Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Nguyên sơ bản Nước Rừng Kim Bôi - Hoà Bình


Trên miền đất Hòa Bình có 6 dân tộc anh em chung sống, trong đó người Mường chiếm tới 63%, thế nhưng để tìm thấy một bản Mường nguyên thủy lại không dễ dàng chút nào, vẫn còn giữ được nguyên vẹn đời sống truyền thống xưa. Đó là bản Nước Rừng thuộc huyện Kim Bôi - Hòa Bình. 

Dân tộc Mường nằm trong nhóm dân tộc Việt - Mường, từ xa xưa hai dân tộc là một nhưng dần dần đã tự tách ra. Những nhóm đi vào rừng núi trở thành người Mường, những nhóm đi xuống đồng bằng trở thành người Kinh. Như vậy người Mường là gần gũi nhất với người Kinh tức là người Việt. Bởi vậy trong thời kỳ phát triển kinh tế, hội nhập văn hóa hiện nay thì các bản Mường là nơi rât dễ dàng bị phai nhạt đi các bản sắc dân tộc lâu đời, đễ dàng chấp nhận bỏ nhà sàn, xây nhà gạch, bỏ áo chàm mặc áo phông.
Trên suốt con đường núi dẫn vào bản, mặc dù rừng núi và đồng ruộng vẫn chưa bị phá, thế nhưng nhà cửa, xóm làng gần xa đều là nhà gạch mới xây, những người dân bản nơi đây đều đã ăn mặc như là người ở ngoài thành phố. Theo chân cán bộ văn hóa địa phương, chúng tôi đi qua hàng chục cây số rẽ vào núi sâu. Vượt qua một khe núi cao, một thung lũng xanh tươi nằm ẩn sau bốn bề các vòng núi đá vây quanh sẽ mở ra trước mắt các bạn.
Với con suối Mường Ho tuyệt đẹp chảy ngang qua thung lũng và là nguồn nước cho bản làng, cho ruộng nương nơi đây. Bản Mường huyền bí này xưa là thủ phủ cư trú của tộc Mường cổ. Không khí ở đây nhẹ bẫng, cảnh sắc sơn dã, núi non miên man hình yên ngựa. Giữa trưa, nắng gió mà sương khói vẫn lững lờ vờn phủ. Bản làng nơi đây làm ta ngỡ như là đang lạc vào một miền xưa cũ, tách biệt hẳn với cuộc sống xô bồ, với nhà đúc bê tông, với tàu xe nhốn nháo.
Những chiếc cầu tre nhỏ xinh ở bản Nước Rừng Kim Bôi là thứ mà ta chỉ còn có thể tìm thấy trong các nhà bảo tàng hoặc trong các khu vui chơi du lịch. Những chiếc cọn nước thanh thản quay đều suốt cả ngày đêm làm ta nhớ đến một thời an bình, một nhịp sống hồn nhiên khi mà con người còn thấy rất rõ mình chính vốn là một phần gắn kết của thiên nhiên. Các hang động ngay trên sườn núi là nơi cách đây 4-5000 năm đã có người nguyên thủy sinh sống, dấu tích và các vật dụng bằng đồ đá tinh xảo của họ được tìm thấy rất nhiều quanh đây.
Những đứa trẻ trong bản thơ ngây chơi đùa thỏa thích trên đường làng mà chẳng phải lệ thuộc vào máy chơi game hay vào súng phóng hỏa của các siêu nhân bạo lực vô hồn. Trong các ngôi nhà của dân bản ta đều thấy có TV, nhiều nhà có đầu đĩa với rất nhiều các đĩa ca hát, giải trí chứng tỏ người dân ở đây cũng không thật xa lạ với đời sống xã hội bên ngoài. Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến, các cô gái đi ra phố huyện, các chàng trai rủ nhau đi đá bóng bằng xe máy là chuyện thường tình. Ngay cả việc chuyên chở nông sản từ ruộng về nhà cũng dùng xe máy.

Chúng ta đã thấy cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan đã làm cho bản Mường này bảo tồn được bản sắc văn hóa rất đáng quý của mình. Chính vì thế, nơi đây nói riêng và các vùng rừng núi Hòa Bình nói chung đang được các nhà đầu tư du lịch sinh thái quan tâm và đang được những người yêu du lịch khám phá tìm đến ngày một đông hơn. Hy vọng vào một ngày rất gần, mô hình du lịch ở tại nhà dân tức là homestay, một loại hình du lịch đang được thế giới ưa thích sẽ được phát triển ở bản làng này.
Theo chudu24

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét