Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Dạo chơi trên “Hồ của trời"

Hỏi ở ĐBSCL có một hồ nước mang tên Búng Bình Thiên hay còn gọi là “Hồ của trời”, rất nhiều người không biết. Người viết bài này khi đến đây cũng ngỡ ngàng với hồ nước tự nhiên lớn nhất ĐBSCL, nước trong hồ xanh thẳm giữa vùng phù sa mà chẳng ai giải thích được, nơi đây còn là “cái rốn” cá sinh sống tự nhiên của An Giang…

Đua ghe...

“Biển hồ” và “túi” cá đồng
Muốn đến Búng Bình Thiên, từ thị xã Châu Đốc, theo tỉnh lộ 956, qua Cồn Tiên, đến ngã tư Quốc Thái, quẹo trái khoảng 2,5km là đến nơi. Búng - dạng như một cái hồ - nằm giữa 3 xã biên giới là Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Vào mùa khô, Búng Bình Thiên hẹp lại còn khoảng 200ha nhưng không bao giờ cạn, đến mùa nước nổi mặt búng tỏa rộng lên đến 800ha. Đây được xem là hồ nước tự nhiên lớn nhất ĐBSCL và còn được mệnh danh là biển hồ của miền Tây Nam bộ. Hồ cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho cả vùng và là “túi cá đồng” với chủng loại phong phú bậc nhất vùng An Giang. Ở đây hội tụ đủ các loại cá nước ngọt và số lượng sinh sản nhiều do môi trường tốt. Đặc biệt, hàng năm, Búng Bình Thiên cung cấp một lượng cá sặt khá lớn để làm khô sặt. Con cá sặt sống ở Búng Bình Thiên có mình dày, nhiều thịt. Món khô sặt xoài bằm được xếp vào hàng “đệ nhất đưa cay”! Người dân sống quanh búng và trên búng còn nuôi cá bè xuất khẩu.
Có điều thú vị mà ngay cả người dân ở đây bao đời nay cũng không giải thích được, là vì sao ở vùng đồng bằng nặng phù sa này lại có một hồ nước trong xanh quanh năm, trong khi đó các sông, kênh, rạch gần đó nước lại đục ngầu? Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi đi xem một số cửa kênh, rạch, sông đổ vào búng, thì tại ngay các cửa này nước có hai màu rõ rệt: bên trong búng nước xanh trong, còn phía ngoài nước đục!
Đến Búng Bình Thiên vào mùa nước nổi, khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản mùa nước nổi như: cá linh nấu canh chua, bông điên điển xào, cá rô đồng nướng chấm mắm me, chuột đồng rô ti… Hàng năm, người dân còn tổ chức đua ghe trên búng rất vui nhộn.
Vì sao gọi “Búng Bình Thiên”?
Người dân truyền miệng rằng, vào cuối thế kỷ 18, một võ tướng của nhà Tây Sơn đã chọn Búng Bình Thiên làm căn cứ. Lúc đó, khu vực này khô cằn, ông bèn làm lễ vái trời đất xin ban cho nguồn nước để quân sĩ dùng. Ông vừa khấn vừa rút kiếm chém xuống đất, lạ thay một dòng nước ngọt phun trào ngày đêm tràn ngập thành hồ. Lúc ấy nước từ dưới đất búng lên, nên tên “búng” có từ đó (?). Còn người dân nơi đây gọi “búng” tức là hồ hay đầm - Búng Bình Thiên là hồ nước bình yên của trời. Có ý kiến khác cho rằng, trong sách “Tự vị tiếng nói miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển thì thấy có từ “bưng”. Từ này gốc Khmer (Trapéang) lần hồi được Việt hóa (bưng), và nó có nghĩa là: “Vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”... Như vậy, “búng” ở đây có phải là do từ “bưng” nói trại mà ra hay không?

Và mưu sinh trên Búng Bình Thiên.

Búng Bình Thiên nối với sông Hậu bằng con sông Bình Di dài khoảng 8km (gần cửa khẩu Khánh Bình hay còn gọi Long Bình, vì có chợ Long Bình). Từ Búng Bình Thiên, chúng tôi đi thuyền máy ngược dòng Bình Di để đến cửa khẩu Khánh Bình của Việt Nam và bên kia là cửa khẩu Chrey Thum (cách nhau con sông Bình Di), thuộc tỉnh Kandal của nước bạn Campuchia - cũng là chuyến du ngoạn ngắm biên giới trên sông thú vị.
Theo UBND huyện An Phú, huyện đã có đề án quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư xây dựng Búng Bình Thiên thành một khu du lịch bảo tồn văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí cho du khách, nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu Khánh Bình kết nối với các địa điểm du lịch khác của tỉnh An Giang.

Ảo huyền búng Bình Thiên


    Nhắc đến búng Bình Thiên - hồ nước ngọt lớn nhất của Tây Nam Bộ nằm giữa 3 xã biên giới Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú, tỉnh An Giang,người ta thường nói đến sự kỳ lạ của việc tồn tại một hồ nước trong xanh thông với sông Bình Di đậm màu phù sa, nhưng dường như không có cơ chế thu và chia nước với nhánh sông Cửu Long này. Màu sắc ảo huyền của búng Bình Thiên còn được gắn với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi không kém phần bí ẩn sinh sống ở mảnh đất ven bờ hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang chảy vào đất Việt.
Kỳ ảo búng Bình Thiên
 
 Phụ nữ Chăm An Phú.
Huyện An Phú của An Giang có 5 xã tập trung chủ yếu đồng bào Chăm cư ngụ gồm: Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình, Đa Phước và Vĩnh Trường. Những xóm Chăm đậm màu huyền bí này nằm rải rác xung quanh búng Bình Thiên. Vào mùa khô, búng rộng gần 300ha, còn mùa nước nổi thì nước dâng làm mặt hồ rộng thêm hơn 200ha nữa. Nước ở đây sâu trung bình khoảng 4m. Vào thời điểm nào trong năm, búng Bình Thiên cũng trong xanh ngằn ngặt với khung cảnh thanh bình yên ả. Mùa nước nổi, sông Tiền và sông Hậu đục ngầu phù sa. Miệng búng thông với nhánh sông Bình Di ở cửa trên và cửa dưới nước ngầu đỏ, nhưng dòng nước chỉ cần chạm đến cái miệng hồ kỳ lạ này thì lại trở nên xanh biếc và trong lành.
Lật lại lịch sử từ khi huyền tích búng Bình Thiên được truyền khẩu cho đến ngày nay, nước trong hồ chỉ dâng lên và hạ xuống chứ không thu và chia nước lưu thông theo con nước lớn ròng của các nhánh sông Cửu Long. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và cho đến bây giờ cũng chỉ có một cách lý giải thuyết phục nhất rằng điều kỳ lạ này là do địa hình đặc biệt của búng Bình Thiên. Búng nước rất lớn, nhưng miệng búng nhỏ, chỉ vừa vặn cho một chiếc cầu bê tông bắc ngang len lỏi ở giữa các khu dân cư san sát quanh búng. Thứ nữa, có thể trong hồ tồn tại một loại tảo có khả năng tự làm sạch nước. Thảm thực vật đặc biệt lơ lửng trong hồ này có tác dụng như một túi lọc tất cả cặn phù sa khiến màu nước luôn trong xanh và mặt nước yên ả thanh bình, chứ hồ nước tự nhiên này không hề nhuốm màu bí hiểm như quan điểm dân gian.
Tương truyền búng Bình Thiên được hình thành do một tướng quân Tây Sơn khi lưu quân tại đây, lúc mà khu vực biên viễn này vẫn còn khô cằn hoang vu đã làm lễ tế trời đất ban cho nguồn nước. Chỗ ông cắm thanh kiếm thiêng xuống trào dâng dòng nước ngọt hình thành búng nước, vì thế nó cũng gắn với cái tên ý nghĩa là Bình Thiên. Tách khỏi những quan niệm hư ảo mang tính huyền thoại, người dân trong vùng thường gọi là hồ Nước Trời vì vẻ bình yên lạ thường, dòng nước trong xanh quanh năm lộng bóng mây trời của búng nước.
Sắc áo Chăm ở búng Bình Thiên
 
Khung cảnh bình yên trên búng Bình Thiên. Ảnh: PV
Trung tuần tháng 7 - 2012 là thời điểm bắt đầu tháng ăn chay Ramadam củangười Chăm theo đạo Hồi ở An Phú. Thời điểm của tháng ăn chay mỗi năm mỗi khác vì chu kỳ này được chính nhữngngười Chăm ở đây chọn theo mùa trăng với cách tính toán của riêng họ.
"Tháng nhịn ăn" của họ bắt đầu từ ngày trăng non của tháng 7 và kết thúc đúng một tháng sau đó và thường ứng vào tháng 9 âm lịch theo lịch Ả Rập. Nếu ngàykết thúc tháng ăn chay mà không có trăng lên, thì tháng ăn chay kéo dài thêm mộtngày.
Người Chăm theo đạo Hồi từ 15 tuổi trở lên đều thực thi nghiêm túc tháng ăn chay Ramadam, bởi đây là nghi lễ quan trọng nhất thể hiện sự sùng đạo của họ. Hơn nữa, kết thúc tháng ăn chay cũng là lúc ngày lễ lớn nhất trong năm của người Chăm được tổ chức: Tết Roya Phik Trok cùng với việc mở tiệc ca hát và ăn mừng.
Trong tháng Ramadam, người Chăm theo đạo Hồi không ăn, không uống, không làm việc nặng nhọc, thậm chí là vợ chồng không gần gũi nhau, tránh xô xát cãi vã và đặc biệt là không hút thuốc lá, uống rượu. Bắt đầu từ khi mặt trời lên mỗi ngày cho đến khi mặt trời lặn, họ không ăn uống và chỉ đến thánh đường hành lễ. Và mặc dù không ăn uống vào ban ngày, nhưng có một tín điều bắt buộc trong 30 ngàyRamadam là người theo đạo Hồi phải làm từ thiện bằng cách chia sớt cho nhữngngười nghèo. Họ cho rằng việc nhịn ăn uống là giúp chính mình tiết chế và tăng thêm nghị lực trước cám dỗ vật chất, đồng thời đó là hành động cảm thông với nhữngngười còn nghèo đói, không đủ ăn còn rất nhiều trên thế gian này.
Chưa hết ngạc nhiên vì những huyền tích bí hiểm của búng Bình Thiên, tôi lại có dịp ngồi lại chuyện trò với những lão làng của cộng đồng người Chăm sinh sống quanh hồ nước lớn này. Trên mép nước phủ đầy lục bình tươi non mơn mởn, chúng tôi uống trà và thưởng ngoạn vẻ yên lành của vùng nước Bình Thiên. Trên mặt hồ trải rộng lăn tăn sóng, những chiếc thuyền câu nhỏ nhoi điểm xuyết trong ánh nắng nhẹ như tơ trời không một tiếng động. Một góc hồ, bông điên điển nở vàng rực nhắc tới mùa lẩu cá linh non sắp bắt đầu.
Mùa lũ đang tới. Nơi này đón lũ đầu tiên vào đồng bằng sông Cửu Long. Khi nước các nhánh sông Tiền, sông Hậu dâng lênh láng ở Đồng Tháp Mười, thì ở búng Bình Thiên, đất trời và mặt nước vẫn thản nhiên với nắng nhẹ, cỏ cây xanh tươi rợp bóng quanh búng. Chỉ có bông điên điển là tới mùa nở rộ, nhuộm vàng bên trên những thảm lục bình. Đồng bào Chăm theo đạo Hồi ở đây tránh ăn thịt heo, nhưng họ có món thịt bò nấu cari cực ngon. Ông Du Số, một lão làng ở ấp Bình Ri, An Phú kiên nhẫn ngồi giảng giải cho tôi nghe về ý nghĩa tháng ăn chay Ramadam. Ông bảo, vào tháng này, nam nữ không ngồi chung chiếu, chứ đừng nói là ngủ chung.
Người Chăm theo đạo Hồi đặc biệt không mắc tật uống rượu bê tha, đá gà, hay đánh bạc, gây lộn, không tham gia buôn lậu qua biên giới. Thôn ấp nơi này thanh bình, an ninh ổn định. Bên búng Bình Thiên tuyệt nhiên không bao giờ gặp cảnh ồn ào, xô bồ, tranh mua tranh bán, xích mích. Bước vào tháng Ramadam, khung cảnh càng lặng lẽ hơn bao giờ hết. Du Số cười: Những thanh niên trai tráng trong ấp vào ban ngày còn lả đi vì đói. Có người chỉ quanh quẩn ở thánh đường, cầu nguyện và rồi lại cầu nguyện và đọc kinh. Chỉ có một niềm tin tuyệt đối, hướng thiện mới có thể giúp họ vượt qua tháng Ramadam thanh thản và nhẹ nhàng.
Ông Drerfgfu Số hiện là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc của xã Khánh Bình, đồng thời là chức sắc trong Ban giáo cả của thánh đường lớn nhất nhì huyện An Phú. Ông nói rằng hiện nay, việc hành hương tới thánh địa Méc-ca không còn là một áp lực đối với đồng bào Chăm theo đạo Hồi ở đây nữa. Ai có tiền thì có thể đi. Cộng đồng ngườiChăm liên kết lại, hỗ trợ lẫn nhau để đi tới thánh địa theo sở nguyện. Nhưng nếu không thể đi thì cũng không sao. Ngay cả trong tháng Ramadam, nếu người nào phải lao động nặng nhọc, chật vật để mưu sinh thì ban ngày cũng không cần nhịn ăn.Người nào đuối sức thì cũng phải xả, không cần nhịn nữa. Việc sùng đạo không nhất thiết phải cứng nhắc và tự đày ải, hành xác, miễn sao sau tháng Ramadam, ai nấy đều hanh thông, cởi mở và có năng lượng tinh thần mới cho một năm an lành.
Huyện An Phú hiện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng búng Bình Thiên thành một khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí với diện tích khoảng 139ha. Màu sắc huyền bí và cộng đồngngười Chăm ở búng Bình Thiên là yếu tố không thể bỏ qua hấp dẫn khách du lịch tới nơi này. Tha thẩn bên các xóm Chăm thanh bình, tôi được những bà mẹ Chăm hướng dẫn cách quàng khăn Mat'ra - trang phục đặc biệt của phụ nữ Hồi giáo. Những cô gái Chăm hiền lành với đôi mắt to tròn duyên dáng với áo váy dài và khăn thêu. Thánh đường Mas Jid Khoy Ri Yah với mái vòm hình củ tỏi sát bên búng Bình Thiên mỗi ngày đều nhộp nhịp con chiên lui tới cầu nguyện. Đây là nơi diễn ra Lễ hội Royal Phik trok sau tháng chay Ramadam.
Và rất có thể, tôi may mắn khi được sống một ngày bên búng Bình Thiên, dạo chơi trên các thôn xóm thanh bình, vui đùa với những đứa trẻ lặn ngụp trong làn nước trong xanh của búng Bình Thiên, nhập vào nhóm những cô gái Chăm giỏi thêu thùa tụ họp bên dưới những ngôi nhà sàn có cửa sổ rèm đăng ten màu hồng hay là hầu chuyện các bậc cao niên trong làng về những thay đổi của búng nước thiêng. Có thể trong lúc cao hứng, họ sẽ cất tiếng hát một bản tình ca của người Chăm. Và em, cô gái tôi mới quen có cái tên rất đẹp là Kha Lan không ngần ngại hát cho tôi nghe bài hát phỏng theo giai điệu dân ca Chăm: Hãy nói với dòng sông, em đã yêu Karim và hãy nói với muôn người, em đã yêu Karim...
Trương Thúy Hằng, Biên phòngHàn Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét