Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Tục thờ cúng ngày 30 Tết của người Tày

Về ý nghĩa tâm linh, việc thờ cúng ngày 30 tết hàng năm của dân tộc Tày cũng như các dân tộc khác trong vùng. Nhưng quan niệm về cách chuẩn bị và bài trí có những nét khác nhau. Bàn thờ truyền thống của người Tày thường đặt cao ngang ngực của người lớn, quá tầm với của trẻ em ở gian giữa nhà sàn, vừa ấm cúng, vừa gần gũi. Nhưng chỉ chiếm 2/3 chiều rộng của gian, 1/3 còn lại là cửa vào buồng của ông, bà hay chủ nhà, để không chui qua dưới bàn thờ.



Tuc tho cung ngay 30 Tet cua nguoi Tay
Ngày 30 tết, người chủ nhà thường là đàn Ông làm nhiệm vụ sửa sang bàn thờ: quét sạch bụi bẩn, lấy các bát hương ra đổ bớt tro trong bát chỉ để lại 1/3, đốt rơm sạch lấy tro bù vào bát hương đạt đến mức ban đầu (không lấy tro ở bếp vì lẫn nhiều uế tạp) và cắm lại đúng số chân hương mỗi lần thắp có thể là 1, hay 2 hay 3 cái tuỳ theo từng bát, lau sạch và đặt đúng chỗ cũ; rửa sạch khay, ấm, chén rót nước chè rồi đặt phía trước mỗi bát hương có 1 chén. Lót lá dong lên bàn, đặt khay ngũ quả vào chính giữa: một nải chuối và các loại quả có hình thù đẹp, không có vị đắng, chua, cay; khi chín ăn trực tiếp được, chủ yếu là những sản vật tự làm ra. Hai bên đặt bánh chưng (Bánh gù), mứt kẹo, và các loại bánh tự làm như: Chà lam, bánh khảo, bánh bỏng...và một chai nhỏ đựng rượu tự nấu nút lá chuối. Bên phải để một đĩa trầu, cau, thuốc lào; bên trái để lọ cắm một cành đào phai nhỏ, có ít nhất 3 nhánh trở lên, hoa đang nở. Hai bên mép bàn để dựng 2 cây mía to cắm gốc xuống sàn nhà, lá được buộc túm, cụm vào nhau như 2 đầu rồng...nói chung việc bày trí làm sao cho cân đối, gọn đẹp. Đặt một cây đèn thắp dầu hoả, thay bấc mới, có bóng và đế vững chắc đặt gần khay ngũ quả, để ánh đèn đủ sáng mờ ảo, tạo không khí tĩnh lặng mà trang nghiêm.

Mâm cúng lót lá dong, đặt chính giữa một con gà luộc nằm xấp có cả một số bộ phận phủ tạng và tiết (trừ mật và phổi) đã luộc chín; phía đầu mâm để 5 cái chén nhỏ và đặt xen vào đó 5 đôi đũa (bao giờ cũng số lẻ); hai bên có bát cơm hoặc bát bún và một bát nước canh gà (nước chấm tuyệt đối không có tỏi, chanh, ớt). Gà cúng thường là gà thiến sạch hay gà trống choai mới biết gáy do tự nuôi mà có, khoẻ mạnh không khuyết tật, màu lông đỏ hay vàng đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng không có lông. Sau khi làm sạch phải bổ miệng, cứa khớp để hai chân quặp ra bụng phía sau; đặt gà nằm nghiêng trong chảo nước lạnh, đầu ngửa ra phía lưng, chân thả lỏng tự nhiên hướng về phía sau bụng, hai cánh co tự nhiên, đem luộc. Phải lật đều hai bên để tư thế gà không bị vẹo (Không cúng gà ngậm miệng, không cứa chân co về phía trước. Vì người ta quan niệm tư thế này là con gà câm, đang bực tức, co chân chuẩn bị đá song phi). Người ta rải chiếu xuống sàn phía trước bàn thờ, sau đó kê một cái ghế hay cái hòm để đặt mâm cúng, đầu gà phải quay về phía bàn thờ trong tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên (thể hiện là con gà tốt, biết kêu, biết gáy, đang chầu); không đặt gà quay đầu ra, vì đó là gà đang chạy thoát thân không chịu chầu.

Trước khi cúng, phải thắp hương vào các bát và cắm một nén vào con gà trong mâm cúng; ngoài ra còn thắp hương vào chỗ thờ thổ công, cắm ra cổng nhà, chuồng gia súc, gia cầm, để vừa khẳng định chủ quyền phần đất ở, vừa mong tránh được thiên tai dịch bệnh. Đặt vàng mã và quần áo giấy lên bàn thờ (hiến tặng tiền và quần áo cho tổ tiên sử dụng trong tết, đón năm mới): Vàng mã thường làm bằng hai loại giấy trắng và giấy đỏ khổ to bằng mặt 1 trang giấy thếp kẻ ngang, gấp thành hình nén bạc; quần áo thường được cắt bằng giấy xanh và giấy tím, bằng khổ giấy A4 (thể hiện màu vải nhuộm chàm và màu vải nhuộm nâu), nếu thờ Cụ nào đó trước đây làm Thầy tạo, hoặc có một người học hành đỗ đạt cao, làm quan, thì cắt quần áo bằng giấy đỏ; đàn ông cắt quần liền áo ngắn, đàn bà cắt váy liền áo dài, đủ cho mỗi người qúa cố đang thờ một bộ. Nếu có thầy cúng, thì trong thời gian cúng rót 3 lần rượu, không có thầy cúng thì chủ nhà tự bày mâm thắp hương rót rượu lần đầu, khi hương cháy được 1/2 rót lần 2, khi hương còn 1/3 rót lần cuối; sau đó đốt hết vàng mã và quần áo giấy, để kết thúc lễ cúng. Chỉ có lúc cúng mới rót rượu, trên mâm cúng thể hiện chỉ dùng rượu đúng, lúc đúng bữa; lúc khác chỉ thắp hương và rót nước chè vì nước chè uống thường xuyên. Thời điểm cúng có thể là trước bữa ăn trưa hay trước bữa ăn tối tùy từng nhà; cúng xong phải duy trì việc thắp hương, bảo đảm đèn sáng liên tục qua đêm giao thừa và ít nhất là hết ngày mùng một. Đến ngày mùng 3 tết cũng chuẩn bị mâm cúng, vàng mã quần áp giấy (hiến tặng tiền và quần áo cho tổ tiên sử dụng trong năm mới), việc cúng, hoá vàng làm như lần cúng ngày 30, để kết thúc tết.
Việt Báo(Theo Du lịch việt nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét