Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Huyền tích Cù Mông

Phú Yên có đảnh Cù Mông,
Có Hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba

(Ca dao Phú Yên kháng chiến - Nhật Tĩnh 1947)

Ở đông bắc huyện Sông Cầu có nhiều địa danh mang tên Cù Mông: Đảnh (đỉnh) và đèo Cù Mông, đầm và cửa Cù Mông, bán đảo Cù Mông. Có 6/10 xã, thị trấn của huyện Sông Cầu được hưởng “ân huệ” của đầm Cù Mông, Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Cảnh và Xuân Thịnh. Tên Cù Mông đã đi vào ca dao, hò vè, thơ ca.

070624--deo-Cu-Mong.jpg
Đèo Cù Mông

“Tiếng ai than khóc nỉ non
Phải vợ chú lính trèo hòn Cù Mông?

“Cá ngon là cá Cù Mông,
Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương

“Ơn Vua Thái Đức(*) chi tình,
Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui ...

Nhiều du khách đi đường 1A đến đoạn “Mười lăm cây số quanh co” (còn có tên “kèm” là Mười lăm cây số ăn chơi), nhìn phong cảnh xinh đẹp, non nước hữu tình đều hỏi “Cù Mông là gì? Vì sao đặt tên là Cù Mông?” (Tuổi trẻ chủ nhật số 24-90 ngày 24/6/1990 cũng nêu câu hỏi này).

Lúc nhỏ, tôi cũng có thắc mắc như vậy! Và bà nội, bà ngoại, ba tôi đã kể một huyền tích như sau:
Ngày xưa, khi mới khẩn hoang lập ấp, dân cư thưa thớt. Hằng ngày những người đi rừng xẻ gỗ, lấy song mây, đào củ mài, củ nâu, hái chà là, trái sim, trái giấy…thấy ở sườn núi một khúc gỗ lớn, dài cong queo nằm chìm lấp xuống đất. Rong rêu, dương xỉ, địa y, cỏ dại…mọc chung quanh trùm gần kín. Họ thường ngồi nghĩ chân trên “khúc gỗ mục” đó. Một hôm, hiệp thợ rừng cưa xẻ đủ gỗ ván đóng một chiếc ghe bầu lớn, làm lễ cúng tạ sơn thần. Giết gà, thổi xôi…bắc bếp nấp vào đoạn cong của “khúc gỗ” cho kín gió. Lửa cháy bén vào rong rêu cỏ khô…khét lẹt! Bỗng nhiên “khúc gỗ” động đậy, uốn éo, đong đưa! Bếp tắt, gà văng, xôi đổ…Và “bực bực”, hai đầu khúc gỗ lâu nay chìm trong đất rút ra, cất tên! Thì ra đó là một con rắn cực dài và lớn! Rắn bò từ sườn núi xuống mép nước đầm, bơi về hướng cửa biển. Sóng phủ trắng xóa. Rắn bơi ào ào như con tàu. Đến cửa biển, sóng lưỡi búa dập vào như dìm rắn chìm xuống! Rắn ngóc đầu rướn lên nhưng lại nặng nề rơi xuống! Cuối cùng rắn cố sức ngóc đầu cao phun ra mấy loạt các viên bi sáng lóng lánh màu sắc rực rỡ như cầu vồng! Dường như trút được gánh nặng, rắn vụt bay lên lẫn vào mây mù về hướng Đông. Nhìn thấy rắn có 4 chân ngắn! Đã thành con Cù…Một loài rồng cấp thấp ở trong đất – (ở nhiều nơi khi xảy ra lở đất, người ta hay nói là “Cù dây”!)
Các bậc thức giả nói rằng: “Con mãng xà trước đây trên núi gây nhiều tai họa, tôi ác với người và muôn thú trong vùng. Về già, hối hận, nhịn ăn tu luyện! Nhưng do nghiệp căn nặng nên bị họa nước lửa, suýt chết chìm ở cửa biển! Chỉ tu dở dang thành con Cù! Chân đã mọc nhưng ngắn! Lại còn tham tiếc số chân ngọc trong bụng nên nặng nề! Cuối cùng phun nhả châu ngọc ra, nhẹ nhàng bay vút lên được!
Biển tâu về triều đình sự việc. Được sắc phong “Cù Mãng linh thần”. Được thờ cúng để giúp mưa thuận gió hòa, dân an vật thịnh. Lâu ngày Cù Mãng (rắn lớn hóa Cù) đọc trại ra là Cù Mông! Nghe đồn, ngày trước thỉnh thoảng có người may mắn nhặt các viên đá quý màu sắc đẹp từ biển dạt vào! Bảo đó là ngọc rắn do Cù Mãng “luyện” và phun ra để trả nợ đời và biến thành rồng Cù! Phòng gió, kỵ độc, chữa lành vết thương!?
Ngày trước vùng đất Cù Mông nghèo, đi lại khó khăn! Có thầy địa lý giỏi phòng thủy đi qua vùng này, xem đất bảo là thế. “Ngạc ngư quá hải” (cá sấu qua biển). Nhưng vì đuôi sấu còn dính vào dãy Cù Mông ở eo Cổ Ngựa ( thôn Tuy Phong) – Xuân Hải, nên không phát!?
Nay nhờ phát triển các ngành nghề nuôi tôm sú, tôm hùm, ghẹ, cá mú…mà đời sống của nhân dân khá lên nhiều. Nhất là từ đầu năm 1999, hoàn thành con đường trải nhựa từ Quy Nhơn vào Sông Cầu dài hơn 33km, có cầu Bình Phú vượt qua đầm Cù Mông nối vào quốc lộ 1A ở gành Beo thì mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội toàn vùng Cù Mông thay đổi rõ rệt. Có điện lưới quốc gia về tận bãi biển Vũng Mú - tỉnh Phú Yên quyết định xây dựng khu công nghiệp 100 ha và khu du lịch bãi Nôm 50 ha trên xã Xuân Hòa. Bao nhiêu dự án và triển vọng tốt đẹp!
Con cá sấu (ngạc ngư) dù vẫn còn dính khúc đuôi vào đất liền ở cuối dãy Cù Mông những vùng đất này đã có thể bay lên Cù Mãng (rắn Cù lớn) ắt sẽ hóa thành Chân Long (rồng thật) chứ không chịu lẹt đẹt mãi kiếp Cù Long!
HOÀNG DUY
* Năm Mậu Tuất (1778) Nguyễn Nhạc Tây Sơn lên ngôi vua tại Bình Định lấy hiệu là Thái Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét