Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Thẳm Bua xứ Nghệ - lạ và độc đáo


hang_BuaNghệ An không những nổi tiếng với hang Thẳm Ồm, Thẳm Chàng (tiếng Thái là Hang Voi), mà còn có hang Thẳm Bua (hang Bua), được xem là một di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước...

Tiếng Thái gọi hang động là Thẳm, nên người dân còn gọi tên hang Bua là Thẳm Bua (hang Sen). Hang Bua là một thắng cảnh đẹp của miền Tây Nghệ An, nằm trong dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc bản Na Nhàng, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 170km về hướng Tây Bắc. Núi “Phà Én” nằm ở phía Bắc dãy Trường Sơn, có nhiều hang động được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng, nhưng hang Bua kỳ thú nhất và có diện tích lớn nhất. Đây là một di tích lịch sử gắn liền với những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộcThái xưa và có thể là một trong những di tích khảo cổ học của Nghệ An. Lòng hang rất rộng, có nhiều măng đá, nhũ đá tạo nên những hình thù vô cùng sống động và có thể chứa được hàng trăm du khách. Điều đặc biệt là khi đến đây, khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng quang cảnh bên trong với những hình thù kỳ lạ, những hòn đá được kiến tạo một cách tự nhiên thành hình ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ bằng đá được đánh bóng, ruộng bậc thang... và những dụng cụ sinh hoạt thời xưa của cư dân Thái như bó lúa, cái liềm...

Tại hang còn lưu giữ nhiều khối hình tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí-Pu-Phá-hủng) và Thần Nước (Phí-Nặm-Huồi-hạ) giao tranh; Chuyện tình Tạo Khủn-tinh và Nàng Ni... Di tích không chỉ cuốn hút đối với nhân dân trong vùng mà còn rất hấp dẫn với du khách thập phương. Cấu trúc hang Bua, bao gồm hai cửa kề nhau là Hang Lớn (Thẳm Ộm) nằm ở phía Tây Bắc, hang Bé (Thẳm Nọi) nằm ở phía Đông Nam. Trước cửa hang Lớn có hai tảng đá giống như hai con ếch đang canh. Cửa chính và cửa phụ có hình hoa sen (còn gọi là Boọc Bua) rất lạ mắt. Phía trước hang Bua là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, cây cối xanh tốt quanh năm, bản làng sầm uất. Thung lũng này còn là nơi tụ cư của người Thái với những bản làng sầm uất, yên vui. Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: Sông Quàng, sông Viết, sông Hạt để rồi hợp lưu thành sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu - Quỳ Hợp - Nghĩa Đàn đổ về sông Lam cùng xuôi ra biển Đông.

Theo sử sách ghi chép lại, vào năm 1937 vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn là Bảo Đại đã đến vãn cảnh hang Bua và tổ chức thi người đẹp ở đây. Từ đó, hàng năm ở hang Bua, cứ vào đầu xuân lại diễn ra các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc. Lễ hội hang Bua, được tổ chức từ ngày 18 và 19 tháng Giêng (ÂL) đã trở thành điểm hẹn của tình yêu đôi lứa. Các chàng trai cô gái thuộc dân tộc thiểu số của các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông về đây dự hội với những sắc áo và làn điệu dân ca của dân tộc mình. Đặc biệt có các điệu nhảy sạp, ném còn, thổi khèn, bắn nỏ thu hút nhiều du khách đến xem. Tại hang Bua còn tổ chức cuộc thi người đẹp vùng sơn cước rất độc đáo và lạ mắt.


Các hoạt động trong lễ hội hang Bua. Ảnh: Sở VH-TT & DL Nghệ An.

Vào dịp lễ hội hang Bua thu hút khách thập phương bởi những bộ áo váy rực rỡ, những điệu khèn những khúc nhuôn, xuối, lăm dìu dặt thiết tha trên bãi cỏ, trong lều trại, bên ánh lửa bập bùng của nhà sàn...Tất cả hòa cùng âm thanh của núi rừng, hang động làm cho Hang Bua rực rỡ, sống động, say mê quyến rũ lòng người.

Vùng núi Tây Bắc Nghệ An còn chứa đựng nhiều vùng văn hóa hang động ở phủ Quỳ như văn hóa hang động tập trung trong các dãy núi đá vôi thuộc 4 huyện phía Tây Bắc Nghệ An: Nghĩa Đàn - Quỳ Hợp - Quỳ Châu- Quế Phong, nổi tiếng về các hang động với những phong tục tập quán lễ hội đặc sắc nhiều khung cảnh tự nhiên nên thơ và huyền thoại- là địa chỉ hẫp dẫn đối với du khách gần, xa thích du lịch sinh thái vào mùa hè.



Tháng Giêng trẩy hội Hang Bua…

Xem h�nh
Biểu diễn cồng chiêng

Đã trở thành thông lệ, cứ vào 21, 22, 23 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, đồng bào các dân tộc vùng miền Tây Bắc Nghệ An lại nô nức trẩy hội Hang Bua (còn gọi là Thẳm Bua – "thẳm" tức là "hang" theo tiếng của dân tộc Thái)
Một lễ hội lớn được tổ chức tại Thẳm Bua - danh thắng Quốc gia được Bộ VH-TT công nhận và cấp bằng năm 1997 ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu - Nghệ An). Những già làng Mường Chiềng Ngam đến nay vẫn còn kể cho con cháu nghe rất nhiều truyền thuyết về một lễ hội Thẳm Bua với những sắc màu huyền thoại. Nó còn là nơi để người dân vùng đất Mường Chiềng Ngam này gửi gắm những ước nguyện tâm linh ...

Chuyện kể rằng: Thuở xa xưa, nơi đây là một vùng đất trù phú. Sông cần mẫn đưa nước tưới đẫm cho cả một vùng đồng lúa mênh mông. Ven dãy Phà Ẻn cao ngất với đủ loại cỏ cây, chim thú. Dòng Nậm Hạt, Nâm Niên lúc nào cũng đủ loại tôm cá…
Trong vùng, ngay trước cửa hang lớn là một ao hoa sen rộng có đến hàng mẫu, vào mùa sen nở tỏa hương thơm khắp cả một vùng. Ngay cả cửa hang cũng mang dáng một đài sen đang nở, nên nơi này thuở đó còn gọi là Bản Bua (tức Bản Sen). Chuyện cũng kể rằng, thuở đó, trong vùng có người con gái một phìa bản giàu có tên gọi là Nàng Ni. Nàng Ni đẹp lắm, da trắng như trứng gà bóc, mắt sáng như sao. Mỗi lần nàng cất tiếng hát Nhuôn, hát Xuối, ngay cả con chim, con sóc cũng lặng yên để nghe.
Tới tuổi chọc sàn, mặc bao lời hay lời ngọt của những trai làng con nhà giàu có, nàng Ni vẫn không xao lòng, bởi từ lâu nàng đã đem lòng yêu Ban, một chàng trai nghèo hiền lành chân thật nhà ở phía cuối bản. Vốn là con gái một phìa bản giàu có, nhiều thế lực, bố mẹ nàng ngăm cấm không cho nàng được tự do đến với người mình yêu. Nhưng làm thế nào để ngăn nổi con tim của hai người đang yêu nhau say đắm? Cho đến một hôm, phìa bản sai chàng trai nghèo vào Thẳm Bua để diệt loài thuồng luồng hung dữ chuyên gây hại cho dân bản. Bị lòng dạ độc ác của phìa bản hãm hại, chàng trai đi vào lòng hang và cứ đi mãi mà không thể trở về. Nàng Ni ở nhà đợi mãi, đợi mãi mà không thấy người yêu quay trở lại, nàng nhất quyết đi vào hang sâu để tìm chàng. Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, trải bao vất vả, nàng men theo những bậc đá lên tới đỉnh Thẳm Bua, ngồi đó đợi chàng. Nàng ngồi vậy khóc thương người yêu không biết bao ngày, cho mãi đến khi nước mắt cạn kiệt nơi phiến đá lớn trên đỉnh Thẳm Bua… Nhớ thương người con gái chung tình, phiến đá từ đó được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni); những giọt nước mắt của nàng ngấm qua đá núi từ bao đời thành những giọt thạch nhũ long lanh trong lòng Thẳm Bua…
Nhảy sạp trong lễ hội

Sau đó, mỗi năm cứ dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng Thẳm Bua tình tự như chia sẻ, cảm thông với mối tình trong sáng của người con gái đẹp đất Mường. Năm này qua năm khác, dần dần thói quen đó trở thành một lễ hội hàng năm với người dân vùng sơn cước. Lòng Thẳm Bua rộng rãi là nơi thuận tiện cho những cuộc vui tập thể mang đậm chất văn hóa dân gian. Nhiều ngõ ngách sâu thẳm thích hợp cho những cuộc hẹn hò của những đôi trai gái. Ngược dòng lịch sử, mùa xuân 1937 trong chuyến kinh lý Nghệ An, Bảo Đại – ông vua cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam đã cùng với Nam Phương Hoàng hậu và đoàn tuỳ tùng dừng chân ghé lại Thẳm Bua vào dịp lễ hội, để cùng tham dự một hội lễ với đầy đủ những sắc màu văn hoá mang đậm những yếu tố tâm linh và những huyền thoại về vùng đất, con người miền Tây hào phóng mến khách...
Mùa xuân Đinh Hợi 2007 đến hẹn lại về, Lễ hội Thẳm Bua đã lại vừa diễn ra. Những nghi lễ mang đậm nét văn hoá tâm linh gồm Lễ yết tế, Lễ đại tế cáo yết thần linh và những người có công dựng bản lập mường được tổ chức và hành lễ rất trang nghiêm do vị Mo cả chủ trì với đầy đủ các phẩm vật tế lễ truyền thống ngay tại Đền Tạ Bọ trên ngọn núi cao trong khu vực lễ hội. Phần hội cũng được tổ chức đa dạng phong phú với những hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao, những hội thi, trò chơi mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc... thu hút đông đảo người dân và du khách. Trong rộn rã nhịp chày Khắc luống, những tà váy áo Thái thướt tha trong bước nhảy sạp tưng bừng...
Hội thi Bản vui chơi bản ca hát
Thi người đẹp Thẳm Bua 2007

Nhiều cuộc thi làm nghề thủ công diễn ra sôi nổi trong tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ của người xem… và không thể thiếu những cuộc trình diễn văn hóa ẩm thực với mâm cơm dân dã mang đậm dấu ấn Thái với những món ăn được chính những người phụ nữ Thái chế biến từ những vật phẩm núi rừng để lại những ấn tượng không thể phai ngay cả với những du khách dù khó tính đến cỡ nào... Một chút hương vị của gói Họ mọc làm từ bột nếp trộn thịt gà băm nhỏ bọc lá chuối rừng hông chín, những xâu Pá pình (cá nướng) những ống Pá xôm (cá chua), thịt chua, thịt nướng lá bưởi, lá chanh, bát cánh ột thơm lựng, cơm lam, chẻo bón, chẻo môn... nhiều lắm, chỉ mới sơ sơ đã có đến 17 món ăn được bày biện trong một mâm cơm Thái ngày hội...
Điệu xoè nón

Ẩm thực Thái

Tháng Giêng trẩy hội Thẳm Bua. Đến với lễ hội, ngoài cái thú được hoà mình vào không gian văn hoá của một lễ hội vùng cao, chẳng mấy người bỏ lỡ dịp cùng bạn bè làm một chuyến du lịch thăm thú những hang động và thác nước nổi tiếng trong vùng như Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, thác Đũa (Quỳ Châu) hay thác Xao Va, và cụm thác Tạt Oọc Ái, Tạt Bái… của huyện bạn Quế Phong rất thuận lợi trên một tuyến đường quốc lộ 48. Trong tương lai gần, hẳn tại đây sẽ là những đến trong một tua du lịch sinh thái miền Tây...
Và ngay từ hôm nay, lễ hội Thẳm Bua đã diễn ra với thật nhiều ấn tượng khó quên khởi đầu cho một mùa lễ hội rộn rã trên vùng đất miền Tây đầy bản sắc này./.


Thi Khánh (Theo http://www15.24h.com.vn)


Theo Baocantho
Hang Bua: Truyền thuyết và lễ hội

Hang Bua (tiếng Thái gọi là thẳm Bua) là một thắng cảnh đẹp của miền Tây Nghệ An, trên dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc bản Na Nhàng (Hồng tiến), xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách TP Vinh 170 km về phía Tây Bắc. Tên hang được gọi theo tên bản nên có tên là hang Bua. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, từ thuở thời đất mới khai thiên lập địa. Xưa kia, nơi đây là vùng đất trù phú, người dân được thần núi che chở nên cuộc sống yên bình, no ấm, hạnh phúc.
Hang Bua là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của của đồng bào dân tộc Thái xưa và là một trong những di tích khảo cổ ở Nghệ An chứa đựng dấu tích văn hóa của nhiều thời đại. Trong lớp trầm tích tìm thấy ở hai cửa hang trước và sau có hóa thạch các loài động vật giống như hóa thạch động vật đã được phát hiện ở Thăm Ồm và các hàng động khác trong vùng, đó là: tê giác, hươu nai, lợn rừng, cheo chèo… Đặc biệt, những người dân địa phương còn nhặt được trong hang hai chiếc rìu đá - loại công cụ đặc trưng của con người thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ.  Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và nàng Ni (nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá)…
Đến hang Bua, ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông, cỏ cây xanh ngát một màu. Cửa chính hang Bua quay mặt về hướng Nam, phía trước là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, với những bản làng của người Thái sầm uất, yên vui. Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: Sông Quàng, sông Việt và sông Hạt để rồi hợp lưu thành sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đổ về song Lam cùng xuôi ra biển Đông. Khí hậu nơi đây mát mẻ, cây cối tốt tươi muôn sắc, muôn loài muông thú tụ họp về đây. Hang Bua có 3 cửa: Cửa chính, cửa phụ và cửa sau. Cửa chính và cửa phụ có hình bông hoa sen nên còn được gọi là “Boọc Bua”. Diện tích hang rộng, có thể chứa được hàng trăm người nhảy múa, hát hò. Vào sâu trong hang, ta sẽ được chiêm ngưỡng sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa: Những hình thù kỳ lạ, những mô đá hình người và những dụng cụ sinh hoạt thời xưa của cư dân Thái như bó lúa, cái liềm…Người xưa kể rằng, trong một trận đại hồng thủy, con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo để không ngủ gật, như thế sẽ không bị hóa đá theo lời nguyền. Nhưng sức người có hạn, tất cả đều đã hóa đá, vì thế mà trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa như ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng, thửa ruộng hình bậc thang, v.v… Trong hang còn có giếng tiên với nguồn nước mát lạnh, mùa hè khi trời nóng bức, uống một ngụm nước trong hang ta sẽ cảm thấy vô cùng khoan khoái, dễ chịu.
Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, hang Bua còn nổi tiếng với hoạt động văn hóa lễ hội sôi động vào đầu xuân. Lễ hội hang Bua có từ lâu đời, đến nay chưa thấy có tài liệu nào cho biết chính xác thời gian ra đời của lễ hội. Nhưng chắc chắn rằng, những nghi thức tín ngưỡng dân gian mà người dân địa phương tiến hành trước hang Bua tạo nên “Hồn cốt” của các lễ nghi sau này, cũng như tục trai gái đầu xuân rủ nhau đi chơi và tình tự trong hang là gốc gác của phần hội. Theo các cụ già kể lại, trước mặt hang Bua có bãi đất bằng phẳng, có cây thị cổ thụ và ngôi đền lớn tên là Tẻn Bò. Hàng năm, vào tháng 1 (lịch Thái), dân bản chọn ngày tốt để cúng tế thần linh, như Thần núi, những người có công khai bản lập mường, những linh hồn người chết trận và hai anh em Cầm Lư, Cầm Lạn là người có công dẫn dắt người Thái đến đây định cư. Năm 1937, vua Bảo Đại đến thăm hang Bua, hội xuân năm đó rất to. Ngoài những trò chơi dân gian có từ trước, người ta còn tổ chức thi người đẹp, thi dệt thổ cẩm.   
Một thời gian dài hội hang Bua không được tổ chức. Sau khi hang Bua được công nhận là danh thắng Quốc gia, bắt đầu từ năm 1997, lễ hội hang Bua được phục hồi và duy trì cho đến ngày nay. Vào các ngày từ 20-23 tháng giêng ÂL hàng năm, hang Bua lại tưng bừng vào hội. Trước khi khai hội, thầy mo làm lễ cầu xin thần núi, thần hang cho phép mở cửa hang để “trai gái được vào chơi, cầu cho thành đôi hạnh phúc, lúa tốt như rừng gianh đầu bản”, rồi mọi người vào hang quét dọn. Sau này, khi có đền thờ mường Chiềng Ngam, còn có các lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ diễn ra tại đền nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công khai bản lập mường.
Hội hang Bua mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân miền sơn cước, như: chơi hang, ném còn, khắc luống, chơi tọ lẹ, biểu diễn cồng chiêng, nhảy sạp, thi bắn nỏ, thi đi cà kheo, thi hát các làn điệu dân ca: nhuôn, xuối, lăm, khắp; thi người đẹp hang Bua, biểu diễn trang phục truyền thống, thi uống rượu cần. Đặc biệt, trong những năm gần đây, lễ hội hang Bua được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và có nhiều nét mới trong tổ chức cũng như trong các hoạt động, tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là lớp trẻ tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa, đáp ửng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách gần xa. Nhiều trò chơi mới được đưa vào hội, như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, đẩy gậy, kéo co, đu quay; chiếu phim; thi văn hóa ẩm thực; thi cuốn hương trầm; thi dệt thổ cẩm; thi cắm trại; thi viết chữ Thái; thi văn hóa rượu cần; tham quan các di tích lịch sử văn hóa trong vùng. Công tác tổ chức mỗi năm một chu đáo, bài bản hơn. Chất lượng các hoạt động cũng được nâng lên qua từng năm. Từng phần thi, mỗi năm cũng có những nét mới tăng nhằm tính hấp dẫn hơn. Ví dụ như phần thi văn hóa ẩm thực, năm thì thi làm mâm cỗ ngày tết, năm thì thi chế biến các món ăn đặc sản truyền thống và thuyết trình ý nghĩa các món ăn cũng là nội dung thi không thể thiếu. Phần thi văn hóa rượu cần cũng có nhiều nét mới, như: uống rượu cần trong cưới hỏi, trong lễ mừng nhà mới, trong lễ hội... với các hình thức diễn xướng khác nhau của các thầy mo, của người làm cham. Việc đưa  nội dung thi thêu dệt, xe sợi, thi đan lát, thi cuốn hương trầm… vào hoạt động của lễ hội cũng là những nét mới nhằm quảng bá, giới thiệu với du khách về nghề truyền thống của Quỳ Châu.
Xuân đã về, hang Bua chuẩn bị vào hội. Được biết, ngoài những hoạt động văn hóa nêu trên, hội hang Bua năm nay sẽ có thêm nét mới, đó là thi kể chuyện dân gian Thái, thi trình diễn kỹ thuật chế biến rượu cần… Nếu chưa một lần đến thì bạn hãy về hội hang Bua xuân này để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của hang động, được say trong những điệu khèn, những khúc nhuôn, xuối, lăm tha thiết… bên bãi cỏ, trong lều trại, bên ánh lửa bập bùng của nhà sàn…, và nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc khác.
           TC Văn Hóa Nghệ An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét