Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Canh đắng rượu ba

EmailIn
ladang1Cây lá đắng là một loại cây khá phổ biến ở vùng rừng núi. Với loại lá này, một số dân tộc đã chế biến nên món rau đắng, nhưng mỗi dân tộc lại có cách làm khác nhau. Với người dân tộc Tày ở huyện Hà Nang, tỉnh Tuyên Quang,món canh đắng khá độc đáo vì nấu với rượu trắng, và còn một cái tên riêng là canh đắng rượu ba….

Canh đắng rượu ba được coi là thuốc thần để giã rượu. Người Tày cho rằng, trước bữa ăn chỉ cần dùng một bát canh đắng là suốt bữa rượu uống bao nhiêu cũng không say. Thành phần chủ yếu của món canh đắng rượu ba là rau đắng, tiếng dân tộc Tày gọi là Khôm kìa hay Phiắc đíp. Loại rau này chính là lá đắng hái từ rừng về, phơi mấy tuần nắng cho đến khi khô lại, để dùng dần. Khi nấu chỉ cần lấy một nắm nhỏ, ngâm nước cho nở ra. Đem xào rau cùng với thịt lợn xay, gừng. Đến khi chín thì cho 2 bát nước, đun sôi. Sau đó cho 1 bát rượu, tiếp tục đun sôi lên. Tỉ lệ luôn là 2 nước 1 rượu, món ăn có tên Canh đắng rượu ba cũng là vì thế. Cuối cùng nêm gia vị, và cho ớt vào. Canh đắng rượu ba phải dùng khi nóng, vị cay của ớt, của gừng, vị nồng của rượu, cùng vị đắng đặc trưng của lá đắng sẽ khiến cơ thể lập tức khoan khoái. Mới uống bát canh đắng rượu ba sẽ thấy “sốc”, nhưng sau vị đắng sẽ trở nên ngọt, và có độ ngậy, bùi. Đây là món ăn ngon và bổ, thế nên người Tày chỉ nấu canh đắng rượu ba để đãi khách vào những ngày lễ tết quan trọng mà thôi.
Liên Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét