Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Hòn Ông và chiếc đầu Chi Lới


Hòn Ông thuộc địa phận xã Phước Tân, huyện Sơn Hoà, cách trung tâm thị trấn Củng Sơn về phía tây khoảng 40 cây số đường chim bay, nằm trong khu vực sông Ba hạ. Ngày xưa nơi đây là vùng đất mênh mông, đồi núi, rừng cây rậm rạp chen lẫn những thảm cỏ xanh rờn trên thảo nguyên. Bà con dân tộc thiểu số từ xưa nay gọi núi này là hòn Ông  do bắt nguồn từ sự tích chàng trai Chi Lới.

070504-loi.jpg
Hòn Ông ở Cà Lúi, Sơn Hoà - Ảnh: D.T.X

Cũng như bao người khác,chàng trai tên Chi Lới đang sinh sống trong một bộ tộc dọc theo bờ sông Ba rất thanh bình, giàu có. Chàng là người tài giỏi, sức lực hơn người. Tiếng hú của Chi Lới cách xa 5 rựa có thể làm vang động cả núi rừng đại ngàn, đến nỗi cọp beo cũng phải cong đuôi chạy trốn lên rừng cao, chim công chim trĩ phải chui vào bụi rậm, đàn chim đang mải mê tìm thức ăn trên ngọn cây phải táo tác bay vụt lên trong nỗi hoảng loạn… Nhưng dần dần tiếng hú ấy ngày càng trở nên thân thuộc, bởi nó không đe dọa đến bất kỳ một sinh linh bé nhỏ nào, mà ngược lại còn giúp cho mọi loài trở nên gần gũi, thân thiện nhau hơn, không thường xảy ra cảnh cắn xé, tranh giành lãnh địa như trước kia, chung sống rất thuận hòa.

Chi Lới có sức mạnh phi thường, có thể dùng tay nhổ bật gốc cây kơ nia trăm tuổi, khuân tảng đá to bằng mái nhà ném xuống dòng suối, một mình nắm hai con voi to đứng yên một chỗ. Nhờ Chi Lới mà thú dữ được cảm hóa không bao giờ đến phá hoại hoa màu, gia súc của buôn làng, các bộ tộc khác không bao giờ dám gây hấn, tranh chiếm đất đai.

Nhưng khốn khổ thay, Chi Lới chỉ là người làm thuê cho một ông chủ giàu có (ở xã Phước Tân huyện Sơn Hòa) còn vợ thì làm thuê cho nhà khác. Một bữa kia, có việc đi xa ông chủ sai Chi Lới dắt ngựa ra, tra yên cương và lên đường. Chủ thì cỡi ngựa, Chi Lới đi bộ lo dọn đường, bẻ cành, chặt gai để quang đường chủ đi. Thấy Chi Lới vất vả mà không than vãn bèn lấy làm cảm động, cởi đôi dép mo đang mang cho Chi Lới đi khỏi đau chân. Một đoạn khác lại thấy trời nắng to bèn lột mũ đang đội rên đầu để Chi Lơi đội tránh nắng. Đi nhiều ngày ròng rã, chủ nhìn thấy áo quần Chi Lới rách bươm bèn cởi áo khoác ngoài cho Chi Lới.

Và cuối cùng, dù sức khỏe hơn người, song Chi Lới đi bộ đường xa coi đà đuối sức nên chủ lại tiếp tục nhường ngựa cho chàng cỡi, tiếp tục đi cho tới khi bóng nắng ngả về tây thì chủ tớ đều dừng nghỉ dưới gốc sung già để nấu nướng ăn uống nghỉ ngơi. Chi Lới đưa con gà mang theo từ lưng ngựa xuống đất để chuẩn bị cắt tiết nấu cơm chiều, thì bỗng nhiên những hoa sung trên cao rụng xuống, gà nhìn thấy, bụng đói mổ hoa sung ăn đến căng diều trước khi Chi Lới cắt tiết, trụng nước sôi. Lúc bỏ vào nồi nấu, Chi Lới thấy mắt gà vẫn mở trừng trưng, thỉnh thoảng ngoác miệng gáy te te và chỉ chín phần từ cổ trở xuống.

Chi Lới dọn lên cho chủ ăn, nhưng thấy vậy chủ chỉ ăn phần thân và bắt Chi Lới ăn phần đầu. Ăn uống xong, Chi Lới gom củi khô chất đống và đốt lên rồi sửa soạn chỗ ngủ cho hai người.

Sáng dậy, hai người lại tiếp tục lên đường, chủ vẫn đi bộ còn Chi Lới thì vẫn ngồi trên lưng ngựa. Đến Đồng Dài (thuộc huyện Đồng Xuân bây giờ) dân chúng thấy Chi Lới là chàng trai vạm vỡ, tướng mạo khôi ngô bèn bắt Chi Lới về tôn lên làm vua. Chi Lới nhất quyết không chịu, nhưng do áp lực của người dân bèn ưng thuận, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Chi Lới nhớ nhà, nhớ vợ và nhất là cảnh núi non hùng vỹ ở buôn làng cũ Phước Tân, nên đêm khuya lén dắt chủ bỏ trốn về. Sáng ra thần dân hay tin bèn cử người đi rước, nhưng Chi Lới không bằng lòng, bắt Chi Lới đi nhưng chàng không đi. Thần dân bèn xúm vào trói chàng và khiêng đi. Nhưng Chi Lới quá nặng, cả đoàn người đông đúc không làm sao khiêng đi nổi, bèn dùng rựa chặt đầu khiêng đầu đi, nhưng chỉ được một đoạn ngắn, tới Kỳ Lộ là chiếc đầu trì xuống không tài nào khiêng được nữa. Đoàn người thương tiếc bèn chôn đầu vua Chi Lới ở đầu buôn Kỳ Lộ, còn thân mình vua Chi Lới thì ở Phước Tân, sau một đêm nổi cao thành ngôi mộ cao đến hơn ngàn mét, sau này dân trong vùng đặt tên là hòn Ông. Bên cạnh hòn Ông có một hòn đá thật lớn mà người dân tin rằng đó là đầu Chi Lới từ Kỳ Lộ lăn về nằm cạnh thân mình.

Tương truyền, dân trong vùng, người nào muốn làm ăn giàu có thì mang đến hòn Ông một ống đựng tên, một ná cung và một cốc nước van vái rồi dùng sức nhấc nổi tảng đá (dân tin là chiếc đầu Chi Lới) dưới chân hòn Ông thì được toại nguyện, nhưng xưa nay chưa ai nhấc nổi hay dịch chuyển nó trong vài phân ly, mặc dầu hòn đá chỉ lớn gấp 20 lần đầu người bình thường.

Đến nay huyền thoại Chi Lới và hòn Ông vẫn được truyền tụng khắp vùng núi Sơn Hòa và Đồng Xuân.

(Ghi theo lời kể của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ka Sô Liễng, các ông bà Ma Dớt, Ama M’bơqi, Mí Líck...)

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét