Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Huyền thoại về sông Kỳ Lộ và chiếc đầu vua Lới

Kỳ Lộ còn có tên gọi khác là Cà Lố thuộc xã Xuân Quang 2 huyện Đồng Xuân. Tên Kỳ Lộ do thực dân Pháp đổi từ Cà Lố. Sông Kỳ Lộ phát nguyên từ Đăk Bớt tỉnh Gia Lai, nhận thêm các phụ lưu như Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài, La Hiên mà thành. Ở đầu nguồn, lòng sông Kỳ Lộ sâu và hẹp, hai bờ là những vách núi thẳng đứng. Xuôi về hạ lưu hai bờ là bãi cát phẳng phiu, nước quanh năm trong xanh, nhìn thấu đáy. Vì vậy nên có câu ca dao nói về con sông này:

070523-song.jpg
Sông Kỳ Lộ, Đồng Xuân - Ảnh: TRẦN QUỲ

Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp
Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong
Thuyền anh bơi ngược dòng sông
Nhìn em cho thỏa tấm lòng nhớ thương.

Dòng sông ngắn này được gắn liền với truyền thuyết về một người làm thuê cho chủ sau dân đưa lên làm vua: vua Chi Lới.

 Vua Lới chính là Chi Lới ở Phước Tân trong truyền thuyết về hòn Ông ở phần trước.

Sau khi thần dân khiêng đầu vua về xứ sở không được bèn đặt đầu vua Chi Lới tại Kỳ Lộ, lấp đất tạo thành ngôi mộ lớn. Nhưng đầu vua không yên, lúc nào cũng lúc lắc, mắt mở trừng trừng sáng quắc, sáng đến độ bao nhiêu đất lấp dày vẫn bị bắn tung ra ngoài, trong khi đó các thần dân cứ ngậm ngùi thương tiếc, cố ra sức lấp kín mộ đầu vua lại khiến đầu vua nổi giận lăn nhào từ Kỳ Lộ xuống tận La Hai và Tuy An. Vệt lăn sượt của chiếc đầu mạnh đến nỗi rạch đất đá tạo thành dòng sông, tức sông Kỳ Lộ ngày nay

(Theo lời kể của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng)
ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét