Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Hòn Nghệ từ Homestay đến Pagodastay

12 giờ trưa, tàu rời bến thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), trong thoáng chốc đã “lọt thỏm” giữa biển nước xanh dờn được “bao vây” bởi hằng hà sa số những núi non, đảo hòn chập chờn cuối chân trời. 14 giờ, tàu cặp bến Hòn Nghệ (xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương). Bến cầu dài nhưng không đủ giúp tàu cặp bến, phải “nhờ” hàng bao nhiêu xuồng chèo tấp nập “tiếp tay”.
Hon Nghe tu Homestay den Pagodastay
Hòn Nghệ với tượng Phật Bà Quan Âm cao vời vợi.
Từ Homestay (ăn nghỉ tại nhà dân)... 
Hòn Nghệ nằm trong vịnh Hà Tiên, cách mũi Hòn Chông (Kiên Lương) khoảng 15km về phía Tây Nam, cách quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương) 8km về phía Đông Nam. Đây là hòn đảo có hình bầu dục, dài 2,5km, rộng 1,6km, chu vi 7,5km, diện tích 3,8km2. Dân cư trên đảo sống tập trung dài theo Bãi Nam và Bãi Chướng, đa số sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nổi bật là nuôi cá lồng bè.

Đặc biệt là nơi có nhiều khách du lịch đến nhưng Hòn Nghệ không khách sạn, nhà nghỉ, kể cả nhà trọ. Người dân rất mến khách. Mới quen nhau trên tàu chúng tôi đã được ông Vũ Ngọc Dẻo - một người dân trên Hòn Nghệ “một hai lôi kéo” tới nhà ông ăn nghỉ. Con đường từ Bãi Nam qua Bãi Chướng dài khoảng 3 cây số, có một đoạn qua hẻm núi dài chừng 500 mét. Đến giữa hẻm núi, mồ hôi ướt đẫm áo khô ngay. Cả người mát khỏe nhờ gió biển ào ạt thổi. Theo con đường xi măng, chẳng bao lâu chúng tôi đến cuối Bãi Chướng - tổ ấm của ông Dẻo.

Vui mừng gặp khách phương xa, ông Dẻo chở chúng tôi trở lại bến tàu - Bãi Nam - bằng chiếc xuồng máy chạy một vòng chân đảo. Sóng khá lớn khiến xuồng chòng chành trong gió chướng cấp 3 cấp 4. Từ cuối hòn phía Tây vòng qua Bãi Nam, biển lặng. Đây là nơi “đóng quân” của hàng trăm lồng bè nuôi cá, trong đó có lồng bè nuôi cá của ông Dẻo. Bè nhỏ nhưng khá đầy đủ tiện nghi với nồi niêu xoong chảo, nước ngọt, kể cả máy phát điện. Ông Dẻo dùng vợt xúc, bắt 4 con cá mú 1kg, ông kêu vợ một phần chiên, phần còn lại nướng. Tất cả chấm muối ớt. Rồi canh chua cá bớp cùng một vài loại cá khác. Ê hề. Bữa cơm ngon “thấu trời” vì tính hoang dã, vì cá tươi, vì tình cảm thắm thiết của gia chủ cùng một số bà con lân cận. Đặc biệt, chúng tôi vừa ăn vừa được nhìn ngắm mặt trời đỏ lựng từ từ lặn xuống biển xa.

Từ lồng bè nhìn lên ngọn núi đá sa thạch cao 338 mét, trong màu xanh thẫm cây rừng có vài lõm vàng ệch. Ông Dẻo cho biết đó là cây sặc, giống như lau sậy nhưng đặc ruột, mọc rất nhiều ở triền núi. Ông còn giải thích do màu vàng của cây sặc xưa kia phủ đầy ngọn núi nên người ta gọi đảo này là Hòn Nghệ.

Rượu cao độ, ngọt lịm, say lừ đừ, chúng tôi xuống xuồng máy lướt sóng về Bãi Chướng. Gió lồng lộng “giã rượu” từ từ. Chúng tôi nằm trong gian nhà trước không đóng cửa suốt đêm, không giăng mùng vì không hề có muỗi, trong tiếng sóng quăng quật vào chân đảo ầm ầm không ngớt bởi ngọn gió chướng từ trùng khơi đổ về.

6 giờ sáng, chúng tôi thức dậy. Cả Bãi Chướng mọi người đều say ngủ, như lệ thường. Lâu lắm, khi mặt trời ưng ửng ló lên từ lòng đại dương phía Đông, chủ nhà mới thức. Ông đưa chúng tôi qua lại quán cóc ăn sáng, uống cà phê. Sau đó, ông lại lái xuồng máy đưa chúng tôi đi vòng quanh đảo. Bập bềnh trên sóng nước tới trưa thì xuồng máy đưa chúng tôi cặp lồng bè, thêm một bữa cơm thân mật với cá là cá, ăn hoài không biết chán.
Hon Nghe tu Homestay den Pagodastay
Lồng bè cá trên biển Bãi Nam.
Đến “Pagodastay” (ăn nghỉ tại chùa)...
Ngoài khơi nhìn Hòn Nghệ thấy có hai phần núi rõ rệt: Cụm lớn nhất phía tay phải, là đảo chính với cây rừng che kín ngọn. Cụm nhỏ bên tay trái cây cối thưa thớt bày ra những tảng đá xám đen với nhiều vết cắt kỳ quái. Đó là Mũi Đá Chuông, cấu tạo bằng đá vôi karst, “lãnh địa” của Liên Tôn Cổ Tự. Từ cổng tam quan lên chùa là con đường ngoằn ngoèo, khi lên lúc xuống dốc với những bậc đá. Hai bên đường là những tảng đá tai mèo chớn chở như cọc chông nhọn hoắt. Con đường dài cả trăm thước vô cùng ngoạn mục. Sau một ngày “ngã mặn”, chúng tôi “thử” “chay tịnh” một phen. Đại đức Thích Minh Thuận, trụ trì Liên Tôn Cổ Tự, vồn vã tiếp. Đại đức cho biết, Liên Tôn Cổ Tự được sư cô Diệu Thiên từ Cà Mau đến phát hoang và lập bàn thờ trong hang đá. Về sau, sư cô xây thêm một vài gian gần hang, đặt tên chùa là Liên Hoa. Năm 1974, sư cô viên tịch, Hòa thượng Thích Nhựt Minh, người thân sư cô, từ chùa Linh Sơn (Cà Mau) ra đây lo phật sự. Trong năm, ông cho xây trên ngọn đồi đá tượng Phật Bà Quan Âm cao 21 mét nhìn ra biển như hiện tại.

Đại đức Thuận cử sư Thích Minh Công đưa chúng tôi tham quan chùa. Cổng chùa rêu phong, nhỏ hẹp. Thì ra đây là một cửa hang. Vào sâu chừng trăm thước, hang rộng ra với vòm cao vời vợi, cũng là chính điện của chùa. Là núi đá vôi, ngoài tảng đá chuông (gõ vào kêu thanh thao như tiếng chuông) trước tượng Phật Bà, Mũi Đá Chuông là nơi có rất nhiều hang động. Người ta chỉ biết 4 hang chính: Hang Đạt Ma Sư Tổ (nơi thờ bậc tu hành đáng kính này), hang Quýt (nơi một người tên Quýt phát hiện), hang Phật Cô Đơn và hang Dấu Ấn Gia Long.

Sư Công nhiệt tình đưa chúng tôi thăm hang Phật Cô Đơn. Con đường từ chùa đến đây dài loằng ngoằng trên sườn núi, lúc nào cũng chun qua vòm cây rừng xanh kín ngọn, mát rượi, khi lên lúc xuống dốc với khá nhiều những tảng đá khá bự chận lối, phải trèo qua. Căng nhứt là lối đi nhỏ chỉ vừa một người. Sư Công hướng dẫn: “Lên dốc phải bước mạnh dạn, đừng run. Đi bằng hai ngón chân cái bám mặt đường, không đi nguyên bàn chân”. Giống như chánh điện Liên Tôn Cổ Tự, hang Phật Cô Đơn có một khoảng rộng, là nơi thờ tượng Phật Thích Ca vào năm 1995. Năm 2010, chùa mới an vị thêm tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Sư Công rọi đèn pin lên vòm hang chỉ chúng tôi xem những chiếc vảy rồng và cả một con suối được tự nhiên tạo hình từ những vết nước mưa. Đường đến hang Dấu Ấn Gia Long mới là “con đường thạch đạo”, cao chót vót “trên trời”. Đường dài hàng trăm mét, “rộng” chừng 5 tấc, vừa đủ hai bàn chân bước, không tay vịn... Lần bước trên những tảng đá không bằng phẳng, nhìn sâu xuống dưới hàng năm sáu chục mét, một bên là vực biển, một bên là rừng chông bằng đá chơm chởm chĩa lên, rợn người. Sư Công vẫn thoăn thoắt bước đi như đi dạo trên bãi biển. Qua “con đường tử thần trên trời cao”, lại phải xuống khá sâu mới tới hang. Trên vách đá hang nổi lên một hình 1 tấc vuông, loằng ngoằng chữ khắc, như dấu ấn tiện. Trong hang còn có một tảng đá hình con voi. Hang còn có một lối đi khác, “nhẹ nhàng” hơn, nhưng không kém phần nổi gai ốc.

Buổi chiều, chúng tôi “độ” cơm chay của chùa. Chỉ hai món: canh chua và mắm kho mà ngon “ác liệt”. Ngon nhứt là rau. Trông những cọng rau “ốm yếu” vậy mà ăn ngọt và giòn nhờ trồng trên đất núi không bón phân. Sụp tối, tiếng con chim gì kêu “lấu lấu” vang động núi rừng. Đêm, chúng tôi nằm ngủ sắp chung với nhiều phật tử đến chùa cúng viếng.

Mỗi năm, từ trước Tết Nguyên đán 1 tháng đến cuối tháng 3 âm lịch là phật tử từ Đà Nẵng trở vô hành hương viếng Liên Tôn Cổ Tự và khám phá cảnh quan còn khá hoang sơ của Hòn Nghệ. Tất cả được ăn nghỉ miễn phí tại chùa. Đây quả là một tua “Pagodastay” hấp dẫn.
Việt Báo (Theo Báo Cần Thơ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét