Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Đập Đồng Cam


Cánh đồng Tuy Hoà do phù sa sông Ba-Đà Rằng từ ngàn năm trước bồi đắp nên. Xưa hơn nữa, cánh đồng này là biển cả mênh mông, mà dấu vết còn lưu lại ngày nay là các gành đứng giữa các cánh đồng: gành Đá (thôn Mỹ Hoà, xã Hoà Thắng), núi Miếu (xã Hoà Quang), cồn cát trắng (thôn Mỹ Thạnh, xã Hoà Phong), gành Bà (thôn Phước Thành đối diện đèo Dinh Ông).

070612-Dap-Dong-Cam.jpg
Đập Đồng Cam   -  Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Qua bao nhiêu năm tháng của thời gian, phù sa cứ bồi đắp dần thành những cánh đồng trù phú, dân cư về khai khẩn, xây dựng làng xóm, có luỹ tre bao bọc, cây lúa, cây sắn, bắp….lần lượt mọc lên, nhưng mỗi năm chỉ trồng được một vụ nhờ vào nước trời. Mùa nắng trời khô se làm đất nứt nẻ, không thể canh tác bất kỳ loại cây nào, nên đời sống cư dân trong vùng rất thấp.

Năm 1923 người Pháp cho khởi công xây dựng đập sau nhiều năm ròng khảo sát và mãi đến năm 1931 đập mới hoàn thành cùng hệ thống kênh mương dẫn nước về khắp các nơi trên đồng Tuy Hoà. Tháng 1-1933 vua Bảo Đại về tại đập Đồng Cam để khánh thành, chứng tỏ đây là công trình cực kỳ quan trọng không chỉ của riêng tỉnh Phú Yên mà cho cả đất nước. Đây là một trong số rất ít công trình có quy mô lớn và nổi tiếng thời bấy giờ do người Pháp thiết kế và đưa dân công từ khắp các nơi về để xây dựng.

Thân đập dài 688 mét, cao 22,4 mét so với mặt nước biển. Chiều dài toàn bộ hệ thống kênh mương khoảng 200km. Kinh phí xây dưng 2,1 triệu đồng Đông dương, tương đương 262.000 tấn thóc. Hệ thống đập Đồng Cam được xây dựng với nhiều gian khổ, đổ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, thậm chí hy sinh cả tính mạng nữa, điều này được một ký giả thời đó phản ánh: “Việc xây dựng con đê này rất khó, vì nơi này sơn lam, chướng khí. Các viên kỹ sư, giám thị người Pháp và những người thầu khoán cùng công nhân An Nam đều phải sinh hoạt một cách hết sức nguy hiểm. Người nào, người nấy đều lo sợ ma thiêng nước độc….. .” [23].

Công trình này được xây dựng trong một thời gian kỷ lục 10 năm, với lượng đất đá đào đắp và bê tông xây dựng lên hàng chục triệu mét khối để đưa nước từ hạ lưu sông Ba vào tưới cho cánh đồng Tuy Hoà, biến từ chỗ khô hạn thành cánh đồng trù phú bậc nhất duyên hải miền Trung. Trải qua hơn hai phần ba thế kỷ, công trình đã mang lại cho nông dân Phú Yên những vụ mùa bội thu, đồng lúa ngày càng tươi tốt hơn nhờ những tiến bộ KHKT, trong đó NƯỚC tưới là hàng đầu. Tuy vậy, công trình cũng đã xuống cấp nhiều và hàng năm đều phải tu sửa từ các nguồn vốn khác nhau, nhằm làm cho hệ thống tưới tiêu vững chắc.

Tại đập đầu mối Đồng Cam nhà cầm quyền đương thời đã cho xây dựng miếu thờ 52 dân phu tử nạn khi xây dựng vào năm 1930 và miếu Sơn Thần trên đỉnh đồi cạnh đập. Đây là miếu Sơn Thần duy nhất còn sót lại tại Phú Yên. Trong ngôi miếu thờ dân phu tử nạn, có tấm bia lớn với hoa văn chạm trổ tinh tế, ghi tên tuổi ngày tháng những dân phu tử nạn, còn mặt bên kia ghi năm 1930 và dòng chữ: “Bảo Đại tứ niên, Kỷ Tỵ thất nguyệt, nhị thập bát nhật, Quy Hội lục điền, đồng tâm kỷ niệm”.

Chính đập Đồng Cam là huyết mạch cho đời sống của nhân dân Phú Yên, một phần cho liên khu V và công cuộc kháng chiến chống Pháp, nên bọn thực dân cho đặt mìn phá hỏng cống xả cát bờ Nam cầu máng Quy Hâụ. Đến năm 1952, giặc Pháp ném bom phá sập cầu máng Đồng Bò. Và ngày 6.6.1952 lại phá cầu máng Suối Cái. Hệ thống thuỷ nông hoàn toàn bị tê liệt, chính quyền Việt Minh phải huy động hàng vạn nhân công khẩn trương tu sửa lại cầu máng để cứu lúa.
Để tránh máy bay giặc bắn phá, dân công phải làm việc vào ban đêm.

Ngày nay, người dân Phú Yên vẫn còn nhớ câu ca dao:

Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Đồng Cam gian khổ, nhớ ngày năm xưa. 

Đồng Cam hiện đang là điểm du lịch khá lý tưởng. Ở phía bờ Bắc, ngay trên đập đầu mối, kênh chính Bắc chạy song song với dòng nước của sông Đà Rằng bên dưới mặt đập, phía giữa là bãi cát trắng mịn và những hàng cây rừng rợp bóng tạo thành bãi để cắm trại, sinh hoạt ca hát và chơi những trò chơi dân gian. Đứng ở nơi này, có thể nhìn thấy thác nước trắng trườn qua thân đập rồi lượn qua những dãy đá nhấp nhô bên dưới.

Theo lời những cụ già sống quanh khu vực này, thì trước đây phía bên dưới mặt đập là lãnh địa của cá sấu. Sau này, cá sấu không còn nữa thì nơi đây lại là nơi trú ẩn của loài kỳ đà và vô số những loại cá, nhiều nhất là cá sảnh, do cấu tạo đá ngầm liền khít nhau nên người dân không thể dùng chài lưới để đánh bắt được (muốn đánh bắt thì dùng thuyền xuôi xuống phía dưới và phía trên mặt đập non cây số, và chỉ được dùng thuyền chài, giăng câu).

Hiện nay, Công ty Thuỷ nông Đồng Cam lấy ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống Đồng Cam , thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh.

Theo sách "Các truyền thuyết, huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử và danh thắng ở Phú Yên"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét