Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Di tích lịch sử Kế Khấu Ly

Di tích lịch sử  Kế Khấu Ly thuộc xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng theo quyết định số 863/QĐ -UBND ngày 25/9/2006. Nằm ở Phía Tây Nam của tỉnh, Kế Khấu Ly cách thành phố Yên Bái 125 km (theo quốc lộ 32 và 133), cách huyện lỵ Trạm Tấu 7 km về phía Đông Nam. Di tích nằm trong toạ độ được xác định là: 210 27' vĩ độ Bắc và 1040 25' kinh độ Đông.  Kế Khấu Ly đượccông nhận là di tích lịch sử cách mạng theo quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 21/6/2007.
Từ thành phố Yên Bái chỉ có 1 con đường duy nhất đến di tích là qua cầu Yên Bái theo Quốc lộ 32 tới thị xã Nghĩa Lộ, rẽ trái theo hướng Tây Nam, đi tiếp 31 km nữa trên quốc lộ 133 là tới thị trấn Trạm Tấu, từ Trạm Tấu đi tiếp theo hướng Đông Nam 7 km nữa là tới di tích.
"Kế Khấu Ly" có nghĩa là "đường ngã tư " ("Kế" là đường; "khấu ly" là ngã tư). Trong phần vị trí địa lý của di tích (IV. 1) cho ta thấy vai trò của ngã tư này trong lịch sử chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Nơi đây có dốc Khấu Ly, dốc này khá dài (khoảng 300m), giữa dốc có một khe nước mát bên cạnh đường mòn (trước kia thường là nơi nghỉ chân với bất cứ ai khi đi qua Khấu Ly), đối diện qua đường mòn là bãi xình lầy lớn. Đây chính là điểm mà du kích ta đặt bom ba càng hất tung tên Bang tá Cầm Ngọc Ninh xuống bãi xình lầy ngày 9/12/1948. Từ khi các chiến sĩ của ta giết chết Bang Ninh tại đây, khe có tên là "Háng Tua Súa", tức là "khe giết người". Hiện nay, khe nước vẫn còn và được chảy qua cống xuống phía dưới. Khu đầm lầy xưa không còn nữa mà nơi đây hiện nay người dân Bản Mù đã trồng rất nhiều mận hậu trên đó.
Ông Giàng A Su - Nguyên Bí thư huyện uỷ Trạm Tấu và Ông Giàng A Pua (con trai Ông Giàng A Lồng - người trực tiếp tham gia trận đánh tại đây vào chiều ngày 9/12/1948) đã được nghe và kể lại cho chúng tôi diễn biến  trận đánh; các điểm phục kích ở hai đầu Kế Khấu Ly và phía Bắc, phía Đông và phía Tây Nam trận địa. Các điểm này hiện nay đều là các bụi cây dại mọc và là hai mảnh nương của các ông Mùa A Chờ, Giàng A Mua.
Các ông còn cho biết điểm chôn Bang Ninh (cách khe nước chừng 70m về phía Bắc) nhưng ngay ngày hôm sau Thực dân Pháp đã cho quân từ Nghĩa Lộ lên lấy xác về làm ma. Đến nay, nơi đây vẫn còn một hòn đá rất to đánh dấu nơi chôn cất này.
Toàn bộ khu di tích được khoanh vùng bảo vệ bước đầu là 23.000 m2. Bao gồm từ đỉnh dốc Khấu Ly xuống qua khe "Háng Tua Súa" chừng 30m. Trong đó bao gồm các điểm phục kích từ nhiều phía của du kích ta, bài xình lầy xưa và nơi chôn Bang tá Cầm Ngọc Ninh. Với khu vực bảo vệ này, có thể diễn tả được toàn bộ trận phục kích và tiêu diệt địch của du kích ta với các địa điểm cụ thể trên thực tế, giúp ta dễ dàng hình dung được lối đánh du kích, dựa vào địa hình để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của các chiến sĩ du kích Trạm Tấu năm xưa.
Ngày trước việc đi lại trong khu vực chủ yếu dựa vào hệ thống đường mòn từ Kế Khấu Ly vắt chéo qua Bản Nhì, Phình Hồ hoặc đi Bản Công rồi sang Mường Chiến (Sơn La), từ Bản Công sang Xà Hồ đi Nậm Khắt (Mù Cang Chải). Kế Khấu Ly còn có đường về Bản Lìu, Bản Hát lên Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán và đi Bản Mông ở Kim Vàng (Bắc Yên).
Kế Khấu Ly - điểm đầu tiên của đất Bản Mù theo hướng Bắc (đi từ huyện lỵ lên), nơi bộ đội và chiến sĩ của ta đã chọn để tiến hành trận đánh lịch sử, ngày 9/12/1948, tiêu diệt 3 đại đội của địch. Nơi đây có vị trí chiến lược, rất thuận lợi cho chiến tranh du kích, "tiến có thể công, lui có thể thủ", khu này có 10 xã người Mông, 1 xã người Thái, trong đó địa điểm được chọn là Bản Mù. Nơi đây, có thể ngược lên Ngọc Chiến (Sơn La), sang Phù Yên (Sơn La), ra Ba Khe, xuống Thanh Lương, đi Đá Xô, Thượng Bằng La, cũng có đường vòng về Bản Bon, lên Nậm Mười rồi qua Khau Vác đi Yên Bái mà không cần qua Nghĩa Lộ. Bởi thế dù khó khăn cũng phải xây dựng nơi này thành cơ sở cách mạng, lấy vùng cao làm bàn đạp cho bộ đội sinh sống lâu dài, từ đây có thể liên lạc với đội du kích Khau Phạ (Mù Cang Chải), khống chế Thực dân Pháp ở Tú Lệ, Nghĩa Lộ, cũng từ đây có thể lan toả đi khắp nơi diệt tề trừ gian, thực hiện khẩu hiệu "lấy vùng cao làm cơ sở cho vùng thấp".
Biết được khu du kích Trạm Tấu hình thành, Pháp đã tung bọn phản động nằm vùng kết hợp với đại đội cơ động càn quét, chụp bắt cán bộ của ta. Nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm và tình yêu thương đùm bọc của nhân dân cán bộ và lực lượng du kích của ta vẫn được an toàn. Cũng trong thời gian này Trung đoàn 115, Đại đội 520, 524 đã đánh địch ép chúng rút khỏi 10 đồn bốt ở Văn Chấn tạo nên những khoảng trống cho chiến sĩ ta hoạt động. Cơ sở cách mạng ở Trạm Tấu đã trở thành bàn đạp cho cán bộ chiến sĩ vùng Nghĩa Lộ, lúc này nơi đây là một giao điểm cực kỳ quan trọng của 3 cơ sở: vùng ngoài, vùng trong và Phù Yên. Trước sự lớn mạnh và vững chắc của cơ sở cách mạng này, huyện Văn Chấn đã mở hội nghị tại Bản Mù nhận định tình hình và tiếp tục chiến đấu. Trước thất bại trên địch đã điều tên Ziazađanh làm phân khu trưởng phân khu Nghĩa Lộ và tăng viện cho Nghĩa Lộ hơn 100 lính Âu - Phi và một số vũ khí mới trong đó có cả đại bác 105 ly.
Trạm Tấu lúc này như một cái gai trước mắt muốn giữ an toàn cho phân khu Nghĩa Lộ, chúng phải đánh tan cơ sở này. Thực hiện ý định này vào cuối năm 1948 địch đã cử tên Bang tá Cầm Ngọc Ninh (Bang Ninh), một tên gian ác có nhiều nợ máu với nhân dân, thâm thù cách mạng đến tận gốc dẫn 3 đại đội lên càn quét cơ sở của ta ở Trạm Tấu. Trong khi lực lượng của ta còn quá non trẻ (40 người), vũ khí thô sơ, phải lui chỗ mạnh đánh chỗ yếu. Đội quân này rất tàn ác, chúng bắt những người dân mà chúng nghi ngờ cởi trần rồi bắt leo lên cây cao, ở dưới chúng bó một bó cật nứa và bắt tụt xuống. Nhân dân rất căm tức trước hành động dã man này và quyết cùng bộ đội chiến đấu đến cùng.
Để đối phó với âm mưu của địch, khu uỷ Việt Bắc đã chỉ thị tiến hành một đợt tổng phá để trừ gian lập thành tích chào mừng kỷ niệm 2 năm ngày toàn quốc kháng chiến.
Ngày 5/12/1948, địch cho Lò Văn Ót, Phó châu đoàn cùng Lò Văn Tom, Lường Văn Kinh và một số lính dõng lên Hát Lìu, dò la tin tức. Chúng bắt 2 chiến sĩ của ta, nhận được tin, 6h tối cùng ngày, đội vũ trang tuyên truyền của ta phối hợp với C514 bố trí đánh địch để giải thoát cho 2 chiến sĩ nhưng không thành do chúng thay đổi địa điểm đóng quân. Tuy thế ta vẫn bắt được Lò Văn Tom và Lường Văn Kinh và 2 người phu. Sau khi khai thác tình hình ta đã thả chúng ra.
Ngày 8/12/1948, Cầm Ngọc Ninh, Lò Văn Ót và một số tên lính nguỵ kéo lên Bản Hát và ngày 9/12/1948 lên Bản Mù. Bộ đội và cán bộ ta ở Ít Ong (Sơn La) được tin đã rút lên Bản Lìu các đồng chí Bùi Lạc, Nguyễn Duy Sinh, Quốc Trần và một số cán bộ chủ chốt đã họp bàn nhất trí chiến đấu. Để đảm bảo chắc thắng các đồng chí chỉ huy đã lên phương án tác chiến và chọn Kế Khấu Ly làm trận địa vì đây là con đường mòn độc đạo, uốn cong như một vòng cung ôm lấy bãi xình lầy, nếu ta chiếm được các điểm cao và hai đầu con đường phát hoả lực mạnh bằng bom ba càng và súng máy thì địch chỉ có lăn xuống bãi lầy không có cách nào khác.
Kế hoạch được sắp xếp là khi địch trở về ta sẽ đánh vì theo tin báo khoảng 1h chiều chúng mới đến Bản Mù, 3h mới tới Kế Khấu Ly, vào lúc chiều tà, không có gì ăn, núi rừng hiểm trở, người ngựa đều mệt, lại trong tình trạng lo âu bị tấn công tinh thần sẽ giảm sút mạnh.
Để nghi binh làm cho địch luôn bất ngờ, một mặt ta bố trí cho một số người Mông Bản Mù đi săn, địch thấy vậy cho rằng nơi đây thanh bình, sinh tâm lý chủ quan. Mặt khác ta cho nhân dân Bản Lìu, Bản Mù, Kế Khấu Ly thực hiện "vườn không nhà trống", rút hết vào rừng vừa tránh cướp bóc của địch vừa triệt nguồn lương thực của địch. Nhân dân Bản Hát và Khấu Ly còn gói 200 bánh trưng cho bộ đôi ta ăn đánh giặc.
Đúng như dự đoán của ta, khoảng 2h chiều địch tới Bản Mù. Tới nơi trước cảnh "vườn không nhà trống" chúng lo sợ  và đi lại rất dè dặt, chỉ lo phòng thân. Sau khi đi càn quét, sục sạo không thấy một bóng người, bóng vật, Bang Ninh thất vọng cho quân ăn lương khô để có sức trở về, khoảng 3h chiều giặc từ Bản Mù kéo về. Ta để cho địch nằm gọn trong ổ phục kích mới bắt đầu phát hoả 3 qủa mìn nổ cùng một lúc hất tung Bang Ninh xuống bãi xình lầy bên khe nước. Cùng lúc đó 2 ổ mìn ở 2 đầu đường và 3 khẩu súng máy cùng các tay súng thiện xạ của ta ở những đỉnh cao nã xuống ghìm đầu giặc dưới thung lũng. Thấy tên Bang tá chết, toàn bộ lính nguỵ sống sót xin đầu hàng. Như vậy, 40 chiến sĩ của ta đã đánh tan 3 đại đội địch và thu toàn bộ vũ khí. Xác của Bang Ninh được chôn ngay tại đó (cách khe nước khoảng 70m).
Được tin thất bại ở Kế Khấu Ly, bọn chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ rất lo sợ. Ngày 10/12/1948, chúng cho quân lên lấy xác Bang Ninh về Nghĩa Lộ, tại đây chúng cho mổ 3 con trâu, hơn 10 con lợn làm ma Bang Ninh nhằm phủ dụ bọn tay sai. Ngày 11/12/1948 chúng cho một đại đội do quan một Côdê lên càn quét Bản Hát, Bản Lìu.
Cũng sau thất bại này, Thực dân Pháp phát hiện được thống lý Giàng A Giao làm việc cho ta, chúng gọi thống lý xuống Nghĩa Lộ vừa dụ dỗ mua chuộc vừa tra hỏi nhưng thống lý đã tự sát để giữ trọn lời thề ủng hộ cách mạng.
Chiến thắng Kế Khấu Ly gắn liền với danh dự và tinh thần của Đội du kích và căn cứ địa cách mạng Trạm Tấu, quyết tâm chiến đấu đến cùng để chiến thắng kẻ thù xâm lược của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chiến thắng này tiêu biểu cho lòng dũng cảm, ý chí phán đoán, phân tích tình hình một cách hợp lý, nắm được điểm yếu của địch và phát huy được thế mạnh của ta, nắm vững lối đánh du kích, sử dụng vũ khí sáng tạo trong điều kiện địa hình miền núi. Kế Khấu Ly đã trở thành một điểm sáng về chiến tranh du kích diệt tề trừ gian, chống Thực dân Pháp của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, cũng là tiêu biểu cho lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
Khi tổng kết phong trào du kích chiến, huyện Văn Chấn đã được phong là lá cờ đầu của tỉnh, đồng chí Bùi Lạc chỉ huy trận đánh tại Kế Khấu Ly được UBHCKC Khu tặng Bằng khen.
Là một di tích lịch sử - cách mạng ở vùng cao Trạm Tấu, tại địa điểm Kế Khấu Ly ngoài con đường mòn xưa được mở rộng thành đường liên xã hiện nay cảnh quan xung quanh không có gì thay đổi đáng kể.
Chiến thắng Kế Khấu Ly gắn liền với danh dự và tinh thần của khu căn cứ Trạm Tấu. Chiến thắng này đã nêu cao lòng yêu nước của cộng đồng hai tộc người Mông và Thái vùng Trạm Tấu, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của đồng bào cũng như quyết tâm đánh Pháp đến cùng để giành chiến thắng. Chiến thắng Kế Khấu Ly tiêu biểu cho lòng dũng cảm và ý chí phán đoán, phân tích tình hình một cách hợp lý, biết được điểm yếu của địch và thế mạnh cơ bản của ta, sử dụng có hiệu quả lối đánh du kích. Chính sự mưu trí trong cách đánh đã làm cho Kế Khấu Ly trở thành điểm sáng trong phong trào "du kích chiến" của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng và trong phong trào chống Thực dân Pháp của nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung.
Kế Khấu Ly xứng đáng được ghi danh, trở thành một điểm di tích để lưu giữ truyền thống cho các thế hệ mai sau. Xây dựng nơi đây trở thành điểm giáo dục truyền thống yêu nước, chịu đựng gian khổ, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của đồng bào nơi đây cùng với lối đánh du kích hiệu quả của các chiến sĩ du kích Trạm Tấu năm xưa.
Đến với Trạm Tấu, ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên vốn có của một huyện vùng cao đầy đặc văn hoá Mông, chúng ta không thể bỏ qua Kế Khấu Ly - một điểm di tích đáng được ghi tên trong lịch sử cách mạng nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét