Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Hội xuân chơi hang Thẩm Lé

Trần Vân Hạc
Mùa xuân Mường Lò – Yên Bái có một vẻ đẹp rất riêng, đại ngàn thay tấm áo thổ cẩm muôn mầu rực rỡ, núi đồi vồng căng như lồng ngực trẻ mơn mởn sức đương thì. Hoa ban nở trắng khắp nơi, toả hương thơm dịu dàng tinh khiết. Những chàng trai cô gái Thái Mường Lò và các vùng lân cận náo nức rủ nhau về dự hội chơi hang Thẩm Lé. Họ cùng nhau đắm mình trong hương xuân, cùng hái hoa ban và thoả thích khám phá sự huyền bí của hang động, chính nơi dây, những lời ca đối đáp giao duyên mượt mà tình tứ vang lên, chắp cánh cho tình yêu bay bổng.
Hang Thẩm Lé đẹp nhất trong quần thể hang động ở Mường Lò (tiếng Thái Thẳm là hang, Lé là liếc – Mùa xuân, cảnh đẹp, tức cảnh sinh tình, trai gái giao duyên, ánh mắt đưa tình thầm kín).
Không ai biết hang này dài rộng tới đâu, có người cho rằng hang thông với ngòi Nhì. Có giai thoại kể rằng, xưa có người bạo gan muốn khám phá lòng hang, đi mãi ăn hết cả yến cốm rang, khi ra đến cửa hang đã gần hai mươi ngày mà vẫn chưa đi được đến tận cùng.
Xưa hội chơi hang Thẩm Lé được tổ chức vào tháng hai, tháng ba âm lịch vào các ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25. Ngày 05 tháng 02, thầy mo của xã Hạnh Sơn (xưa khu vực hang Thẩm Lé thuộc xã Hạnh Sơn) làm lễ xin mở cửa hang – “So khai tu Thẳm Lé”. Lễ vật gồm một con lợn chừng từ 10 kg đến 30 kg, mổ sạch, luộc chín, chặt nhỏ xếp thành con, xôi, gạo, rượu, trầu nước, thầy mo khấn cầu xin thần núi, thần hang cho phép mở cửa hang để: “Trai gái tuổi xuân được vào chơi, cầu cho thành đôi hạnh phúc, lúa như rừng gianh đầu bản” rồi mọi người vào hang quét dọn.
Hội chơi hang Thẩm Lé đông nhất vào ngày hai mươi. Người Thái có câu: “Ỉn Thẳm Lé phiên xao/ Táy khua giáo hong sủm/ Cổm kin nặm cốc lứa ban cưm” – có nghĩa là: “Chơi Thẩm Lé phiên ngày hai mươi/ Bắc cầu qua suối chua/ Uống nước ở gốc sung ngọt mát”, xưa từ cánh đồng Mường Lò ra chơi hang Thẩm Lé, qua dốc Thái Lão có một dòng suối chua, bên kia có gốc sung với nguồn nước mát, ai cũng nghỉ chân uống nước rồi mới vào hang.
Cả một khu vực rộn ràng tấp nập, trai gái mặc những bộ trang phục đẹp nhất. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng khèn, tiếng pí da diết gọi mời. Trai gái cùng nhau hái hoa ban trao tặng cho nhau như lời tỏ tình thầm kín, rồi đốt đuốc vào hang.
Trong ánh sáng mờ ảo, lòng hang chỗ rộng chỗ hẹp, lối đi ngoắt ngoéo như mê cung, sự tĩnh lặng như nghe được cả tiếng đập của trái tim đang thổn thức. Đây đó những nhũ đá muôn hình kỳ thú, gợi sự liên tưởng tới quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từng đôi trai gái gửi lòng mình qua tiếng hát giao duyên. Điều độc đáo là khi chơi hang Thẩm Lé, các bài hát đều theo điệu “Han nê”, một điệu hát cổ chỉ có ở Mường Lò và chỉ hát trong hội chơi hang Thẩm Lé (Han nê có nghĩa là ở đây, tại đây, ngụ ý tự hào).
Đây là lời hát của chàng trai làm quen với cô gái bản xinh đẹp: “Tiếng đồn xuôi ngược khắp nơi/ Vang đến tận trời em khéo, em xinh/ Đi sông tôm cá vây quanh/ Lên núi rồng, én lượn quanh đón mừng”.
Trước cách làm quen có phần mạnh bạo của chàng trai, cô gái ý tứ hỏi: “Anh ở nơi nào của Sông Mã đến/ Ở bên kia hay bên này Sông Đà/ Anh ở suối Thuận Châu nào đến/ Ở suối nguồn nào nơi nước Lào qua/ Nếu đã là trai có vợ/ Xin đừng nói chuyện trăng hoa”.
Chàng trai bền bỉ, nhẹ nhàng, chân thành: “Ngọn lửa yêu thương anh nhen nhóm từ nhà/ Lời mặn nồng anh nung nấu từ bản/ Mẹ cha dặn bao điều hay ý tốt/ Anh đã vượt bao suối khe đèo dốc/ Đến cùng em trong hội xuân này”.
Cô gái khiêm nhường: “Em vừa xấu vừa đen như quạ/ Nhưng có mắt mũi nên cha mẹ đành nuôi/ Ăn nhiều gốc bương nên lòng ngu dốt/ Ăn lắm sắn lùi nên lòng tăm tối”.
Chàng trai đã si mê trước vẻ dịu dàng hiền thục, vẻ đẹp tinh khôi như hoa ban và tiếng hát ngọt ngào của cô gái, chàng khéo léo bày tỏ tình cảm của mình: “Tiếng hát em, hát với bò bò chết/ Hát với trâu trâu khóc/ Hát với cây cây chết đứng/ Hát cùng rừng rừng lở/ Hát vào núi đá hoá thành vôi/ Hát dĩn nghe quên về hang/ Hát cùng suối rộng Sông Hồng, Sông Đà quên chảy”.
Trong các bài dân ca Thái, các nghệ nhân dân gian rất giỏi trong việc sử dụng các biện pháp tu từ như: So sánh, ẩn dụ, cường điệu làm tăng ý nghĩa biểu cảm. Ở đây cũng vậy, cô gái hiểu cái tình của chàng trai chân thật, song cô vẫn phân vân: “Xưa anh hẹn thề đục đá đỏ thành cánh hoa thơm/ Nay sao đã quên lời như nước rơi trên lá/ Rồi có như tiếng hát bay theo làn gió/ Hoa hết mùa tơi tả lìa cành?”.
Chàng trai hiểu cánh cửa tình yêu đã hé mở đợi làn gió xuân lành, chàng cất tiếng hát như lời của con tim: “Thương em anh xin hỏi mọi điều/ Yêu em anh nói cạn lời yêu thương/ Anh muốn trồng khoai, đất có nên duyên/ Anh muốn ươm dâu, có xanh thành bãi/ Đôi ta yêu nhau, sợi dây tình có bện?”.
Hết mỗi ngày hội, những đôi trai gái bịn rịn chia tay, đợi phiên hội sau với bao thao thức khắc khoải nhớ mong, để rồi khi gặp lại nhau duyên càng thắm, tình càng nồng, tiếng hát như tiếng lòng da diết: “Gối em nhồi bông gạo/ Em mong ngày âu yếm bên anh/ Nhưng càng mong đường tình càng đứt/ Càng mong anh càng khéo vô tâm/ Em phải khóc trong đêm dài vô tận/ Nước mắt thấm ướt gối/ Hột gạo bật đâm chồi”.
Ôi! Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ người thương, hình tượng thơ: Nước mắt thấm vào gối hạt bông gạo bật đâm chồi sao mà đẹp đến thế. Hạt bông gạo đâm chồi hay tình yêu vụt đâm chồi nảy nụ trong phút giao hoà của đất trời và tình người sâu lắng. Tiếng hát của đôi người yêu nhau như tiếng lách tách của mầm xuân hé nở dưới ánh mặt trời: “Anh có một mình như sợi vải thưa/ Em hãy nhẹ tay căng vào khung dệt/ Đôi ta xe thành piêu, thêu thành khít/ Tấm chăn hồng ta đắp chung đôi”.
Có thể nào cầm lòng được trước sự chân tình của chàng trai, cô gái trải lòng mình cùng bạn tình: “Em chưa nhận lời ai trong bản/ Em chưa hẹn ước cùng ai bản xa/ Vẫn ngóng đợi người em yêu dấu/ Chỉ lo anh chê em nghèo xấu/ Chỉ sợ anh đã có người yêu thương”.
Đôi trai gái ước mơ một cuộc sống lao động, thuận hoà, hạnh phúc: “Em mang gùi lên rẫy/ Anh cầm ná theo sau/ Có lũ hươu nai nào/ Dẫm phá nương ta được”. Ước mơ hạnh phúc sao mà giản dị đến thế, giản dị như một tất yếu của cuộc sống. Bởi đôi người yêu nhau hiểu rằng: “Chẳng phải cha yêu cha sẽ cho trâu/ Chẳng phải mẹ yêu mẹ sẽ chia vải/ Vàng bạc rồi cũng như dòng thác chảy/ Của trong sạp chỉ như trận gió cơn mưa/ Chẳng bằng hai ta chung sức”.
Cuộc sống, mùa xuân, tình yêu có bao nhiêu cung bậc thì cũng có bấy nhiêu lời ca trao gửi tâm tình. Những bản tình ca cổ và cả những lời ứng tác được những đôi trai gái thổi vào hơi thở của tình yêu bỗng lung linh sống động. Tiếng hát lặn vào vách đá, âm vang trong lòng đất, bay bổng bốn phương trời, cuộc sống nảy nụ đơm hoa.
Mùa xuân, chơi hang Thẩm Lé, cảnh vật và lòng người như hoà làm một. Sau mỗi phiên chơi hang, từ trong cái mờ ảo của lòng hang, mang theo dư âm của cảnh và tình, bước về phía ánh sáng mặt trời, con người như được sinh ra một lần nữa, để rồi thấy yêu hơn cuộc sống muôn mầu. Mùa xuân đã làm nên sự diệu kỳ cho vạn vật, nhen lên ngọn lửa tình yêu bất diệt trong mỗi trái tim người.
Kết thúc hội chơi hang Thẩm Lé, nhiều đôi nên vợ nên chồng, mùa xuân se duyên cho họ. Trai gái các bản Mường bịn rịn hát chia tay, họ khéo léo nhắc nhau làm tròn trách nhiệm với cuộc sống lao động: “Muốn chơi hãy chơi khi mùa ban nở/ Muốn vui hãy vui khi mùa ban chưa tàn/ Hoa héo rũ rụng xuống hết mùa/ Hai ta chia tay về làm ruộng/ Ánh mắt liếc vào ruộng mạ/ Cho bông lúa trĩu vàng/ Hẹn mùa xuân sau khi mùa ban nở “. Hình ảnh: “Ánh mắt liếc vào ruộng mạ…” sao mà đẹp đến thế. Tình yêu nẩy nở trong lao động, trong sáng và cao đẹp biết nhường nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét