Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn


Dường như ai từng biết đến Đà Nẵng là biết đến Ngũ Hành Sơn. Nó nổi tiếng đến độ nhiều người muốn xem nó như là biểu tượng của vùng đất này. Không gian huyền ảo, thơ mộng, chùa chiền và hang động, cây cỏ và tiếng chuông chùa, sóng vỗ và những dằng dặc nghìn trùng... cách không xa trung tâm thành phố, Ngũ Hành Sơn từ lâu đã thật sự là một cõi thiên thai dành cho du khách.
Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng đã từng đến đây. Ông đã tự mình đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên như Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long... đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất hết biết bao nhiêu thời gian. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, giữa những lo toan quốc kế dân sinh, trong tâm hồn của con người này, cảnh trí Ngũ Hành Sơn đã chiếm một phần quan trọng như một nỗi tự hào về một miền đất xinh đẹp.
Nơi đây, các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chàm của thế kỷ XIV, XV. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động. Những di tích văn hoá lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,... Tất cả chứng minh hùng hồn về một Ngũ Hành Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.
Cũng như nhiều địa danh khác, những ngọn núi này bao bọc quanh mình nó rất nhiều những huyền thoại khác nhau. Không gian thơ mộng của cảnh trí và vẻ bãng lãng cổ tích của những câu chuyện cổ đã mang lại cho Ngũ Hành Sơn cái ý vị mà ít nơi nào có được. Trong tư duy triết học của Trung Hoa, Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Con số 5 là con số cực kỳ quan trọng trong tư duy và trong đời sống phương Đông. Nhìn như thế, trong sự trùng hợp ngẫu nhiên, 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tự trong mình nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường.
Cũng tại nơi đây, các hang động, cảnh quan tự nhiên và hệ thống chùa chiền vừa ngẫu nhiên, vừa có ý thức đã tạo ra một vẻ đẹp hài hòa, có cái quyến rũ, mời mọc nhưng cũng có những ý tứ, kín đáo, che giấu niềm cảm xúc bất ngờ trong suốt cuộc hành trình tham quan của du khách.
Vào những ngày hè, thử hình dung ta cùng bạn bè cất bước trên 108 bậc đá dẫn lên ngọn Thủy Sơn, ngồi nơi Vọng Giang đài nhìn con sông Trường Giang chảy xanh biếc trong hoàng hôn, hoặc đứng trên Vọng Hải đài dõi nhìn bãi cát cắt dọc theo con sóng. Buổi chiều người thành phố đổ xô ra biển, từng tốp ngư dân nhẫn nại đẩy thuyền thúng ra khơi, phía sau là những con đường đầy lá mục dẫn về các động, bên trong những ngôi chùa, mùi nhang trầm lặng lẽ tỏa hương... Một ngày ở Ngũ Hành Sơn như thế cho ta thêm yêu cuộc sống biết bao
Thế kỉ XVII, nhà sư Trung Quốc Thích Ðại Sán nhân dịp đến Ðàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu đã ghé thăm Ngũ Hành Sơn. Theo ghi chép của nhà sư để lại thì thời đó Ngũ Hành Sơn nằm trong một vùng đất hoang vu, ít người qua lại. Nhưng phong cảnh kỳ vĩ nơi này từ cách đây 300 năm đã thực sự chinh phục nhà sư đến mức ông phải thốt lên: 'Một phen du ngoạn thực đã rửa cả tai mắt trong bấy lâu nay.' Dấu ấn Hòn Non Nước (Ngũ Hành Sơn cũng được gọi là Hòn Non Nước) đọng mãi trong tiềm thức ông với những bài thơ diễn tả cảm xúc có một không hai này, như 'Bài thơ vịnh Tam Thai':
'Sấm vang gió thét ào ào
Ðàn vượn bên khe thót nhảy cao
Mắt ngắm biển khơi xanh thăm thẳm
Chân giày dậm cát trắng phau phau
Cổ đằng nghìn trượng xuyên hang đá
Bích nhủ muôn tua rủ động đào
Cát nóng giữa truông ngồi nghỉ mệt
Hơi thu bỗng đã lạnh nao nao.'
Nhà sư đã đi thăm thú khắp ngọn núi. Càng quan sát ông càng thích thú trước non nước hữu tình của Ngũ Hành Sơn thuở ấy. Ðặc biệt là các hang động Ngũ Hành Sơn đã làm mê mẩn Thích Ðại Sán với khung cảnh huyền dịu, mờ mờ hư ảo và ông đã không ngớt lời khen ngợi cảnh sắc tuyệt trần, kì ảo ấy qua các bài thơ, ghi chép mà ông để lại cho hậu thế.
Có thể thấy từ xa xưa, non nước Việt Nam đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho khách đến thăm. Thích Ðại Sán là nhà sư, thú thưởng ngoạn của ông cũng khác người trần tục chúng ta nhiều lắm. Vậy mà 300 năm trước, Ngũ Hành Sơn đã chinh phục được cảm xúc của ông thì đến hôm nay chúng ta có quyền hi vọng vào tương lai của một điểm du lịch nổi tiếng của mảnh đất Ðà Nẵng xinh đẹp
Ngũ Hành Sơn gồm có 5 ngọn: Thuỷ Sơn và Mộc Sơn ở phía Đông, Thổ Sơn, Kim Sơn, Hoả Sơn ở phía Tây, nằm trên một dải cát vàng chiều dài khoảng 2 km, rộng khoảng 800m thuộc xã Hoà Hải, huyện Hoà Vang, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 7 km về phía Đông Nam.
Có nhiều truyền thuyết về sự hình thành Ngũ Hành Sơn, trong đó có truyện kể rằng: 'Ngày xưa, nơi đây là một vùng biển hoang vu, chỉ có một ông già sông đơn độc trong một túp lều tranh. Một hôm, trời đang sáng bỗng nhiên tối sầm, giông bão nổi lên, một con giao long rất lớn xuất hiện vùng vẫy trên trên bãi cát và một quả trứng khổng lồ từ từ lăn ra ở dưới bụng. Sau đó giao long quay ra biển đi mất. Lát sau, một con rùa vàng xuất hiện, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống và giao cho ông già nhiệm vụ bảo vệ giọt máu của Long Quân. Quả trứng càng ngày càng lớn, nhô lên cao chiếm cả một vùng đất rộng lớn. Vỏ trứng ánh lên đủ mầu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, tím lấp lánh như một hòn gạch khổng lồ. Một hôm, ông lão vừa chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy, ông cầu cứu móng rùa - vật mà thần Kim Quy đã giao lại cho ông lúc ra đi và trong lòng trứng xuất hiện một cái hang rộng rãi, mát mẻ. Ông đặt lưng xuống ngủ thiếp luôn và không biết đang xẩy ra một phép lạ: một cô gái xinh xắn bước ra từ trong trứng và nơi ông nằm là một trong năm hòn đá cẩm thạch vừa được hình thành từ năm mảnh vỏ của quả trứng...'
Ngũ Hành Sơn không cao, ngọn Thuỷ Sơn cao nhất cũng chỉ 106m, sườn núi dốc đứng cheo leo,cây cỏ lơ thơ. Đá ở Ngũ Hành Sơn là loại đá cẩm thạch có nhiều màu: sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm..., không cứng lắm và là chất liệu rất tốt cho tạc tượng và đồ mỹ nghệ trang trí.
Thuỷ Sơn là ngọn cao nhất trong Ngũ Hành Sơn. Thuỷ Sơn nằm trên dải đất hình thuẫn, theo hướng Đông Tây, rộng chừng 15 ha.Đỉnh núi có 3 ngọn nằm ở 3 tầng, giống 3 ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm Đại Hùng tinh nên có tên là núi Tam Thai. Ngọn cao nhất ở phía Tây Bắc gọi là Thượng Thai, ngọn phía Nam thấp hơn gọi là Trung Thai và ngọn phía Đông thấp nhất gọi là Hạ Thai. Các chùa chiền và hang động tập trung chủ yếu ở  Thuỷ Sơn. Ở ngọn Thượng Thai có Vọng Giang Đài, tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm, chùa Tam Thai, Hành Cung, động Hoả Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư. Ở ngọn Trung Thai có hai cổng động Thiên Phước Địa, Văn Căn Nguyệt và các động Vân Thông, Thiên Long, hang Vân Nguyệt. Ngọn Hạ Thai có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Ngũ Cốc, Tàng Chân và phía dưới núi là Giếng Tiên và động Âm Phủ.
Lên thăm chùa chiền và hang động Thuỷ Sơn, du khách có thể đi bằng hai đường: đường tam cấp phía tây nam dẫn lên chùa Tam Thai có 156 bậc hoặc tam cấp phía đông dẫn đến chùa Linh Ứng có 108 bậc. Leo khoảng giữa đường tam cấp phía tây, quý khách sẽ gặp cổng ngoài của chùa Tam Thai, những hãy khoan vào chùa ngay mà nên rẽ trái, vòng hướng chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm và Phổ Đồng ra thăm Vọng Giang Đài chếch về phía phải chùa Tam Thai. Ở đây có một tấm bia bằng đá Trà Kiệu rộng 1m, cao 2m dựng trên một nền đế rộng. Trên mặt bia khắc 3 chữ Hán lớn: 'Vọng Giang Đài' (Đài ngắm sông) và một dòng chữ nhỏ ghi ngày tháng năm dựng bia: 'Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật' (Năm Minh Mạng thứ 18, tháng 7, ngày tốt). Đứng ở đây có thể nhìn thấy bao quát cả một vùng đồng ruộng mênh mông của Đà Nẵng, Quảng Nam và các con sông Trường Giang, Cẩm Lệ bao quanh.
Chùa Tam Thai là một ngôi chùa được xem là quốc tự và là di tích Phật giáo. Theo sử liệu, chùa được xây dựng cách đây ít nhất 300 năm. Năm 1825, Minh Mạng trong chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn đã cho xây lại chùa Tam Thai, năm 1927 đã cho đúc 9 tượng và 3 chuông lớn.Vòng ra sau lưng chùa Tam Thai theo một con đường đất sẽ gặp một cổng vôi cổ kính không biết xây từ bao giờ, trên có 3 chữ Hán 'Huyền Không Quan'. Đây là cửa vào động Hoả Nghiêm và động Huyền Không. Trong động Huyền Không có đường dẫn sâu xuống lòng đất. Lần mò trong bóng tối khoảng 10m trước mặt bỗng bừng lên một khoảng không gian rộng, cao vòi vọi, ánh sáng mờ ảo, êm dịu. Động Huyền Không là hang lộ thiên nằm gọn trong lòng núi. Núi hình tròn nên mái động cũng hình vòm, nền bằng phẳng, không có măng đá và nhũ đá, trên vòm có 5 lỗ lớn nhỏ có thể trông thấy bầu trời bên ngoài. Vách động có bọt đá tạo nên những hình thù kỳ thú.
Từ sau chùa Tam Thai, du khách đi về phía Đông sẽ gặp cụm hang động Trung Thai. Cụm này có động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt và động Vân Thông. Động Vân Thông nằm gọn trong lòng núi, hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi. Trong động có một tấm bia cổ, khắc 3 chữ ' Ngũ Uẩn Sơn', giữa động có một tượng Phật rất lớn. Sau lưng twngj là đường đi lên động, càng vào sâu càng hẹp và hướng lên đỉnh núi, phải bám vào các tảng đá mới bò lên được, cuối động là miệng thông ra ngoài to bằng cái nong (đường kính khoảng hơn 1m). Ánh sáng từ đỉnh dọi vào trong động tạo ánh hào quang rực rỡ. Đứng trên đỉnh động có thể bao quát cả một vùng đồng ruộng, sông biển, xóm làng.
Cụm chùa chiền hang động Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Tàng Chân, động Ngũ Cốc, động Âm Phủ, Giếng Tiên. Vọng Hải Đài là điểm cao bên phải chùa Linh Ứng. Đứng ở đây du khách có thể phóng tầm mắt ra một vùng trời biển bao la với các hoạt động nhộn nhịp của ghe thuyền trên biển. Ở đây cũng có một tấm bia một tấm bia bằng đá Trà Kiệu, kích thước như ở Vọng Giang Đài, dựng vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837). Chùa Linh Ứng ở ngọn Hạ Thai cũng là ngôi chùa có giá trị lịch sử cao, được xem là quốc tự và di tích Phật Giáo. Từ tam quan chùa Linh Ứng có đường đi xuống núi, rẽ phải sẽ gặp động Âm Phủ. Động cao, rộng, hình tròn sâu thẳm. Đường hang quay về phía Tây, vách lởm chởm đá, ẩm ướt, mát lạnh. Xuống khoảng 30m ta sẽ gặp một hầm cao, ánh sáng vẫn lọt qua khe đá dọi vào. Lần qua những cột đá lớn ta sẽ gặp một hang hẹp, lách qua ngách hầm còn có một vòm cao, một giếng sâu thông xuống lòng đất.
Nếu còn thời gian, mời du khách tham quan tiếp ngọn Kim Sơn và Hoả Sơn nằm phía Đông Nam, thăm chùa Thái Sơn, chùa Quan Âm, động Quan Âm, đi thuyền trên dòng Cổ Cò, ngắm bóng núi, bóng chùa in trên mặt nước phẳng lặng. Kim Sơn nằm bên bờ sông Cổ Cò, tại đây xưa có Bến Ngự, nơi thuyền Vua cập bến mỗi khi du hành Ngũ Hành Sơn. Nay bến xưa không còn nhưng cạnh chùa Quan Âm người ta vừa tìm thấy một cột lim neo thuyền ngày xưa. Ngay dưới chân ngọn Kim Sơn co một hang động dài hơn 50m, rộng gần 10m, cao khoảng 10 - 15m. Lối vào động là những bậc đá tự nhiên, bên trong là những lớp thạch nhũ bám vào vách núi tạo thành hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, cao bằng người thật rất thanh tú. Tượng thạch nhũ này còn sinh động hơn nhờ một lớp nhũ đá lấp lánh như dải kim tuyến phủ từ bờ vai đến gót chân tượng. Dưới chân tượng là một con rồng đang cuộn mình giữa những làn sóng. Đặc biệt, phía sau Bồ Tát còn có một hình tượng nhỏ hơn trông như Thiện Tài đồng tử và bên trái là hình chim Khổng Tước, hai cánh xoè rộng toả khắp trần động. Có thể nói đây là bức phù điêu tuyệt mỹ mà thiên nhiên đã ban cho Kim Sơn. Sau khi phát hiện ra động (1950), hoà thượng Thích Pháp Nhãn đã cho mở rộng lối vào động và xây dựng chùa Quán Thế Âm. Chùa dựa lưng vào ngọn Kim Sơn, ngoảnh mặt ra khúc sông đầy hoa sen thơm ngát. Hàng năm vào mùa lễ hội đầu xuân (19/2 ÂL), chùa mở hội lấy tên là Hội Quán Âm.
Cách Kim Sơn không xa là Hoả Sơn. Hoả Sơn gồm 2 ngọn, có một đường đá nhô lên nối liền với nhau. Ngọn phía Tây gần Kim Sơn là Dương Hoả Sơn, ngọn phía Đông là Âm Hoả Sơn. Dương Hoả Sơn nằm trên bờ sông Cổ Cò. Ngày xưa, khi Đà Nẵng và Hội An còn giao lưu bằng đường thuỷ, ở đây có một ngã ba sông, ghe thuyền qua lại vô cùng tấp nập. Trên sườn núi phía Tây, mặt hướng về phía Bắc, đối diện với Kim Sơn có 3 chữ Hán rất to được khắc vào vách đá 'Dương Hoả Sơn'. Trong núi Dương Hoả Sơn có các hang và chùa Phổ Sơn Đà. Âm Hoả Sơn nằm ở phía Đông, gần đường đi Hội An, chóp núi nhô cao. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy ngang tạo thành lát cắt. Cây cối mọc xen dày ở các kẽ đá, mỏm núi phía đông còn có một hang đá thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc.
Ngũ Hành Sơn được ví như hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng, không những là biểu tượng văn hoá trong tâm thức của mỗi  người con quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn là điểm đến hấp dẫn của du lịch Miền Trung - con đường di sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét