Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Bãi bồi Mũi Cà Mau - Một hệ sinh thái đặc thù

Mũi Cà Mau là vùng đất ngập nước nổi tiếng ở điểm cực nam của nước ta, với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên hàng năm đang tiến ra xa biển với tốc độ hàng trăm mét. Đến Cà Mau không ghé thăm bãi bồi để tìm hiểu, để sống với bãi bồi là một điều thiếu sót bởi nơi đây có biết bao điều lý thú đang chờ chúng ta…
 
    Trong các văn bản bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới đã công nhận sự đa dạng về cảnh quan, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước ở mũi Cà Mau. Đây là nơi có những đặc điểm độc đáo về địa lý tự nhiên và địa mạo, địa hình tạo nên một vùng sinh thái cửa sông và eo vịnh, đầm phá ven biển có một không hai ở Việt Nam. 
    Được biết, Mũi Cà Mau là vùng bãi bồi trẻ, bề mặt được tạo thành bởi các vật liệu trầm tích từ sông mang tới đọng trong môi trường biển ven bờ và chuyển sang môi trường đầm lầy biển. Bề mặt tích tụ bãi bồi địa hình thấp dưới 1m từ mũi bãi bồi đến cửa sông Bảy Háp khoảng 34km. Bãi bồi có bề mặt thoải kéo dài ra biển cách bờ 3-4km, rộng thêm 10. 000ha, trong đó khoảng 8.000ha bãi bồi lộ ra khi thủy triều xuống tới mức thấp nhất. 
    Vùng bãi bồi Cà Mau có thủy triều rất đặc biệt vì tiếp giáp với hai vùng biển có chế độ triều khác nhau. 
    Thủy triều lên xuống hằng ngày có tác động lớn đến quá trình hình thành đất, khống chế các sinh vật phèn làm cho đất không chuyển hóa từ dạng phèn tiềm năng sang dạng hoạt động. Điều hòa sự tích lũy độ mặn trong đất, duy trì hoạt động của sinh vật trong một môi trường nước đồng thời cũng là môi trường vận chuyển nguồn sinh vật phù du và nguồn giống thủy hải sản từ biển vào sâu trong nội đồng. Điều này làm cho bãi bồi Mũi Cà Mau có trữ lượng thủy hải sản phong phú và đa dạng mà không phải nơi nào cũng có được.
    Chính quá trình hoạt động của các dòng chảy tạo ra nguồn cung cấp các loại phiêu sinh động thực vật dồi dào cho môi trường rừng ngập mặn, đồng thời làm cho quá trình lắng đọng phù sa diễn ra nhanh chóng và thúc đẩy Mũi Cà Mau không ngừng vươn ra phía tây.
 
    Trên đất bãi bồi khi hình thành, loại cây mắm ven biển với hệ thống rễ đặc biệt có sức chịu muối cao là loại xâm nhập trước hết ở bãi bùn mới, hình thành các lâm phần dày đặc ở cửa sông và dải đất sát mé biển. Khi những loài cây này xuất hiện, chúng làm giảm cường độ của sóng thủy triều, đẩy nhanh quá trình lắng đọng phù sa, làm cho mặt đất cao lên, các vật liệu rơi rụng hằng năm cũng góp phần làm cho mặt đất cao lên nhanh chóng. Khi mặt đất ổn định thì nhiều loài cây khác nhau sẽ tham gia vào quá trình diễn thế tự nhiên của rừng ngập mặn bãi bồi Mũi Cà Mau. Và cứ thế mũi Cà Mau cùng bãi bồi không ngừng vươn ra khơi xa, tạo thế tiến lên cho đất nước Việt Nam hình chữ S này. Đến với bãi bồi Mũi Cà Mau để tận hưởng những đặc sản biển, nằm lắng nghe hơi của đất ngày đêm vươn xa ra biển khơi và đặc biệt là ngắm mặt trời mọc và lặn trên nền của biển xanh…
ĐỒNG XANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét