Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Chuyện bà hoàng Từ Dũ dạy con làm vua

Việt Nam có duy nhất tên một Hoàng Thái Hậu của một triều đình phong kiến được đặt cho một cơ quan, đó là Bệnh viện Từ Dũ ở TP HCM. Từ Dũ là mẹ vua Tự Đức. Bà được nhân dân tôn vinh, truyền tụng vì bà là người phụ nữ nhân cách cao quý, chính trực, một người mẹ đã từng “dạy con làm vua”.

Quý phi được cùng vua chấp chính
Thái Hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, là con của Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng, sinh ngày 10/6/1810, quê ở Tân Quy, Tân Hào, tỉnh Gia Định (đất Gò Công xưa, nay là Tiền Giang).
Đất miền Nam xưa có ba người phụ nữ tài sắc được tuyển vào cung Triều Nguyễn, trong đó, đất Gò Công chiếm tới hai: Bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị và Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại.
Hoàng Thái Hậu Từ Dũ.
Từ nhỏ bà Hằng là người thông minh, ham đọc sách, thông kinh sử, lớn lên trong nề nếp đạo đức nho phong của gia đình. Biết tiếng, vợ vua Gia Long đã tuyển Hằng vào cung làm vợ lẽ cho Hoàng tử trưởng Miên Tông (con Minh Mạng) năm bà 14 tuổi. Năm 1829, bà sinh ra Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Đầu năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Đầu năm 1846, bà được phong là Quý Phi.
Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện (NXB Thuận Hóa,1993) thì vua Thiệu Trị rất tin vào kiến thức và sự nhạy cảm chính trị của vợ. Khi thiết triều, vua ngồi ở điện Khâm Văn nghe chính sự, cho bà Từ Dũ ngồi sau tường nghe các quan tâu việc, nghe vua phán. Sau đó bà sẽ nhận xét cho vua từng việc một. Khi vua Thiệu Trị đau yếu, mọi việc triều chính đều ủy thác cho bà đảm trách. Cuối năm 1947, vua Thiệu Trị qua đời, Hồng Nhậm lên ngôi đặt nên hiệu Tự Đức .
Vua Tự Đức được mẹ giáo dục kiến thức, lễ giáo từ nhỏ. Bà là người thầy quyết định sự hình thành tri thức cũng như đạo lễ và nếp sinh hoạt Nho giáo, khuôn phép của vua sau này. Chính vì vậy mà Hồng Nhậm tuy nhỏ tuổi hơn, nhưng vẫn được vua Thiệu Trị chọn làm người kế vị. Hồng Bảo tuy là anh, con vợ cả, nhưng lười học, chơi bời lêu lỏng nên không được chọn.
Dạy con làm vua
Từ nhỏ Hồng Nhậm đã chăm đèn sách, dùi mài kinh sử, khi đã thành vua, tuy việc nhiều, ông cũng không quên học hành. Bà Từ Dũ thường dặn con: "Người ta có học rồi mới biết thiện ác... Phải nhớ câu: Nhân bất học bất tri đạo” (người không học thì không biết đạo lý). Khi đã là vua, tối tối Tự Đức có lệ đọc kinh sử cho mẹ nghe. Đến đoạn quan trọng, bà thường phân tích cho vua biết những ý tưởng sâu xa, những kinh nghiệm để điều hành triều chính. Bà đánh giá sâu sắc các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như Hán Vũ Đế, Tần Thủy Hoàng, Khổng Minh, Phạm Lãi... cho con nghe để rút bài học khi làm vua trăm họ.
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện (dẫn theo nhà nghiên cứu Thái Bình), bà Từ Dũ còn can gián vua biết trọng dụng người trung thực, người tốt. Chuyện rằng, khi mới lên ngôi, vua Tự Đức có nhiều lúc xao nhãng công việc triều chính. Quan trong triều không ai dám can ngăn. Chỉ có Phạm Phú Thứ dâng sớ trách vua. Vua Tự Đức tuổi còn trẻ nên rất bực tức, liền cách chức Phạm Phú Thứ, đuổi về làm lính. Chuyện đến tai bà Từ Dũ. Bà hỏi vua: "Ông Phạm dâng sớ khuyên con thì ông được cái gì?”. Tự Đức thưa: "Dạ, ông không được gì, nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua thì quá đáng lắm". "Thế khi bị con giáng chức, xuống làm lính, ông Phạm có oán giận gì không?”. “Con không nghe có chuyện ấy”.
Bà Từ Dũ từ tốn giải thích cho vua: "Thế thì người này đáng trọng lắm. Dâng sớ trách như vậy là vì có lòng thương vua. Lúc bị nạn lại chỉ cam chịu, mà không đem lòng oán giận, thì theo mẹ đấy là người chính trực, trung thành. Con nên nghĩ lại. Đất nước cần những người như thế". Vua Tự Đức nghe ra, liền xuống chiếu ân xá, triệu Phạm Phú Thứ về kinh, giao chức vụ mới.
Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, chép rằng: "Đức Từ Dũ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Khi Đức Từ Dũ ban câu chi hay, thì Tự Đức liền biên ngay vào một quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục".
Dạy con làm người
Một hôm rảnh việc nước, vua Tự Đức ngự bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn hai ngày nữa thì có kị đức Hiến Tổ, mà ngài chưa ngự về. Đức Từ Dũ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước.
Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy mẹ xin chịu tội.
Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Ngài lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, Đức Từ Dũ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: "Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị".
Năm 1858, Tự Đức bàn với triều thần phá lệ cũ, phong Hoàng Thái Hậu cho mẹ (Triều Nguyễn có lệ không lấy Trạng nguyên, không phong Hoàng Hậu). Nhưng bà Từ Dũ hai lần từ chối. Bà giải thích với triều thần một cách tỉnh táo và tâm huyết: “Tăng thêm hư danh cho đẹp đẽ trong tình cảnh đất nước như bây giờ, thì cũng bằng làm tăng cái thất đức của ta mà thôi... Ta chỉ mong các khanh hết sức giúp vua, khiến ta ngày càng thấy sự đổi mới của đất nước, thì không có cái vinh nào hơn thế! ”. Năm bà 60 tuổi (1870) bà mới nhận tấn phong, nhưng bảo không được tổ chức lễ lạc tốn kém.
Bà thường hỏi han nhà vua về việc dùng người, dặn vua phải cảnh giác với bọn quan lại tham ô: "Từ xưa đến nay, nói đến quan lại thì chỉ một chữ THAM là chưa trừ được. Mọt nước hại dân là ở đấy. Quan lại bổ ra tỉnh, khi về vị nào vị nấy chở đầy túi. Của ấy không lấy ở dân thì lấy đâu ra?”.
Bà thường khuyên vua: “Phép giữ nước là phải được lòng người. Muốn được lòng người thì phải đặt quan lại cho xứng chức, dân mới lạc nghiệp. Dùng người tốt mới có lợi cho đất nước”.
Có lần, có người trong họ Phạm từ Gò Công ra Huế cầu xin vua ban cho một chức tước. Bà nổi giận bảo vua: "Người trong họ của mẹ, hễ không có công lao gì thì không được ban cho tước lộc. Hễ ai làm gì trái phép nước thì cứ nghiêm trị như thường, để làm gương công minh”.
Bà Từ Dũ luôn hướng vua đến việc bảo vệ văn hóa dân tộc, nhớ về cội nguồn của mình. Tương truyền, bà đã sai người bới món mắm tôm chà ở tận Gò Công ra Cung để ăn cho “đỡ nhớ”!
Tự Đức là một nguời rất mê hát bội (tuồng). Một lần vua cho đội tuồng cung đình diễn vở Tàu chuyện Phàm Lê Huế giết cha, giết anh. Bà Từ Dũ ngồi xem, nghiêm mặt bảo: "Sao lại diễn ra quá kỹ cái trò thất đức như vậy? Con giết cha, anh giết em thì còn gì là đạo lý nữa? Nước mình khác, nước người khác, không được bắt chước mà diễn xằng bậy!”. Vua Tự Đức phải nhận lỗi trước mẹ!
Năm 1883, vua Tự Đức qua đời, bà Từ Dũ đau đớn sống qua những năm tháng tao loạn của triều đình nhà Nguyễn do sự áp bức của thực dân Pháp. Sau khi tấn công quân Pháp bị thất bại, đêm 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi và Hoàng gia bôn tẩu. Bà Từ Dũ đã theo con đường Cần Vương chống Pháp của vua. Ra đến Tân Sở (Quảng Trị), do tình thế bức bách, bà lúc này đã 75 tuổi, sức yếu, nên đã cùng với các bà vợ của vua Tự Đức phải ở lại Tân Sở, sau đó trở lại Huế.
Theo Bee.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét