Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Huyền thoại Đá Bàn


Trên bản đồ hành chính trước năm 1975, Đá Bàn thuộc thôn Cẩm Tú, xã Hoà Kiến, thị xã Tuy Hoà. Từ đây có con đường dốc mòn đi lên vùng Sơn Long, Sơn Định thuộc huyện Sơn Hoà, ăn thông với các xã của huyện Tuy An tạo thành vùng liên ranh kín đáo.

070329-QUY.DA-BAN-(92).jpg
Đá Bàn - Ảnh: TRẦN QUỲ

Sở dĩ tên vùng đất được gọi là Cẩm Tú bởi cả quần thể này như bức tranh sơn thuỷ hữu tình: suối chảy róc rách, đường đi quanh co trong tán cây râm mát. Và nhất là đứng trên cao nhìn xuống đồng bằng, về hướng thị xã thấy nhà cửa như những chiếc bát úp ẩn mình trong những cánh đồng xanh cò bay thẳng cánh với những đàn trâu thong thả gặm cỏ trên chân ruộng, với những đàn cò trắng muốt thấp thoáng trong đồng lúa xanh rì.

Vùng đất Cẩm Tú đươc xếp vào loại vùng cận sơn, một nửa là núi non bao phủ với rừng cây đại ngàn um tùm, chằng chịt dây leo trải dài và kéo mãi xuống tận vùng đất thổ phía đông. Do khu vực này về phía đông có dãy núi Ễnh sườn dốc đổ thoai thoải về bên dưới, lại được cấu tạo bởi đá granit và bazan nên từ đời này qua đời nọ, lũ lụt làm xói mòn lớp đất bên trên tạo thành những dòng suối nhỏ, xoi thành nhiều rãnh rồi hợp lưu lại thành dòng suối đổ ra tảng đá bằng phẳng giống như một chiếc bàn khổng lồ. Hàng năm, nước từ các mạch chảy ra tạo thành dòng thác nhỏ đổ xuống vực sâu như một mặt hồ rộng.

Do Đá Bàn nằm trong rừng cây tán che phủ rợp mát quanh năm nên vực nước trong vắt về mùa nắng và mát lạnh, có thể nhìn thấy những đàn cá nhiều màu sắc bơi lội tung tăng trong đó, có thể soi như một chiếc gương khổng lồ.

Chung quanh khu vực Đá Bàn là bãi đất bằng phẳng, nhiều cây cổ thụ vươn cành lá dài ra một khoảng không rộng lớn nên người dân quanh vùng thường hay đến đây vào mùa nắng để nghỉ ngơi. Sau năm 1990, Công Ty Du Lịch Phú Yên đã chọn nơi này làm điểm khai thác du lịch sinh thái với những buổi dã ngoại ngoài trời, những bữa ăn được nấu tại chỗ với những cành củi rừng bùng ngọn lửa đỏ, khói thơm toả cao thật thơ mộng.

Du khách đến Đá Bàn, ngoài việc ăn uống, nghỉ ngơi, tắm mát còn cảm thấy tâm hồn thư thái do gắn liền với thiên nhiên, hoà nhập vào cảnh trí tĩnh lặng khiến bao nhiêu phiền muộn như bị bỏ rơi đâu đó ngoài đường xa.

Đặc biệt Đá Bàn còn là địa danh nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh. Đây là căn cứ vừa là nơi đặt cơ quan đầu não của Thị uỷ Tuy Hoà để bàn bạc và quyết định những trận đánh then chốt, đưa ra các nghị quyết đúng đắn trong đấu tranh để tiêu hao sinh lực địch và mang lại thắng lợi hoàn toàn cho cả thị xã, tỉnh nói riêng và cho cả đất nước nói chung.

 Ở khu vực Cẩm Tú, Thọ Vức có câu chuyện kể dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Chuyện kể rằng, từ thuở xa xưa, cả khu vực rộng lớn này chỉ có núi và biển ôm sát vào nhau, khiến cư dân chỉ có thể hái lượm và săn bắt để mưu sinh. Cảm thương nỗi cơ cực của người dân nghèo nên Thiên đình sai người khổng lồ xuống trần gian đào núi lấp biển tạo đất canh tác. Người khổng lồ miệt mài đêm ngày cõng từng tảng đá, vác từng tảng đất to lấn dần biển ra mỗi lúc một xa. Chẳng bao lâu vùng biển rộng đã trở thành cánh đồng bao la. Nhưng dẫu có là người nhà Trời, sức lực bằng vạn bằng triệu người thường gom lại, nhưng vì lao lực quá độ nên thể xác và sức vóc ngày một hao mòn. Một ngày nọ ông ta khuân một tảng đá to bằng một trăm vuông sân ghép lại từ núi cao bước xuống, chẳng may đường trơn vì mấy ngày trước đó mưa to làm ông trượt ngã, đánh rơi tảng đá xuống ngay giữa dòng một con suối nhỏ. Tảng đá lõm sâu xuống lòng đất tạo thành nền thác nước mà ngày nay dân địa phương gọi là Đá Bàn, bởi nó giống như một mặt bàn khổng lồ, phẳng phiu.

Chuyện kể này so sánh đối chiếu với chuyện người khổng lồ gánh núi làm gãy đòn gánh để sau này tạo thành núi Chóp Chài và Nhạn Tháp có vẻ giống nhau, chỉ khác một vài chi tiết như thay vì đòn gánh là dùng sức khuân vác.

(Theo lời kể của bà Đoàn Thị Minh và ông Phan Sưu ở thôn Cẩm Tú, Hòa Kiến).
 ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét