Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Du lịch Mường Lò

Sự hấp dẫn của Nghĩa Lộ - Mường Lò (Yên Bái) đã thôi thúc bao người vượt cả trăm cây số từ thành phố Yên Bái và các tỉnh thành khác vào đây để chiêm ngưỡng và thưởng thức hương vị của đất trời ban cho cánh đồng Mường Lò – vựa lúa lớn thứ hai ở miền Tây Bắc Tổ quốc.
Nghĩa Lộ -  thị xã miền Tây Yên Bái nhỏ bé giữa cánh đồng Mường Lò bao la. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em với dân số trên 27 nghìn người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44%. Và cũng ở đây còn ẩn chứa biết bao điều mà khách gần, bạn xa mãi luôn mong khám phá.
Trên 700 ha đất canh tác của thị xã Nghĩa Lộ như một bức thảm đa sắc màu. Lúa - ngô - lúa - hoa và các loại rau màu luân phiên bám rễ trên đất bản mường phì nhiêu. Chất đất trời ban cho Mường Lò như để giúp người dân có được bắp ngô chắc hạt, thứ tẻ Mường Lò nổi danh, từ lâu đã thành hàng hóa vượt núi về xuôi mang theo cái tên Gạo Nghĩa Lộ.
Chẳng riêng ngô dẻo gạo thơm, đến đây người ta còn tìm thấy những thứ đặc sản của miền Tây Bắc ở Chợ Mường Lò. Đó là quả trám, măng mai, trái sơn tra hay những thức dùng do người dân bản địa hái lượm mà có. Bên cạnh đó còn là những nguyên liệu để chế biến các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc như măng lau, cọng rêu đá, lá sắn, chim rừng, dế mèn.
Giữa khi vụ lúa đang thì con gái, lúc cây ngô sắp trỗ cờ, phụ nữ người Thái, người Mường cần cù, chịu khó lại tranh thủ thời gian để dệt, để đan và may thêu những áo, túi, mũ, đệm với từng sắc màu thổ cẩm. Nét hoa văn truyền thống ngàn đời của đồng bào đã vượt ra khỏi khuôn cửa gia đình để có mặt ở chợ văn hóa Mường Lò phục vụ du khách.
Từ các ngôi nhà sàn này, những bộ váy áo, những tấm vải, những chăn những đệm được làm ra bởi đôi bàn tay khéo léo và tấm lòng cởi mở của người phụ nữ miền sơn cước. Rồi những làng nghề hình thành vừa để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã Nghĩa Lộ theo hướng phát triển thương mại dịch vụ và du lịch.
Người dân miền Tây tự hào với Cụm di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, tự hào với Chiến thắng Nghĩa Lộ tháng 10 năm 1952 mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Khu mộ 9 liệt sỹ quyết tử phá Căng Nghĩa Lộ, Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ kiêu hãnh và nhà bia ghi danh hơn 800 liệt sĩ trang nghiêm như để in đậm hơn vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc và khẳng định tấm lòng sắt son theo Đảng của đồng bào Tây Bắc.
Một nén hương trầm ghi nhớ công ơn của những anh hùng liệt sỹ, lòng thêm tự hào về quê hương đất nước và tạc ghi trong lòng mỗi du khách đến đây rằng, đất Mường Lò không chỉ là mảnh đất của những danh thắng hùng vĩ miền Tây Bắc Tổ quốc xa xôi, hay cội nguồn của những bản sắc văn hóa đậm đà, mà chính ở mảnh đất này đã ghi dấu oai hùng trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam.
Còn đây - Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng thị xã càng làm cho Nghĩa Lộ, Văn Chấn và các huyện phía tây của tỉnh Yên Bái như được gần Bác hơn. Khu tưởng niệm được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xây dựng lên theo nguyện vọng và mong ước muốn gặp Bác Hồ của của đồng bào vùng Tây Bắc. Quần thể với nhà sàn, vườn cây, ao cá và những hiện vật về thân thế sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng năm đã đón trên 10 ngàn lượt khách đến tham quan.
Trong quá trình xây dựng thị xã văn hóa, cả 4 phường 3 xã của Nghĩa Lộ đã xây dựng được 25 nhà văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân có điểm sinh hoạt cộng đồng, phát huy nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Hơn 100 đội văn nghệ của thị xã thường xuyên biểu diễn, giao lưu góp phần lưu giữ câu khắp điệu xòe và những làn điệu dân gian của người Thái, người Mường, người Mông, Dao, Tày, Khơ Mú trong vùng lòng chảo Mường Lò.
Mảnh đất và con người Nghĩa Lộ - Mường Lò đã làm say lòng khách gần xa. Chẳng những thế đây còn là nơi để nhiều nhà nhiếp ảnh đắm mình ghi lại những khoảnh khắc mà đất trời ban cho cái thị xã nhỏ bé này.
Tham quan các danh thắng, tắm mình trong nước nóng bản Hốc, bản Bon và thưởng thức bữa tối với những đặc sản và thứ rượu nấu từ gạo ngon Mường Lò, du khách lại tay trong tay, nối bước vào vòng xòe bất tận cùng người dân địa phương.
Lửa hồng bập bùng trong ánh mắt của khách. Những thiếu nữ ửng má đào trong vòng xòe rộn rã. Hội xòe bất tận, điệu xòe nồng say để cho du khách mang theo tất thảy vào hành trình của chuyến đi. Làng nghề Nghĩa An, rừng sinh thái Nậm Đông, làng văn hóa Xà Rèn bên dòng Nậm Thia trong vắt… đang đón chờ du khách trong những "tua" du lịch đậm chất văn hóa

Mường Lò: Vùng đất lịch sử và huyền thoại
.
Nói tới Mường Lò (Yên Bái), người ta luôn nhớ đến đây là một vùng đất sơn thủy hữu tình, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Thái. 

Mường Lò còn là nơi lưu giữ nhiều phong tục tập quán độc đáo của nhiều dân tộc anh em như Dao, Khơ Mú, Mông…

Vùng đất của lịch sử và huyền thoại
Người dân Mường Lò vẫn kể cho con cháu nghe giai thoại về “Ải Lậc Cậc” - tức Bố khổng lồ (một dị bản của Thần Trụ Trời), bậc có công khai thiên lập địa nên xứ Tây Bắc, vết chân của người khi giao tranh với kẻ thù đã tạo nên cánh đồng Mường Lò rộng thứ hai Tây Bắc này. Rồi chuyện về nữ tướng Nàng Han lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược; hay hang và đền thờ Thẩm Han ở xã Sơn A (Văn Chấn) mỗi độ xuân về người dân Nghĩa Lộ lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn người anh hùng của bản mường.

Vẫn còn đó thiên truyện về “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng” và di tích thành cổ Viềng Công ở xã Hạnh Sơn. Những câu chuyện về tướng quân Nguyễn Quang Bích, danh tướng trong phong trào Cần Vương vẫn được các thế hệ người dân Nghĩa Lộ trân trọng, tự hào.

Những trận đánh giải phóng Nghĩa Lộ 1952 góp phần to lớn vào chiến dịch giải phóng Điện Biên. Những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho mùa đào thắm mãi, cho mùa ban thơm ngát núi rừng.

Những người dân Nghĩa Lộ hôm nay đang viết tiếp những chiến công hiển hách của cha ông. Đất Mường Lò của huyền thoại và lịch sử đang vững vàng tiếp bước đi của bố khổng lồ trên con đường hạnh phúc.

Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

Ít có nơi nào ở Việt Nam, người Thái còn giữ được nhiều nét văn hóa của cha ông như ở Mường Lò. Từ nếp nhà sàn với biểu tượng khau cút, đến nghề dệt thổ cẩm cùng trang phục truyền thống, phong cách ẩm thực, các lễ hội độc đáo, những điệu khắp (hát, ngâm) trữ tình, những điệu khèn, pí, da diết, vòng xòe nồng say, các thiên truyện thơ nổi tiếng. Tất cả như những viên ngọc quý, ngày được mài dũa, tỏa sáng muôn màu.

Mường Lò còn là cái nơi sản sinh và nuôi dưỡng nên những nét văn hóa độc đáo: Lễ hội Xên bản xên mường - tức cúng bản cúng mường, nhớ đến công đức của các bậc xây dựng bản mường, đã được tôn làm thành hoàng và cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc. Hội “Lồng tồng” - tức hội xuống đồng, một nét đẹp của cư dân nền văn minh lúa nước. Lễ “Xên đông” - tức lễ cúng rừng, thể hiện ước mong một sự hòa đồng thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Lễ hội hái hoa ban, sinh hoạt “Hạn khuống” - nơi trai gái tìm hiểu giao duyên, phong tục cưới xin, ma chay, cầu hồn, cầu phúc, mừng nhà mới.

Đến với Mường Lò là đến với các điệu xòe nồng say, là cái nôi của sáu điệu xòe cổ, khởi nguồn của hơn 30 điệu xòe nổi tiếng. Trong tiếng trống tiếng chiêng trầm hùng rộn rã, tiếng khèn bay bổng thiết tha, những bước xòe làm cho con người gần gũi chan hòa với nhau hơn, tự tin trong hành trình Thiên - Địa - Nhân với bao ý nghĩa sâu xa về cuộc đời, về đất trời và tình người sâu nặng, để rồi mỗi người thấm thía hơn câu ca tự ngàn xưa của cha ông truyền lại: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”, “không xòe trai gái không thành đôi”.

Mường Lò còn là quê hương của thiên truyện thơ nổi tiếng “Xống chụ xon xao” - tiễn dặn người yêu, được các nhà nghiên cứu đánh giá là “truyện thơ hay nhất trong kho tàng truyện thơ của các dân tộc ít người” và còn rất nhiều truyện thơ nổi tiếng như “Khun Lú nang ủa”- chàng Lú nàng ủa, “Í ưởi í noọng” - cô chị cô em.

Bên cạnh những yếu tố mang tính tâm linh, quan niệm về vũ trụ ba tầng thông tỏ và giao cảm, thì đây là một căn cứ rất quan trọng khẳng định Mường Lò là đất tổ của người Thái Tây Bắc.

Mường Lò hôm nay

Người Mường Lò hôm nay không chỉ biết làm kinh tế mà còn biết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Các xã, phường đều có nhà văn hóa, đội văn nghệ. Đây là nơi các nghệ nhân truyền dạy cho con cháu những di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Nếu có dịp đến Yên Bái, mời du khách hãy ghé thăm Mường Lò - một vùng đất vẫn còn rất nguyên sơ, đầy sức cuốn hút, để rồi khi đến đây, du khách sẽ lưu luyến mãi mà chưa muốn về...

(Nguồn: Báo Du lịch)


Mường Lò: Vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ lạ kỳ!

(Dân trí) - Mường Lò mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, hoang sơ với bầu không khí trong lành mát mẻ quanh năm cùng với hương vị chè Tuyết cổ thụ ở Suối Giàng, nguồn nước khoáng thiên nhiên… tạo nên cho Mường Lò tiềm ẩn một sức quyến rũ đến lạ kỳ!

Cả bản thơm ngát chè shan
Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
Miền tây vùng lòng chảo Mường Lò là hội cư của hơn 10 dân tộc anh em tạo nên một vùng văn hoá độc đáo có một không hai ở khu miền tây hoa ban trắng. Mường Lò là điểm mút của dãy Hoàng Liên dài 180 km, rộng 30 km. Từ lâu, đã có người ví đây là cánh đồng lớn thứ hai của vùng Tây bắc hùng vĩ, mộng mơ. Mường Lò nổi tiếng với gạo trắng nước trong với hương vị gạo tẻ và chè.
Cánh đồng Mường Lò
Cánh đồng Mường Lò

Chè suối Giàng
Chè suối Giàng
Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt mùi nhựa chè thơm chan chát, quyến rũ đến mức đi trong hương vị của chè người ta có cảm giác như được đang được thưởng thức chính thứ hương rừng sắc núi ấy.
Chè từ trên đỉnh núi được ngựa thồ về bản là được đưa ngay vào sao tẩm. Khi ấy không khí ở trong bản thơm ngát mùi chè sao. Cho đến nay bà con người Mông ở Suối Giàng vẫn sao tẩm bằng phương pháp thủ công. Những cánh chè to và cong như lưỡi câu, bên ngoài phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh tự nó đã thơm ngát, ngửi một lần mà cứ muốn hít hà mãi.
Có khá nhiều giả thuyết về hàng vạn cây chè tổ ở Suối Giàng. Đất, rừng và chè ở Suối Giàng thật hùng vĩ và kỳ lạ. Suối Giàng là một xã nằm ở độ cao 1.500 đến 1.800 mét so với mực nước biển. Có những cây được tính với tuổi thọ hơn 300 tuổi, nó được ví là cây chè thuỷ tổ ở Suối Giàng. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, uống chè Suối Giàng có thể tránh được nhiều bệnh đường ruột, đôi khi chỉ cần dùng lá chè cổ thụ sát vào da thịt người, bao nhiêu mẩn ngứa sẽ khỏi hết.
Tinh khiết những búp chè suối Giàng 
Tinh khiết những búp chè suối Giàng 
Chè Suối Giàng cũng rất kén chọn, ấm chén phải là loại ấm sứ thật già lửa, không được dính bất cứ mùi chè nào khác, cũng không được dính cặn, phải thật sạch và tráng nước sôi. Chè phải được pha với nước đá ong vùng trung du, hay là nước lấy từ vùng Tập Lăng, Giàng Cao của Suối Giàng thế mới hảo hạng.
Phơi phới với những điệu xòe
Miên man ở vùng hoa ban trắng sẽ bắt gặp những cô gái Thái xúng xính trong bộ váy đen, áo cóm, khăn piêu, đeo xà tích . Khi nhắc những cô gái thái người ta thường nghĩ ngay đến những chiếc áo cóm. Đây là chiếc áo cánh ngắn tạo dáng ôm chặt lấy thân, khi mặc vạt áo cho vào trong cạp váy. Áo cóm của người Thái trắng có cổ cao, còn của người Thái đen thì cổ thấp hình chữ “V”. Áo được "đơm" những hàng cúc bạc, hình con bướm, con ong, con ve… Với người con gái chưa chồng thì số hàng cúc lẻ. Với phụ nữ có chồng thì số hàng cúc chẵn để nói lên người mặc áo đã có đôi có cặp. Áo cóm có phần "tó son" tạo nên được độ ôm cho phần ngực phần eo mở hết đường cong của người phụ nữ.
Điệu xoè Thái đã trở thành nét văn hoá đẹp không thể thiếu của đồng bào nơi đây
Điệu xoè Thái đã trở thành nét văn hoá đẹp không thể thiếu của đồng bào nơi đây
Điệu xoè Thái đã trở thành nét văn hoá đẹp không thể thiếu của đồng bào nơi đây

Ngày nay, phụ nữ dân tộc Thái đã làm ra những chiếc áo cóm nhiều màu sắc hơn, nhưng vẫn đảm bảo cho chiếc áo được may đúng kiểu, khi mặc các gam màu đan xen làm rạng rỡ hơn khuôn mặt thanh thiết vẻ đẹp vốn có của những cô gái miền sơn cước này.
Khăn đội đầu của người Thái Mường Lò không phải là khăn piêu. Chỉ là khăn nhuộm chàm đen, được viền 2 đầu bằng chỉ màu tím, hồng, xanh…chiều dài của khăn từ 180 đến 200cm, rộng từ 32 đến 35 cm.
Với thiếu nữ chưa chồng thì xà tích được quấn cả vòng. Các chàng trai cứ nhìn vào cách cuốn xà tích mà đoán tích cách từng cô gái. Họ quan niệm nếu cô gái nào cuốn xà tích ngắn thể hiện tích cách nhàn hạ, xà tích cuốn sát cạp váy thể hiện tính cách khiêm tốn…
Trang phục của người phụ nữ Thái là giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc này, nó thể hiện yếu tố văn hoá thẩm mỹ, tín ngưỡng trong văn hoá cộng đồng đáng quý hơn cả cho đến nay qua ngàn đời những nét văn hoá này vẫn không có sự thay đổi.
Ở Mường Lò chẳng ai còn nhớ nổi những điệu múa xoè có từ bao giờ trong cộng đồng người Thái, thế nhưng trải qua bao thăng trầm của cuộc sống thì những ai còn đam mê những điệu xoè thì vẫn chắt chiu, gìn giữ coi như là một thứ tài sản quý. Có dịp đến thăm những bản làng người Thái vào mùa xuân, ngày rằm, hay khi thóc đã đầy bồ, trái đã chín đầy vườn bạn sẽ bị cuốn vào những điệu múa xoè chứa đựng bao niềm hân hoan, phơi phới.
Cho đến nay cùng với thời gian, nghệ thuật múa xoè vấn được người dân tộc Thái gìn giữ và trở thành một sinh hoạt văn hoá thường xuyên.
Đến Mường Lò du khách sẽ được hoà mình vào những điệu xoè, để rồi cùng nắm tay nhau nhảy múa dịp nhàng uyển chuyển theo tiếng cồng chiêng, tiếng khèn. Ít người thì vòng nhỏ, nhiều người thì vòng lớn nhưng hơn cả là niềm vui. Xoè còn thể hiện khát vọng của tình yêu đôi lứa, điều này đã khiến cho sức sống của nó trường tồn mãi với thời gian.
Song An (tổng hợp)


Trở lại Mường Lò


Ngỡ ngàng trước những mượt mà óng ả trong nắng trải tới chân núi xa, quả đúng như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.

Trở lại Mường Lò | Mường Tò,
Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách. Đỉnh dẫy núi xa đổ xuống những dòng thác mây như từ trên trời đổ xuống mỗi khi vào đông khiến ta tưởng như thấy thác núi Lư trong thơ Lý Bạch đời Đường “Thác bay thẳng xuống ba nghìn thước/Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây…”. Rồi như một phép màu, con đường quốc lộ bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa Mường Lò. Ngỡ ngàng trước những mượt mà óng ả trong nắng trải tới chân núi xa, quả đúng như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.
 Trở lại Mường Lò | Mường Tò,
Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh – Điện Biên (còn hai cánh đồng nhỏ hơn là Mường Than – Than Uyên và Mường Tấc – Phù Yên). Người Thái đen đã định cư lâu đời ở nơi đây. Theo câu truyện sử thi của người Thái kể rằng: Hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái Đen ở khắp vùng Tây Bắc vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào. 
 Trở lại Mường Lò | Mường Tò,
Câu tục ngữ: “Thái theo nước, Xá theo lửa” nói về tập quán canh tác của người Thái trồng lúa nước, người Xá (Khơ Mú) đốt nương làm rẫy. Còn ông Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) xây dựng bản làng người Thái Trắng cũng trồng lúa nước là chủ yếu. Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò đã thành danh từ lâu. Hương thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi được nhiều người biết đến. 
 Trở lại Mường Lò | Mường Tò,
Xuôi theo quốc lộ 32 với những miên man suy nghĩ về Mường Lò, Yên Bái. Để rồi ngỡ ngàng khi chứng kiến vẻ đẹp của những cánh đồng lúa chín vàng, thoai thoải bậc thang tiến về phía núi. Con suối Nậm Thia vắt ngang qua thung lũng như vẽ một nét lụa mềm uốn lượn giữa sóng lúa vàng. Tôi giật mình trước vẻ đẹp Mường Lò với một bóng người con gái Thái gánh lúa trên vai đang rẽ ngang con suối để rồi sẽ chẳng bao giờ lòng có thể quên. “Ngày xưa, nơi ấy có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Cô gái đẹp như trăng rằm, mái tóc đen dài mềm mại. Mỗi khi nàng ngồi bên khung cửi, chim muông, hoa lá như múa vờn trong mỗi đường thêu. Chàng trai khỏe mạnh, giỏi làm nương, săn bắt thú. Mỗi khi tiếng khèn của chàng cất lên, chim rừng ngừng tiếng hót hồi hộp lắng nghe. Nhưng tên chúa đất quyết bắt cô gái về làm người hầu. Hai người rủ nhau chạy lên núi cao để bảo vệ tình yêu đôi lứa. Tên chúa đất cho người đuổi theo. Chàng trai và cô gái kiệt sức gục xuống trên đỉnh núi. Cô gái không cầm lòng được, chỉ biết khóc than cho mối tình tuyệt vọng. 
 Trở lại Mường Lò | Mường Tò,
Nước mắt của cô chảy mãi hóa thành dòng suối Nậm Thia, mái tóc dài thơm hóa thành làn rêu xanh mướt như vẫy gọi. Chàng trai đau đớn nhảy xuống dòng suối, thân thể chàng vừa chạm mặt nước bỗng vỡ tan, hóa thành muôn tảng đá cho làn rêu quấn quýt bám quanh”. Tôi đã bao lần được nhâm nhi chén rượu thơm cất từ những hạt gạo Mường Lò, thấm đẫm huyền thoại kia với món rêu đá thơm, cay, dịu mát, vậy mà xuân này sao nhớ lạ lùng. Những sóng vàng ngày xuân của con suối Thia ấy như muôn bàn tay vẫy gọi. Tôi lại đến với Mường Lò…!
Depplus/MASK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét