Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Ngũ Hồ trong lòng Bạch Mã


Ngược theo con đường nhựa lên phía đỉnh Bạch Mã, từ đây rẽ vào rừng theo những bậc đá hạ thấp dần độ cao sẽ tới một con suối nước trong vắt và lạnh, từ đó dẫn đến Ngũ Hồ.

Hồ thứ nhất hình thành do một vùng suối được mở rộng và uốn cong như hình quả mướp. Hồ dài tới vài chục mét, đá xếp theo dạng bậc, xen kẽ các khối tảng cuội đủ màu sắc trong khá đẹp. Nước ở đây chảy chậm và trong suốt nên có thể nhìn xuyên tận đáy. Hai bồn thu nước màu xanh thẫm dưới tán rừng xanh làm tăng thêm cảm giác lạnh của một vùng nước có nhiệt độ thấp nhất núi rừng Bạch Mã.


bach2

Men triền suối, xuống từng bậc theo chiếc thang tạm được làm từ những cây gỗ rừng tết lại thành các bậc, cao khoảng 12m chúng ta xuống tới hồ thứ hai. Hồ chỉ rộng khoảng vài mét nhưng dài và xoắn theo hướng dòng chảy. Những khối đá granit bị mài mòn từ hàng triệu năm tạo nên các khe, rãnh khá lớn. Bề mặt đá nhẵn, có chỗ đen bóng, có chỗ loang lổ như bức tranh khảm không hài hòa.

Hồ thứ ba có hình khá tròn trịa như trăng đêm rằm. Nước sâu dần vào chân thác. Ngọn nước đổ từ độ cao 6m, mở rộng ở khoảng giữa rồi thu hẹp lại, tạo thành hình chiếc đó khổng lồ, trắng bạc và sáng lòa dưới ánh sáng Mặt Trời buổi trưa chiếu xuyên qua kẽ lá cây rừng. Những hòn tảng, cuội to nằm kềnh càng và sõng soài viền quanh mép hồ phía dưới. Mạn nước gợn sóng vỗ nhẹ vào bờ đá làm rung rinh bóng mấy cây dương xỉ thân gỗ mọc trên vách dựng đứng phía mặt trời. Những tảng đá to, đường kính có dễ đến 40-70 cm, nhẵn bóng với màu sắc và hình thù kỳ dị càng tô điểm cho sự huyền ảo của vùng hồ.


bach3

Ngay phía dưới chân hồ nước là những phản đá nằm ngang, gợn lên những nếp nhăn theo cấu trúc phân tầng của nó, trông tựa mặt biển với những con sóng đang bắt đầu dâng trào. Một khoảng hẹp chỉ độ 2m nhưng dòng nước chảy sâu và khá xiết tạo nên những âm thanh ồn ào mà không quá đỗi xa lạ.

Từ đây đi xuống hồ thứ tư không quá nguy hiểm nhưng vẫn phải bám men vào các bậc đá ven lòng suối. Không cẩn thận, có thể bị trượt chân hoặc bị một cành cây nằm ngang nào đó đập vào đầu. Trên các tảng đá thường xuất hiện một lớp rêu mỏng màu xanh, xen kẽ là các vũng nước, đường kính khoảng 0,5 đến 2m và sâu tới hàng mét. Đi tiếp khoảng 20m là tới bờ phía trên của hồ thứ tư. Tuy vậy để thực sự xuống được hồ, chúng ta phải bám ngược vách đá, sau đó theo sợi dây thép tụt xuống chân hồ. Hồ thứ tư hình ô van nhưng đường viền không mềm mại. Dòng nước bị những tảng đá lớn xẻ rách thành hai đổ xuống hồ hình thành hai thác nước. Thác 1 không quá dốc do dòng nước ăn sâu vào đá, tạo nên hình máng đổ nghiêng xuống hồ. Vì vậy, dòng nước cũng không bắn tung mà chỉ vờn cao cách mặt hồ khoảng chừng gang tay. Thác 2 nằm bên hữu ngạn và lớn hơn thác 1, đổ xuống bề mặt khối đá lớn sừng sững làm nước bắn tung và xòe ra như chiếc váy trắng của vũ nữ ba lê. Mặt nước hồ luôn ở trạng thái dập dềnh, những tảng đá gần chân thác luôn ướt đẫm màu xanh đen của một lớp rêu mỏng. Có khá nhiều ngọn nứa uốn cong, rủ xuống quanh bờ làm chúng ta dễ liên tưởng hồ có dáng dấp của một sân vận động mi ni có mái xe mát rượi.


bach4

Qua hồ thứ tư, dòng nước tiếp tục uốn mình chảy thêm vài chục mét thì đột ngột đổ mình xuống và tạo nên hồ thứ năm. Đây là thực sự là một kiệt tác của thiên nhiên, là sự chạm trổ, khắc họa đan xen giữa nước, đá, cây và không gian trời đất. Bờ hồ là những tảng đá granit màu xám với kích cỡ khá đều, cao tới 2m. Hồ không rộng, hình như chiếc kèn sắcxôphôn lùn nằm cong giữa thành đá. Dòng thác đổ mạnh nhưng theo từng bậc đá, chảy tràn từ bậc trên xuống bậc dưới rồi đổ ào xuống phần trên của "chiếc kèn". Phần này rộng khoảng 2m, dài 3m, sâu tới trên 2m và xoáy sâu vào mép đá nên trông rất cổ kính và kỳ dị. Dòng nước mặt đập vào đá rồi bật ngược trở lại tạo nên những gợn sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Phần dưới cạn hơn nhưng khá rộng và dài tới 5m. Nước trong suốt, dòng chảy chậm nên có thể quan sát rõ từng viên cuội dưới đáy hồ. Bên hồ lại xuất hiện thêm một thân cây gỗ nằm chúc đầu xuống nước, thân ẩm ướt và mọc đầy rêu xanh.


bach6

Dòng nước chảy thêm một đoạn ngắn rồi đổ tiếp vào hồ hình thoi. Thác đổ xuống hồ chỉ cao khoảng chiều cao một người lớn nên dòng chảy chảy không dữ dội. Phần trong hồ nước sâu, màu xanh đen do thiếu ánh sáng mặt trời. Phía bên này, hình thành một đụn cát sỏi khá lớn và mở rộng dần xuống đáy sâu phía trong, tạo nên bề mặt đáy đơn nghiêng vào chân thác. Đây cũng là phần kết thúc của Ngũ Hồ.
Tuy nơi đây vẫn còn đậm nét hoang sơ, chưa có sự đầu tư nhưng với những người ưa thích cảnh quan thiên tạo thì Ngũ Hồ là một địa chỉ không thể không đến.


Bảo Bình

Non thiêng Bạch Mã sẽ là “Yên Tử thứ hai”!?


(TT&VH Online) - Khu du lịch Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã vắng vẻ đến nao lòng trong những ngày Festival Huế. Có đến đây mới thấy hết những nghịch lý của ngành du lịch nước nhà. Nơi nào cũng thái quá! Khi Huế trở thành TP Festival với nhiều “quả” đầu tư “nóng”, nhưng “sát nách” nội đô, một địa điểm du lịch đẹp gần như bị bỏ quên trong hoang hóa…
 
Cổng vào VQG Bạch Mã (Ảnh: vnphoto)
* Hoài vọng Bạch Mã
Đêm âm u trừ tịch ri rả tiếng côn trùng giữa núi rừng Trường Sơn gây nên một cảm giác huyền hoặc. Tôi ở trên gác mái của một ngôi nhà biệt thự Pháp cổ, phòng dành cho 8 người, nhưng đêm nay chỉ có mình tôi. Nỗi buồn xâm chiếm, ảo giác xâm chiếm, cô đơn, khắc khoải… Thoảng trong tiếng mưa rơi lắc rắc trên những tán cây đen thẫm nghe như có tiếng hát vọng về.
Cậu thanh niên tên Tuấn là quản gia, lễ tân, nhân viên phòng kiêm cả chức đầu bếp trưởng khu nhà Phong Lan gồm có 7 phòng, công suất 30 khách này vẫn nằm khểnh nghe Đài tiếng nói Việt Nam. Thấy tôi lang thang trong sân, cậu ta mừng quớ nhưng vẫn hỏi: “Anh không đi ngủ đi cho đỡ mệt”. Tôi cười: “Sợ ma!”. “Làm gì có ma…” - Tuấn nói mà tôi cảm thấy cậu ta vẫn thoáng rùng mình. “Anh lên đây lần đầu à?”. “Ừ”. Tuấn cười: “Anh lên đây làm gì, em chưa thấy ai đi nghỉ chỉ có mỗi một mình”. Tôi thủng thẳng: “Đi tìm “Thung lũng của những hòn đá ca hát”. Tuấn cười: “Anh cứ… dọa em, em ở đây chưa từng nghe nói đến Thung lũng của những hòn đá ca hát”. “Thế mà thực tế là có đấy…”. Tuấn so vai run lên vì lạnh…
Ngôi nhà tôi đang ở tên là Phong Lan, có kiến trúc điển hình của biệt thự Pháp cổ. Những mảng tường đá loang lổ rêu phong, gác mái, sàn gỗ, có cả những ô cửa sổ trên mái nhà nhìn ra thung lũng xa xa. Những gian phòng được ngăn với nhau bằng bức tường dày 40 phân tạo nên cảm giác âm u, cô độc. Cả khu nghỉ mát Bạch Mã từng có 139 ngôi nhà như vậy, mỗi nhà chiếm cứ một điểm cao, bên sườn núi, trong đêm vẫn nhìn được ánh đèn của các nhà xuyên qua rừng cây rậm rạp. Có 2 nơi cung cấp thực phẩm là cửa hàng tạp hóa Chaffanion và nhà hàng Morin. Ngoài ra trong rừng còn có các chalet (nhà nghỉ bằng gỗ). Đó là câu chuyện về thời kỳ “vàng son” của Khu nghỉ mát Bạch Mã vào những năm 40 của thế kỷ trước.
Đến nay chỉ còn 4 ngôi nhà vẫn sáng đèn đó là: Đỗ Quyên, Cẩm Tú, Phong Lan và Morin. Bốn ngôi nhà nằm dọc theo con đường xuyên sơn dài 3 km, không ánh điện, âm u, hoang vắng. Đêm đêm mỗi nhà trở thành những ốc đảo đơn độc giữa rừng. Trong thời kỳ “vàng son” của Bạch Mã, đã có những địa danh “Thung lũng của những hòn đá ca hát”, “Thung lũng con rùa”, “đường các ngọn núi”, “cầu Hướng đạo”, “thác Lớn, thác Nhỏ”… tất cả đều do các thành viên của phong trào Hướng đạo Đông Dương. Tại Bạch Mã này phong trào hướng đạo phát triển khá mạnh mẽ dưới sự dẫn dắt của cụ Hoàng Đạo Thúy và giáo sư Tạ Quang Bửu. Ngôi nhà Phong Lan này nằm ở ki-lô-mét 18, phía trước có sân tennis và bể bơi từng là trại Huấn luyện hướng đạo Đông Dương, nơi đào tạo các thanh niên hướng đạo sinh thành huynh trưởng. “Thung lũng của những hòn đá ca hát” là một trong nhiều địa điểm cắm trại của các hướng đạo sinh khi xưa, tại đó những câu chuyện lịch sử đã được các huynh trưởng kể lại, rồi tất cả cùng cất lên lời ca thúc giục lòng yêu nước của thanh niên…
Tôi đã cố công đi tìm “Thung lũng của những hòn đá ca hát”, dấu cũ phôi phai chỉ thấy “Lối xe ngựa cũ hồn thu thảo/Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương”. Tên cũ người nay ít gọi, lâu dần quên lãng. Thay vào đó là những cái tên mới: Đỗ Quyên, Ngũ Hổ, thác Bạc… nghe có vẻ lãng mạn và cũng thực tế hơn.
* Hướng đi mới: Du lịch tâm linh!?
Năm 1997, là năm đáng nhớ của Khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Lần đầu tiên con đường của người Pháp xây dựng được tôn tạo, song phải mất 3 năm sau, đến năm 2000 con đường này mới đưa vào phục vụ du lịch. Và ngay cả vậy con đường này cũng vẫn còn quá nguy hiểm khi lên thăm Bạch Mã. Khi đi từ Quốc lộ 1A vào, điểm dừng chân đầu tiên của du khách là khu Cầu Hai. Từ đây du khách sẽ được “tăng bo” bằng xe du lịch dưới 15 chỗ ngồi. Con đường dài 18 km từ Cầu Hai lên nhà Đỗ Quyên hầu như chỉ phục vụ được một chiều xe chạy. Trong trường hợp tránh xe ngược chiều, cả hai đều phải lán sâu ra dìa đường, nơi chênh vênh giữa vách đá và vực thẳm. Nói rằng Bạch Mã hấp dẫn du khách bởi sự mạo hiểm có lẽ đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có lẽ bởi sự mạo hiểm đó nên chúng tôi chỉ gặp 2 du khách nước ngoài du lịch tại đây trong những ngày Festival Huế.
Cậu Tuấn lễ tân cho tôi biết “mùa” du lịch của Bạch Mã chỉ vỏn vẹn diễn ra trong vài tháng hè. Khách đến ở thường chỉ 1 ngày 1 đêm, thảng hoặc lắm mới có những đôi vợ chồng mới cưới tìm Bạch Mã làm tuần trăng mật, song cũng chỉ ở được vài ngày vì buồn. Mùa đông còn tệ hơn. Vắng khách, cả khu “bốn-nhà-khách” chỉ có mấy anh em bảo vệ ngơ ngác nhìn nhau. Mỗi người giữ một tòa nhà giữa hun hút rừng thẳm, bỏ đi thì không đành, mà ở thì quá cô đơn vắng vẻ. “Nghề nó vậy!”-Tuấn kết luận.
Cứ để Bạch Mã u hoài, trầm mặc như vậy, cùng với sự lãng quên của con người, có lẽ trong một thời gian không xa những dấu tích cũ cũng tan biến mất.
Một năm gần đây khách đến có khá hơn, bởi có một nguồn khá lớn phật tử hành hương về. Câu chuyện bắt đầu từ một ngày giữa tháng Sáu năm 2007. Trong một lần đi khảo sát thực địa của GĐ Vườn quốc gia Bạch Mã-ông Huỳnh Văn Kéo và sư Quảng Trí đã “hữu duyên” tìm được một bức tượng phật và dấu tích nền chùa cổ. Chuyện chùa cổ phát tích lan nhanh trong nhân dân, du khách hành hương thập phương kéo nhau về công đức xây nên ngôi chùa mới lấy tên chữ là Bạch Vân Tự.
VQG Bạch Mã được phát hiện lần đầu tiên ngày 28-7-1932 bởi M. Girard-Kỹ sư cầu đường người Pháp.
Đỉnh cao nhất của bạch Mã: 1450m so với mực nước biển
Năm 1934: làm đường mòn đi bộ và đi kiệu tới đỉnh
Năm 1936: xây dựng 17 nhà nghỉ bằng gỗ (chalet)
Năm 1938: đường ô tô lên tới đỉnh, xây thêm 40 nhà nghỉ
Năm 1986: Thành lập khu bảo tồn và sau đó là VQG Bạch Mã (năm 1991) với quy mô rộng hơn 22000 ha, vùng đệm 21300 ha
Tháng 1 năm 2008, Chính phủ quyết định mở rộng diện tích VQG Bạch Mã lên thành 37.480 ha.
Theo chân một đoàn hành hương đi lên Hải Vọng Đài nơi thờ Quan Thế Âm. Hải Vọng Đài nằm ngay trên đỉnh Bạch Mã, từ đây có thể bao quát một vùng rộng lớn cửa biển Lăng Cô, Phá Tam Giang, Huế, Đà Nẵng. Nhiều khách hành hương tin rằng đây là đỉnh “thiêng” của núi Bạch Mã. Tôi có một sự liên tưởng về sự giống nhau khá kỳ lạ giữa Bạch Mã và Yên Tử. Thứ nhất bởi hai ngọn núi này đều được coi là núi thiêng trong tâm thức của người dân địa phương. Thứ hai là cả hai đều hướng ra cửa biển. Nếu ở Chùa Đồng (Yên Tử) nơi được coi là đài quan sát của quan quân nhà Trần canh giặc phương Bắc, thì Hải Vọng Đài (Bạch Mã) cũng nhiều lần được quân đội ta sử dụng như một đài quan sát vậy. Trong chiến tranh, trên đỉnh Bạch Mã này, quân đội Mỹ đã đổ bộ một lực lượng lớn đóng thành căn cứ quân sự, đến nay vẫn còn dấu tích là “Sân bay cũ”. Bộ đội ta cũng chọn đỉnh Bạch Mã làm căn cứ kháng chiến, dấu tích còn lại là hệ thống hầm ngầm dài 140 mét quanh co trong lòng núi.
GĐ Huỳnh Văn Kéo cho biết: “Các ngày 31-4 và 1-5 vừa qua lễ hội “Ấn tượng Bạch Mã năm 2008” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế tổ chức với chủ đề "Non thiêng vẫy gọi” đã thu hút khá nhiều du khách hành hương tham gia và các các loại hình du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Lễ vía Quan Âm, Đại Trai đàn chẩn tế, cầu quốc thái dân an cũng sẽ diễn ra từ ngày 16-20/7”. Như vậy dễ thấy là hướng đi sắp tới của Bạch Mã là du lịch tâm linh, nhiều người dân Huế cũng bày tỏ mong muốn biến Bạch Mã trở thành một Yên Tử của miền Trung. Được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định đầu tư cho tuyến đường từ Cầu Hai lên đỉnh Bạch Mã dài 20 km với tổng số kinh phí 55 tỷ đồng. Nhưng chưa biết đến bao giờ dự án mới được thực hiện, và hiện tại trong khi chờ đợi con đường mới, du khách vẫn phải tiếp tục mạo hiểm với con đường cũ.
*****
Chưa có một thông tin chính xác về số lượng du khách viếng thăm Bạch Mã, song chỉ nhìn vào số lượng phòng ốc ở đây thì có thể nói ngay khách về đây không nhiều. Tiếng là “đất du lịch” song các hoạt động vui chơi giải trí hoàn toàn không có, du khách chỉ có một chương trình duy nhất: dã ngoại và dã ngoại. Đã có nhiều doanh nghiệp ngỏ lời xin đầu tư vào lĩnh vực giải trí, nhưng những dự án này vẫn chưa được phê duyệt vì sợ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nguy cơ đấy là có thực song không thể chỉ vì “sợ” mà ta không làm. Một lộ trình đầu tư hợp lý cùng với những bản quy hoạch chi tiết cho từng phần của Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ là liều thuốc hay trị căn bệnh “u uẩn” trầm kha của Bạch Mã.
Lê Nguyên Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét