác trong toàn quốc. Kiểu thức vừa cổ kính vừa tân kỳ. Tất cả vách, mái, nền, cột đều toàn ximăng. Và đứng chắc trên một đầu non, với "bộ áo xám tro", hình tướng trông nửa như khiêm nhường, nửa như ngạo nghễ. Lại gần nhìn kỹ lại có vẻ nghiêm khắc cô cao.
Nhờ những khóm trúc đào hoa nở quanh năm ở trước sân, nhất là khóm đa xanh mát đứng che Tiểu Vương Cung của đức Bà Maria ở đầu bậc cấp bước lên, làm cho "nét mặt" nhà thờ bớt phần khô khan lạnh lạt".
Mặt trước nhà thờ

Thật vậy, như nhiều du khách lần đầu tiên nhìn thấy nhà thờ Núi, tôi cũng lầm tưởng về một công trình bằng đá trần trụi kiểu thành quách La Mã cổ xưa. Nhưng khi tới gần, chạm tay vào vách tường mới biết toàn bộ hệ thống chịu lực của nhà thờ được đúc bêtông cốt thép, những mảng tường được xây gạch thẻ, tô ximăng rồi kẻ chỉ. Chỉ có con đường dẫn lên nhà thờ và khoảng sân được lát bằng đá chẻ, một loại vật liệu có rất nhiều ở Nha Trang và khắp tỉnh Khánh Hòa.
Có lẽ vì thế ngoài tên gọi chính thức nhà thờ Chánh tòa, hay nhà thờ Núi (vì ở trên núi) người dân Nha Trang còn gọi là nhà thờ Đá?!
Những tư liệu lịch sử về nhà thờ Núi ngày nay vẫn lưu giữ trên những tấm bia trong tòa thánh đường: “Ngày 3-9-1928, công trình được khởi công trên mỏm núi Bông, khoảng 500 trái mìn đã được dùng để san bằng đỉnh núi. Chủ trì dự án xây dựng ngôi thánh đường này là vị linh mục Hội Thừa Sai Pháp Louis Vallet (1846-1945)”.
Tháng 5-1933, khi công trình hoàn thành, người ta ước tính diện tích hòn núi xây dựng nhà thờ là 4.500m2, trong đó diện tích nhà thờ 720m2, độ cao của nhà thờ so với mặt bằng thành phố là 8m và chiều cao của nhà thờ từ móng lên đỉnh tháp 28m.
Nhà thờ Núi là địa điểm lý tưởng để các đôi uyên ương chụp hình cưới
Mặt bên nhà thờ Núi
Tượng Đức mẹ Maria và khóm đa xanh làm cho "nét mặt" nhà thờ bớt khô khan
Đồng hồ trên tháp được sửa chữa lại năm 1978 và hoạt động đến nay do linh mục Giuse Nguyễn Công Nghị và ông Nguyễn Văn Rồng trực tiếp sửa

Điểm nổi bật của nhà thờ Núi là lối thiết kế, xây dựng đậm phong cách kiến trúc phương Tây. Nhìn tổng thể, nhà thờ có bố cục chắc, khỏe với những khối lập thể nhỏ dần từ thấp vươn lên cao.
Cây thánh giá trên đỉnh tháp chuông vời vợi giữa trời xanh. Dọc hành lang nhà thờ còn có những hộc nhỏ đựng di cốt những người quá cố được ghép vào tường đá. Trong thánh đường, toàn bộ mái vòm bêtông đều được dùng cốt tre cật và lưới thép mắt cáo cùng những ô cửa hình hoa hồng theo phong cách kiến trúc gothic…
Tất cả tạo nên một không gian thiêng liêng, huyền bí, vừa gần gũi, giản dị khi du khách tới cầu nguyện hay tham quan nhà thờ.
Mái vòm nhà thờ dùng cốt tre cật và lưới thép mắt cáo
Một góc gác chuông nhà thờ trong thánh đường
Du khách nước ngoài thư thái trong nhà thờ

TIẾN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét