Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Chùa Thày và huyền thoại 3.000 bộ xương

Xứ Đoài địa linh, đậm đặc không gian văn hóa dân gian với những truyền thuyết, sự tích đầy bí ẩn trong đó có Chùa Thày. Nơi đây, có hang Cắc Cớ với bể xương khổng lồ hàng chục khối, tương truyền của nghĩa quân Lữ Gia, hằng ngày vẫn thu hút du khách thập phương về tìm hiểu thực hư.

Lê Sáng


Đến chùa Thầy tìm sự bình yên


Cách trung tâm Thủ đô chừng hơn 20 km, dọc theo đường Láng - Hòa Lạc, đến đất Sài Sơn, tôi có dịp ghé thăm chùa Thầy.
Thủy đình giữa hồ Long Chiểu là nơi diễn rối nước mỗi khi làng có lễ hội.
Thủy đình giữa hồ Long Chiểu là nơi diễn rối nước mỗi khi làng có lễ hội.
“Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”
Câu ca dao xưa đã nói lên phần nào sức hấp dẫn mạnh mẽ của chùa Thầy - có tên chữ là Thiên Phúc tự, nằm gối đầu vào núi Phật Tích, còn gọi là núi Thầy - thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Cảnh đẹp đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một cái hồ lớn có tên gọi là hồ Long Chiểu (ao Rồng) màu nước xanh trong. Giữa hồ có thủy đình gồm hai tầng, tám mái, mô phỏng hình dáng đóa hoa sen. Đây là nơi trình diễn rối nước vào dịp lễ hội hàng năm.
Hai bên phía sân lớn trước chùa (nơi khán giả ngồi xem biểu diễn rối nước khi có hội) có hai cây cầu lợp mái ngói. Bên trái là cầu Nhật Tiên dẫn vào đền Tam Phủ xây trên một hòn đảo giữa hồ. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên, nối với con đường lên núi. Hai cầu này do trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602.
Chùa Thầy có ba tòa nằm song song với nhau, toà ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Toà giữa là trung điện hay chùa Trung, toà trong cùng là thượng điện, thờ các hóa thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả ba "kiếp" của Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật và Đế vương. Phía sau chùa có lầu chuông, lầu trống. Phía trước chùa là sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu.
Cầu Nhật Tiên có 5 gian nhà gỗ lợp ngói
Cầu Nhật Tiên có 5 gian nhà gỗ lợp ngói
Trong chính điện, ở giữa là tượng thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa vóc vàng, đặt trên một bệ tượng bằng đá thời nhà Lý, có hình sư tử đội toà sen.  Đây là di vật duy nhất từ thời nhà Lý còn sót lại ở chùa.
Sau khi thăm chính điện, chúng tôi kéo nhau lên núi. Từ đây, con đường 251 bậc thang dẫn lên chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Hai bên đường có nhiều cây đại thụ đã có hàng trăm năm tuổi.
Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau có hang Cắc Cớ. Hang rộng và sâu, đường đi trơn nên dễ bị trượt chân, phải có đèn thắp sáng để dò đường. Tại lối vào, hơi lạnh từ trong hang phả ra mát rượi khiến những ai đã tới đây đều quên đi cái mệt mỏi trên quãng đường gồ ghề vừa qua. Phía sâu trong hang, khi trời nắng, ánh sáng rọi xuống qua một giếng trời. Khói hương quyện với hơi nước tạo nên một làn sương khói mờ ảo.
Từ chùa Cao đi ngược lên núi là đến đền Thượng, gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những luồng gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi.
Thắng cảnh chùa Thầy đẹp nao lòng khiến chúng tôi có cảm giác thật bình yên. Sau khi thăm cảnh ở bài viết này, nếu ai đó có ý định “mục sở thị” nơi đây, chúng tôi khuyên bạn nên chuẩn bị đèn pin để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hang Cắc Cớ.
Nguyễn Lê


Tụ linh khí xứ Đoài
Cách trung tâm Hà Nội gần nửa giờ đi xe máy, xã Sài Sơn hiện ra giữa những núi đá vôi cây cối rậm rạp đầy u tịch. Ngự giữa không gian ấy chùa Thày như là nơi phát ra muôn ngàn sương  khói mờ ảo bao trùm lên cả xã 5 thôn xung quanh.
Một góc chùa Thày.
Chùa Thày có tên chữ là Thiên Phúc tự bao gồm quần thể di tích Phật giáo ở quanh núi Thày (tên chữ là Sài Sơn) gồm chùa thiên Phúc, chùa Long Đẩu, chùa Đỉnh Sơn, am Phật Tích, chùa Bối Am ở trên núi và cả những di tích phi Phật giáo như: đình, võ miếu, đền thánh Văn Xương (vị thần văn học), hang Cắc Cớ, chợ Trời… ẩn hiện sau những cây sứ đại thụ ngàn năm tuổi tỏa hương phảng phất.
Truyền thuyết kể rằng, chùa được dựng từ thời Lý cùng thời với thiền sư danh tiếng Từ Đạo Hạnh được dân gọi tôn kính và thân thuộc là Thày (tức thày chùa), từ đó thành tên chùa là chùa Thày. Xét về phong thủy, một cao niên ở đây giảng giải, núi Thày được xem như là con rồng lẻ đàn độc đáo (quái long), xung quanh có 16 ngọn núi nhỏ (thập lục kỳ sơn) là các con lân, phượng, quy… chầu về. Chùa được dựng ở khu đất hàm rồng, sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai Nhật - Nguyệt tiên kiều như hai râu rồng và nhà Thủy đình là viên ngọc mà rồng vờn.
Bia Phật Tích sơn tự thi ghi lại lời chúa Định Vương Trịnh Căn (1982-1709) khi qua đây: “Nay thấy chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa. Động Tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật - Nguyệt đôi vầng. Núi tựa bình phong, sóng như dải lụa. Đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu, vang reo sắc sáng, đường đường đầy rẫy quang minh. Tiếng Phật pháp đã vời được khách lạ dâng hoa, đạo đạo thừa lại khiến cả người quê tiến quả. Đó chính là vườn xanh núi Thúy dời đến chốn nhân gian vậy..
Bàn thờ Lữ Gia.
Du khách vào chùa sẽ qua hai cây cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều trải bao mưa gió vẫn cổ kính rêu phong cùng thời gian. Giữa hồ có nhà thủy đình, nơi vẫn thường diễn ra múa rối nước, một đặc trưng chỉ có ở chùa Thày.
Nơi đây đã đón nhiều danh nhân về thăm như Phan Huy Chú, Phùng Khắc Khoan. Đặc biệt, nhà lưu niệm Bác Hồ tại đây ghi lại, ba lần Bác về thăm và làm việc ở nơi này.
Thực hư bể hài cốt ngàn bộ xương
Hang Cắc Cớ có cửa nằm gần trên đỉnh núi chính, du khách muốn thăm quan phải qua một đoạn đường đá dốc đứng khá nguy hiểm. Theo một cụ già bán nước hơn 30 năm ở đây thì hang là nơi cầu duyên, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu con.
Lối xuống hang dốc đứng trơn trượt dù đã được xây bậc bằng xi măng và có thanh sắt để vịn. Trong hang bóng tối gần như bao phủ hoàn toàn, nhưng tia sáng hắt xuống qua cổng trời những ngày nắng loáng nhoáng trên những nhũ đá lấp lánh thứ ánh sáng huyền bí. Những ngày mưa, không khí ẩm trong hang phủ dày một màn sương mù dày đặc đầy hơi hướng cõi âm.
Cảnh âm u, mờ mịt của hang Cắc Cớ.
Tương truyền hang có 9 tầng, tương ứng với chín tầng địa ngục. Trong đó, bể xương và bàn thờ Lữ Gia ở tầng thứ 3. Ngay lối xuống có một hang sâu mà theo người dẫn đường đó là lối dẫn xuống tầng địa ngục thứ 4. Bóng tối mịt mùng, thử ném một viên đá thì phải hơn phút sau mới nghe tiếng dội lại vang vọng mãi như ngàn tiếng linh hồn u uất. Người dẫn đường kể, đã có người buộc dây thừng ngang bụng xuống thám hiểm nhưng xuống chừng 30 m mà không thấy đáy chỉ tối om và ngột ngạt nên đành quay lại.
Đi sâu hơn đến cổng trời, nơi thông thiên trời đất, sương mù từ dưới bay lên gặp ánh sáng trở nên mờ ảo. Những nhũ đá trong hang với những hình thù thiên tạo gắn vớ những sự tích như rồng chầu, suối bạc, trứng voi,…sinh động như có bàn tay con người tạo tác.
Theo những bậc đá trơn trượt chúng tôi đến bàn thờ Lữ Gia, nơi thờ những nghĩa quân tương truyền chống Hán xưa kia thất trận chết tại đây. Không khí ẩm thấp nhuốm mùi nhang khói làm mọi người thấy lành lạnh sau lưng. Dấn bước vào sâu hơn là bể xương khổng lồ đầy huyền bí.
Theo người dân địa phương bể xương này được xây lên để thu gom những hài cốt nằm la liệt các nơi trong hang trước đây. Thắp nhang làm lễ xong du khách dướn người ngó vào trong bể xương, 1, 2,3… chiếc đầu lâu cùng nhiều xương ống mỗi cái một hình thù mờ mờ, ảo ảo. Đưa máy ảnh vào chụp, bấm đèn fash nhưng những bức ảnh chỉ là một màu trắng nhòa nhuốm màu âm khí. Tạ lễ lui ra du khách không khỏi thót mình vì lũ dơi ở đâu phành phạch bay tứ tung…Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Thành Chủng, bể xương này chứa khoảng 3.000 bộ xương người. Chưa thấy có tài liệu nào trong nước chính thức ghi lại về nó. Trong một vài văn bản sử của nhà Hán chỉ thấy đề cập đến có quân “giặc cỏ họ Lữ” chứ không nhắc gì đến hang Cắc Cớ.
Mỗi năm khai hội chùa Thày, ngày 7/3 âm lịch, du khách thập phương lại về chiêm bái và vui chơi. Hang Cắc cớ không chỉ chứa đầy bí ẩn mà từ lâu đã là nơi cầu duyên cho nam nữ thanh niên: “Gái chưa chồng thăm hang Cắc Cớ/Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thày”.

Lễ hội Chùa Thầy

Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 7-3 âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, nhiều tăng ni từ các nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ trong những bộ cà-sa trang trọng, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều.
Chùa Thầy, tên chữ là Thiên Phúc Tự, là công trình kiến trúc đại biểu cho một quần thể các di tích Phật - danh lam thắng cảnh, khu di tích cách mạng thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 20 km về phía Tây Nam.
Lịch sử và kiến trúc
Chùa Thầy ban đầu chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am. Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đã cho xây dựng lại, gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia và gác chuông.
Chùa Thầy là nơi lưu dấu tu hành và chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị cao tăng - Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Chùa quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn.
Chùa Thầy rộng 2.400m2, gồm ba toà nhà chạy song song với nhau hình chữ tam, dựng trên nền cao bó đá hộc xanh, có hai dãy hành lang chạy kèm hai bên đầu hồi, với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc khá độc đáo mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ XVIII.
Điều đặc biệt là tòa Bảo điện nguy nga, đồ sộ chỉ có 36 lỗ đục, gỗ được xếp chồng lên nhau, nhưng rất kiên cố, vững chắc. Mái chùa được lợp bằng ngói cổ, kiểu mũi hài. Tương truyền rằng, ngói lợp này được lấy từ chùa Tây Phương, cách đó 7km về hướng Tây. Mặc dù quãng đường dài như vậy, nhưng năm xưa, ngói lợp được chuyển tay nhau theo kiểu nối dây và chỉ trong một ngày, vừa vận chuyển, vừa lợp.
Lưng chừng núi Thầy là chùa Cao hay còn gọi là Đỉnh Sơn Tự (vốn là Hiển Thụy Am) là nơi Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Chùa nằm vào vị trí đẹp trong khu vực với tòa kiến trúc gồm 3 gian, có gác chuông cao, vách chùa có nhiều bút tích các danh nho.
Phía trên chùa Cao có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,... trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên.
 
 Cổng vào chùa Cao

Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ huyền nhiệm. Hang khá sâu, lại hẹp và tối, muồn vào hang phải mang theo đuốc và lửa, càng xuống sâu hang càng cao, càng rộng, với nhiều ngóc ngách, lối đá rêu phong trơn tuột với những cột đá sáng long lanh như được khảm bạc dát vàng, những âm thanh tưởng như từ cõi âm vọng lên, những lỗ thông ra ngoài hang để ánh sáng luồn vào nhảy múa trong màn đêm… và tận cùng của hàng động, tục truyền vẫn còn hài cốt của quân nhà Triệu do Lữ Gia chỉ huy trong cuộc chiến chống lại nhà Hán từ đầu thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên.
Từ hang Cắc Cớ, men theo sườn núi qua hàng cây đại già là đến đền Thượng, nơi thờ thánh Văn Xương và cũng là nơi hội họp của Đông Kinh Nghĩa Thục xưa kia. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.
 
 Cổng trời ở hang Cắc Cớ

Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi. Hang Thánh Hóa nằm lưng chừng núi đá, lối vào hang chênh vênh, nhỏ hẹp, lờ mờ vẻ huyền bí, càng nhìn kỹ vào vách đá trong hang, càng thấy có nhiều vết lõm, đó là: Vết đầu, vết chân và vết tay, năm xưa Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã tỳ vào lúc giải thi (lìa khỏi xác). Bên cạnh đó có hang Hút Gió, thềm đá Thái Lão ...
Lễ hội chùa Thầy
Nghi lễ đầu tiên là lễ tắm tượng, được tiến hành trước ngày mồng 7-3 âm lịch. Tham dự lễ này là các nhà sư, tăng ni phật tử và đông đảo nhân dân. Trong hương khói nghi ngút, nước tinh khiết được đem tới trước bàn thờ. Nhà sư trụ trì cùng những người giúp việc lấy khăn vải đỏ sạch nhúng vào nước và lau cẩn thận tượng. Mọi hành động diễn ra hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và trang nghiêm. Trong lúc lau, nhà sư cùng người giúp việc luôn lầm rầm niệm Phật. Tăng ni phật tử cùng nhân dân xung quanh đều chắp tay hướng về phía tượng nghiêm trang cầu khẩn.
Tắm Phật xong, người ta lau rửa luôn các đồ tế khí trên các ban thờ. Nước tắm Phật được vẩy ra khắp nơi như mưa của đức Phật để người khang vật thịnh. Chiếc khăn dùng tắm Phật được chia nhau về làm bùa cho trẻ nhỏ tránh khỏi những ma tà ám khí.
Tiếp đến là lễ cúng Phật và chạy đàn. Đây là một nghi lễ lớn, quan trọng nhất và gây ấn tượng nhất ở hội chùa Thầy. Nghi lễ này là một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ. Các lễ vật chính được dâng lên ban thờ cùng hàng trăm lễ vật khác nhau của khách thập phương dự hội với đủ màu sắc của các loại hoa quả, oản, bánh, xôi… lung linh trong khói nhang và đèn nến. Người xem bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của nó như có một ma lực nào đó lôi kéo.
Sau đó các nhà sư với bộ áo cà sa sang trọng, tay cầm gậy hoa biểu diễn những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh, bước chậm thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp. Trong khung cảnh như mờ ảo xa vời, các nhà sư vừa đi vừa múa hát theo dàn nhạc đệm và tiếng mõ tụng kinh.
Hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước với những cảnh múa lân, múa rồng, cảnh xay thóc, giã gạo, chọi trâu… được các nghệ nhân đưa vào thật gần gũi, sinh động và hấp dẫn, mang đậm sắc thái dân gian.
Theo Tuổi Tr

Hà Nội: Ngôi chùa có bệ đá kép thờ Phật bằng đá xưa nhất

(PGVN) Chùa Thầy gồm ba toà nhà chạy song song với nhau dựng trên nền cao bó đá hộc xanh. Tòa ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Tòa giữa là trung điện hay chùa Trung, toà trong cùng là thượng điện hay chùa Thượng

Chùa Thiên Phúc thường gọi là chùa Thầy hay chùa Cả tọa lạc ở chân núi Sài. Chùa được dựng vào đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128) lúc đó gọi là am Hương Hải do Thiền sư Từ Đạo Hạnh lập để tu hành. Vì vậy, đây là nơi lưu dấu tu hành và chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị cao tăng - Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Chùa Thầy gồm ba toà nhà chạy song song với nhau dựng trên nền cao bó đá hộc xanh. Tòa ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Tòa giữa là trung điện hay chùa Trung, toà trong cùng là thượng điện hay chùa Thượng, thờ các hóa thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả 3 "kiếp" của Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật và Đế Vương. Bên trái là tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ bạch đàn lắp máy tự động có thể đứng lên ngồi xuống được, nhắc nhở thời kỳ Ngài đi tu ở Hương Hải am đã làm thuốc trị bệnh cứu người và dày công sáng tạo môn nghệ thuật múa rối nước cổ truyền để cho dân giải trí.

Bên trong chính điện chùa Thượng có một đài bằng đá thờ Phật có một bệ đá kép có hai tầng với hai lớp hoa sen, các góc có hình thần điểu Garuda có niên đại thời nhà Trần (1225 - 1400) được gọi là "bách hoa đài”, do dọc theo 2 bên thân có khắc đủ 100 cánh hoa. Đài này gồm 2 bệ đá xếp lên nhau, bệ dưới cao 47cm, rộng 3,93m, dài 2,76m; bệ trên cao 94cm, rộng 2,45m, dài 1,78m.
Ảnh Võ Văn Tường

Chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nộisở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có bệ đá kép thờ Phật bằng đá xưa nhất.


Chú thích: Tư liệu được cung cấp bởi Kỷ lục Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét