Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Đi chợ tết Cán Cấu

Họp vào mỗi thứ bảy, chợ Cán Cấu là một trong những chợ nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Những ngày giáp tết, rất nhiều du khách đến đây tìm hiểu và khám phá những nét văn hoá độc đáo của người vùng cao.
Di cho tet Can Cau
Phiên chợ Cán Cấu nhìn từ trên đỉnh đồi.
Chợ thuộc xã Cán Cấu, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai. Từ Hà Nội, du khách đi tàu rồi xuống ga phố Lu, ga giáp với ga cuối cùng Lào Cai. Từ đây, bắt xe khách đi Simacai, ngang qua chợ thì xuống. Từ Phố Lu tới chợ khoảng hơn 80km. Du khách cũng có thể gửi xe máy theo tàu rồi từ Phố Lu chạy xe thẳng xuống chợ.

Ngắm phục trang sặc sỡ sắc màu

Chợ họp trên một quả đồi, giữa con đường độc đạo nối hai huyện Bắc Hà và Simacai. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách khi đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống là một rừng người với váy áo đủ màu sắc sặc sỡ. Người đến chợ chủ yếu thuộc các dân tộc H’mông Hoa, dân tộc Tày, dân tộc Dao, mỗi dân tộc được phân biệt bằng trang phục có màu sắc riêng. Tinh mơ, từ khắp các ngả đường, người đi bộ cõng theo gùi hàng, người địu con, người cưỡi trên lưng ngựa, người đi xe máy đổ đến chợ mang theo các đặc sản của vùng, phần lớn là đồ thổ cẩm và nông sản. Rồi trở về mang theo những nông cụ mới chuẩn bị cho vụ xuân. Phiên chợ giáp tết đông hơn ngày thường, hàng đem đến chợ cũng phong phú hơn. Chợ không phân chia khu vực, nhưng hàng hoá cũng được tập trung theo từng khoảnh riêng. Hàng ăn xếp theo một dãy, vải vóc một khu, hàng nông sản một góc khác. Tới đây, du khách có thể mua những mặt hàng thổ cẩm do chính tay những cô gái dân tộc dệt đem xuống chợ bán. Các cô bán sản phẩm rồi mua chỉ mang về dệt để những phiên chợ sau lại đem thành phẩm xuống. Nếu thích, du khách có thể sắm cho mình một vài chiếc váy thổ cẩm mang về xuôi.
Di cho tet Can Cau
Món bột bắp trộn với nước chua.
Có thể thấy, phiên chợ không chỉ là nơi để trao đổi hàng hoá mà còn là một không gian văn hoá, giao lưu của người vùng cao. Và mỗi tuần chỉ họp một phiên nên đối với người dân tộc vùng Bắc Hà và Simacai xem đây như là một ngày hội. Với nhiều chàng trai cô gái đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn là nơi hò hẹn. Những cô gái miền sơn cước mang vẻ đẹp rất riêng, càng duyên dáng hơn khi nắng hanh ửng hồng đôi má; nụ cười rất tươi khi du khách đưa máy ảnh lên chụp. Nét khác biệt của phiên chợ Cán Cấu với những phiên chợ vùng cao khác chính là chợ gia súc. Nằm ở một khoảnh riêng dưới thung lũng, những con trâu, con ngựa, con bò đứng thong dong chờ người mua xem và định giá. Chợ gia súc Cán Cấu nổi tiếng đến nỗi có rất nhiều người từ các huyện khác sang mua, thậm chí có nhiều người từ Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên cũng lên mua rồi cho xe chở về miền xuôi.

Thưởng thức ẩm thực vùng cao

Đến chợ Cán Cấu, điều thú vị nhất là thưởng thức ẩm thực của người vùng cao, dạo quanh chợ, du khách sẽ được nếm rất nhiều món dân dã. Lạ hơn là những món bánh rán nhiều màu sắc như bánh tro màu đen, được làm từ tro của một loại cây chỉ có ở vùng Tây Bắc; bánh chưng làm từ nếp nương rán vàng ươm trong chảo dầu sôi… Trong cái rét căm, vừa dạo chợ, vừa nhấm nháp những chiếc bánh còn bốc khói thật ấm áp. Đặc biệt, đến chợ Cán Cấu, du khách đừng quên thưởng thức món xôi tím, món đặc sản của chợ phiên này. Xôi được nấu từ một loại gạo nương có màu tím rất riêng của người dân tộc. Xôi dẻo và hương vị thơm một cách khác biệt với xôi nếp dưới xuôi.

Và, du khách cũng đừng quên thưởng thức rượu bắp của người dân tộc mang xuống chợ. Thú vị là nếu du khách muốn được nếm rượu của từng nhà thì chỉ cần mua một nắp can, nếm xong rồi trả 2.000 đồng. Nếm thử vài lần đã đủ cảm nhận được cái nồng nàn của men trong tiết lạnh vùng núi. Chợ Cán Cấu họp từ sáng đến khoảng 2 giờ chiều nên muốn ăn trưa, sẽ có các quán chuyên cho khách du lịch. Ở đó sẽ có những món như thịt heo chạy rông gác bếp – ngai ngái mùi khói hay ăn món gà núi nướng, cá nướng sông Ly. Thêm một vài chén rượu bắp, bữa ăn càng thêm đậm đà và ấn tượng về phiên chợ vùng cao.
Việt Báo (Theo SGTT)

Độc đáo chợ trâu Cán Cấu

Ở các tỉnh miền núi phía bắc, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá, mà chợ còn mang nhiều ý nghĩa, là nét đẹp văn hoá đặc trưng của từng vùng. Chợ trâu Cán Cấu là một trong những phiên chợ nổi tiếng của vùng Tây Bắc, họp vào sáng thứ bảy hằng tuần ở chân dốc Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Chúng tôi may mắn có chuyến lên Lào Cai vào dịp cuối tuần nên có cơ hội được dự một phiên chợ Cán Cấu. Chợ này còn được người dân gọi bằng một cái tên dân dã là chợ gia súc, bởi ở đây, ngoài việc bán các mặt hàng sinh hoạt hằng ngày còn có một khu vực rộng để bán trâu, bò, bê, ngựa. Chợ trâu Cán Cấu tự phát cách đây khoảng chục năm.
Khu vực bán trâu của chợ Cán Cấu.     Ảnh: S.L
Khu vực bán trâu của chợ Cán Cấu. Ảnh: S.L
Khu chợ nằm men theo sườn núi. Tại đây, hình thành nên ba khu vực. Một khu để bán các sản vật địa phương gồm thổ cẩm, chỉ thêu, dược thảo, gia vị, rau củ... Hai khu còn lại là hàng ăn cùng các vật dụng gia đình như đèn pin, dây thừng, lưỡi cuốc, dao rựa, bàn chải đánh răng... và khu chợ trâu. Khu chợ chỉ rộng khoảng 1ha. Dân đi chợ rất đông, nhưng không ồn ào như các phiên chợ dưới xuôi. Chỉ có những âm thanh rì rầm của những người đi chợ ngã giá hàng.

Thỉnh thoảng, điệu khèn bất ngờ nổi lên một cách nhẹ nhàng và đều đặn càng làm đậm đà hơn không gian ở miền vùng cao. Khèn là nhạc cụ của người Mông và bạn sẽ không khó để bắt gặp âm thanh đặc trưng này ở Cán Cấu hay ở Sa Pa. Anh Giàng A Pao - một người thường có mặt ở các phiên chợ Cán Cấu - cho biết: Mỗi phiên chợ ở đây có khoảng 50-70 con trâu được mua - bán. Giá một con trâu có thể là cả cơ nghiệp của người dân. Trâu đực loại to có thể bán với giá 25 triệu đồng, còn nghé giá 4-7 triệu đồng/con, trâu cái đẹp mã (hay đã có chửa) giá 10 -13 triệu đồng/con, còn trâu thịt giá 6-11 triệu đồng/con.

Chợ trâu Cán Cấu còn thu hút rất đông thương lái mua - bán trâu ở các huyện khác đến. Nơi đây còn là nơi người dân gặp nhau, trò chuyện, làm quen và cũng là nơi để lớp thanh niên tìm “một nửa” của nhau. Chợ có rất nhiều hàng ăn. Có món giống như món phở dưới xuôi, nhưng bánh có màu ngăm đen. Những ai có tiền thì ăn với thịt lợn luộc. Những ai không đủ tiền ăn thịt thì ăn những bát phở chan nước dùng được hầm từ xương.

Tại đây, không thể không nhắc đến món thắng cố - đặc sản của các tỉnh vùng cao. Những nồi thắng cố nghi ngút khói bốc lên, quanh bàn có từ 5-10 người ngồi quây quần và những bữa nhậu này có thể kéo dài đến khi chợ tan. Điều dễ nhận thấy ở các phiên chợ trâu Cán Cấu có rất nhiều du khách từ dưới xuôi lên và thậm chí cả du khách nước ngoài cũng đến tham quan như để thỏa mãn trí tò mò. Một anh bạn làm du lịch ở Lào Cai cho tôi biết, chính sức hút của một phiên chợ vùng cao mà chợ trâu Cán Cấu cũng là điểm đến trong các tour du lịch của các hãng lữ hành mỗi khi dẫn khách lên Lào Cai.

Sau hơn một tiếng đồng hồ tham quan chợ, chúng tôi ra về. Chúng tôi bắt gặp những ánh mắt hoan hỉ của những người đã kịp mua một con trâu, con bò ưng ý. Những con trâu tơ trên cổ đeo chiếc chuông nhỏ bằng đồng hình lá thông, ngoan ngoãn theo chủ mới về bản.

Dù xe đã lăn bánh một đoạn đường dài, khuất sau vách núi, nhưng âm thanh của tiếng khèn, hình ảnh những bộ váy sặc sỡ sắc màu của người dân tộc Mông, những con trâu to khoẻ đứng trơ trọi trên triền núi hay nồi thắng cố nghi ngút khói vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Những ấn tượng đậm nét về một phiên chợ Tây Bắc vẫn còn nhiều nét văn hoá đặc trưng, khiến du khách mê mẩn đã lý giải vì sao chợ phiên Cán Cấu lại có sức hút như vậy.
Sơn Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét