Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Huyền thoại hang Hổ và hang Chùa

Tên dân gian thường gọi là hang Hổ, còn tên chữ là Thạc Hổ Động, một thắng cảnh đẹp, hoang sơ nhưng kỳ bí. Hang Hổ nằm giữa hai dãy núi Phú Cốc và Phú Cần trong rặng Trường Sơn, thuộc thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An. Núi chỉ cao khoảng 100 mét nhưng có nhiều hang gộp.
070329-QUY.THACH-HO-DONG-(9.jpg
Thạch Hổ Động - Ảnh: TRẦN QUỲ
Muốn đến Thạch Hổ Động, có thể đi từ Màn Màn thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hoà lên chợ Phú Cốc, rồi đi chừng 5 cây số nữa là tới Hang Hổ. Ngả thứ hai từ Phú Thạnh, An Chấn lên Đồng Dót khoảng 3 cây số là đến nơi.
Trên sườn núi phía Nam có đập nước tưới cho cánh đồng ruộng hẹp. Màu xanh của lúa viền bên dưới chân núi làm tăng thêm vẻ đẹp cho khu vực, nhất là tạo cảm giác sảng khoái cho du khách trước khi bước vào hang.
Điều làm chúng ta rất đỗi ngạc nhiên, trước khi bước chân hẳn vào trong các hang động là những tảng đá to xếp chồng lên, từ nhỏ đến lớn, tạo thành những mái che, hai bên là những tảng đá khác tạo thành vách động ăn sâu vào tận trong lòng núi. Những hang động nhỏ có thể chứa từ 5-10 người. Hang lớn hơn thì chứa khoảng 50 người. Hang chính là Hang Hổ hay Thạch Hổ động lớn nhất, cao gần 5 mét, chỗ rộng nhất 10 mét, chỗ hẹp thì 2 mét. Cấu tạo của hang này là những tảng đá xếp chồng liền khít bên trên tạo thành mái che, vách hang là những tảng đá liền kề chạy dài theo một chiều thẳng đứng, như thể có bàn tay khổng lồ của ai đó bưng từng tảng đá nặng hàng trăm tấn xếp đặt theo ý đồ của riêng mình. Dưới nền hang lại có những tảng đá phẳng phiu như một tảng bê tông do bàn tay con người đúc nên, có thể ngồi nằm tùy thích. Phía trước cửa hang có một tảng đá cao như một bức án phong che cửa hang và chia thành hai lối đi tả hữu để đi vào hang. Bên cạnh lại có giếng đá thiên nhiên đường kính miệng giếng đo được gần 3 mét, chiều sâu trên 5 mét, nước luôn đầy và trong vắt suốt bốn mùa. Mùa hè nóng bức, đến hang này và vốc nước uống mát lạnh, có vị ngọt và thơm như thể nước được ướp bằng hàng trăm loại hương hoa vậy. Tương truyền Thạch Hổ Động là do thần Núi khổng lồ làm nên giúp nhân dân tránh bão lũ và phòng chống thú dữ tấn công.
Các cụ già kể lại rằng, ngày xưa nơi đây có rất nhiều cọp dữ, chuyên bắt gia súc và tấn công người. Vì xót của và cũng vì sợ hiểm nguy cho tính mạng, nên dân làng cho nhốt vài con gia súc ốm yếu vào một hang nhỏ rồi nhử cho bầy cọp vào. Đàn cọp tham ăn tranh nhau chui vào hang, dân làng hè nhau lăn đá tấn lại rồi dùng chà bổi lên trên mái đốt thả xuống, con chết con bị thương gầm rống vang trời. Từ đó cọp không còn dám vào làng phá phách như trước. Dân làng bèn đặt tên là hang Hổ hay Thạch Hổ Động. 
Bên cạnh hang Hổ có một hang khác, gọi là hang Chùa.
Hang Chùa do một thầy tu đi ngang qua thấy phong cảnh trầm mặc, u tịch rất thích hợp cho việc tu hành bèn ở lại hang đọc kinh niệm phật, dạy dân làng lòng từ bi, hỉ xả, làm việc thiện, tu thân tích đức. Ngoài việc tụng niệm hàng ngày, vị chân tu còn hoán cải được các thú dữ trong vùng, đặc biệt là đàn cọp dữ trước đây. Chúng tụ về hang, ngồi chồm hổm nghe thầy đọc kinh hàng đêm rồi sau đó rút lên rừng sâu, không quấy nhiễu dân làng như trước. Khi thầy viên tịch, đàn cọp trở về hang gầm rống cả đêm như than như khóc rồi bỏ đi, không bao giờ thấy chúng ở khu vực này nữa.
Biết thầy là bậc chân tu, dân làng lập miếu thờ, nhưng chiến tranh đã làm đổ nát, nay không còn thấy một vết tích nào nữa.
Trong thời kháng chiến, hang Hổ là địa điểm nối liền giữa đồng bằng và miền căn cứ, là đầu mối giao liên quan trọng. Địch cho thả bom, bắn đại bác, càn quét… nhưng hang Hổ vẫn đứng vững, là bàn đạp tiến công về thành phố, nơi tiếp tế lương thực thuốc men cho quân đội.
Các hang động này nếu được quan tâm tu sửa, cải tạo và nâng cấp con đường từ Màn Màn lên sẽ thu hút nhiều khách tham quan. Bởi từ đây, sau khi tham quan, uống nước giếng đá, du khách sẽ ra Long Thuỷ nghỉ ngơi, ăn các món hải sản và tắm biển.
(Theo lời kể của thầy Ba Nghiêu (Tường Quang), đối chiếu “Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ ca dao Phú Yên” của Nguyễn Đình Chúc).
ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét