Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Gói cơm nắm của bà

TTO - Tiếng rao cơm nắm muối vừng len lỏi trong hơi lạnh và mưa xuân Hà Nội khiến tôi như chợt tỉnh, nhớ về ngoại và những gói cơm bà nắm nuôi tôi suốt những tháng ngày đi học.
Cơm nắm muối vừng - Ảnh: Phan Thanh

Công việc ùn nhiều, mấy hôm phải thức muộn làm việc, mới thấy cái thú của buổi đêm Hà Nội. Cả phòng chỉ còn đứa sinh viên mới ra trường thức, tiếng lạch cạch khô khốc từ bàn phím máy tính, thỉnh thoảng xen cùng tiếng rao đêm của mấy chị bán hàng rong.
Từ ngày ra Hà Nội, tôi vẫn thường có một cảm xúc đặc biệt với tiếng rao mời gọi mua cơm nắm muối vừng - món ăn có phần giản dị, mộc mạc của người Việt. Bởi lẽ, những khi nghe tiếng rao ấy tôi lại thấy nhớ nhà da diết.
Tôi sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Hưng Yên - quê hương của đặc sản cơm nắm muối vừng Lạc Đạo và cũng là quê hương của không ít người bán hàng rong cơm nắm trên những nẻo đường thành phố.
Một món ăn đơn giản như cơm nắm muối vừng nhưng cũng là món đặc sản truyền thống “đắt khách” của người dân làng tôi (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm). Và nhất là nó đã trở thành kỷ niệm của tuổi thơ tôi, kỷ niệm về bà và những ngày tháng hàn vi thủa trước.
Rất nhiều gia đình trong làng mở xưởng to nhỏ làm món cơm nắm muối vừng, nhiều người mang ra thành phố bán như một nghề kiếm sống. Gia đình tôi không mở xưởng nhưng cả bà và mẹ đều biết bí quyết làm cơm nắm ngon, thỉnh thoảng làm cho cả nhà đổi bữa.
Hai chị em tôi học cấp III cách nhà hơn mười cây số, những hôm học cả ngày chúng tôi phải ở lại trường ăn trưa. Bởi vậy, sáng nào bà tôi cũng dậy sớm nắm cơm để cháu mang đi. Cơm nắm trở thành món ăn thường xuyên trong các buổi trưa xa nhà như thế.
Một gói cơm dẻo được ép chặt lại, cộng thêm vừng lạc là cả bữa trưa của chúng tôi. Nhiều lúc hai cháu kêu chán, bà lại thay vừng lạc bằng ruốc, đôi khi là những lát chả thái mỏng. Bà vui vẻ: “Cơm nắm quê mình ăn kèm lạc, vừng, ruốc, thịt… gì cũng ngon cả, chỉ cần biết cách nắm cơm ngon là được”.
“Cái cách” mà bà nói cũng là bí quyết của người dân làng tôi, là cách chọn gạo, nấu cơm và thao tác nắm cơm. Nói đơn giản thế thôi nhưng không phải ai cũng học được.
Bà nói gạo đầu mùa mới thu hoạch là ngon nhất, phải nhặt thật kỹ cho sạch trấu, sạn sau đó mới đem vo sạch. Để có được mẻ cơm trắng, những nắm cơm ăn giòn và thơm, người nắm cần phải có kinh nghiệm trong việc chế nước và đặc biệt phải dùng nước mưa mới ngon nhất.
Món cơm nắm quê tôi ăn kèm với vừng lạc là ngon nhất. Làm vừng lạc ăn kèm với món này cũng cần phải có cách riêng. Đó là cách dùng tỉ lệ lạc, vừng và muối để cho được vị béo, thơm và đậm vừa phải. Khi chế biến, lạc và vừng cần rang đều tay, nếu non lửa rất dễ mất vị hoặc vị đắng vì rang quá.
Tôi không rõ lắm về những bí quyết ấy của bà nhưng thú thật ròng rã mấy năm học sinh, tôi dùng món cơm bà nắm làm bữa trưa đều không thấy một chút chán, ngán. Bà bảo đó là do cơm nắm được làm từ gạo tẻ, chỉ cần thay thức ăn kèm là ăn suốt được.
Cơm nắm của bà đơn giản là vậy nhưng đã nuôi sống tôi suốt những ngày cấp III, giúp tôi yêu hơn truyền thống quê hương và gia đình. Để trong những đêm vất vả làm việc, tôi lại nhớ và thèm được ăn chính gói cơm bà nắm ngày xưa.
PHAN THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét