Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Dọc đường 25

Trước Tết Bính Tuất – 2006, tôi đã có dịp thực hiện một hành trình suốt chiều ngang của tỉnh Phú Yên. Một chuyến đi ít giờ (10 giờ) đã cho tôi thêm những hiểu biết mà chuyến đi dài ngày (10 ngày) trước đây tôi đã có. Bài viết trước thềm năm mới này chỉ xin nói về những ấn tượng, và cảm nghĩ về sự phong phú và đặc sắc của lịch sử và văn hóa vùng đất Phú Yên, nơi quốc lộ 25 chạy qua và sông Đà Rằng xuôi dòng ra biển.

Sự giàu có của tỉnh Phú Yên về tài nguyên thiên nhiên thật dễ thấy, dễ biết: có biển rộng, sông dài, có rừng nhiều, ruộng tốt… (“Tiếng đồn Bình Định tốt nhà, Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu”).

Còn sự giàu có về di sản lịch sử, văn hóa của vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia thì hiểu không dễ và biết chưa nhiều. Tính đến cuối năm 2005 trên đất Phú Yên có 13 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 10 cổ vật quốc gia được chính thức công nhận. Con số đó chắc chắn sẽ còn tăng lên và những cổ vật độc đáo, nhiều di tích lịch sử đã được công nhận cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn.

SÔNG ĐÀ RẰNG

Ea Bar, Krông-pa, sông Ba, Đắk-Krông, Đà Rằng… là những tên khác nhau trên thực địa của cùng một con sông. Trong thư tịch còn được viết “Ran Ran”, “Đà Lãng”… Dọc đường 25 tôi đã gặp những tên làng, tên xã, tên huyện gắn với con sông dài ngót 300 cây số này. Tôi đến Krông-pa (xã của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) rồi lại đi Krông-pa, Ayun-pa (huyện của tỉnh Gia Lai), qua công trường thủy điện Sông Ba Hạ, rồi lại hướng lên nhà máy thủy điện Sông Ba Thượng. Những danh xưng “Sông Ba”, “Krông-pa” là văn hóa ứng xử “uống nước nhớ nguồn” của con người.

Một góc quốc lộ 25 ( đoạn qua huyện Phú Hòa - tỉnh Phú Yên) - Ảnh: Nguyên Lưu

Dòng sông nào cũng chảy. Nhưng đâu phải con sông nào cũng mang lại lợi ích lớn lao cho con người như sông Ba – Đà Rằng: phù sa đậm đặc, thủy lộ quan trọng, thủy điện mạnh, thủy lợi lớn… Dọc đường 25 nhìn đập Đồng Cam, ngắm kênh mương đầy ắp nước, trông thật mát mắt và yên lòng. Cảm ơn Đà Rằng.

Lợi ích còn lớn và quan trọng hơn mà dòng sông mang lại cho con người là văn hóa. Đi trên quốc lộ 25 dọc bờ Bắc, tôi biết bên bờ Nam sông Đà Rằng, ĐT645, sẽ trở thành quốc lộ 29 và con đường sắt từ Tuy Hòa lên cao nguyên đã được quy hoạch, đều men theo lưu vực sông Đà Rằng. Tự ngày xưa, khi chưa có con lộ lớn mà chỉ là một con đường mòn nhỏ cũng đã là tuyến văn hóa lịch sử rồi.
Trong số di tích lịch sử văn hóa được công nhận của tỉnh Phú Yên phần khá lớn nằm ở lưu vực sông Đà Rằng. Ở đây còn tiềm ẩn nhiều dấu tích lịch sử, những giá trị văn hóa lớn lao.

Chẳng hạn, những vấn đề lịch sử như núi Đại Lãnh là ranh giới phía nam của Quận Nhật Nam (Sử chép: “Phú Yên xưa là đất NhậtNam”, còn “Khánh Hòa là Nhật Nam khiếu ngoại”). Như tiểu quốc (mandala) Lăng-gia-bạt-đa (chữ Phạn là Lingaparvata) với 5 biểu trưng thần quyền – vương quyền cấp quốc gia là: núi Đá Bia, sông Đà Rằng, cảng Tuy Hòa, tháp Nhạn, Thành Hồ trên đất Phú Yên ngày nay (Lịch sử Việt Nam, tập 2, 2004). Hoặc như vị trí “Nước Hoa Anh” sau năm 1471 mà nhiều người, trong đó có tác giả bài viết này, từng dự đoán “có lẽ là vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia”, thì nay có thể bỏ đi chữ “có lẽ”. Nghĩa là một giả thuyết khoa học tiến tới một kết luận khoa học.

Chẳng hạn, quá trình khai hoang lập làng của lưu dân Việt trên vùng đất này sau năm 1578 (lúc Lương Văn Chánh “tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy Thành Hồ”) và năm 1597 (khi Lương Văn Chánh đưa hàng ngàn lưu dân vào thực thi “thượng chí nguồn di, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận, khai canh hoang nhàn điền thổ”).

Ngày nay, hàng loạt tên làng ở hai bên sông Đà Rằng có tên chữ Lâm (rừng) gợi hình ảnh hoang vu thời mở đất (Nho Lâm, Hạnh Lâm, Thọ Lâm, Tịnh Lâm, Phú Lâm, Hoành Lâm, Uất Lâm, Phước Lâm, Mậu Lâm, Mỹ Lâm, Ngọc Lâm…). Nhiều địa danh có tuổi đời vài trăm năm trên vùng đất này góp phần soi sáng lịch sử lập làng.

Giao lưu văn hóa Việt – Chăm và quan hệ tộc người trong thời gian khá dài (ngót 2 thế kỷ) trên vùng đất này là đề tài rất đáng quan tâm. Chúng tôi đã có dịp nêu giả thuyết về nguồn gốc nhóm tộc người Chăm Hroi, trong đó có dòng họ Tsâu Yoan (Tsâu = cháu, Yoan = người Kinh).
Chẳng hạn, khối lượng lớn tiền cổ (khoảng một tấn) và rất đa dạng (ngót trăm triệu tiền) tìm thấy một cách ngẫu nhiên (không qua khai quật khảo cổ học) tại Đông Phước (năm 2000) và nhiều nơi khác ở dọc và không xa sông Đà Rằng cho phép đề xuất những giả thuyết khoa học về sự tồn tại một “thương cảng sầm uất”, về một nền giao thương khá phát triển trên vùng đất Phú Yên thời cổ trung đại.

Những phác thảo lịch sử có liên quan đến sông Đà Rằng nói trên chưa đầy đủ, và những gì chưa biết có khi còn nhiều hơn, khi mà ta nhận ra vai trò lớn lao của dòng sông nổi danh này trong lịch sử.

ĐẾN SƠN HÒA

Qua huyện Phú Hòa dày đặc dấu tích lịch sử thời mở cõi, tôi đã đến Sơn Hòa – huyện miền núi Phú Yên với nhiều đổi thay to lớn thời mở cửa.

Trên đất Sơn Hòa tôi còn nợ với mình nhiều lắm. Tôi đã viết về người Chăm ở Phú Yên hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa Tây Sơn hồi thế kỷ XVIII. Trong trận thắng lớn của quân Tây Sơn ở La Hai có lực lượng và đàn voi chiến của người Chăm từ Thạch Thành kéo ra phối hợp. Tiếc thay người nữ thủ lĩnh dân tộc Chăm mà sử sách ghi tên là Thị Hỏa đó đã bị Tông Phước Hiệp sát hại. Bà Chế Awa ở Sơn Hòa đã giúp nữ tướng Bùi Thị Xuân cách dùng cây rừng chữa vết thương cho voi.

Người Chăm H'roi ở Sơn Hòa đang đánh cồng chiêng - Ảnh: Bảo Châu

Tôi đã nhắc đến ông Lê Văn Quyền ở Củng Sơn trong vai trò phiên dịch khi các sứ giả Hỏa Xá, Thủy Xá từ miền Tây Phú Yên ra Huế gặp triều đình hồi thế kỷ XIX.

Tôi đã viết về Săm Brăm – người khởi xướng từ miền núi Phú Yên một phong cách chống Pháp có quy mô lớn, bao gồm nhiều dân tộc, ở nhiều tỉnh tham gia vào những năm 30 của thế kỷ XX.

Vậy mà, đến nay những con người và sự kiện lịch sử đó vẫn chưa tích lũy thêm được tư liệu nhiều, chưa có được công trình nghiên cứu tương xứng.

Dọc đường 25, tôi đã ghé thăm Krông-pa, xã cực Tây của tỉnh Phú Yên. Trước đây, tôi đã có dịp sống trong ngôi nhà dài của người Êđê ở xã Krông-pa. Tài liệu dân tộc học thu thập được từ chuyến khảo sát điền dã đó tôi đã viết về ngoại hôn lưỡng hợp, về tục “chuê nuê”, về quan niệm sở hữu đất đai cổ truyền, về luật tục, về văn hóa truyền thống, về trường ca,… Tôi đã viết trong một quyển sách… “ở hai bờ con sông Ba, tôi như choáng ngợp trước một kho tàng lớn và sức sống mãnh liệt của trường ca” và tôi khẳng định đây là “xứ sở của trường ca”.

Gặp anh Ka Sô Liễng (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Phú Yên) đang nghỉ hưu ở Ea Charang, tôi được anh tặng mấy công trình đã xuất bản: quyển Trường ca Ông Bà Hbia Lơđá (982 trang) và Trường ca Chi Liêu (2 tập, 820 trang). Số trường ca anh Liễng thu thập được chưa xuất bản còn nhiều hơn. Tôi cũng được biết số trường ca do người khác sưu tầm được ở Sơn Hòa, trong đó có đề tài cấp Nhà nước, rất đồ sộ. Vậy là, “Xứ sở của trường ca” đã được chứng minh hùng hồn.

Ở Krông-pa, tôi đã từng chứng kiến lòng yêu thích âm nhạc cồng chiêng của đồng bào các dân tộc. Tôi đã viết: “Tiếng chiêng ở vùng Tây Nguyên – Trường Sơn có một sức mạnh kỳ diệu, một vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào các dân tộc”.

Không gian văn hóa cồng chiêng của Việt Nam vừa mới được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa của loài người. Không gian văn hóa đó là vùng Tây Nguyên – Trường Sơn, nghĩa là bao gồm cả miền Tây tỉnh Phú Yên.

Lần này, thăm lại Krông-pa tôi vẫn nguyên ấn tượng như trước đây khi được nghe nói đến cồng chiêng, nhất là chiêng A Ráp. Những giá trị văn hóa có sức sống nội sinh mạnh mẽ đã được khẳng định. Dàn cồng chiêng xã Krông-pa đã tham gia biểu diễn ở nhiều lễ hội của huyện Sơn Hòa và phục vụ khách du lịch khi đến thăm.

Sơn Hòa là vùng đang phát triển. Bộ mặt xã Krông-pa là một điển hình về sự thay đổi toàn diện. Hiện nay, xã Krông-pa có 2.885 dân, phần lớn là người Êđê, ở 7 buôn. Đàn bò của xã này vào loại lớn nhất tỉnh. Trong sổ tay của anh Touneh Hạnh Lâm (Phó Chủ tịch UBND xã) tôi thấy con số 2.848 con bò. Còn đọc trong bản Báo cáo của UBND xã (cuối năm 2004) thấy viết 2.056 con, đạt 103% chỉ tiêu của huyện giao, nhưng giảm 744 con so với cùng kỳ năm ngoái. Hẳn đây là tác động của kinh tế hàng hóa. Khác với trước, lần này tôi thấy có chuồng bò, có người chăn dắt bò, và được nghe nói những gia đình có nhiều bò đời sống rất khá giả, nhiều nhà mua được xe máy. Dân Krông-pa đã biết dùng bò cày đất. Cả xã còn có đến 22 chiếc máy cày lớn nhỏ, 13 máy xay xát.

Chương trình “điện, đường, trường, trạm” đã được hoàn thành ở xã Krông-pa. Các gia đình đều có điện thắp sáng, có giếng nước sạch. Đường đi, trạm xá và trường học được xây mới. Hơn chục học sinh đang học lớp 10, hàng chục em học trường nội trú dân tộc của huyện và có 4 em đang học đại học. Hơn nữa, số buôn (4/7) của xã đã xây dựng được nhà văn hóa. Trụ sở UBND xã Krông-pa khá khang trang nằm ngay sát quốc lộ 25.

Khách du lịch đến xã Krông-pa còn được tham quan khu rừng nguyên sinh được bảo tồn và chẳng bao lâu nữa nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ (250 MW) sẽ được khánh thành đi vào hoạt động.

TỪ KRÔNG-PA ĐI... KRÔNG-PA

Tạm biệt xã Krông-pa (của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), con đường 25 đưa chúng tôi đến huyện Krông-pa (của tỉnh Gia Lai). Cây số trên đường cho biết thị trấn Phú Túc – huyện lỵ huyện Krông-pa cách thành phố Tuy Hòa 82 cây số. Tiếp đến, là huyện Ayun Pavới trung tâm là Cheo Reo, rồi huyện Chư Sê. Từ đây người ta có thể đi Tuy Hòa làm việc, tắm biển rồi về trong ngày. Cũng có nghĩa là, từ thành phố Tuy Hòa khách du lịch có thể dọc theo quốc lộ 25 đến các điểm tham quan theo tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa hoặc du lịch nghiên cứu (study tour) chỉ trong một ngày.

Khách du lịch có thể được thỏa mãn bởi sự phong phú và đặc sắc của các điểm du lịch trên địa phận Phú Yên. Và nếu muốn tìm hiểu về “Pơtao Apul” và “Pơtao Ea” thì theo đường 25, họ sẽ được đưa đến đây.

Hồi thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn viết trong Phủ Biên Tạp Lục rằng từ đầu nguồn Phú Yên qua nhiều chặng núi đến “Nước Nam Bàn” có “Vua Lửa”, “Vua Nước” đi mất 14 ngày. Còn bây giờ, như đã thấy, rất dễ đi và tốn rất ít thời gian. Điều cần thiết là hướng dẫn viên du lịch phải có đủ hiểu biết để giới thiệu cho du khách.

Quốc lộ 25 còn tiếp tục chạy dài đến thành phố PleiKu. Có nghĩa là nó nối quốc lộ 1A vượt qua đường Đông Trường Sơn (dài 700km, nối miền núi của 7 tỉnh) rồi nối với quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, thông đến vùng Đông Campuchia và Hạ Lào. Từ một liên tỉnh lộ trở thành quốc lộ và có khả năng là đường liên quốc gia.

Như vậy, ý nghĩa văn hóa lịch sử sẽ còn to lớn hơn.
Một chuyến đi, “Dọc đường 25” cho tôi nhiều bài học. Một chuyến đi “Dọc đường thiên lý” sẽ cho tôi những hiểu biết phong phú khác theo chiều dọc của tỉnh Phú Yên, về văn hóa biển và về lịch sử với nhiều sự kiện, địa danh nổi tiếng và rất hấp dẫn đối với khách du lịch một khi đến Phú Yên.

Giáo sư NGUYỄN QUỐC LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét