Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Người thợ cuối cùng của nghề độc nhất vô nhị

Không chỉ nổi tiếng bởi đạt được nhiều thành công trong nghề, ông còn là người duy nhất nắm giữ ngón tuyệt chiêu ở Việt Nam không còn ai làm được, nghề “đậu” của kim hoàn.
Ở tuổi 79, nghệ nhân dân gian Trần Hữu Nhơn vẫn cần mẫn với những tác phẩm kim hoàn mà theo ông “làm để cho con cháu đời sau!”.

Trong căn nhà nhỏ tọa lạc giữa khu vườn rộng trên đường Đào Duy Anh (thành phố Huế), lão nghệ nhân gây ấn tượng với khách bằng sự tinh nhanh và đôi bàn tay như múa lượn trên từng họa tiết của bức tranh “Chùa Một Cột” bằng chất liệu bạc.
Lão nghệ nhân dân gian Trần Hữu Nhơn đang tỉ mỉ hoàn thành công đoạn cuối của tác phẩm “Chùa một cột” bằng nghề “đậu”. Ảnh: Văn Nguyễn.
Ông bảo cả đời chỉ làm đúng một nghề kim hoàn. “Tác phẩm 'Chùa Một Cột' hoàn thành là cả tâm nguyện của tôi bao năm ấp ủ. Nó tạo cho tôi cảm hứng mạnh mẽ, bởi khi làm nó tôi hướng cả tấm lòng về thủ đô mến yêu, tự hào về dân tộc Việt Nam trường tồn, thịnh vượng”, ông Nhơn nói.
Lão nghệ nhân cho biết, thợ kim hoàn chia làm ba nghề gồm: trơn, chạm và đậu. Trơn là kiểu tạo hình có tính cơ bản mà người thợ nào cũng trải qua và làm được. Chạm là dùng vật nhọn để khắc vẽ lên sản phẩm. Đậu là kỹ thuật kéo sợi kim loại ra từng sợi mảnh như tơ để tạo nên một tác phẩm kim hoàn. Đậu phải làm thủ công chứ không thể bằng máy. Ông Nhơn đã chọn nghề đậu để đeo đuổi.
Ông Nhơn đến với nghề kim hoàn như một sự sắp đặt. Mồ côi cha từ khi lên 4, mẹ đã gửi ông sang nhà ngoại ở làng Minh Hương xã Hương Vinh (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). Được cậu ruột là Hoàng Tấn Ích, một chủ xưởng bạc, truyền dạy nghề, ông bắt đầu làm nghề từ đó.
Để mở mang kiến thức, nâng cao tay nghề, ông Nhơn lên phố xin làm ở tiệm vàng Vĩnh Mậu, một trong ba tiệm vàng nổi tiếng, tập trung thợ giỏi nhất ở Huế lúc bấy giờ. Với sự khéo léo, thông minh, cộng thêm đức tính cần cù, ông được nâng lên hàng thợ cả. Khi tay nghề đã cứng, ông ra riêng và mở hàng kinh doanh vàng bạc mang tên Vĩnh Long.
Đôi bàn tay của ông lão tuổi 79 vẫn điêu luyện trong từng đường nét. Ảnh: Văn Nguyễn.
Với ngón nghề “đậu” độc nhất vô nhị, ông được rất nhiều người biết đến, thuê làm những thứ hàng có độ tinh xảo cao. Ban đêm ông còn mở lớp truyền nghề cho thế hệ trẻ tại nhà. "Hồi đó đâu có máy móc như bây giờ, tất cả công đoạn phải làm bằng tay. Hơi cũng phải dùng miệng thổi qua ngọn lửa đèn dầu vào cho vàng bạc nóng chảy rồi thực hiện kéo sợi hoặc hàn, dát”, ông cho biết.
Hơn 60 năm làm nghề, ông Nhơn đã có hàng trăm tác phẩm tinh xảo được công chúng đón nhận và đánh giá cao. Với riêng ông, tượng Phật bà Quan Âm là tác phẩm tâm đắc nhất. Tác phẩm này đã giành giải nhì trong Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào năm 2008.
“Tác phẩm này được tôi dày công thực hiện trong nhiều tháng trời bằng nghề đậu, với công cụ thủ công. Có rất nhiều người đến xem bức tranh này và ngỏ ý mua với giá hàng chục nghìn đôla nhưng tôi từ chối. Bởi nó là đứa con tinh thần đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui và sự may mắn mà không tiền bạc nào có thể mua được”, ông Nhơn nói.
Trong căn phòng khách ấm cúng của ông có đầy đủ bộ sưu tập giấy chứng nhận danh hiệu, nào là bằng chứng nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam; bằng chứng nhận sản phẩm thủ công tiêu biểu quốc gia, danh hiệu nghệ nhân Thừa Thiên - Huế… Ông cũng được các nghệ nhân kim hoàn bầu làm tộc trưởng tộc kim hoàn Huế.
Tác phẩm tượng Phật bà Quan Âm của nghệ nhân Trần Hữu Nhơn đoạt giải nhì trong Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2008. Ảnh: Văn Nguyễn.
Ông Nhơn khẳng định nghề kim hoàn truyền thống không có nhiều lý thuyết hay bí quyết gia truyền như các nghề. Điều ông trăn trở nhất là nghề “đậu” đang đứng trước nguy cơ thất truyền, bởi không chỉ ở Huế mà toàn quốc, ngoài ông ra giờ chẳng ai làm được. Hai người con trai của ông là anh Trần Quang Tuấn và Trần Quang Minh đang nối nghiệp cha làm nghề kim hoàn, nhưng ngón “đậu” tuyệt kỹ của cha, các anh chưa nắm bắt hết.
Mới đây, anh Trần Quang Tuấn, con trai thứ bảy của ông Nhơn đã hoàn thành bức tranh “Bồ Đề Đạt Ma”, làm bằng chỉ bạc tạo hình rất ấn tượng. Nhưng theo ông Nhơn kỹ thuật để làm ra tác phẩm này còn cậy nhiều vào cha. “Tuy nhiên đây là tín hiệu tốt để nó có thể thay tôi nối dài tuổi thọ nghề đậu”, ông Nhơn nói giọng phấn khởi.
Ngoài thời gian dành cho các mặt hàng trang trí, trang sức vàng, bạc, ông Nhơn còn có sở thích nghe nhạc và sưu tầm những bản nhạc xưa, dàn âm thành cổ. Ông có thể ngồi hàng giờ trong phòng để nghe những bản nhạc trữ tình du dương như gợi nhớ về một thời xa vắng.
Nói về những dự định trong năm mới, nghệ nhân Trần Hữu Nhơn tâm sự: “Tới đây, tôi sẽ tiếp tục thực hiện tác phẩm về chùa Thiên Mụ như để cảm ơn mảnh đất kinh kỳ này. Đồng thời tôi sẽ thành lập một phòng trưng bày tác phẩm của mình tại nhà riêng để bạn bè, con cháu có thể đến xem và trao đổi kinh nghiệm mong làm sống dậy nghề đậu”.
Văn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét