Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Còn đó Miễu Ông Cọp

Địa danh Miễu Ông Cọp từ lâu đã được nhiều người biết đến khi đi trên đường thiên lý Bắc - Nam, qua khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.

moc.jpg
Miễu Ông Cọp nhìn từ Quốc lộ 1A

Trước khi tận mục Miễu Ông Cọp, chúng tôi chỉ biết loáng thoáng rằng ở đó hiện còn vết tích thờ thần Cọp và chắc là nhiều bô lão ở đây vẫn còn lưu giữ các truyền thuyết liên quan.

Dừng chân ở km 1282 tại Bình Thạnh, ghé vào quán cà phê ven đường, thật may mắn khi chúng tôi hỏi thăm thì đúng ngay địa điểm nằm kề Miễu Ông Cọp. Chủ quán cà phê là Trần Văn Tủy (thường gọi là Thủy, 40 tuổi) chính là người đang nối tiếp các bậc tiền nhân trông coi ngôi Miễu Ông Cọp đang nằm trên phần đất của gia đình. Ban đầu, vợ chồng anh Thủy ngỡ chúng tôi là dân đi cầu... số đề, khi biết chúng tôi là nhà báo, anh Thủy liền giao việc lại cho vợ, nhiệt tình hướng dẫn tìm hiểu về di tích.

Miễu Ông Cọp cùng những câu chuyện đậm màu huyền thoại cũng là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc ở một vùng đất đang giàu sức vươn lên.
Miễu Ông Cọp tọa lạc trên thửa đất chừng 200m2, cách Quốc lộ 1A về phía tây chỉ vài chục mét, nhìn ra Vịnh Xuân Đài; địa điểm miễu này đã được tu sửa nhiều lần bằng công của thiện nguyện của người dân địa phương. Ngoài phần mái tole gian tiếp khách lễ, vết tích cổ còn lại là gian điện thờ Cọp Bạch và một tượng cọp đã rêu phong. Anh Thủy cho biết: vào tiết thanh minh (tháng 3 âm lịch) và lập thu (tháng 8 âm lịch), rất nhiều người dân địa phương và khách hành hương về đây dự cúng. Khi thì cúng chay, khi thì cúng heo, bò; công việc cúng kính được phân công cho 10 nhóm gia đình trong phường Bình Thạnh lo liệu.

Anh Thủy dẫn đường chúng tôi đến gặp các vị lão làng để “xác minh có đầu có đũa”. Chúng tôi vào xóm Đồng Bò cạnh bến đò Bình Bá tìm gặp cụ Trần Xuân Xanh (Bảy Lý, 70 tuổi) và Nguyễn Thu (80 tuổi). Theo hai lão làng, từ thời xa xưa, phường Xuân Đài bây giờ chỉ là những làng chài hoang sơ ven biển tựa lưng vào dãy núi Mỹ Dự có đặc sản xoài Đá Trắng nổi tiếng, dân ở đây gọi là Xoài Ngự, vì đó là trái cây dùng để tiến vua mỗi năm. Tương truyền, thời đó ở vùng này thường xuất hiện những đàn Cọp, trong đó có ông Cọp Bạch. Vào một ngày, bà Cọp Bạch chuyển dạ nhưng không thể nào đẻ được; bí quá, ông Cọp Bạch liền lao nhanh xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Bò vồ lấy bà mụ trong làng, rồi đưa thẳng lên núi, đến hang của  mình. Người trong làng không ai kịp trở tay, chỉ biết thắp nhang vái ông Cọp đừng ăn thịt bà mụ và sự thật đúng vậy. Vô cùng hoảng sợ nhưng khi nhìn thấy bà Cọp đang cơn đau sinh nở, bà mụ liền ra tay nghề đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”. Sau đó không lâu, ông Cọp Bạch đã đưa bà mụ nguyên vẹn trở lại nhà và đêm đó còn đặt trước sân nhà bà một con heo rừng để tạ ơn. Một thời gian sau đó, vì mưu sinh, khiến bà mụ rời xóm Đồng Đò xuống làng biển Phú Hạnh dưới chân núi Hòn Bù ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An ngày nay để lập nghiệp. Sau khi bà mụ qua đời, những ngày cuối chạp mỗi năm, người dân Đồng Đò thường nhìn thấy dấu chân ông Cọp Bạch từ hướng núi Mỹ Dự qua sông Bình Bá ra cửa biển Tiên Châu, rồi xuống Hòn Bù để viếng mộ bà mụ. Cũng từ đó, vùng đất này không hề còn cảnh cọp beo, thú dữ kéo về quậy phá. Cuối đời, ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi rồi sau đó chết tại vùng Bình Thạnh này. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân, người dân trong vùng đã xây Miễu Ông Cọp để tôn thờ.

Một truyền thuyết khác kể rằng, ngày xưa ở xóm Đồng Đò có vợ chồng một lão ngư giàu có, nhưng hiếm muộn con cái. Đến tuổi trung niên, người vợ sinh được con trai nên họ rất mừng. Khát vọng điều an lành đến với đứa con duy nhất của mình nên vợ chồng lão ngư chọn chữ An đặt tên cho con. Ngặt một nỗi, vị pháp sư nổi tiếng trong làng phán rằng đứa con của họ sinh nhằm giờ kiết hung, sớm muộn cũng chết vì cọp vồ. Thương con và lo sợ, lão ngư tìm thầy cho con mình học võ, phòng khi gặp cọp ở chốn sơn lâm. Nhờ sáng dạ và nhanh nhạy, cậu bé An không chỉ tinh thông đón thế người thầy truyền dạy mà còn biến tạo nhiều thế võ hiểm khác. Trong một lần đi qua chân núi Mỹ Dự, ông An bị đàn Cọp chặn đường, nhưng đã kịp tung ra những thế võ hạ gục con Cọp vằn hung dữ nhất. Hôm sau, ông Cọp Bạch xuống núi tìm ông An để nhờ dạy võ cho đàn cọp con với lời hứa không bao giờ để đồng loại gây hại dân làng. Để bày tỏ lòng cảm ơn người dạy võ, ông Cọp Bạch đưa hai chi trước nắm tay ông An và không may bị móng vuốt cào xước bàn tay. Vài ngày sau, vết xước làm độc khiến cho ông An giã từ cuộc sống. Vợ chồng lão ngư đưa người con lên núi chôn cất và xây ngôi mộ lớn. Biết chuyện, ông Cọp Bạch lặng lẽ xuống nằm gần mộ ông An nhiều ngày đêm rồi chết. Cũng từ đó dân làng lập miếu thờ ông Cọp.

MOCop9.jpg
Anh Trần Văn Tủy bên bàn thờ cọp cạnh miễu – Ảnh: HÙNG PHIÊN

Để chứng minh một tình tiết trong câu chuyện đẫm màu sắc huyền thoại này, anh Thủy, người trông coi Miễu Ông Cọp dẫn đường chúng tôi lên triền núi chỉ ngôi mộ ông An với dấu tích còn lại là bức tường đá rêu phong đã bị những khóm cây dại che khuất...

Theo cụ Bảy Lý, trước khi Miễu Ông Cọp hình thành, ở Bình Thạnh có miễu văn và miễu võ. Miếu văn sau đó di dời về xã An Thạch, huyện Tuy An ngày nay, còn miễu võ được đưa về nhập chung với Miễu Ông Cọp hiện nay. Từ bao đời nay, nhiều thế hệ thay nhau trông coi và cúng tế miếu ông Cọp vào những ngày rằm, mùng một và đặc biệt là hai lễ cúng lớn vào dịp tiết thanh minh tháng 3 với lễ vật đồ chay và tiết lập thu tháng 8 với lễ vật heo, gà. Lão làng đứng ra tế lễ, rồi cùng bà con mang chiếc thuyền ghép bằng bẹ chuối thả xuống sông Bình Bá để tống tiễn những điều xấu và cầu mong phúc đức, tốt lành cho cư dân trong làng. Nhiều người dân ở phường Xuân Đài cho hay, dù miếu ông Cọp rất linh hiển, nhưng không bao giờ đáp ứng những nhu cầu bát nháo, ví như những người đến cầu xin số để đánh đề.

Về bức tượng đá hình cọp vừa mới được đặt cạnh miễu vào tháng 8/2009, anh Trần Văn Danh kể: “Liên tục hai mùa liên tiếp tui gánh chịu thất bại trong nghề nuôi tôm hùm, tui lên miễu thắp hương cầu khấn xin ông phù hộ. Cuối vụ tôm, nhiều người thất bại, nhưng tui may mắn thu được hơn sáu chục triệu đồng. Bán tôm xong, tui vô Tuy Hòa đặt thợ điêu khắc, chạm trổ một ông Cọp bằng đá grannit mang về đặt trên mỏm đá bên phải miếu ông Cọp như lời hứa trước đó”.

Miễu Ông Cọp cùng những câu chuyện đậm màu huyền thoại cũng là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc ở một vùng đất đang giàu sức vươn lên.


HÙNG PHIÊN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét