Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Dấu chân Y Rít ở bến nước buôn Chơ

Buôn Chơ thuộc xã Krông Pa huyện Sơn Hòa cách thành phố Tuy Hòa gần 100 cây số, nằm sát bên bờ sông Cà Lúi, một nhánh nhỏ của thượng nguồn sông Ba. Quanh năm sông Cà Lúi nước trong leo lẻo, đứng trên bờ có thể nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt mình dưới làn nước trong vắt. Người dân buôn Chơ đều lấy nước từ con sông này dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Đứng trên cao nhìn xuống, thấp thoáng trong những cánh rừng thưa, mỗi sáng mỗi chiều trai gái trong buôn mang gùi nước ra bến sông, rực rỡ trong những tấm áo màu trong nắng vàng cao nguyên, toả tràn lên những tán lá rừng xanh ngắt… 


070509-DTX.Dau-chan-Y-Rit-(.jpg
Dấu chân Y Rit ở bến nước buôn Chơ - Ảnh: D.T.Xuân


Buôn Chơ cũng như bao nhiêu buôn làng khác, cảnh sắc không có gì đặc biệt, nhưng cả buôn có cái mà bao nhiêu buôn làng khác đều mơ ước, đó là bến nước Cà Lúi của buôn Chơ mà hàng bao nhiêu thế kỷ qua đã giúp cho dân làng có cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Bến nước này không phải ngẫu nhiên xuất hiện trước mắt dân làng mà đã trải qua bao cuộc hành trình tìm kiếm vất vả của chàng trai Y Rít. Đó là chàng trai thông minh, quả cảm luôn ray rứt với đời sống cơ cực của bao nhiêu người dân sống trên rừng cao thiếu nguồn nước. Mùa mưa, họ đắp bờ ngăn suối để giữ nước nhưng đến mùa khô, nước bị con rắn thần hút hết, chỉ còn trơ lại lớp sỏi cát khô khốc. Dân trong các buôn lại lại thất thểu đào bới, vét từng bụm nước đục ngầu bám đầy rong rêu trong các hang hốc. Có nhiều năm phải chặt những đoạn dây rừng, dùng ống bương hứng lấy chút nước ít ỏi để khỏi phải chết khát.

Không thể cầm lòng trước cảnh khổ ải, khát nước của những người dân lương thiện đang sống quanh mình, sau một đêm trằn trọc, thao thức suy nghĩ, cuối cùng chàng Y Rít quyết tâm lên đường đi tìm nguồn nước. Mặt rời vẫn còn ngái ngủ sau rặng núi đằng Đông, Y Rít đã thức dậy, vác chiếc rựa lên vai ra đi. Chàng đi từ núi cao xuống lũng sâu, từ trảng tranh xơ xác này tới đồi núi chập chùng nọ. Đói chàng hái lá rừng ăn tạm, khát chàng chặt những dây leo chằng chịt tìm chút nước cho đôi môi khỏi bị nứt nẻ. Chàng đi và đi mãi. Hết ngày này sang ngày khác. Ngày đi đêm nghỉ, ròng rã nhiều tháng liền.

Cho tới một ngày kia chàng mệt lả vì đói và khát, nằm gục bên gốc cây già, thiếp đi. Trong cơn mê, chàng bỗng nhìn thấy một khối lửa đỏ rực từ trời cao bay xuống. Và từ trong quả cầu lửa rực rỡ kia, Giàng bước ra, khoan thai đến trước mặt chàng nói: “Hỡi chàng trai quả cảm của Giàng, con hãy bước tiếp đi về phía mặt trời, cho tới khi nào nghe thấy tiếng chim hót rộn ràng, tiếng muôn thú hoan ca thì dừng lại. Đàn bướm đủ sắc màu sẽ đưa con tìm đến nơi con cần tìm”. Nói vừa dứt câu, Giàng khoan thai bước vào trong quả cầu lửa và bay lên trời cao. Y Rít bừng tỉnh, mở mắt ra nhìn thì chỉ thấy một cao nguyên bao la, cây cỏ xanh rì. Tuyệt nhiên không còn nghe và thấy điều gì khác hơn. Y Rít quơ vội những nắm lá rừng trước mặt mình cho vào miệng nhai ngấu nghiến rồi vội vã bước thấp bước cao về phía mặt trời với thể xác sắp suy kiệt.

Chàng đi mãi, không biết bao nhiêu rựa, không nhớ mấy lần mặt trời thức dậy và đi ngủ cho tới khi chàng nghe xa xa có những tiếng hót thánh thót của bầy chim, tiếng gà rừng gáy vang cùng tiếng hươu nai tố tác văng vẳng xa gần. Chàng chợt bừng tỉnh, nhớ lại lời Giàng và bước dồn, quên cả đói khát và nỗi mệt nhọc chất chồng trong người. Và rồi, trước mắt chàng là một dòng sông trong vắt hiện ra. Chàng lao tới với đàn bướm từ đâu đó vây quanh chàng như một vòng hào quang hoa lá. Không có gì có thể so sánh với nỗi mừng vui của chàng lúc đó. Y Rít từ trên bờ cao lao xuống dòng nước trong, đắm mình trong đó nghe các đường gân, thớ thịt như đang từ từ dãn ra. Y Rít vốc nước đưa lên trước miệng mà ứa nước mắt. Chàng kêu to lên: “Ta đã tìm thấy sự sống cho dân làng ta rồi, hỡi Giàng cao cả”. Tiếng kêu vừa mới thoát ra khỏi cổ họng thì trước mắt chàng, dưới làn nước trong vắt như gương soi, Y Rít bỗng nhìn thấy con lươn to hơn con voi rừng, dài hơn những sợi dây mây, xé nước lao tới đâm bổ vào người chàng. Y Rít nhoài người né sang bên với nỗi bàng hoàng khôn tả xiết. Con lươn quay đầu lại, ngược dòng nước lao tiếp vào tấn công chàng. Y Rít nhún người phóng lên bờ cát. Con lươn lao theo quấn chặt chân chàng giữ lại, cố xé toạc bàn chân chàng. Y Rít dùng hết bình sinh uẩy con lươn văng ra khỏi chân. Nhưng nó đâu dễ chịu thua. Cuộc chiến dằng dai bất phân thắng bại, kéo dài mãi đến ngày thứ bảy thì cả hai bên gần như kiệt sức. Nhưng Y Rít với sự sống còn của bộ tộc mình quyết tâm không để con lươn kia giết chết chàng trước khi bộ tộc biết được nguồn nước. Và hình như con lươn kia cũng linh cảm được rằng, nếu không giết chết được chàng trai trẻ kia thì vĩnh viễn giang sơn của mình sẽ bị loài người chiếm giữ. Điều này đồng nghĩa với đất sống của nó không còn nữa. Cả hai đều cảm nhận được điều hệ trọng này nên ra sức lần cuối cùng, quyết quật chết kẻ thù. Chàng Y Rít đứng trên tảng đá thủ thế chờ con lươn lao tới, và nó đã lao tới với tất cả sức lực còn lại. Y Rít dẫm mạnh chân xuống tảng đá, tóm được đuôi con lươn, nắm chặt và nhấc bổng lên quay nhiều vòng trên không. Con lươn rời khỏi làn nước trong, hình như không còn sức lực như bình thường, nhẹ hẫng. Y Rít nghiến răng, bám chặt chân trên đá và quật mạnh con lươn xuống tảng đá kề bên rồi nằm lịm đi. Chàng nằm ngất không biết bao lâu…

Trong khi đó dân làng đang chờ đợi tin vui của Y Rít tìm ra nguồn nước. Nhưng ngày này qua tháng nọ, bóng dáng chàng vẫn biệt tăm trên cao nguyên bao la và núi rừng hùng vĩ. Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, các trai làng chia nhau đi tìm chàng, bởi Y Rít đối với họ là cuộc sống, là niềm tin, là sức mạn. Toán trai làng khăn gói tỏa đi các hướng và một ngày kia họ tìm thấy xác chàng trên tảng đá, bên cạnh là xác con lươn khổng lồ trên dòng sông nước cứ vô tình trôi. Họ bàng hoàng nhìn cảnh tượng bày ra trước mắt như thể đó không thể là sự thật. Nỗi đau khổ chen lần niềm vui sướng trào lên. Y Rít quả cảm đã hiến dâng thân xác cho Giàng để dành lấy sự sống cho cả bộ tộc.

 Dị bản 1:

Phần đầu câu chuyện kể y như trên, nhưng phần kết thúc lại có hậu hơn:

Sau khi Y Rít quật chết con lươn khổng lồ, chàng lịm đi không biết bao nhiêu ngày tháng. Khi tỉnh dậy, chàng nghe văng vẳng bên tai: “Con hãy vốc nước rửa mặt, hái ngọn rau rừng bên bờ sông nhai và uống nước sông này sẽ mau chóng phục hồi sức lực. Con hãy mau làm đi để còn kịp về báo tin vui cho dân làng. Y Rít mở mắt ra nhưng không thấy một ai ngoài mình chàng và xác con lươn nằm bất động trên tảng đá kề bên. Chàng làm đúng theo lời dặn và vội vã lên đường trở về buôn làng cũ báo tin chiến thắng, tìm ra nguồn nước cho cuộc sống dân làng.

Dân làng trong bộ tộc mừng vui khôn xiết, liền mổ trâu bò, mang ra những ché rượu ngon nhất, nổi lửa nhảy múa suốt mấy ngày liền trước khi lên đường đến nơi định cư mới. Cả bộ tộc coi chàng như vị cứu tinh, như một Giàng giáng thế để mang lại sự sống cho họ bởi sau này, những cánh đồng cỏ bao la sẽ dần dần thay thế bằng những cánh đồng trồng bắp lúa tươi tốt.

Khi cả bộ tộc đến nơi thì xác con lươn không còn nữa, chỉ thấy vết lõm in hình bộ xương lươn khổng lồ, tảng đá kế bên là bàn chân lõm sâu của Y Rít.

 Dị bản 2:

Y Rít là con của một vị tù trưởng, 18 tuổi chàng đã cao lớn, sức vóc hơn người; đặc biệt với sức mạnh phi thường của mình, không những tiếng tăm vang xa tới các bộ tộc khác mà còn khống chế được tất cả mọi loài thú dữ. Mỗi khi chàng đi săn, không một con thú nào có thể thoát được. Ngoài sức mạnh và tài nghệ bẩm sinh, Y Rít còn là chàng trai thông minh, có lòng nhân hậu, luôn yêu thương đùm bọc tất cả mọi người trong bộ tộc, khoan dung đối với các kẻ thù hiếu chiến của các bộ tộc khác…

Năm ấy và tiếp theo nhiều năm liền, lãnh địa của cha chàng bị khô hạn nặng. Tất cả các sông suối đều cạn kiệt nguồn nước, làm cho hoa màu, lúa rẫy, cây trái đều bị khô héo. Viễn cảnh của nạn đói và khát đang bày rõ ràng trước mắt. Trong khi vị tù trưởng cha chàng cùng nhiều người khác chưa biết tìm ra phương sách ứng phó thì chàng Y Rít đang đêm, một mình len lỏi vạch rừng dày đi tìm nguồn nước cho dân làng. Trên đường đi, chàng đã phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến đấu gian khó với hàng đàn thú dữ. Nhịn đói khát băng rừng cao, vực thẳm với lời cầu nguyện là Giàng phù trợ cho chàng tìm được nguồn nước để cứu đói khát cho bộ tộc chàng.

Chàng đi mãi đi mãi, cho tới một ngày kia chàng gặp con suối có dòng nước trong vắt. Càng đi tới, chàng càng gặp nhiều con suối như vậy và tất cả đều đổ ra con sông rộng lớn (đó là sông Ba ngày nay). Dọc hai bờ sông là những cánh rừng tươi tốt, những cánh đồng bằng phẳng phì nhiêu, bao la.

Quá  đỗi mừng vui, chàng lao xuống lòng sông và vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy từng đàn thủy sinh lao tới phía chàng, cắn xé hai chân chàng. Y Rít phóng vội lên bờ nhìn xuống và thấy rất nhiều loài cá, lươn, sấu, rái gầm ghè bên dưới. Với đầu óc thông minh, mẫn tiệp, chàng đoán ngay là loài thủy sinh kia không cho chàng, cho loài người đến chiếm mất dòng nước này. Y Rít quyết định ra tay. Chàng lao xuống nước và chiến đấu với loài thủy quái. Tất cả đều bị chàng đánh cho tan tác bỏ chạy đi chỗ khác. Duy nhất có một con lươn khổng lồ to và dài như con suối trong lãnh thổ cha mình lao tới tấn công chàng. Y Rít chiến đấu ròng rã bảy ngày đêm, lúc thì bị nó quật chìm chàng xuống dòng nước sâu, khi thì bị nó kéo hai chân chàng tới gần sát miệng hang tưởng chừng như bỏ mạng. Nhưng nhờ lòng quả cảm, trí thông minh và sức lực hơn người nên cuối cùng Y Rít cũng hạ sát được con ác thủy bằng một động tác quật mạnh nó lên hòn đá cạnh nơi chàng đứng đến nỗi thịt của nó nát nhừ, bộ xương bị cú đập mạnh in nguyên hình dạng khổng lồ lên phiến đá.

Sau khi giết chết con ác thủy, chàng Y Rít đưa dân làng đến lập làng mới ven sông Ba rồi lặng lẽ bỏ đi, chỉ để lại dấu chân rất to in trên tảng đá cạnh tảng đá hình bộ xương con lươn khổng lồ.

 Ngày nay, tại bến nước này vẫn còn đó một tảng đá to, bằng phẳng như được bàn tay con người kỳ công đẽo gọt, và trên phiến đá ấy có in sâu vết lõm của bộ xương khổng lồ của loài thủy quái mà theo các già làng kể lại thì đó là bộ xương của con lươn khổng lồ. Bên cạnh tảng đá lõm hình dấu xương lươn là một tảng đá khác cũng to lớn và phẳng phiu như vậy, in hình một dấu chân người khổng lồ của Y Rít, người đã tìm ra nguồn nước, tìm ra sự sống cho bộ tộc. Nhưng hơn hết, tất cả dân làng buôn Chơ, Krông Pa đều tự nhận mình là con cháu hậu duệ ngàn đời của Y Rít. Mỗi năm vào dịp tháng Giêng, tháng Hai cả buôn làng đều tổ chức cúng tế linh đình trên bến nước buôn Chơ. Gặp những trắc trở tình duyên, chuyện làm ăn… người dân buôn Chơ đều đến bến nước, đặt bàn tay lên bàn chân khổng lồ của chàng Y Rít cầu nguyện, vì đối với họ, đây là vật thiêng, là con của Giàng sai xuống trần gian cứu nhân độ thế.

Câu chuyện bàn chân khổng lồ không chỉ có ở buôn Chơ, Krông Pa huyện Sơn Hòa, mà các tộc người khác như Ê Đê, Ba Na, GiaRai, ở Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum nằm trong lưu vực sông Ba đều có câu chuyện kể cho riêng địa phương mình với nhiều chi tiết khác nhau, nhưng cùng chung nội dung là Y Rít đã chiến đấu với loài thủy quái để giành lại nguồn nước cho dân buôn làng mình, khai khẩn đất đai, trồng hoa màu, lúa rẫy, chăn nuôi lập làng làm cho đời sống của bà con trong bộ tộc sung túc hơn trước.

(Theo lời kể trong dân gian lưu vực sông Ba: Trưởng thôn  Ma Bơi, Y chát, Ma Blới và nhà báo Tấn Lộc trên báo Phú Yên số xuân bính Tuất 2006 ).

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét