Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Xóm Lò Gốm ở Sài Gòn xưa

Kể từ mùa xuân Mậu Dần 1698 khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào nam kinh lược, ” lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn…” đến nay đã hơn 300 năm. Ba trăm năm với bao biến cố thăng trầm, dấu tích của Sài Gòn xưa đã dần nhạt phai dưới lớp bụi thời gian. “Vật đổi sao dời”, đây đó còn lưu lại một vài ngôi đình, chùa miếu, lăng mộ … đã qua sửa chữa tu bổ nhiều lần dù có làm mất dần nét cổ kính nhưng phần nào còn thể hiện sự lưu tâm gìn giữ. Lần theo sử sách và một vài dấu tích, chúng tôi đi tìm lại một “Sài Gòn Xưa” lâu nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là một làng nghề nổi tiếng đã từng góp phần cho sự phát triển của vùng đất này: Xóm Lò gốm.
Là trung tâm của lưu vực Đồng nai rộng lớn và trù phú, Sài Gòn – Bến Nghé ngay từ khi mới hình thành đã sớm mang dáng vẻ của một đô thị sôi động bởi hoạt động thương nghiệp và sản xuất của nhiều ngành nghề thủ công. Khoảng cuối TK XVIII tại đây đã có 62 ty thợ do nhà nước quản lý và hàng trăm phường thợ trong dân gian. Nhiều ngành nghề tập trung trong các khu vực nhất định để rồi xuất hiện những địa danh như Xóm Chiếu, xóm Cốm, xóm Lò Rèn, xóm Dầu, xóm Chỉ, xóm Vôi, xóm Bột… riêng xóm Lò Gốm vẫn còn để lại một số địa danh như đường Lò Gốm – đường Lò Siêu – đường Xóm đất – bến Lò gốm – rạch Lò gốm – kênh Lò gốm – khu lò lu… thuộc khu vực quận 6,8,11 ngày nay. Sử liệu sớm nhất nói đến nghề làm gốm ở Sài Gòn xưa là sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức viết khoảng năm 1820. Đoạn viết về Mã trường Giang-kênh Ruột Ngựa như sau: “Nguyên xưa từ cửa Rạch Cát ra phía Bắc đến Lò Gốm có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được.Mùa thu năm Nhâm Thìn (1772) cho đào con kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt ra tên ấy…”. Kênh Ruột Ngựa đã giúp cho ghe thuyền đi lại giữa Sài Gòn với miền Tây thêm thuận lợi. Bản đồ Thành Gia Định do Trần Văn Học vẽ từ cuối năm 1815 đã có ghi địa danh Xóm Lò Gốm ở khoảng làng Phú Lâm- Phú Định (ngày nay là khu vực quận 6 tiếp giáp quận 8). Bài “Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh” sáng tác khoảng đầu TK XIX miêu tả “Lạ lùng xóm Lò Gốm, chân vò vò bàn cổ xây trời…”. Trong 62 ty thợ tập trung tại Sài Gòn làm việc cho nhà nước vào cuối TKXVIII đã có các ty thợ Lò chum, ngói mộc, gạch mộc, lò gạch…
Một vài tài liệu của Pháp, tuy tản mạn và có phần phiến diện, cũng phản ánh về việc sản xuất gốm ở Chợ Lớn vào cuối TK XIX: Tại Chợ Lớn có khoảng 30 lò gốm tập trung ở Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai… vùng Chợ Lớn sản xuất lu và các đồ gốm thông dụng như chậu vịm, siêu ấm, nồi trách, hũ khạp, cà ràng… vùng Cây Mai có một lò sản xuất đồ sành. Các lò này lấy nguyên liệu tại chỗ, tuỳ chất đất mà sản xuất thành các loại sản phẩm. Mỗi lò gốm hàng năm có thể sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm. Đến đầu TK XX vẫn còn nhiều lò gốm nổi tiếng như lò Tín Di Hưng, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng, Bửu Nguyên, Đồng Hòa, các lò chuyên sản xuất lu, khạp và đồ gia dụng…Theo Vương Hồng Sển thì : “Từ khi lấp rạch Chợ Lớn thì rạch Lò gốm, kinh Vòng Thành không thông thương và lò gốm chỉ còn sót lại cái tên trơn và không sản xuất đồ gốm nữa…”.
Từ những tư liệu lịch sử trên và qua khảo sát thực tế có thể nhận biết địa bàn xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định-Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo-Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh-rạch Lò Gốm. Những con kênh này là tuyến đường giao thông chính của khu vực Sài Gòn cũ-nay là Chợ Lớn: một vùng thấp trũng chằng chịt kênh rạch lớn nhỏ, mọi sự đi lại đều dùng ghe xuồng. Kênh Ruột Ngựa và rạch Lò Gốm còn nối liền rạch Chợ Lớn với rạch Cát (Sa Giang)và rạch Bến Nghé. Từ ngã ba “Nhà Bè nước chảy chia hai” xuồng ghe theo rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ qua kênh Ruột Ngựa ra sông Cát về miền Tây. Ngày nay rạch Chợ Lớn không còn nữa, nhiều đoạn rạch Lò Gốm biến mất – nhất là khu vực Gò Cây Mai hầu như không còn dấu tích con đường thuỷ quan trọng này. Kênh Ruột Ngựa không còn thẳng như tên gọi do bị bồi lấp lấn chiếm hai bên bờ. Kênh Lò Gốm ngày càng cạn hẹp dù đã nạo vét nhiều lần… Tuy nhiên ghe xuồng vẫn theo con nước mà xuôi ngược, dù nơi đây đã phát triển hệ thống đường bộ chằng chịt như mạng nhện, dù các làng nghề-phố nghề ven kênh rạch không còn nữa… đủ biết trước đây trước đây tuyến đường thủy này quan trọng như thế nào.
Dấu tích vật chất của xóm Lò Gốm ngày xưa nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16 quận 8), nằm ven kênh Ruột Ngựa. Đối diện là làng Phú Định cách đây vài năm còn một số gia đình làm nghề “nặn ông lò” – bếp gốm. Di tích là gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu… Cuộc khai quật năm 1997-1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 3 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm. Các đoạn vách lò còn lại được xây bằng loại gạch lớn chảy men dày, lòng lò chứa đầy mảnh sản phẩm mà qua đo có thể nhận biết một số loại sản phẩm đặc trưng của lò Hưng Lợi. Ba lò gốm này sản xuất nối tiếp nhau trong một thời gian khá dài nhưng có thể không liên tục vì lò gốm của giai đoạn sau được xây trên một phần lò cũ hoặc sửa chữa gia cố lại lò cũ.
Giai đoạn đầu khu lò này chủ yếu sản xuất lu chứa nước bằng chất liệu sành nâu, dáng thuôn vào đáy hoặc bầu tròn, kích thước khá lớn: thường được gọi là “lu 3 đôi” hay “lu 5 đôi” ( mỗi đôi nước-2 thùng- khoảng 40 lít nước). Lu gốm làm bằng phương pháp nặn tay bằng “dải cuộn kết hợp bàn dập, bàn xoa” nên độ dày và dáng tròn đều, bên trong vành miệng lu còn dấu ngón tay để lại khi dùng tay vuốt cho vành miệng tròn và gắn chặt vào thân lu. Trong số hàng ngàn mảnh lu thống kê được thì mảnh nắp chiếm đến gần 2/3, cho biết nắp được sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu vì nắp hay bị vỡ hỏng khi sử dụng. Do mảnh lu, nắp lu nhiều nên khu lò này còn được gọi là Lò Lu. Lò sản xuất lu đựng nước có niên đại sớm nhất ở khu lò này, khoảng nửa sau thế kỷ XVIII. Mảnh phế phẩm của lò lu còn phân bố trên một diện rất rộng xung quanh lò, đào sâu xuống hơn 1m vẫn gặp mảnh lu gốm.
Chiếm tỷ lệ lớn nhất là mảnh các loại sản phẩm gốm và sành men nâu, men vàng hoặc không men. Đó là hũ, khạp, hộp, siêu, nồi có tay cầm… dưới đáy có in 3 chữ Hán “Hưng Lợi diêu” (lò Hưng Lợi). Bên cạnh đó là các kiểu chậu bông hình tròn hay lục giác, bát giác phủ men xanh lam hay xanh đồng – màu men đặc trưng của “Gốm Sài Gòn”. Chậu bông phần lớn có kích thước nhỏ, hoa văn in nổi trong các ô không men là hoa mai, hoa cúc hoặc tứ quý, bát tiên… Đây là sản phẩm của giai đoạn thứ hai, giai đoạn có tên lò Hưng Lợi khoảng thế kỷ XIX. Các sản phẩm này vẫn dùng kỹ thuật nặn tay nhưng có kết hợp khuôn in, chất liệu gốm sành nhẹ lửa, không sử dụng “bao nung” (hộp nung) nhưng phổ biến các loại “con kê” trong việc chồng kê sản phẩm trong lò nung. Đặc trưng là “con kê” hình ống có thể chồng lên nhau tạo nhiều độ cao thấp khác nhau nhằm tận dụng thể tích lò nung.
Giai đoạn thứ 3 ở đây sản xuất gốm sứ gồm các loại chén, tô, đĩa, ly, cốc, muỗng, ấm trà, lư hương… men trắng hoa văn men xanh và men nhiều màu, chai men trắng ngà… Sản phẩm làm bằng bàn xoay, có nhiều loại bao nung cho một hay nhiều sản phẩm. Các loại đồ gốm gia dụng tuy đơn giản về kiểu dáng nhưng có nhiều kích thước khác nhau, theo thời gian có sự khác biệt nhỏ ở chi tiết tạo dáng hay hoa văn. Một số sản phẩm có chữ Hán như Việt lợi, Kim ngọc, Chấn hoa xuất phẩm, Nhất phiến băng tâm… các chữ này không phổ biến trên sản phẩm, không có chữ Diêu kèm theo nên chắc hẳn không phải tên lò sản xuất mà rất có thể là tên của vựa gốm lớn hay cửa hàng bán đồ gốm in lên các sản phẩm mà họ đặt lò sản xuất, tức là giai đoạn này lò sản xuất theo đặt hàng cả về số lượng và từng loại sản phẩm. Tình trạng sản xuất theo sự đặt hàng của chủ hàng là người buôn bán cho biết đã có sự chuyên hóa giữa sản xuất và lưu thông hàng hóa khi nhu cầu của thị trường ngày càng đa dạng và thay đổi thường xuyên. Chất liệu làm gốm là loại đất sét tương đối trắng không có tại chỗ mà chắc phải khai thác từ miền Đông về. Dựa vào loại hình sản phẩm và tính chất sản xuất nói trên có thể nhận thấy lò gốm này có niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ XX.
Tuy có ba giai đoạn với những loại sản phẩm đặc trưng cho từng giai đoạn nhưng kỹ thuật sản xuất ở khu lò cổ này khá thống nhất: Cấu trúc lò gốm (loại lò ống-lò tàu), kỹ thuật tạo dáng (bàn xoay, in khuôn), hoa văn, phương pháp chồng lò và nung gốm, sản phẩm của hai giai đoạn đầu (lu, khạp, siêu, nồi có tay cầm…) đều mang đậm dấu ấn kỹ thuật làm gốm của người Hoa. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nguồn gốc của nghề làm gốm mang tính chất sản xuất hàng hóa ở Gia Định-Đồng Nai là sự kết hợp nghề gốm của lưu dân người Việt với truyền thống kỹ thuật sản xuất gốm mà người Hoa mang vào vùng đất này trong bước đường lưu lạc kiếm sống. Từ khi được các Chúa Nguyễn cho vào định cư tại Cù Lao Phố, vùng Sài Gòn (cũ) và rải rác một số nơi khác, người Hoa sinh sống chủ yếu bằng thương nghiệp và thủ công nghiệp. Tại Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai (nay thuộc thành phố Biên Hoà) cũng có Rạch Lò Gốm, bến Miểng Sành mà qua khảo sát, các loại sản phẩm hầu như không khác biệt với sản phẩm ở khu lò gốm cổ Hưng Lợi. Các phường thợ làm gốm của người Hoa thường gồm những người “đồng hương” và chuyên sản xuất một vài loại sản phẩm: người Hẹ chuyên làm lu, khạp, hũ men nâu và men vàng ( men da lươn, da bò); người Tiều (Triều châu) chuyên làm đồ “bỏ bạch” (không men) như siêu, nồi có tay cầm…; người Quảng (Đông) chuyên làm chén, đĩa có men trắng hay men nhiều màu… Hiện nay truyền thống kỹ thuật này vẫn phổ biến ở những lò lu, lò gốm ở khu vực Quận 9-TP.HCM ( như lò Long Trường), ở Tân Vạn-TP Biên Hòa và Lái Thiệu-Bình Dương… dù các chủ lò có thể không phải là người Hoa. Cần nói thêm rằng, cho đến nay một số dân tộc ở miền Nam ( người Chăm, người Khmer…) vẫn bảo lưu kỹ thuật làm gốm cổ truyền Đông Nam Á là nặn tay, không dùng bàn xoay và nung gốm ngoài trời, sản phẩm là gốm đất nung ít có sự thay đổi về kiểu dáng, số lượng không nhiều, vì vậy sản xuất chỉ mang tính chất tự cung tự cấp.
Đối với nghề làm gốm muốn tồn tại và phát triển thì phải có vị trí thuận lợi : là nơi có hoặc gần nguồn nguyên liệu, có hệ thống đường thuỷ tiện cho việc chuyên chở hàng hóa đi nhiều nơi, gần trung tâm thương nghiệp để nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường… Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa đã có những điều kiện thuận lợi đó: nguyên liệu ở đây thích hợp cho việc sản xuất các loại gốm gia dụng và gốm xây dựng. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, làng nghề này lại ở giữa Sài gòn – nơi tập trung nhiều phố chợ nhất miền Gia Định khi ấy: “phố xá trù mật buôn bán suốt ngày đêm, là nơi đô hội thương thuyền của các nước cho nên trăm món hàng hóa phải tụ hội nơi đây”. Nam bộ khi ấy là vùng đất đang trong quá trình khai phá nên nhu cầu về đồ gốm gia dụng rất lớn, do vậy thị trường của Xóm Lò Gốm không phải chỉ là Sài Gòn-Bến Nghé mà còn là cả miền Tây rộng lớn. Từ cuối thế kỷ XIX quá trình đô thị hóa diễn ra ở Sài Gòn-Bến Nghé và một số thị tứ ở Nam bộ, sản phẩm của Xóm Lò Gốm có thêm các loại hình mới phục vụ nhu cầu xây dựng, trang trí kiến trúc của Đình, Chùa, Hội quán, phố chợ, công sở, nhà ở… Khảo sát các di tích cổ ở nhiều tỉnh Nam bộ đều thấy phổ biến các loại gốm trang trí, thờ cúng, nhiều di tích nổi tiếng với những quần thể tượng trang trí trên mái nhà hay tượng thờ, đồ thờ trong nội thất… Khu lò gốm ở Gò Cây Mai , qua khảo sát của người Pháp cho biết, bên cạnh gốm gia dụng đã sản xuất đồ gốm mang tính mỹ thuật cao như tượng gốm trang trí, tượng thờ, đồ thờ, đồ gốm lớn như chậu kiểng, đôn… được gọi chung là Gốm Cây Mai. Khu vực Gò Cây Mai cũng chỉ là một trong nhiều khu lò của Xóm Lò Gốm ở Sài Gòn xưa. Vì vậy, chắc hẳn không chỉ có lò Cây Mai sản xuất đồ gốm trang trí mỹ nghệ mà còn có cả những khu lò khác nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu rất lớn trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Vì vậy, có thể định danh các loại gốm được sản xuất ở vùng gốm Sài Gòn xưa – bao gồm nhiều khu lò, nhiều loại sản phẩm nhưng đặc sắc nhất là đồ gốm trang trí mỹ thuật – là Gốm Sài Gòn- tên gọi chỉ rõ địa bàn sản xuất một làng nghề thủ công đã từng được ghi vào sử sách và truyền tụng trong dân gian, giống như tên gọi của làng gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Hương Canh… ở miền Bắc.
Khoảng giữa thế kỷ XX, cùng với những biến cố chính trị-xã hội, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mạnh mẽ theo một quy hoạch nhất định cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho các làng nghề thủ công ở Sài Gòn- Chợ Lớn không còn điều kiện tồn tại, hoặc phải tìm điạ bàn mới để phát triển ở vùng ven ngoại thành hay xa hơn, đến các tỉnh lân cận. Đô thị hóa làm biến mất cảnh quan tự nhiên, vùng nguyên liệu không còn, kênh rạch bị lấp dần, phố xá mọc lên… Vị trí ưu đãi của một làng gốm không còn nữa, việc sản xuất không còn đáp ứng được những nhu cầu mới của thị trường mới, các lò gốm, lò gạch ngói cuối cùng của Xóm Lò Gốm ngừng sản xuất. Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa phải kết thúc vai trò của mình, nhường bước cho sự phát triển của vùng gốm Biên Hoà – Lái Thiêu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí. Sài Gòn, 1972.
- Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc – Gốm Cây Mai Sài Gòn xưa. Nhà xuất bản Trẻ,1994
- Nguyễn Thị Hậu, Đặng Văn Thắng – Kỹ thuật sản xuất của lò gốm cổ Hưng Lợi, Quận 8 TP.HCM. Tạp chí Khảo cổ học số 2/2001.
TS Nguyễn thị Hậu


Gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa
Cuối thế kỷ trước, sách Gốm Cây Mai, Sài Gòn xưa(*) đã được xuất bản. Sau đó năm 1997, Bảo tàng lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành khai quật khu lò gốm cổ Hưng Lợi (tục gọi lò Cây Keo, ở phường 16, quận 8): đưa ra ánh sáng những phát hiện thêm về làng gốm đầu tiên ở đất Sài Gòn này. Nay dựa trên những gì mới tìm thấy được, xin nói thêm đôi điều về Gốm Cây Mai, về xóm Lò Gốm.
Xóm Lò Gốm là địa danh được ghi bằng văn tự lần đầu tiên trên bản đồ Gia Định – Sài gòn do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815. Sau đó không lâu, địa danh này được kể đến trong bài Phú Cổ Gia Định phong cảnh vịnh:
Cắc cớ chợ Lò Rèn, chạc chạc nghe nhà Ban đánh búa;
Lạ lùng xóm Lò Gốm: chơn vò vò Bàn cổ xây trời.
Như vậy, Xóm Lò Gốm hình thành muộn nhất là cuối thế kỷ 18. Nói cách khác, cùng với các làng nghề khác (như xóm Chậu, xóm Chỉ, xóm Bột, xóm Dầu/ Phụng du lý, chợ Lò Rèn, chợ Đũi… ), xóm Lò Gốm đã ra đời cuối thế kỷ 18 và thịnh đạt sau khi chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh kết thúc, khoảng sau 1790 trở về sau – đặc biệt những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. gốm Cây Mai là sản phẩm do cộng đồng thợ gốm di dân người Hoa tạo tác. Do đó, sự hình thành của xóm Lò Gốm ở xứ Đề Ngạn (Sài Gòn xưa) gắn bó nhân quả với việc tụ cư ở đây của các nhóm người Hoa lưu tán vì chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh từ Cù Lao Phố (Biên Hòa), Mỹ Tho (Tiền Giang) và thậm chí cả từ Hà Tiên hồi những năm 70, 80 của thế kỷ 18, dữ kiện lịch sử tụ cư này cũng khớp với nhận định nêu trên.
Sách Monographie de province de Biên Hòa (Ménard, 1901) cho biết: “theo thỏa thuận với người Hoa ở Chợ Lớn (hiểu là Đề Ngạn – Sài Gòn xưa) những người làm gốm ở Biên Hòa không được sản xuất loại sản phẩm Cây Mai”. Điều này chỉ ra: 1, Thợ gốm Cây Mai đã có một số người chuyển lên Biên Hòa lập nghiệp (theo kết quả điều tra trong năm 2003 thì gốm Cây Mai không chỉ dời về Biên Hòa, Lái Thiêu mà có một xóm gốm trung chuyển ở vùng TườngThọ, Thủ Đức – nay vẫn còn dấu vết); và 2, Họ đã có tổ chức “phường hội” để định ra những thỏa thuận trong công việc làm ăn.
Mới đây, trong cuộc điều tra tổng thể về các cơ sở tín ngưỡng ở các quận huyện tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi phát hiện “trụ sở” của các lò gốm Cây Mai, gọi là “Đào lư Hội quán”, ở đình Phú Hòa (phường 12, quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Tấm biển này ghi được làm năm Giáp Thân (1884 hoặc 1944?), chữ viết do “Bổn hội Mạch Chiếu Minh Thư”. Phát hiện này là bằng cớ chỉ ra tính chất phường hội của giới chủ lò và thợ gốm Cây Mai xưa và đồng thời góp phần xác định “trung tâm” của xóm Lò Gốm. Cũng cần lưu ý: hiện đình có thờ ba pho tượng vốn của chùa Giải Bịnh gần đình, gồm tượng Chơn Võ, Huê Quang và Nam Triều Đại Đế, là những đối tượng thờ tự của cộng đồng thợ gốm Phước Kiến ở Bình Dương (Tân Khánh, Lái Thiêu, Bà Lụa, Chòm Sao…). Điều này chỉ ra rằng chùa Giải Bịnh là trụ sở của Đào Lư Hội quán. Mặt khác cũng chỉ ra gốc gác của gốm Cây Mai và mối liên hệ của xóm Lò Gốm với các làng gốm ở Bình Dương – đặc biệt là làng gốm Lái Thiêu.

Biển: Đào Lư Hội Quán. Đình Phú Hòa. "Giáp thân tuế mạnh đông cốc đán tạo Bổn hội Mạch chiếu Minh Thư"
Biển: Đào Lư Hội Quán. Đình Phú Hòa. “Giáp thân tuế mạnh đông cốc đán tạo Bổn hội Mạch chiếu Minh Thư”
Từ “trung tâm” này chúng tôi tiến hành khảo sát lại một vòng rộng có bán kính từ 2 đến 3, 4 cây số để tìm lại các di vật gốm Cây Mai, chủ yếu là xem xét các tượng thờ ở các đình, chùa miếu trong vùng. Kết quả là có một loạt tượng thô phác đáng chú ý:
Ba tượng gốm đất nung sơn màu: 1, Chơn võ; 2, Huê Quang; và 3, Nam Triều Đại đế của chùa Giải Bịnh, gần bên đình Phú Hòa (nay tượng được thờ trong đình).
Bộ tượng đất nung Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi ở miếu thờ thuộc đình Phú Đinh (quận 8).
Các tượng gốm sơn màu Quan Công, Thiên Hậu Nguyên Nhung, Kim Huê phu nhân và các tượng Cô, Cậu… ở chùa Từ Quang (191 Ba Tơ, quận 8).
DFGIEP042415
Tượng Lưu Bị

Bộ ba tượng gốm đất nung Quan Công Châu Thương – Quan bình ở chùa Thiên Phước (1581), Phạm Thế Hiển, quận 8.
Nói chung, các bộ tượng tại các địa điểm trên đều biểu hiện sự “non kém” về kỹ thuật dựng hình cũng như trình độ mỹ thuật so với tượng gốm men màu Cây Mai phổ biến mà chúng ta đã thấy. Trái lại, nó khá gần với loại tượng thờ nặn bằng đất sét (có trộn các chất phụ gia như vôi, giấy, sợi bông vải v.v… gọi chung là nê tố) mà di tích hiện tồn mà tiêu biểu là Quan Công ở chùa Phước Long nằm trong vùng này (288 Hậu Giang, phường 9, quận 6).
DFGIEP042415
Tượng Quan Công
Đất sét sơn màu (Nêtố)
Chùa Phước Long
Việc dựng hình đặc trưng của loại tượng gốm đất nung này là các pho tượng ngồi ở trong Từ Quan, có lẽ là tượng Minh Vương: phần tượng gốm phải nhờ chiếc ghế/ ngai gỗ mới ngồi được. Nếu không có ghế gỗ thì đài bệ gốm vẫn còn đậm dấu ấn của kết cấu gỗ dạng bậc cấp (tượng Thiên Hậu Nguyên Nhung và Kim Hoa phu nhân). Nói chung, kỹ thuật dựng hình phản ánh dấu ấn của kỹ thuật đắp tượng nê tố.
Về trang trí trên trang phục chúng ta cũng thấy rõ việc áp dụng hai kỹ thuật trang trí thuộc kỹ pháp nê tố: 1, Dùng các lát đất in khuôn các mảng rời (mũ, giáp, mây, rồng… trên long bào) để gắn vào cốt tượng; và 2 là, dùng kỹ thuật “bắt bông” (hiểu là cách trang trí giống như bắt bông kem trong nghề làm bánh) . Ở đây, nghệ nhân gốm dùng giấy quấn thành ống hình nón, đoạn đổ đất nguyên liệu vào đó và bóp mạnh để tạo thành sợi mà tạo nên các hoa văn. Kỹ thuật in khuôn áp dụng cho các đồ án phức tạp, còn kỹ thuật “bắt bông” áp dụng cho các đồ án trang trí đơn giản, bố cục thưa thoáng. Kỹ thuật này về sau được áp dụng trang trí tượng gỗ, tượng làm bằng giấy bồi gọi là kỹ thuật “sơn xe” (nguyên liệu chính gồm dầu chai, bột thạch cao).
DFGIEP042415
Tượng Thiên Hậu Nguyên Quân
(Đài bệ và lỗ khoét ở lưng để yểm tiền đồng còn dấu ấn tượng gỗ)
DFGIEP042415
Tượng Minh Vương ở chùa Từ Quang.
Tượng đặt ngồi trên ghế gỗ.
Những gì trình bày trên đây, chúng tôi muốn lưu ý rằng sản phẩm gốm mỹ thuật của xóm Lò Gốm (gọi chung là Gốm Cây Mai) có giai đoạn khởi phát với loại tượng gốm đất nung còn đậm dấu ấn của loại tượng nê tố và ít nhiều còn “hoài niệm” về tượng gỗ. Theo đó, việc hình thành làng nghề xóm Lò Gốm là một quá trình tiệm tiến hơn là sự chuyển giao ngành “công nghệ miếu vũ” có tính chất tốc hỷ, sản xuất các tượng thần, Phật và quần thể tiểu tượng men màu xinh đẹp. Ở đây, cũng cần lưu ý là loại tượng đất nung sơn màu cây mai đến nửa đầu thế kỷ 20, có một dòng phái sinh ở vùng Hoá An (Biên Hòa): tạo nên một tập thành tượng gốm đất nung sơn màu/ thếp vàng đặc sắc vừa có thừa kế truyền thống cây mai vừa có nhiều đổi thay về kỹ pháp dựng hình và trang trí (**). Việc phân biệt như vậy là cần thiết trong việc tìm hiểu về tượng gốm đất nung hiện còn tại các cơ sở ở Nam Bộ.
Huỳnh Ngọc Trảng
(*) Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn đại Phúc: Gốm Cây Mai Sài Gòn xưa, NXB Trẻ, Tp.HCM, 1994.
(*) Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn đại Phúc và các tác giả: Tượng Gốm Đồng Nai – Gia Định, NXB Đồng Nai, 1997.

Xóm Làm Bếp Lò Gốm Làng Phú ĐỊnh (Quận 6-Tp.Hcm)
(Tư liệu điền dã khảo cổ học)

Xóm làm bếp lò gốm thuộc làng Phú Định (quận 6) nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Luông, ven kênh Ruột Ngựa và đối diện với làng Hòa Lục có di tích lò gốm cổ Hưng Lợi nổi tiếng. Làng Phú Định  và Hòa Lục là hai làng cổ còn giữ nhiều nét cảnh quan tự nhiên, nằm trong phạm vi của xóm lò gốm xưa. Gọi là “xóm làm bếp lò”nhưng thực ra trong xóm chỉ còn 7-8 gia đình làm nghề này, thợ chính là người trong nhà và mướn thêm một số thợ phụ là bà con hàng xóm. Không như quá trình sản xuất những sản phẩm gốm hiện đại, việc sản xuất bếp lò gốm – còn gọi là “nắn ông lò”- thợ chính thường tự làm mọi khâu kỹ thuật cơ bản: xử lý nguyên liệu, tạo dáng và đốt lò nung. Thợ phụ chủ yếu là tạo miếng chắn lò hay vận chuyển sản phẩm vào- ra lò. Việc sản xuất theo từng mẻ lò, tức là làm hết một khối lượng nguyên liệu nhất định ra thành phẩm rồi mới làm tiếp mẻ sau. Tùy theo mức độ tiêu thụ (và thời tiết ) mà mỗi lò có 4-5 hay 8-9 người thợ.

1) Nguyên liệu : Nguyên liệu dùng “nắn ông lò” không cần loại đất thật tốt hay phải xử lý phức tạp. Tuy nhiên vẫn phải bào đảm yêu cầu cơ bản là chịu nhiệt cao do chức năng của sản phẩm. Khoảng hơn hai mươi năm trước, nguyên liệu làm bếp lò gốm được khai thác tại chỗ : mỗi khi nước ròng người ta lội ven kênh Ruột Ngựa, gạt lớp đất bùn dơ bẩn bên trên dày khoảng 0,5m là tới lớp sét xám đen, mịn dẻo dùng “nắn ông lò” rất tốt. Nhưng hiện nay kênh Ruột Ngựa bị ô nhiễm nặng nề, lớp bùn bên trên ngày càng dày và thẩm thấu xuống làm lớp sét phía dưới không còn tinh chất. Vì vậy, nguyên liệu hiện nay được khai thác chủ yếu ở khu đất ruộng Cầu Bà Tàng ( quận 8), cách xa khoảng 8km, dùng ghe nhỏ chở theo kênh Ruột Ngựa mất khoảng 2 giờ. Mỗi ghe đất khoảng 5 – 6m3 chia cho 3 – 4 gia đình làm bếp lò.

Ngoài đất sét, nguyên liệu làm bếp lò gốm còn có than từ trấu hun thành. Một đống trấu khoảng 0,5m3 hun âm ỉ trong khoảng một ngày một đêm cho cháy thành than đen mịn (chưa thành tro).  Việc hun trấu phải có kinh nghiệm lựa vị trí đổ đống trấu và thời điểm hun trấu vào lúc lặng gió. Nếu gặp gió lớn trấu sẽ cháy thành tro màu trắng thì không thề sử dụng được, hoặc nếu trấu cháy chưa thành than thì trộn vào đất sét lại làm nứt bếp lò khi nung.
Đất sét ruộng mang về được ngâm trong nước từ 2 – 3 ngày làm tăng độ mịn dẻo và lắng bỏ những tạp chất. Sau đó trộn than trấu vào với tỉ lệ thường là 2/3 đất và 1/3 than trấu, hoặc tăng giảm chút ít tùy theo kinh nghiệm, thói quen của từng người thợ. Việc trộn than trấu vào đất sét là nguyên tắc bắt buộc để làm tăng độ chịu nhiệt của bếp lò khi nung và nhất là trong quá trình sử dụng sau này. Kỹ thuật pha trộn nguyên liệu rất đơn giản, người thợ dùng chân dẫm đạp liên tục, nhào cho đất sét và than trấu trộn đều thành một hỗn hợp mịn, mềm nhuyễn như bùn non là đạt yêu cầu. Sau đó vun gọn lại thành đống, dùng lá dừa nước đậy lên để giữ độ ẩm. Khối lượng nguyên liệu này được sử dụng chỉ trong khoảng 1 – 2 ngày, đủ để tạo ra một số lượng bếp lò đủ nung trong một mẻ, đồng thời nguyên liệu còn giữ được độ ẩm, độ mềm dẻo.

2)Tạo dáng : Đây là công đoạn chính được tiến hành theo trình tự nhất định. Thông thường thợ “nắn ông lò”tự hoàn chỉnh những sản phẩm của mình theo từng bước.

- Bước 1 : Quay : là thao tác tạo dáng cơ bản cho bếp lò bằng khuôn. Khuôn bếp lò làm bằng xi măng, hình chóp cụt, kích thước tùy theo sản phẩm, thường có 5 loại đánh số thứ tự từ 1 đến 5 theo kích thước nhỏ đến lớn. Khuôn đặt trên giá kê bằng gỗ cao khoảng 0,8 – 1m vừa tầm để người thợ làm việc ở tư thế đứng và đi vòng quanh khuôn. Khuôn để theo chiều đứng của bếp lò, người thợ bốc từng nắm lớp nguyên liệu có rắc thêm ít cát mịn để chống dính cho vào phía trong của khuôn, tạo đáy trước và trát dần lên thành khuôn. Mỗi lớp đất dày khoảng 1 – 1,5cm được người thợ dùng tay phải ấn vuốt liên tục cho ép chặt vào khuôn, động tác này được thực hiện khi người thợ đi lùi vòng quanh khuôn. Tiếp theo là một lớp đất nữa cho đến khi đạt độ dày cần thiết của thành bếp lò (từ 3 – 6cm). Sau khi dùng cả hai tay vuốt trong và mép miệng cho thật chặt, người thợ bê khuôn ra chỗ phơi, lật úp ( đáy lò lên trên) và nhấc khuôn ra để phơi sản phẩm. Thao tác quay lò được làm ngoài sân, cạnh nơi để nguyên liệu và xung quanh là chỗ trống để phơi sản phẩm mà không phải di chuyển nhiều. Nếu trời nắng phơi độ 2 ngày, trời mưa phơi trong nhà hoặc đậy liếp lá dừa nước thì phơi 3 hoặc 4 ngày. Những người thợ quay lò cùng làm cho đến hết nguyên liệu mới bắt tay sang bước kế tiếp.

- Bước 2 : Nắn gù : là thao tác tạo ra 3 giá kê trên thành miệng bếp lò, còn gọi là “nắn kiềng”. Người thợ ngồi ở một đầu ghế dài, đầu kia đặt thân bếp đã được phơi. Dùng tay nắm từng nắm đất đắp lên 3 vị trí cân xứng trên thành bếp và ấn vuốt cho dính chắc và bằng phẳng. Sau đó lại đem phơi cho giá kê khô ráo.

Ở hai bước quay và nắn gù, người thợ dùng tay là chủ yếu, tư thế đứng và đi lùi (quay) hoặc ngồi (nắn gù). Dụng cụ ngoài khuôn, giá kê và ghế dài, có thêm một thanh tre mỏng dài 20 – 25cm dùng để gạt đất để thành miệng lò và các giá kê bằng phẳng. Thanh tre này còn nhằm xóa đi dấu tay mà một số người thợ ít kinh nghiệm để lại khá rõ.

- Bước 3 : Cắt gọt : là thao tác tạo miệng lò, cửa lò và sửa sang sản phẩm, được người thợ tiến hành một cách tỉ mỉ và cẩn thận nhất. Tư thế làm việc vẫn như ở bước nắn gù nhưng có thêm sự hỗ trợ của công cụ chuyên dụng là dao cắt bằng sắt và bàn đập bằng gỗ. Tay phải người thợ cầm dao cắt dài và mỏng, lưỡi cong nhọn dần về mũi ( gần giống lưỡi liềm), nhát cắt nhanh gọn và đúng vị trí định trước. Tay trái người thợ vuốt nhanh những rẻo đất bị cắt rời, sau đó dùng bàn dập bằng gỗ - giống như chiếc bay gỗ của thợ hồ - vỗ mạnh vào chỗ vừa cắt cho bằng phẳng và chắc chắn. Thứ tự các bước cắt gọt là :

* Tạo dáng giá kê : dùng dao cắt khối đất đã đắp trên thành miệng lò thành khối vuông nhưng cạnh phía lòng bếp cắt thành hình mũi tên để thành bếp được tròn đều và thoáng.

* Tạo miệng lò : khoảng giữa hai giá kê ( bất kỳ) người thợ cắt một đoạn thành lò dài khoảng 8 – 10cm, cao 6cm. Sau khi cắt rời, miếng đất được chuốt láng và lắp vào vị trí cũ. Đây là miệng lò có thể tháo lắp khi đun nấu bằng than hoặc củi.

* Tạo cửa lò : sát đáy và cùng phía với miệng lò, người thợ cắt cửa lò thành một hình thang, kích thước tùy từng cỡ bếp. Đây là chỗ để cào than tro.
Trong thao tác cắt gọt, người thợ liên tục nhúng dao vào nước để giảm ma sát, đồng thời làm cho sản phẩm thêm láng bóng.

- Bước 4 : Làm miếng chắn lò : Công việc này thường do thợ phụ là phụ nữ làm riêng, thao tác đơn giản, nhẹ nhàng. Người thợ nặn đất thành những miếng tròn dẹt, dày khoảng 1 – 1,5cm, đường kính phù hợp với khoảng cách giữa ½ chiều cao thân lò. Miếng chắn lò nằm giữa miệng và cửa lò. Sau khi phơi cho ráo, dùng một ống trúc dài độ 10-15cm, đường kính 1- 1,5m đục những lỗ nhỏ trên miếng đất theo vòng tròn vào giữa tâm. Do quen tay nên người thợ làm nhanh tay, thậm chí không cần nhìn vào miếng đất mà những lỗ thủng vẫn cách đều nhau. Đất làm miếng chắn lò có thể dùng nguyên liệu mới trộn với đất dư thừa trong các bước trên để tiết kiệm. Miếng chắn lò dùng để gác than hoặc củi khi đun bếp, tro sẽ theo các lỗ nhỏ rơi xuống đáy lò và được cào ra ngoài qua cửa lò.
Đến đây hoàn tất công đoạn tạo dáng. Bếp lò được chồng úp từng cặp, miếng chắn lò để riêng, chờ xếp vào lò nung.

3) Quá trình nung:
- Nguyên liệu: các lò nung bếp lò gốm sử dụng trấu là nguyên liệu chính, cùng với củi điều (là những cây điều già cỗi bị chặt ở vùng trồng điều Bình Dương, Bình Phước).

- Cấu trúc lò nung: khá đơn giản, thể tích gọn nhỏ, thường được xây gần kênh Ruột Ngựa theo hướng bầu lửa về phía kênh. Lò nung cũng có bầu lửa, cửa hậu, ống khói, lòng lò, các vách lò nhưng không có nóc lò. Toàn bộ lò nung nằm trong một ngôi nhà rộng lớn hơn, trống trải và có mái tôn khá cao. Đây là nơi để phơi sản phẩm khi trời mưa, cũng là nơi để củi, trấu và sản phẩm sau khi nung.

- Lò nung bếp lò gốm thường có hình vuông hoặc gần vuông. Kích thước nhỏ nhất 2,5 x 2,5m, lớn nhất 4x5m, cao từ 1,5 – 2m. Bầu lò phía kênh Ruột Ngựa, tường đối diện có cửa hậu và ống khói, 2 vách hai bên được đắp khá dày. Lò xây bằng gạch lớn.

·   Bầu lửa: ở khoảng giữa vách lò, hình bán nguyệt, đường kính 0,5 – 0,8m, thấp hơn nền lò khoảng 0,5m. Trên bầu lửa là cửa lò rộng 0,5 – 0,8m, cao 0,6m. Bên trên cửa lò là giá kê bằng sắt đỡ một thùng phuy đựng trấu, trong có hai cây tre nhỏ dài, đầu bịt sắt để gạt trấu xuống.
·   Vách đối diện bầu lửa: có cửa hậu, kích thước 0,8 – 1m, dùng để đưa sản phẩm vào nung và lấy ra. Ống khói xây bằng gạch thẻ thành từng cột vuông 0,3 X 0,3m trong rỗng lòng, thường có 2 ống khói ở hai góc của vách hậu. Đối diện bầu lửa có một hố nhỏ sâu khoảng 0,5m, từ đó có 2 đường rãnh nhỏ sát chân vách hậu dẫn đến 2 ống khói. Đây chính là đường dẫn khói.
·   Xếp sản phẩm vào lò nung: sát nền lò là những hàng “chân lò”. Đó là những con kê hình dáng giống bếp lò nhưng không có giá kê và làm méo một bên để có thể áp xuống mặt đất. Chân lò xếp cách nhau 8-10 cm theo chiều ngược nhau. Các bếp lò xếp nghiêng trên chân lò và cũng ngược đầu nhau, giữa các bếp lò có các con kê đất, nhằm giảm sự va chạm làm méo hay nứt vỡ. Cứ chồng 4 hàng khắp lò lại phủ một lớp trấu, còn củi điều chẻ nhỏ xếp xen kẽ giữa các chồng bếp lò. Cứ thế bếp lò được xếp cao gần bằng vách lò. Các miếng chắn lò đã được đặt vào trong bếp trước khi chồng lò, để khi nung miếng chắn lò sẽ gắn chặt vào thành lò.
Sau khi chồng lò xong, cửa hậu được bịt lại bằng gạch và đắp đất cho kín. Kỹ thuật chồng lò đảm bảo tận dụng tối đa khoảng trống trong lòng lò bằng cách xếp bếp lò ngược nhau, đồng thời vẫn thông thoáng để lửa cháy đều, thoát khói tốt, đảm bảo sán phẩm chín đều.
- Nung: Lửa được đốt ở bầu lửa khoảng 2 -3 giờ, sau đó bắt đầu tiếp lửa bằng trấu ở cửa lò. Nung như vậy trong 1 ngày đêm. Khói thoát ra phía trên lò nung. Sang ngày thứ hai người ta dùng đất sét trộn phế phẩm đập nhỏ đắp nóc lò lên chồng sản phẩm trên cùng. Nóc đắp vòng cao và có một số lỗ thoát hơi để nóc khỏi nứt. Tiếp tục đốt trấu 1 ngày đêm nữa và bịt kín cửa lò, ủ tiếp trong 2 ngày. Như vậy để hoàn tất một mẻ nung mất 4 ngày

4)Thành phẩm: mỗi mẻ nung được khoảng 300- 400 bếp lò, tỷ lệ thành phẩm khoảng 95%. Số phế phẩm có thể được “hàn” lại nếu nứt nhẹ và bán với giá rẻ, còn lại được tận dụng đập nhỏ, trộn với đất bùn để đắp nắp lò hoặc vá lò. Sản phẩm đạt yêu cầu phải chín đều có màu gạch đỏ tươi, không nứt méo, chắc nặng, láng bóng. Lúc này bếp đã có thể sử dụng được ngay, nhưng gần đây, để tăng độ thẩm mỹ và chống thấm nước, bên ngoài bếp lò được bọc thêm lớp vỏ thiếc (tận dụng từ các thùng thiếc bỏ đi). Công đoạn này hiện được làm ở khu xóm Củi (quận 8).

Khoảng từ 1985 – 1986 trở về trước, sản phẩm của xóm lò bếp lò làng Phú Định tiêu thụ mạnh ở cả nội và ngoại thành TpHCM, ở một số tỉnh miền Đông và ra tận một số tỉnh Nam Trung Bộ. Nhưng hiện nay, cư dân nội thành Tp.HCM hầu như đã chuyển sang dùng bếp dầu, bếp ga nên bếp lò gốm chỉ còn tiêu thụ ở ngoại thành một ít. Phần lớn sản phẩm vẫn được bán ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Đà Lạt để làm bếp than vì chất đốt chủ yếu vùng này là than củi. Trong khi đó, ở miền Tây Nam Bộ đã phổ biến loại bếp cà ràng và bếp lò đắp cố định dùng trấu, trừ những gia đình sống trên ghe xuồng để buôn bán hay khai thác thủy sản. Điều này cho thấy điều kiện sống và chất đốt là yếu tố quan trọng để cư dân mỗi vùng sử dụng một loại bếp lò khác nhau.

Hiện nay, nghề làm bếp lò và xóm làm bếp lò ở làng Phú Định hầu như không còn nữa, do sản phẩm tiêu thụ ngày càng ít, và người làm nghề này do thu nhập thấp nên cũng lần lượt bỏ nghề. Nhưng chủ yếu là do khu vực này đã được đô thị hóa. Đường phố thay thế làng xóm, nhà cao tầng của lớp cư dân mới đã thay thế những ngôi nhà đơn sơ trước đây. Ghi nhận kết quả nhiều lần khảo sát  xóm làm bếp lò gốm làng Phú Định (1998 – 2002) chúng tôi muốn góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu nghề làm gốm đất nung nói riêng và các nghề thủ công nói chung, cũng là nhằm lưu lại những di sản văn hóa vật thể - phi vật thể độc đáo của vùng đất Tp.HCM./.

Nguyễn Thị Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét