Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Tượng Vua Lê bên Hồ Gươm

Thư mục: Du lich
Tượng vua Lê đứng ở phía Tây hồ Hoàn Kiếm, được xây dựng vào năm 1.888.  
Những ngày mùa thu, nước Hồ Gươm đầy ắp. Những ngày hè gió lồng lộng, tưởng như gió lặn trong lòng hồ, chiều đến gió mới cất cánh bay lên, quạt mát cho Hà Nội. Ai đến Thủ đô mà chẳng muốn đi dạo bên Hồ Gươm để được đắm mình vào làn gió ấy.
Nhưng có lẽ ít ai để ý đến một pho tượng đồng khuất sau những tán lá xanh rờn. Từ một bệ đá cao chót vót hình trụ tròn, chân bệ choãi ra như một chiếc trống đồng lịch sử, Lê Thái Tổ, mình mặc áo hoàng bào, đầu đội mũ bình thiên, đang uy nghi cầm kiếm nhìn ra phương Bắc.
Pho tượng cổ, vật còn lại vào loại hiếm của Hà Nội. Thanh kiếm đã đi vào truyền thuyết.Truyền thuyết kể lại rằng: Khi còn hàn vi, Lê Lợi đi đánh cá, kéo lưới lên được một thanh kiếm. Người đã dùng thanh kiếm đó khởi nghĩa, được Nguyễn Trãi giúp sức sau 10 năm gian khổ nếm mật, nằm gai đã đuổi hết quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi. Khi lên ngôi, đóng đô ở Thăng Long, một hôm người đi thuyền trên hồ Tả Vọng, có một con rùa vàng rất to cứ lởn vởn quanh thuyền. Người rút thanh kiếm báu đuổi rùa, rùa liền đớp lấy thanh kiếm và lặn đi mất. Từ đó, hồ Tả Vọng có tên hồ Hoàn Kiếm. Ngày nay, giữa hồ có một đảo nhỏ gọi là Gò Rùa. Về mùa thu, những ngày nắng hanh vàng, có nhiều con rùa lớn nổi lên, bò lên Gò Rùa phơi nắng ấm. Có lần người ta bắt được một con nặng hơn bốn tạ.
Tượng vua Lê đứng ở phía Tây hồ Hoàn Kiếm, được dựng vào năm 1.888. Theo một số tài liệu, khi Lê Thái Tổ mất (năm 1433), ngoài việc cả nước nhớ ơn vị anh hùng dân tộc đã có công đuổi giặc, giành độc lập cho nước nhà, riêng làng Kiếm Hồ, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long, còn lập đền thờ riêng. Đền đó chính là chỗ sau này dựng pho tượng. Ngày nay chúng ta đi dạo bên bờ, có thể dừng chân chiêm ngưỡng pho tượng người xưa mà nảy sinh biết bao suy nghĩ về đất nước và con người Việt Nam.
Giặc Minh tàn ác. Lê Lợi đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa với Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi mà nên công đại định.
Nhắc đến Lê Lợi, chúng ta không thể nào không nhắc đến Nguyễn Trãi. Đó là hình và bóng. Đó là thể xác và tâm hồn của một cơ thể.
Ngày nay, Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô, vừa là một di tích lịch sử, vừa là một thắng cảnh của Hà Nội.
Một buổi chiều nào đó đi dạo bên Hồ Gươm, ta nhớ lại đất thiêng từ xa xưa, Hà Nội còn là đất Long Đỗ, rồi Thăng Long, Đông Đô… mảnh đất này từng là một trong những cái nôi của dân tộc Đại Việt…
Ta đi, ta nghe trong gió hay từ đáy hồn ta, tiếng nói của cha ông, tiếng gọi của Đất nước.
Với người Hà Nội, Hồ Gươm là một mảnh hồn mình. Ta không thể nào quên được cái gió xanh cứ bay lên… bay lên từ mặt hồ lồng lộng. Ta không thể nào quên những đám mây đầy lòng hồ và lòng hồ đã biến thành một khoảng trời xanh biếc… Dù đi xa ngàn dặm, ta vẫn nhớ về gương hồ xinh xắn đó, càng xa càng nhớ, càng gần càng thương.
Đất nước Việt Nam từng sản sinh một Lê Lợi, một Nguyễn Trãi, một Hồ Chí Minh. Đất nước này sẽ xanh tươi, bền vững mãi mãi, như màu xanh của bầu trời đang soi bóng xuống Hồ Gươm và đậu vào vai người anh hùng còn đứng đó./.
Tuỳ bút của Băng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét