Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Bốt Phùng - đồn Tây một thuở

Bốt Phùng có vị trí chủ lực trong cả hệ thống đồn bốt địch bảo vệ phía Tây Hà Nội (cách Hà Nội 20 km). Vì thế, ngày 19/8, quân và dân ngoại thành Hà Nội trước khi chiếm trụ sở huyện lỵ, đã quyết tâm hạ bằng được bốt Phùng nhằm tránh đổ máu và đảm bảo khởi nghĩa thành công. 

 “Đất Phùng một thuở ngày xưa/Tây về đóng bốt, tôi chưa ra đời…”, câu thơ cứ ám ảnh tôi hàng ngày khi đi qua Thị trấn Phùng (Đan Phượng - Hà Nội) thấy một chiếc lô cốt sừng sững ngay bên đường 32A Hà Nội đi Sơn Tây. Nhân dân gọi đó là bốt Phùng, hoặc cái đồn Tây. Không ai nhớ nó được xây dựng chính xác năm nào, chỉ biết từ thời thực dân Pháp cai trị nước ta đã có nó.
Bốt Phùng có vị trí chủ chốt trong hệ thống phòng thủ phía Tây của giặc Pháp năm xưa.
Bốt xây bằng gạch cao 17 m, bề ngang 7 m theo hình vuông, phía dưới là hình tròn tạo thế vững chắc, trên đỉnh bốt đắp hàng chữ Pháp Tour Girard, tên của sĩ quan Pháp xây dựng và chỉ huy bốt. Xung quanh bốt còn có boong ke, ụ súng, hàng rào dây thép gai.
Đây là bốt chủ lực của cả hệ thống đồn bốt địch bảo vệ phía Tây Hà Nội. Bốn phía quanh nó là hệ thống bốt “vệ tinh” như: bốt La Thạch (phía Bắc), bốt Ba Đa (phía Tây), bốt Đông Khê (phía Đông), bốt Thượng Mỗ (phía Nam)... có quy mô nhỏ hơn bốt Phùng, là các đồn hương dũng (địa phương quân). Những bốt có vị trí quan trọng thì sĩ quan Pháp trực tiếp chỉ huy, đồn hương dũng do lính bảo an đảm nhiệm.
Từ các đồn bốt giặc, ngày đêm chúng tuần phòng, càn quét đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Nhiều chiến sĩ đã bị tra tấn dã mãn, tù đày lao khổ trong những đồn bốt đó. Nhân dân sống trong cảnh kìm kẹp, áp bức bốc lột của thực dân Pháp và tay sai bù nhìn. Những ngày ấy đồn bốt giặc như những cái gai chọc vào mắt người dân mất nước.
Bốt "vệ tinh" Ba Đa xây bằng đá.

Trong khí thế cách mạng Mùa Thu sôi sục giành chính quyền về tay nhân dân, sáng ngày 19/8/1945, quần chúng cách mạng ở Đan Phượng giương cao cờ đỏ sao vàng, nắm chặt vũ khí trong tay đến địa điểm tập trung nghe Việt Minh tuyên bố thành lập Uỷ ban giải phóng, giải tán hội đồng hương chính, vô hiệu chính quyền bù nhìn. Nhân dân vô cùng phấn khởi tiến hành mọi công việc của chính quyền cách mạng.
Bốt Phùng có vị trí tiền tiêu, trọng yếu của địch, nên trước khi chiếm trụ sở huyện lỵ, phải hạ bằng được bốt Phùng, để tránh đổ máu và đảm bảo khởi nghĩa thành công. Ngay từ buổi sáng 19/8 một số cán bộ Việt Minh như Nguyễn Trọng Nhai, Mậu Tuấn, Trần Ngọc Bảy đã vào đồn thuyết phục tên đồn trưởng là Nguyễn Văn Dật, tên này tỏ ra lừng chừng, ngoan cố không chịu đầu hàng Cách mạng. 17h cùng ngày, một lực lượng xung kích với đông đảo quần chúng vũ trang được lệnh tiến vào, áp sát, bao vây đồn giặc. Tự vệ xông thẳng vào đồn chiếm giá súng khiến quân địch trở tay không kịp. Chưa đầy 15 phút, ta đã chiếm gọn cả bốt, thu được 12 khẩu súng và toàn bộ đạn dược, quân trang của địch. Binh lính địch nhanh chóng đầu hàng, nghe cán bộ Việt Minh giải thích chính sách khoan hồng, đều xin về với gia đình làm ăn.
Bốt La Thạch ở ven đê Phùng.

Đêm 19/8, cả phố Phùng bừng sáng. Ai nấy đều hả hê vui sướng, mọi người truyền tin, kể chuyện đánh đồn giặc ban chiều. Khí thế cách mạng càng dâng cao. Đến ngày 23/8, cả huyện Đan Phượng đã giành được chính quyền về tay nhân dân.
Trong những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên đỉnh bốt Phùng, bốt Ba Đa, bốt La Thạch… trở thành chòi canh, trực chiến và đánh trả máy bay giặc Mỹ xâm phạm bầu trời quê hương. Các tổ dân quân trực chiến ngày đêm cảnh giới, bảo vệ xóm làng, góp phần tích cực vào trận chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 28/4/1967 bảo vệ an toàn đập Phùng.
Ngày nay những đồn bốt ấy là chứng tích lịch sử hùng hồn của các cuộc chiến tranh chống xâm lược, giành tự do độc lập. Những hình ảnh có giá trị giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thiết nghĩ, giá như ở nơi ấy có một tấm bia ghi mấy dòng lịch sử… thì giá trị của chứng tích còn cao hơn nhiều.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Minh Nhương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét