Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Cửa biển Khai Long - điểm du lịch hấp dẫn nơi Đất Mũi Cà Mau

Biển Khai Long (Cà Mau) còn rất hoang sơ và hoàn toàn mới mẻ đối với du khách. Được bao bọc giữa bốn bề rừng cây, sông biển, với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, biển Khai Long thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với diện tích khoảng 230ha, chiều dài theo bờ biển 3.800m.
Mưu sinh ở cửa biển Khai Long
Từ Khai Long trông ra Hòn Khoai

    Khai Long nằm về phía biển Đông trong khu vực sinh thái rừng ngập mặn mũi Cà Mau, là một cửa biển nhỏ, cạn, được bao bọc bởi rừng mắm, đước bạt ngàn, thích hợp cho việc khai thác du lịch. Cửa biển Khai Long chạy dài từ cửa Ông Thọ, Rạch Mũi... tới lâm viên Đất Mũi, là một bãi cát giồng uốn lượn hình rồng dọc bờ biển. Mảnh đất này được các nhà khai thác du lịch khám phá như một điểm dừng chân mới của các tour. Ngành du lịch Cà Mau đang có nhiều dự án quan trọng để đưa Khai Long thành điểm du lịch trọng tâm của vùng Đất Mũi. Hai tiếng Khai Long cũng đủ nói lên sức hấp dẫn của nó - một địa danh làm nức lòng khách nhàn du... 
    Khai Long được tạo hóa ban tặng cho một vị trí hết sức đặc biệt. Đứng ở cửa biển Khai Long khi bình minh ló dạng ta thấy được mặt trời tròn như vành thúng chói đỏ nhô lên từ mặt biển phía đông và khi chiều xuống cũng ở vị trí ấy ta lại thấy vầng kim ô vàng rực từ từ lặn xuống mặt biển phía tây. Cũng tại nơi đây, du khách ngắm nhìn trọn vẹn hình dáng, vẻ đẹp hoang sơ của cụm đảo Hòn Khoai hùng vĩ. Biển Khai Long hằng năm cứ lấn dần ra biển, như muốn nối liền với cụm đảo Hòn Khoai. Mỗi lần đến Khai Long để ngắm biển, ta thấy khoảng cách giữa đảo và bờ nơi đây như thu hẹp dần.


Khu nghỉ dưỡng Lý Thanh Long ở Khai Long
    Có một điều rất thú vị, nếu như khu vực Ông Trang, Cá Mồi và bãi bồi Đất Mũi... là bãi bùn, thì ở Khai Long lại là bãi cát vàng rộng mênh mông và tương đối bằng phẳng. Khi thủy triều xuống, cát phơi mình trên nắng chạy dài với những hình thù kỳ lạ và đẹp mắt. Khu vực này chính là thiên đường của nhiều loài sinh vật biển sinh sản, đặc biệt nơi đây có một bãi nghêu rộng lớn, mỗi ngày có hằng trăm người khai thác, tạo cho không khí vốn yên bình như Khai Long thêm náo nhiệt. 
    Biển Khai Long không đẹp quyến rũ như Lăng Cô xứ Huế hay nhiều vùng biển khác, nhưng Khai Long lại có hệ sinh thái đa dạng không nơi nào có được. Đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài cây như: vẹt, mắm, bần... đặc biệt là cây đước - biểu tượng của rừng ngập mặn, đã gắn bó lâu đời với đời sống của người dân Đất Mũi. Khai Long cũng không thiếu những hàng dương chạy dài trên cát trắng, đêm ngày đón gió biển reo ca.
Săn nghêu khu vực biển Khai Long
Tượng bà Nam Hải
    Cách đây 3 năm (2005), Công ty Công Lý đã đầu tư 24 tỷ đồng thành lập khu du lịch Lý Thanh Long trên vùng đất Khai Long này. Khu du lịch có diện tích 76ha, trong đó 50ha nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái, 26ha xây dựng khu du lịch gồm: nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... đặc biệt có khu tượng Nam Hải Phật đài Quan Thế Âm Bồ Tát được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 2006, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Tượng làm bằng đá Tây Tạng do nhà điêu khắc Trương Công Thành thiết kế, cao 18m (thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân trong vùng). Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh, Nam Hải Phật đài còn tạo thêm vẻ mỹ quan cho Khu du lịch Lý Thanh Long, phục vụ khách tham quan du lịch nơi vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc. 
    Hiện nay, Khai Long mới chỉ là một điểm du lịch rất đơn sơ, nhiều hạng mục công trình đang đầu tư chưa hoàn chỉnh, nhưng du khách đến tham quan mỗi ngày một đông thêm. Chỉ tính vào dịp lễ, tết, Khai Long đã đón trên 50.000 lượt khách, một số lượng rất lớn đối với một khu du lịch mới mở cửa, tạo nên sự trù phú cho vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái này.

ANH DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét