Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Độc đáo Tết người Mông

3 ngày Tết, người Mông không được ăn rau, không tiêu tiền, phụ nữ không được cầm kim chỉ… Trong ngày tết của mình, người Mông đặc biệt thích mời khách là người Kinh đến chơi... 
Chuẩn bị tết trước cả tháng 

Vào những ngày này, khắp các bản làng người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, đàn bà thì miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy, áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn thịt gà để làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. Trẻ con nô đùa bên những vườn cây đào, cây mận hay đánh cù chờ Tết đến.

Người Mông có một hệ lịch riêng, vì vậy Tết của họ vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 Âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay, đa số đồng bào Mông đã ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì song song Tết theo hệ lịch riêng của họ.
Ảnh minh họa
3 ngày tết, bếp của người Mông luôn đỏ lửa

Như người Kinh, khoảng 25, 26 tháng Chạp, mọi người bắt đầu nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết. Với người Mông, 3 món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết là thịt, rượu và bánh ngô. Tuy nhiên, họ không đón Giao thừa như người Kinh.

Để chuẩn bị cho ngày Tết, ngoài thịt lợn, thịt gà, nhà nhà đều phải có rượu ngô và bánh dày. Rượu ngô được nấu từ trước Tết hàng tháng. Rượu nấu xong đựng vào chum lớn, chum bé, đậy lá chuối rừng khô để giữ được mùi thơm.

Bánh dày làm từ gạo nếp nương, gói lá chuối. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Bánh dày là thứ bánh đặc trưng của Tết người Mông, tựa như bánh chưng của người Kinh, người Tày, dùng để cúng tổ tiên và trời đất.

Tối hoặc giữa đêm 30, mỗi nhà đều phải làm lễ cúng "ma nhà" (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (phải là gà trống hoa). Sau khi cúng xong, đem lợn và gà đi giết thịt, rồi cúng một mâm thịt chín. Sau đó mới được ăn và uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Đối với họ, tiếng gà gáy sáng sớm của mùng Một mới đánh dấu một Năm Mới bắt đầu.

Trong ba ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hằng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân đã giúp con người lao động, sản xuất trong năm cũ. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày.


Ảnh minh họa
Bên cạnh tết Độc lập, đây là một trong 2 tết quan trọng nhất của người Mông

Tết của người Mông ở Mộc Châu vừa là dịp để trẻ con trong bản chơi các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao… vừa là ngày hội lớn để tất thảy đồng bào dân tộc từ miền xuôi miền ngược tới đây cùng ăn Tết chung vui.

Bên cạnh đó, lễ hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc) trong ngày Tết là lễ hội lớn nhất trong năm và thể hiện nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người Mông. Lễ hội này thường diễn ra vào ngày mùng Hai của năm ới nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật, cầu cho con cháu đầy đàn.

Tết không được…ăn rau

Trong 3 ngày tết của người Mông, đặc biệt là người Mông ở Mộc Châu (Sơn La) có tục lệ kiêng không ăn rau.

Theo giải thích, trong cả năm trời người Mông rất vất vả trong công việc làm nông nghiệp. Chính vì vậy, những ngày tết không ai phải làm gì cả, chỉ được ăn chơi tận hưởng thành quả của mình đã vất vả làm ra cả năm trời. Trong mâm cỗ của mình, người Mông chỉ bày các món được làm từ thịt lợn, tuyệt đối không có rau xanh.

Phong tục không ăn các loại rau xanh trong 3 ngày đầu năm mới đã có từ rất xa xưa, được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác của người Mông ở Pà Cò, Loóng Luông, Ba Phách, Tân Lập và hiện giờ vẫn được người dân nơi đây thực hiện như một trong những phong tục thiêng liêng và thành kính. Ngoài ra, trong 3 ngày này, người Mông không mua bán, không tiêu tiền, với tín ngưỡng giữ lại của cải, tiền bạc trong gia đình, phụ nữ không được cầm kim chỉ để may vá.


Ảnh minh họa
Mâm cơm của người Mông ngày tết, không hề thấy xuất hiện món rau xanh

Trong ngày tết của mình, người Mông đặc biệt thích mời khách là người Kinh đến chơi. Nhà nào mời được nhiều khách đến chơi là sẽ gặp may mắn cả năm đó. Khi có khách, người Mông sẽ mời khách uống rượu “chén đôi”. Uống rượu chén đôi như là một nghi thức truyền thống của người Mông. Uống rượu chén đôi khá phổ biến với các đồng bào dân tộc Tây Bắc. Chén rượu đôi trong những ngày lễ, ngày Tết dành cho khách thể hiện tấm thịnh tình chủ, khách. Nhưng với người Mông, khi khách đến nhà sẽ không còn phân biệt rõ khái niệm chủ - khách nữa. Bên mâm cơm và chén rượu ấm cúng, chủ và khách chỉ còn là những người bạn tâm giao.

Chủ nhà là người đầu tiên tự rót và uống hết 2 chén rượu. "Chén thứ nhất mình uống cho mình, đó là lời chúc an lành và mọi sự tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mùa màng bội thu. Chén thứ 2 mình uống cho bạn - người ngồi bên tay phải mình, cũng với ý nghĩa như chén đầu, với tượng trưng, những điều tốt đẹp mình mong chờ cũng sẽ đến với người bạn ấy".

Rượu uống xong, 2 chiếc chén sẽ được xoay úp, thể hiện tấm thịnh tình và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới đã được người uống nhận trọn vẹn và cũng đã chúc đầy đủ cho người ngồi kế bên phải. Rượu chén đôi sẽ đi một vòng khép kín từ phải qua trái mỗi người.

Sau khi uống cạn và úp chén, người vừa uống sẽ rót đầy rượu vào 2 chén đó rồi chuyển cho người tiếp theo ngồi kế bên phải. Đến lượt ai cầm chén, người ấy cũng làm tương tự như người trước đã làm: Uống cạn chén thứ nhất chúc cho mình, và uống tiếp chén thứ hai cho người bạn ngồi bên phải, với ý nghĩa không đổi.

Hai chén rượu cứ thế đi một vòng quanh mâm cơm. Trong lòng ai cũng lâng lâng niềm vui, cảm kích vì sự trọng thịnh của gia chủ. Vòng rượu đầu tiên cũng là duy nhất mang ý nghĩa chúc tụng trong năm mới. Sau đó, tùy vào khả năng mỗi người mà việc uống rượu tiếp tục.

Việt Dũng
Việt Báo (Theo_VnMedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét