Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

CHỢ TRÊN SÔNG

Có lẽ không ở đâu có một hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt như ở miền Tây Nam Bộ. Sông Cửu Long - 9 nhánh của sông Mê Kông cùng hàng trăm phụ lưu, hàng vạn kênh rạch tạo nên một đồng bằng có màu xanh trù phú. Đất miền Tây Nam Bộ màu mỡ phù sa, sum suê cây trái, mượt mà đồng lúa, bát ngát rừng đước, rừng tràm…
    Do đặc điểm địa lý nên phương tiện đi lại ở các ấp, xóm không phải là xe đạp, xe gắn máy mà đa phần là xuồng tam bản, xuồng ba lá. Chiếc xuồng rất gắn bó với mọi sinh hoạt đời thường của người dân. Từ xa xưa, khi những người dân Đàng Ngoài về đây khai phá lập ấp định cư. Có thuyền rước dâu, thuyền y tế, thuyền văn hóa nghệ thuật, cả thuyền đám ma, đám giỗ, rồi các hội đua thuyền và họp chợ cũng ở trên thuyền. Văn hóa chợ cũng đã hình thành từ lâu trên những con sông mà người dân vùng sông nước thường gọi là chợ nổi. Chợ họp trên sông nên buộc phải đi bằng thuyền. Cà Mau cũng có một chợ trên sông được hình thành từ lâu nằm cách thành phố khoảng hơn 1km đi về phía hạ lưu con sông Cà Mau.
    Ngay từ mờ sáng, từ hàng trăm, hàng ngàn con sông rạch khác, các ghe xuồng từ các vùng quê của các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn… đem hàng tới chợ nổi trên sông Gành Hào này. Trong làn sương mù lãng đãng trên sông nước, những chiếc ghe to, ghe nhỏ chở nặng hàng đậu sát vào nhau trên mặt nước dập dềnh, chuẩn bị cho một ngày mới.
    Chợ nổi Cà Mau bây giờ chỉ tập trung bán sỉ những mặt hàng nông sản tươi và rau trái được đem đến từ những miệt vườn. Ở đây hội tụ rất nhiều loại trái cây và sản vật miệt vườn như: đu đủ, xoài, ổi, chôm chôm, khóm, thơm (dứa), dừa nước, dưa gang, khế, bí, bầu, cà chua, khoai tây… Trong nắng gió phương Nam, chợ bừng lên hương sắc của những miệt vườn ở đâu đó bên sông Tiền, sông Hậu, sông Trẹm… Đôi khi còn có những ghe bán chiếu rong - những ghe chiếu đã trở thành cảm hứng để soạn giả Viễn Châu thuở nào viết nên bài ca vọng cổ “Tình anh bán chiếu” nổi tiếng đến hôm nay.
    Chợ trên sông nên khách mua hàng cũng phải đi xuồng hoặc đò. Khách đi chợ chỉ cần ngồi trên con đò lướt nhẹ qua những ghe hàng, nhìn những thứ được treo lúc lắc trên các nhánh cây dựng trên ghe (gọi là cây “bẹo”) là sẽ biết ghe đó bán hàng gì. Đó là những lời chào mời lặng lẽ nhưng thật hấp dẫn. Nếu bạn ghé vào, sẽ được người bán hàng hiếu khách mời nếm thử một thứ trái cây với phong cách bình dị, chân thành và phóng khoáng thật dễ thương của con người Đất Mũi.
    Khác với chợ trên bờ là chợ tĩnh - chợ nổi là chợ động, bởi các thuyền luôn dao động theo con nước lớn ròng. Thay cho biển hiệu hay quảng cáo, trước mỗi thuyền ở chợ nổi có một cây sào cao, trên đó treo những hàng hóa cần bán, (dân địa phương gọi là bẹo). Chỉ cần nhìn cây bẹo - những “bảng hiệu sống” - là biết trên thuyền bán gì. Hàng hóa ở chợ nổi Cà Mau cũng cực kỳ phong phú, trên bờ có gì, dưới sông có nấy. Từ cây kim sợi chỉ đến thực phẩm, đồ gia dụng và các loại rau quả, cây trái; bán ký, bán mớ, bán chục. 
    Hiện nay, các địa phương có chợ nổi đều đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái vườn kết hợp với chợ nổi để giới thiệu với du khách về vùng nước thanh bình, vườn cây sum suê trĩu quả làm sống lại nét văn hóa vùng sông nước. Chợ nổi đã trở thành một nét đặc sắc không thể thiếu trong đời sống cộng đồng ở đất Phương Nam. 
    Nếu có dịp, xin ai đó đừng bỏ lỡ một lần đến với chợ nổi trên sông Gành Hào. Nắng, gió, sông nước và sự bình dị, chân thành của con người, của sản vật nơi đây chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn thật sâu đậm cho khách phương xa. Khách cũng có thể ghé qua đây vào buổi chiều tối, khi chợ nổi đã lắng lại trong một sự im lặng lãng mạn cùng với gió và sóng nước. Những chiếc ghe trở thành những căn nhà nổi bồng bềnh vương vấn khói cơm chiều. Mấy đứa trẻ ngồi vắt vẻo câu cá trên sông; ánh mắt nhìn xa xăm của người thiếu nữ đang chăm sóc mấy chậu đất trồng hoa và rau trên mui ghe; tiếng đàn ghi-ta phím lõm trầm buồn loang trên mặt sông trong khúc “Nam ai” hay “Dạ cổ hoài lang” buồn mênh mông; một giọng ai đó cảm khái cất lên câu vọng cổ… Đó là khi chợ nổi trở về những nỗi niềm của cuộc sống lênh đênh sông nước, vọng nhớ về một dải đất liền ở đâu đó trong tiềm thức.
ĐÀO
Ảnh: TẤN ĐIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét