Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Tục thức canh tuổi

Tục thủ tuế (canh tuổi) xuất phát do thói quen ngồi quây quần bên bếp lửa, nói chuyện vãn với những người ruột thịt trong gia đình.
 1
Canh nồi bánh chưng.
Tết thường lạnh, trời lại tối nên người ta thích nhất là ngồi quây quần bên bếp lửa, dưới mùi hương thơm nhẹ. Với cảm giác có sự chứng kiến của gia thần, gia tiên mọi người chuyện vãn với những người ruột thịt trong gia đình về công việc trong năm và những dự kiến tương lai để chờ đón năm mới. Dần dần hình thành một tập tục gọi là thủ tuế (canh tuổi).

Với người cao tuổi, canh tuổi có nghĩa là từ giã năm cũ, qua đi thời gian mà họ không kéo lại được nữa, họ muốn ngồi nhớ lại chuyện đã qua và mong ước những niềm vui cho năm mới. Người ta cũng muốn được chúc mừng nhau vào thời điểm mở đầu một tuổi mới.
Với người trẻ tuổi người ta tin rằng nếu con cháu thức canh tuổi thì có thể kéo dài tuổi thọ của ông bà cha mẹ. Trong quá trình thức người ta còn bày bánh kẹo, cháo, hoa quả ra một cái mâm ngoài trời để cúng đón Táo quân về lại hạ giới.

Cũng có khi những người trẻ tuổi để chống buồn ngủ họ còn tổ chức chơi bài, đánh cờ, kể chuyện vui với nhau. Cũng có nhiều gia đình lại để đến thời gian này mới luộc bánh chưng để cầu mong cho lương thực luôn đầy đủ.

Bên nồi bánh tất niên này họ không chỉ nói chuyện mà nhiều người còn dùng nước ở các nồi nén phía trên của nồi bánh để tắm tất niên xua đi mọi xui xẻo của năm cũ và chuẩn bị cho mình một thân thể sạch sẽ, thanh tịnh để đón năm mới.

Đối với các nhà thơ và những người có học thì thời gian canh tuổi là lúc họ suy nghĩ chuẩn bị, sắp xếp lại ý tứ để qua giao thừa bước sang năm mới họ sẽ khai bút bằng những đoạn văn hoặc những bài thơ, hy vọng một năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi như là sự mở đầu.
Việt Báo (Theo Bee)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét